Bộ đội cụ Hồ, danh hiệu cao quý mà nhân dân ta dành tặng cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, phản ánh bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Trải qua hơn 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân Việt Nam luôn làm tròn chức năng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm tròn sứ mạng là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng đất nước và bảo vệ vững chắc tổ quốc. Trong quá trình đó, danh hiệu bộ đội cụ Hồ được hình thành một cách tự nhiên, trở thành tài sản văn hóa tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.
Bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ là biểu hiện cao đẹp của truyền thống dân tộc việc binh là việc nhân nghĩa, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, trăm họ là binh, toàn dân đánh giặc…, đã trở thành ý thức hệ của lớp người đi kháng chiến giành độc lập dân tộc lúc bấy giờ. Chất lính là tài sản phi vật thể ngấm sâu vào máu thịt của mỗi quân nhân, trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân. Bản chất, truyền thống ấy được thể hiện sâu sắc, cô đúc ngay trong lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quân đội nhân dân Việt Nam: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (1).
Ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thông qua 10 lời thề danh dự, long trọng xin thề: “Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống xâm lược và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước độc lập, dân chủ, tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới…” (2). Lời thề danh dự ấy trở thành sức mạnh nội tâm, cổ vũ, động viên, thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm chiến đấu và hy sinh vì độc lập của tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đó là ý chí quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Đó là sự hy sinh anh dũng của Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo… trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và là bản chất, truyền thống tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ.
Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, đó là người vệ quốc đoàn quyết tử cho tổ quốc quyết sinh 60 ngày đêm sống mãi với thủ đô Hà Nội tháng 12 – 1946; đó là người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam 56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; đó là chiến sĩ phòng không – không quân mưu trí, sáng tạo cùng nhân dân làm nên trận Điện Biên Phủ trên không, đập tan sức mạnh không lực Hoa Kỳ trên bầu trời thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 12 – 1972; đó là một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai, làm nên một ngày 30-4-1975 chói ngời sắc đỏ bởi sự hy sinh và lòng dũng cảm của những chiến sĩ Giải phóng quân; đỉnh cao là làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Tiếp nối những trang vàng lịch sử, sau khi thống nhất đất nước, quân đội ta cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Lào và Campuchia.
Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2). Ảnh Hồng Sáng
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những diễn biến mới và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, trực tiếp là sự tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường cùng những âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, âm mưu phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn kế tiếp nhau phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ. Luôn làm đúng và thực hiện tốt chức năng của một đội quân chiến đấu, công tác, sản xuất, góp phần trực tiếp vào sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể nhận thấy rằng, lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam cũng chính là lịch sử hình thành, bổ sung và phát triển những giá trị cao quý của danh hiệu bộ đội cụ Hồ. Qua đó, làm phong phú thêm những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn 72 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa bộ đội cụ Hồ và đây là chuẩn mực đạo đức, nhân cách người quân nhân cách mạng, là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thời cơ và thách thức đan xen đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nói riêng, vấn đề giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ, làm cho tấm gương sáng ấy tiếp tục tỏa sáng, luôn là niềm tin yêu, kiêu hãnh, niềm vinh dự, tự hào. Sự ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là danh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, để giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ, chúng ta cần quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ trong tình hình mới
Sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta, bảo đảm giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Vì vậy, vấn đề then chốt hiện nay là phải luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nhằm đảm bảo cho quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với tổ quốc và nhân dân, đủ sức mạnh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao phó. Tăng cường củng cố, kiện toàn, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phân công cá nhân phụ trách, coi trọng giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Tăng cường rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự là hạt nhân, nòng cốt trong việc giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Đồng thời, mở rộng dân chủ ở mọi cấp, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện chuyên quyền độc đoán, cục bộ địa phương, trục lợi cá nhân, tha hóa biến chất về đạo đức và lối sống làm tổn hại đến bản chất và truyền thống bộ đội cụ Hồ.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng truyền thống và giá trị văn hóa bộ đội cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ trẻ trong quân đội
Đây là yêu cầu khách quan trong xây dựng quân đội về chính trị hiện nay, bởi hình tượng bộ đội cụ Hồ là một nét son độc đáo, một di sản văn hóa đặc sắc, hàm chứa giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Danh hiệu đó không chung chung, trừu tượng, mà nó được biểu hiện ở những phẩm chất, giá trị văn hóa cụ thể, sinh động, đó là: trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, hy sinh chiến đấu vì lợi ích của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, luôn bình đẳng, dân chủ, thân ái với mọi người. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải nhận thức đúng vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ. Về nội dung, cần tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có lòng trung thành vô hạn với tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giáo dục tinh thần tự lực, tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đồng chí, đồng đội, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Về phương pháp, cần kết hợp giữa giáo dục chung và giáo dục riêng, thông qua sinh hoạt, thông qua những buổi diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu có thể lồng nghép những nội dung về phẩm chất bộ đội cụ Hồ để tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên quân đội.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội cụ Hồ và thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả
Đây là giải pháp quan trọng, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục sâu rộng mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của vấn đề trên. Tiếp tục gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch, xác định nội dung học tập cụ thể, thiết thực trong mỗi năm. Đồng thời, chú ý đa dạng các hình thức, phương pháp tiến hành và lồng ghép trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, chính quyền và tổ chức quần chúng để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trở thành hành động tự giác, thường xuyên trong các hoạt động của mỗi tổ chức và cá nhân. Cùng với giáo dục nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ của cách mạng, của quân đội và đơn vị, cấp ủy, người chỉ huy các cấp phải chú trọng tổ chức chặt chẽ việc nghiên cứu, học tập các chuyên đề theo quy định, làm cho toàn đơn vị nhận thức sâu sắc hơn những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nội dung xứng danh bộ đội cụ Hồ. Yêu cầu phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân. Trên cơ sở đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Bốn là, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ
Đây là nhiệm vụ quan trọng và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện diễn biến hòa bình chống phá quân đội ta. Để thực hiện tốt yêu cầu này, thiết nghĩ các đơn vị, trước hết là đội ngũ cán bộ chính trị các cấp cần coi trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tạo hệ miễn dịch cho bộ đội trước những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ của các thế lực thù địch. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng chuyên trách phải chủ động nghiên cứu dự báo, sớm phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin xấu độc, tài liệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của chúng. Các cơ quan báo chí quân đội phải bám sát thực tiễn, tích cực, chủ động triển khai bài viết nêu gương điển hình tiên tiến trong rèn luyện theo phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Đồng thời, phản bác các quan điểm sai trái, lối sống thiếu lành mạnh, ngại phấn đấu, rèn luyện, làm ảnh hưởng đến phong trào chung. Các đơn vị văn hóa nghệ thuật quân đội cần tăng cường nghiên cứu, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tính chính trị cao, tôn vinh hình ảnh bộ đội cụ Hồ cả trong thời kỳ chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, huy động lực lượng rộng rãi trong nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức tiến bộ… tiến công chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ.
_____________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435.
2. Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.134-135.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : ĐÕ NHƯ HIẾN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn