Lịch sử nhân loại cho thấy, từ xa xưa con người đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn những giá trị lịch sử truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và sự tiến bộ chung của xã hội. Cũng chính vì thế mà bảo tàng sớm ra đời nhằm gìn giữ, lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (gồm cả vật chất và tinh thần), góp phần tạo nên sức mạnh nội tại cũng như khẳng định vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển.
Ở Việt Nam, bảo tàng xuất hiện cùng với các hoạt động khai thác thuộc địa của người Pháp, sớm nhất là các bảo tàng: Bảo tàng Khải Định (1923), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (1929), Bảo tàng Lous Finot (1932) ở Hà Nội… Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước đã sớm đề ra những chính sách để giữ gìn, bảo vệ di tích, hiện vật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho sự nghiệp bảo tàng. Trải qua các giai đoạn lịch sử, cách mạng, hệ thống bảo tàng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đồng thời từng bước khẳng định vị trí cũng như có những đóng góp xứng đáng đối với sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, quy định: “Bảo tàng là một thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”. Từ đó dẫn tới khái niệm về bảo tàng công an nhân dân (CAND): “Là thiết chế văn hóa của lực lượng CAND có chức năng quản lý nhà nước và thực hiện sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về quá trình xây dựng, phát triển và cống hiến của lực lượng công an, của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND và công chúng nói chung”. Và di sản văn hóa CAND (gồm cả vật thể và phi vật thể) chính là những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được gìn giữ, lưu truyền qua các giai đoạn xây dựng, phát triển của lực lượng CAND.
Từ những khái niệm trên đây, có thể thấy rằng, Bảo tàng CAND có vai trò quan trọng đối với công tác giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng CAND và bảo tồn di sản văn hóa CAND – bộ phận hợp thành di sản văn hóa dân tộc.
Đối với công tác giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng, xây dựng lực lượng CAND
Trong nhiều năm qua công tác bảo tàng truyền thống CAND luôn được ngành công an coi trọng và có những đóng góp to lớn đối với công tác giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng và xây dựng lực lượng CAND, trong đó bảo tàng và hệ thống các nhà truyền thống CAND là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
Bảo tàng CAND với tư cách là một thiết chế văn hóa, với chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với các điều kiện cần thiết khác về nhân lực, cơ sở vật chất, đặc biệt là với “công cụ” cơ bản và chủ yếu, đó là nguồn tài liệu hiện vật – những di sản văn hóa, đã thực hiện chức năng tuyên truyền, giới thiệu đến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an, nhất là thế hệ trẻ và quần chúng nhân dân về những giá trị truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND. Hiện vật bảo tàng chính là nguồn sử liệu đầu của kiến thức, là hiện vật gốc cung cấp những thông tin gốc, có biểu cảm và nhạy cảm sâu sắc, phản ánh đầy đủ nội dung khoa học, sinh động, chân thực và có tính thuyết phục cao. Thông qua đó, bảo tàng góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ CAND về tinh thần yêu nước, yêu ngành; tình cảm cách mạng và lòng trung thành, tận tụy đối với tổ quốc và nhân dân; đồng thời, qua việc học tập, noi gương, cán bộ, chiến sĩ sẽ xác định động cơ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao ý chí, quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, giới thiệu và phổ biến các giá trị của di sản văn hóa CAND, Bảo tàng CAND đã đóng góp hiệu quả trong việc giới thiệu đến công chúng về những thành tựu, cống hiến, sự hy sinh thầm lặng và truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND, từ đó làm cho nhân dân thêm tin yêu và giúp đỡ lực lượng CAND.
Những đối tượng cụ thể được “hưởng lợi” nhiều nhất từ thành quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục và các hoạt động nghiệp vụ nói chung của Bảo tàng CAND và hệ thống các bảo tàng, nhà truyền thống CAND chính là học sinh, sinh viên các trường CAND. Với chương trình giáo dục ngoại khóa, học tập lịch sử truyền thống tại bảo tàng và các hoạt động liên kết, phối hợp giữa nhà trường với bảo tàng, ngay từ những ngày đầu gia nhập lực lượng CAND, học sinh, sinh viên đã được tiếp cận với nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp một cách trực quan, sinh động, từ đó thêm tin yêu, tự hào và vững bước trên còn đường mình đã chọn.
Một khía cạnh quan trọng khác, đó là từ thực tiễn tổ chức các hoạt động bảo tàng truyền thống CAND với việc tiếp cận, nghiên cứu và phát triển các giá trị lịch sử, văn hóa, lực lượng CAND có thêm những kinh nghiệm cần thiết để đánh giá, tổng kết, phục vụ tổ chức triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Và đặc biệt, trong tình hình hiện nay, trước những âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước Việt Nam, thì thành tựu đóng góp của hoạt động bảo tàng truyền thống CAND nói chung có vai trò quan trọng đối nhiệm vụ xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Dó đó, việc tổ chức tốt hoạt động bảo tàng truyền thống và công tác tuyên truyền, giáo dục của bảo tàng CAND cũng chính là một trọng những biện pháp thiết thực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Đối với nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa CAND – một bộ phận hợp thành di sản văn hóa dân tộc
Một trong những thành tố quan trọng hình thành nên di sản văn hóa CAND đó là các di tích lịch sử văn hóa CAND. Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa là toàn bộ các hoạt động bảo vệ, phục hồi, tu bổ, bảo quản, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích ấy. Khi tiến hành các hoạt động bảo tàng truyền thống CAND, lực lượng CAND đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa CAND. Với chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo tàng truyền thống, Bảo tàng CAND có vai trò quan trọng, tham mưu, đề xuất và phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động thuộc lĩnh vực này.
Trên thực tế trong nhiều năm qua, Bảo tàng CAND đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động kiểm kê, đề nghị xếp hạng, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa CAND. Đến nay, đã có 5 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng quốc gia. Tại những di tích này, hoạt động phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị được tổ chức thực hiện đồng bộ, bài bản và đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của khoa học bảo tàng. Các di tích gốc được phục hồi dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học và có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, nhân chứng lịch sử, đáp ứng yêu cầu nguyên gốc. Hoạt động quản lý, khai thác phát huy giá trị với nhiều hình thức thu hút khách tham quan, góp phần tuyên truyền, giới thiệu về di sản và phát triển du lịch địa phương.
Mặt khác, di sản văn hóa CAND là các sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học do lực lượng CAND sáng tạo trong quá trình xây dựng, chiến đấu, phát triển đã và đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng, nhà truyền thống CAND chính là những “bằng chứng vật chất và tinh thần” khách quan, chân thực khẳng định giá trị truyền thống tốt đẹp của lực lượng CAND.
Hiện vật bảo tàng với tư cách là những thành tố hình thành nên di sản văn hóa CAND chứa đựng nhiều thông tin đã được kiểm chứng bởi quá trình xử lý về mặt pháp lý, khoa học và được tổ chức bảo quản lâu dài bằng các biện pháp, phương tiện khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ bảo tàng. Đồng thời, khi tiến hành các hoạt động truyên truyền, giới thiệu đến công chúng về hiện vật, sưu tập hiện vật bảo tàng, các bảo tàng, nhà truyền thống CAND, đặc biệt là Bảo tàng CAND đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ phát huy giá trị di sản văn hóa CAND – một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Bảo tàng CAND với tư cách là một thiết chế văn hóa của lực lượng CAND ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ giáo dục truyền thống, xây dựng lực lượng và bảo tồn di sản văn hóa CAND – bộ phận hợp thành di sản văn hóa dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : NGUYỄN THANH HOA
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn