Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được hình thành dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng số, đặc biệt là việc sử dụng phổ biến internet. Nội dung của cuộc cách mạng là sự phát triển hệ thống liên kết thế giới thực và ảo trên cơ sở vạn vật kết nối internet (Internet of things – IOT) và các hệ thống kết nối internet (Internet of systems – IOS). Đứng trước những thời cơ và thách thức đó các trường đại học đã, đang, sẽ làm gì? Bài viết đưa ra nhận định, ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 cùng một số giải pháp cho các trường đại học ở Việt Nam.
Nhận diện CMCN 4.0
CMCN 4.0 là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật, cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại thường xuyên đưa lên “mây” cho bất cứ mọi người tra cứu.
IOT cho phép mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Lúc đó người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng. Đặc biệt nếu sử dụng iPod thông minh người học có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này tri thức cơ bản không phải là những sự kiện cần phải ghi nhớ.
CMCN 4.0 mà chúng ta đang ứng dụng sẽ tạo ra một thế giới trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Nó là các làn sóng của những đột phá vượt bậc trong các lĩnh vực khác nhau, từ mã hóa chuỗi gene cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Nó đang và hứa hẹn tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng.
Ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với các trường đại học ở Việt Nam
Để tận dụng thế mạnh IOtheo mô hình mới phải là sự kết hợp 2 phương thức đào tạo trực tuyến và truyền thống.
Trước đây người ta học ở trường, về nhà làm bài tập. Giờ thì ngược lại, kiến thức mà thày giáo giảng được sinh viên học ở nhà qua trực tuyến, và đến lớp chỉ để tương tác với thày giáo, để hỏi những gì họ chưa rõ.
Khi tất cả các trường đại học trên thế giới được kết nối với nhau, thì sinh viên nước này chỉ cần bật thiết bị là biết các thày ở nước khác đang dạy gì. Do đó việc đào tạo lúc này không chỉ cho sinh viên Việt Nam mà là cho sinh viên toàn cầu. Đứng trước những vấn đề nêu trên, thư viện trường đại học cần làm gì để cùng hòa nhập và phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0.
Cần phải thay đổi quan niệm việc làm trong thế giới kết nối IOT. Người tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không nhất thiết phải xin việc ở Việt Nam mà có thể làm việc ở các nước khác. Người có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học không phải là người hàng ngày đến công sở cố định điểm danh làm mà có thể làm việc qua internet. Ở Việt Nam nhưng vẫn có thể làm việc cho những doanh nghiệp ở Mỹ trong xã hội kết nối.
Tiến bộ công nghệ 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, thị trường chủ yếu chỉ cần những việc đòi hỏi lao động sáng tạo ở trình độ cao. Các trường đại học truyền thống không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần nên tấm bằng đại học truyền thống không đủ để tồn tại trong cuộc CMCN 4.0.
CMCN 4.0 cùng các thiết bị thông minh đã hình thành mô hình trường học trực tuyến với những ưu điểm nổi bật: chương trình luôn thay đổi và được cập nhật thường xuyên, hoàn toàn tương thích với sự phát triển của CMCN 4.0.
Hàng trăm ngàn, thậm chí nhiều triệu người sẽ thất nghiệp vì ảnh hưởng của những thay đổi do CMCN lần thứ 4 mang lại như: hợp nhất các loại công nghệ, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực. Việc bị mất việc làm không chỉ đe dọa lao động trình độ thấp mà còn cả với nhân lực có trình độ đại học và cả những người có trình độ cao nếu các trường đại học không đổi mới phương thức đào tạo.
Bên cạnh đó, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trong khu vực và trên thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho CMCN 4.0. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là các trường đại học ở Việt Nam cần làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh của thế giới.
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, các Trường đại họcphải đào tạo cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi khi công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Để đào tạo được nguồn nhân lực thích ứng với kỷ nguyên mới của công nghệ, bắt buộc các trường phải thay đổi tư duy về giáo dục, đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo theo hướng CMCN 4.0. Mục tiêu không còn là đào tạo để sinh viên ra trường có việc làm nữa, mà phải đào tạo ra những công dân toàn cầu có năng lực tư duy đổi mới và sáng tạo, có đủ tố chất để lĩnh hội các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên cách mạng số này.
Giảng viên không dạy cho người học cái mình đang có, mà phải hướng tới dạy người học sáng tạo ra cái mới. Học tập để cạnh tranh chứ không phải để lấy bằng như xưa. Mục tiêu đào tạo của đại học không phải là để tạo ra những người lao động làm công việc mà robot sẽ làm mà phải đạt tới trình độ con người làm ra được robot.
Nếu giáo dục truyền thống dạy cách đọc, cách viết thì ngày nay, cần dạy các kỹ năng truy cập và tìm kiếm thông tin trên internet. Giảng viên chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn sinh viên tiếp cận đúng thông tin cần tìm và biết loại bỏ những thông tin không liên quan hoặc tiêu cực trên internet.
Các trường đại học cần xây dựng chiến lược phát triển ngành đào tạo rõ ràng, trong đó chỉ rõ sự chuyển dịch của các ngành nghề đào tạo cũng như nâng cao kỹ năng của nhân lực được đào tạo. Các trường đại học phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng cho từng sinh viên trong việc cung cấp tài liệu cũng như trong việc tư vấn, vạch định kế hoạch học tập trong từng học kỳ, từng năm học. Cần có kế hoạch cụ thể cho sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp, nơi họ có thể làm việc trong tương lai, để từ đó các em thấy được mình còn thiếu cái gì, cần học cái gì để có kế hoạch điều chỉnh hợp lý cho mình.
Thư viện đại học là nơi cung cấp nguồn thông tin quan trọng nhất trong nhà trường. Sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau: từ các giảng viên, từ các cuộc thảo luận, hội thảo khoa học, từ các cơ sở thực nghiệm, từ thực tiễn xã hội và từ thư viện. Trong những nguồn thông tin ấy, thông tin từ thư viện sẽ là quan trọng nhất, đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất. Vì đó là những thông tin đã được sàng lọc qua nhiều khâu, hầu hết có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, được tích lũy lâu dài và được kiểm nghiệm qua thực tiễn; là nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của sinh viên.
Một số giải pháp đối với các trường đại học trong thời kỳ CMCN 4.0
Thứ nhất, cần có các chính sách rõ ràng trong việc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực, thông qua việc nâng cao kỹ năng làm việc và kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên, để có thể tận dụng được cơ hội do CMCN 4.0 đem lại. Muốn vậy, cần khuyến khích các trường, các bậc học tập trung tăng cường chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại chỗ, qua đó nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của sinh viên; đào tạo và nâng cao năng lực tiếng Anh cho giảng viên, đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp có trình độ tiếng Anh tốt; kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thực tế và cơ sở đào tạo. Coi quá trình đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm chung của các bên chứ không phải của riêng các trường; tăng dung lượng các học phần giảng dạy do các nhà làm thực tế đảm nhiệm trong các chương trình đào tạo để tăng tính thực tiễn của các chương trình đào tạo; tăng số lượng các bài báo công bố trong các tạp chí có uy tín trong nước và thế giới theo các danh mục chuẩn như ISI và Scopus, tăng tỉ lệ trích dẫn các bài báo, các công trình đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản; có những chính sách định hướng nghề nghiệp rõ ràng để tránh tình trạng học lệch, chỉ học lý thuyết mà không chịu rèn luyện kỹ năng cũng như thái độ làm việc.
Thứ hai, các trường đại học nhanh chóng thử và triển khai mô hình giáo dục đại học thông minh 4.0 trong những dự án thí điểm. Khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư đổi mới công nghệ trong đào tạo, quản lý đào tạo và chăm sóc sinh viên dựa trên thẻ thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, đẩy mạnh liên kết quốc tế, qua đó góp phần cải thiện chỉ số đổi mới công nghệ, tăng chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam.
Thứ ba, đầu tư vào các chương trình, các chính sách để cải thiện chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông thông qua các hình thức như tăng cường đào tạo về công nghệ thông tin ở các cấp học; xây dựng chuẩn đầu ra tin học đáp ứng yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, qua đó làm căc cứ và mục tiêu rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh trong quá trình học tập; xây dựng các nguồn dữ liệu mở để chia sẻ tri thức; xây dựng xã hội học tập thông qua việc phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Thứ tư, tập trung phát triển các kỹ năng thích ứng với cuộc cách mạng 4.0:
Kỹ năng sáng tạo: đây là thang tư duy cao nhất trong thang đo nhận thức của Benjamin Blom. Tư duy sáng tạo sẽ giúp con người tìm ra những giải pháp linh hoạt, thích hợp với các điều kiện kiện hoạt động, nhằm phục vụ các yêu cầu bên ngoài và nhu cầu cá nhân một cách hợp lý.
Kỹ năng hợp tác: đây là kỹ năng quan trong trong hội nhập, con người phải biết hợp tác, tương tác giữa con người với con người, giữa con người với máy móc thông minh, với mục tiêu là tồn tại, phát triển con người cá nhân và hoàn thành mục tiêu chung của nhân loại.
Kỹ năng giao tiếp: khả năng giao tiếp, truyền thông trong thời đại kỹ thuật số sẽ là chìa khóa giúp con người tiếp cận nhanh với kho tri thức và tương tác với con người, nhằm hoàn thành tốt mục tiêu công việc.
Tư duy phản biện: là khả năng phân tích, hiểu, đúc kết và phản hồi nhận thức của bản thân để mở rộng tri thức, nâng cao năng lực tư duy và sự thích ứng với môi cảnh sống.
Học tập suốt đời: ý thức học tập suốt đời (học để biết, học để làm việc, học để chung sống) sẽ giúp con người luôn sẵn sàng đón nhận và tiếp cận với cái mới, luôn sẵn sàng làm mới mình và đổi mới không ngừng tri thức cũng như năng lực tư duy của bản thân.
Có thể nghiên cứu các chính sách yêu cầu sinh viên phải học một số học phần trực tuyến để rèn luyện và tăng khả năng thích ứng linh hoạt, tăng kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh cho sinh viên.
Thứ năm, các trường đại học cần tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, thu hút các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành về giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học để giữ chân người tài, đảm bảo đời sống cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu và giảng dạy.
Cuối cùng, các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, thực hành, thư viện hiện đại về tự động hóa, kỹ thuật số, công nghệ thông tin… để tạo ra môi trường làm việc tập trung, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để cho ra đời nguồn nhân lực trẻ, trí tuệ cao.
Như vậy, CMCN 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới cho nguồn nhân lực tương lai. Với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang ý thức rõ sự tác động của cuộc CMCN này vào sự phát triển của đất nước. Một trong những tác động lớn nhất là tác động vào nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục Việt Nam, các trường đào tạo cần đổi mới để có thể tạo ra những nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn vượt trội, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để có thể đứng trên vai những người khổng lồ và tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này, đưa nước ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 – 2018
Tác giả : HUỲNH MẪN ĐẠT
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn