Quán triệt quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong các nhà trường quân đội, trọng tâm là ở các học viện, trường sĩ quan (HV, TSQ) hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 86/NQĐUQSTW về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở các HV, TSQ đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo ở các HV, TSQ. Đội ngũ nhà giáo được kiện toàn và phát triển đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao, tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong quân đội… Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đạt được, công tác giáo dục và đào tạo ở các HV, TSQ còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: việc thực hiện quy hoạch, xây dựng tổ chức biên chế của các trường còn chậm. Chương trình, nội dung đào tạo chưa đồng bộ giữa chương trình, nội dung với phương pháp dạy – học, còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đổi mới tư duy giáo dục và đào tạo trong các HV, TSQ
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới từ tư duy, nhận thức đến hành động trong mọi hoạt động giáo dục, nhằm tạo ra cách nhìn, cách nghĩ và cách làm mới về giáo dục và đào tạo, đây là vấn đề quan trọng có vai trò định hướng cho toàn bộ quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quá trình đổi mới phải bảo đảm tính khoa học, tính hệ thống và tính tính đồng bộ, bảo đảm phát triển giáo dục và đào tạo một cách bền vững, toàn diện. Đổi mới từ tư duy về giáo dục và đào tạo trong các HV, TSQ hiện nay cần đổi mới tư duy về xây dựng nguồn nhân lực giáo dục và đào tạo, bảo đảm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có được môi trường thuận lợi để họ cống hiến và trưởng thành; xây dựng cơ chế tuyển chọn giảng viên và có cơ chế chính sách đãi ngộ để tạo động lực cho họ phát huy cao nhất khả năng trong quá trình đào tạo ở các HV, TSQ.
Đổi mới tư duy về xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy học cho các đối tượng, bậc học, cấp học, cần có tư duy hệ thống trong xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy để khắc phục sự trùng lặp giữa các môn học, cấp học, bậc học và các đối tượng khác nhau, qua đó thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung, chương trình giảng dạy. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và phương pháp học, xem đây là một trong các khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các HV, TSQ. Phát huy cao nhất vai trò độc lập, sáng tạo của người học trong quá trình tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Đổi mới tư duy về công tác tổ chức, quản lý giáo dục và đào tạo từ hướng khép kín, đóng khung sang hướng mở đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục hiện đại và hội nhập. Theo đó, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về nội dung, chương trình đào tạo, quy trình, chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng lực giảng dạy của các nhà trường, đồng thời coi trọng công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.
Hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo ở các HV, TSQ
Mô hình, mục tiêu đào tạo giữ vai trò quan trọng, định hướng, chỉ đạo toàn bộ các thành tố, khâu, bước, nội dung cơ bản của quá trình đạo tạo, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo ở các HV, TSQ. Trong Điều lệ Công tác nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam đã xác định mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo: “Đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo các chuyên ngành quân sự; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, tổ quốc, nhân dân; có trình độ kiến thức, năng lực toàn diện, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo; có sức khỏe tốt, có khả năng phát triển để đảm nhiệm được chức vụ cao hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc” (1). Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, từng HV, TSQ xây dựng, cụ thể hóa mô hình, mục tiêu cho mỗi cấp học, ngành học phù hợp với đối tượng đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quá trình hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo cho các đối tượng phải quán triệt sâu sắc quan điểm và các nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ trong quân đội, trong đó chú trọng quan triệt quan điểm: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, chuyên sâu; gắn đào tạo cơ bản tại trường với bồi dưỡng tại chức và rèn luyện cán bộ trong thực tiễn; thông qua thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn và phát triển tài năng của cán bộ” (2). Thống kê, đánh giá một cách toàn diện thực trạng mô hình, mục tiêu đào tạo làm cơ sở để bổ sung, hoàn thiện theo hướng tăng cường nội dung bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, trong đó quan tâm thích đáng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Đánh giá toàn diện về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực thực hành và tư duy sáng tạo cho các đối tượng học viên, làm rõ những hạn chế bất cập, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trên cơ sở đó xác định phương hướng bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh mô hình, mục tiêu đào tạo cho các đối tượng.
Mô hình, mục tiêu đào tạo luôn gắn liền với các thành tố khác của quá trình đào tạo; do đó, hoàn thiện mô hình, mục tiêu đào tạo ở các HV, TSQ phải gắn chặt với đổi mới, hoàn thiện chương trình, quy trình, nội dung đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, cơ bản, toàn diện, phù hợp với mặt bằng chung của giáo dục quốc gia, gắn với thực tiễn quân đội, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, vũ khí trang bị hiện đại và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng.
Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa
Đây là yêu cầu quan trọng, tất yếu khách quan bảo đảm cho đội ngũ sĩ quan sau khi ra trường không bị lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và tình hình kinh tế – xã hội, yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội. Chương trình đào tạo phải đáp ứng được mục tiêu chung, vừa cụ thể hóa cho từng đối tượng và chuyên ngành đào tạo, chú trọng cả ngắn hạn và dài hạn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo theo chức vụ gắn với học vấn tương ứng, trọng tâm là chức vụ ban đầu. Đổi mới, hoàn thiện nội dung giáo dục và đào tạo sát với đối tượng tác chiến, với khả năng và cách đánh của ta, với sự phát triển của nghệ thuật quân sự và vũ khí trang bị.
Phải rà soát lại toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo hiện có, loại bỏ những nội dung lạc hậu, không cần thiết, bổ sung, cập nhật tri thức mới, hiện đại, phù hợp với mục tiêu đào tạo, tránh sự trùng lặp về chương trình, nội dung giữa các cấp học và bậc học, giữa các môn học trong một chương trình. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo cần chú trọng phát triển tư duy sáng tạo của người học, khơi dậy tính tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo của người học, bảo đảm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Tạo môi trường, cơ sở vật chất thuận lợi nhất để người học có sự hứng thú và nỗ lực cố gắng trong học tập, nghiên cứu để chuyển hóa những kiến thức từ sách vở thành sự hiểu biết của chính mình.
Cùng với đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, các HV, TSQ cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy học; bởi lẽ: phương pháp dạy học là nhân tố có vai trò quyết định việc hình thành và phát triển phương pháp tư duy, chất lượng lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng nghề nghiệp do đó được xác định là khâu quan trọng cần ưu tiên trong quá trình giáo dục và đào tạo. Quá trình tiến hành đổi mới phương pháp dạy học hiện nay cần tập trung đổi mới cách dạy, cách học, chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức “thày đọc, trò ghi” sang sử dụng tổng hợp các phương pháp dạy học hiện đại kết hợp với phương pháp truyền thống, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy, năng lực của người học. Người thày đóng vai trò định hướng, nêu vấn đề thảo luận ngắn, hợp tác, đối thoại; người thày cần định hướng tư duy, cách giải quyết vấn đề và chỉ dẫn tự học, tự nghiên cứu cho học viên qua đó giúp người học hình thành, củng cố được phương pháp học tập của mình. Phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu của người học với vai trò là chủ thể của hoạt động học tập, người học phải chủ động, sáng tạo thông qua các hình thức, biện pháp khác nhau để tích lũy kiến thức và khẳ năng xử lý các vấn đề từ thực tiễn đặt ra
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên.
Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo ở các HV, TSQ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp tới chất lượng giáo dục và đào tạo. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” (3). Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên ở các HV, TSQ không chỉ trực tiếp quyết định đến số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ giảng viên, mà điều quan trọng hơn nó sẽ quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo trong các nhà trường, quyết định đến chất lượng của người học.
Đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên ở các HV, TSQ đòi hỏi phải toàn diện theo phương hướng “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc…” (4). Đội ngũ giảng viên đòi hỏi phải giỏi cả về lý luận và thực tiễn, phải nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt nắm chắc những vấn đề về khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự… có năng lực sư phạm và khả năng nghiên cứu khoa học tốt nhằm không ngừng bổ sung, phát triển lý luận, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên, các đảng ủy HV, TSQ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên dạy giỏi, giảng viên trẻ; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập, hội thảo khoa học, thi giảng viên dạy giỏi cho giảng viên nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo phát huy hết khả năng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
______________
1. Bộ Quốc phòng, Điều lệ Công tác nhà trường quân đội nhân dân Việt Nam, ban hành kèm theo Thông tư số 51/2016/TT-BQP ngày 20- 4-2016.
2. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 769 – NQ/QUTW ngày 21-12- 2012 về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 – 2020 và những năm tiếp theo.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, Hà Nội, tr.117, 115.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : NGUYỄN QUANG CHUNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn