Các nghiên cứu về nhà nước pháp quyền (NNPQ) cho thấy, trên thực tế, trong lịch sử cho tới tận TK XIX, các nhà tư tưởng chưa bao giờ sử dụng đầy đủ cụm từ NNPQ trong học thuyết chính trị của mình. Thuật ngữ luật học Rechtsstaat (nhà nước pháp quyền) được khởi xướng bởi các học giả người Đức, trong khi đó thuật ngữ Rule of Law trong Anh ngữ hoàn toàn có một nội dung khác và État de droit không hề có trong Pháp ngữ trước đây. Khái niệm NNPQ có nguồn gốc từ chủ thuyết tự do Đức trong thời kỳ sơ khai, đặt luật pháp của nhà nước trên nền tảng của lý trí. Những người đầu tiên đề cập tới khái niệm này, Welcker, Aretin và Mohl, đều thừa nhận một điểm chung là NNPQ không phải là một hình thái đặc biệt của nhà nước mà là một thể loại nhà nước chuyên biệt. Trong khi Von Mohl và Welcker cho rằng NNPQ phải dựa trên nền tảng của lý trí hay lý tính thì Von Aretin lại nhấn mạnh đến khía cạnh khác, đó là NNPQ cai trị trên nguyên tắc ý chí chung của lý trí và chỉ nhắm mục tiêu đạt đến những điều tốt đẹp nhất. Cả ba nhà tư tưởng đều thống nhất ở việc khẳng định NNPQ là nhà nước tôn trọng luật thiên về lý tính, dựa theo nguyên tắc lý tính này nhà nước sẽ thực hiện việc sống chung của con người và mục tiêu căn bản của NNPQ là: “làm thế nào để tổ chức được đời sống nhân dân sao cho mỗi thành viên trong đó nhận được sự giúp đỡ và khuyến khích sự phát triển tự do tối đa và hoàn thiện năng lực tổng hợp của mình” (1).
Tiếp đó, trong quan điểm của nhà triết học cổ điển Đức Imanuel Kant (1724 – 1804), NNPQ được hiểu là một tổ chức pháp lý có sự phân quyền “ ở nơi mà nhà nước hoạt động trên cơ sở quyền lập hiến và phù hợp với ý chí chung của nhân dân, ở đó nhà nước mang tính pháp quyền, ở đó không thể có sự hạn chế quyền của công dân trong lĩnh vực tự do cá nhân” (2). Từ luận điểm trên, có thể thấy những tiêu chí căn bản trong NNPQ của Kant như: vấn đề chủ quyền nhân dân; tính tối cao của hiến pháp và pháp luật; sự tôn trọng, bảo vệ các quyền công dân và quyền con người. Đặc biệt, ông khẳng định mối quan hệ có tính pháp lý giữa công dân với NNPQ thông qua nguyên tắc phân quyền. Từ đó, ông cho rằng ở đâu áp dụng nguyên tắc phân quyền thì ở đó có nhà nước pháp quyền. Như vậy, theo Kant, phân quyền là một trong những điều kiện tất yếu để hình thành nên nhà nước pháp quyền.
Đến V.F Heghen (1770 – 1783), NNPQ được hiện thực hóa trong lý trí và thực tiễn. Theo ông, nhà nước là một tổ chức hoàn thiện nhất của đời sống xã hội, cái xã hội có nền tảng là pháp luật, thông qua pháp luật để thể hiện sự thống trị của tự do thực sự: “Nhà nước cũng là pháp luật, là pháp luật phong phú, sâu sắc và phát triển nhất, là toàn bộ hệ thống pháp luật” (3). Quan niệm của ông có giá trị lớn lao bởi nó hạn chế chức năng bạo lực, cưỡng chế đồng thời đề cao tính định hướng, tính lý trí và lợi ích của nó đối với xã hội và công dân. Điều này góp phần vào việc chống lại chủ nghĩa cực quyền, chủ nghĩa vô chính phủ.
Cho đến nay, ở nước ta, bàn về nội hàm khái niệm có rất nhiều quan niệm khác nhau thể hiện sự nhận thức sâu sắc, phong phú, đa chiều về cách tiếp cận và các khía cạnh khác nhau của nhà nước pháp quyền. Có những nghiên cứu tập trung phân tích NNPQ như một hình thức tổ chức nhà nước có nhiều khả năng nhất trong việc chế ước quyền lực nhà nước nhưng lại có những nghiên cứu chỉ coi sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước là tiêu chí căn bản của nhà nước pháp quyền. Ở một số công trình khác, dân chủ là linh hồn cốt lõi của Nhà nước pháp quyền.
Thuật ngữ NNPQ lần đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1989 với nội dung quan trọng là thừa nhận sự thống trị của pháp luật đối với xã hội. Và khái niệm NNPQ chính thức được Đảng ta sử dụng tại Hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994).
Theo tác giả Đào Trí Úc: “NNPQ là một khái niệm có thể được hiểu ở hai mức độ, với tính cách là học thuyết, là tư tưởng và với tính cách là thực tiễn tổ chức quyền lực nhà nước, thực thi dân chủ. Chủ điểm của các tư tưởng, quan niệm, quản điểm về NNPQ đều là vấn đề giá trị của pháp luật được thừa nhận đến đâu trong xã hội” (4). Như vậy, tác giả nêu ra việc phân định hai mức độ về lý luận và thực tiễn trong quan niệm về Nhà nước pháp quyền, trong đó nhấn mạnh khía cạnh giá trị của pháp luật được thừa nhận đến đâu trong xã hội, nghĩa là bản chất của NNPQ quy định nội dung của hệ thống pháp luật.
Tác giả Nguyễn Đăng Dung cho rằng: “pháp quyền không chỉ thuần túy là nhà nước pháp quyền. Trong khi khái niệm NNPQ nhấn mạnh đến một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thì chế độ pháp quyền dùng để chỉ cả một xã hội được tổ chức và vận hành trên cơ sở các quyền được pháp luật quy định rạch ròi theo luật của tự nhiên, sao cho các chủ thể sử dụng quyền của mình một cách tự do để có khả năng nâng cao hạnh phúc của mình, nhưng không được xâm phạm sang quyền của các chủ thể khác” (5). Như vậy, theo tác giả, giá trị của NNPQ là tôn trọng tự do, những quyền cơ bản của con người. Bản chất của NNPQ quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Quan điểm này của tác giả về NNPQ thể hiện sự tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc.
Trong một nghiên cứu khác, tác giả Bùi Ngọc Sơn cho rằng: “tinh thần pháp quyền có thể áp dụng với cả công quyền và xã hội công dân. Pháp quyền của công quyền nói lên rằng công quyền là đối tượng chịu sự kiểm soát của pháp luật. Pháp quyền của xã hội công dân nói lên rằng công dân là chủ thể sử dụng quyền lực của pháp luật để bảo vệ dân chủ, các quyền và tự do của mình. Vì vậy, Việt Nam cần thực thi một nền pháp quyền chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà nước pháp quyền” (6).
Như vậy, tùy thuộc vào góc độ nghiên cứu, mục đích và nội dung tiếp cận khác nhau mà mỗi học giả đã đưa ra những quan niệm khác nhau về nhà nước pháp quyền. Nhưng tựu chung lại, hầu hết các tác giả đều đề cập đến những dấu hiệu nhận biết căn bản của NNPQ với tư cách là các giá trị phổ biến, các đặc trưng chung nhất để xác định nội hàm của khái niệm Nhà nước pháp quyền, như:
Thứ nhất, trong nhà nước pháp quyền, quyền lực thuộc về nhân dân
Về nguyên tắc, nhà nước bảo đảm những điều kiện thiết yếu cho một nền dân chủ. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện của nhà nước pháp quyền. Không có NNPQ thì không có dân chủ, bởi vì, NNPQ xác lập những cơ chế, thiết chế nhằm thực hiện các quyết định dân chủ thông qua luật. Pháp luật vừa là sự phản ánh yêu cầu dân chủ vừa là công cụ để thực hiện dân chủ. Sự ra đời của NNPQ gắn liền với quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Trong nhà nước pháp quyền, các vấn đề liên quan đến bầu cử, ứng cử, kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của nhà nước được pháp luật quy định. Từ đó, có thể đi đến khẳng định: “hạt nhân của lý luận NNPQ là vấn đề dân chủ” (7).
Thứ hai, pháp luật giữ vị trí tối thượng
Điều này được hiểu là sự thừa nhận và thực hiện nguyên tắc về tính tối cao của pháp luật, pháp luật giữ vị trí chi phối đối với nhà nước và xã hội. Pháp luật do nhà nước ban hành giữ vai trò thống trị không chỉ đối với xã hội mà còn với bản thân nhà nước với tư cách chủ thể ban hành pháp luật. Pháp luật là công cụ chế ước, kiểm tra, giám sát tổ chức và phương thức hoạt động của nhà nước. NNPQ tự đặt mình dưới pháp luật, không được phép đứng trên hay đứng ngoài pháp luật mà pháp luật là công cụ để duy trì, phát triển xã hội, và cũng là công cụ để duy trì sự tồn tại của chính bản thân nhà nước.
Thứ ba, tôn trọng, bảo vệ quyền công dân và quyền con người
Có thể khẳng định rằng, đây là giá trị của mọi giá trị trong tư tưởng về NNPQ mà tư duy nhân loại đã đạt đến. Con người là giá trị cao quý nhất và là mục tiêu cao nhất trong nhà nước pháp quyền. Vì vậy mà việc thừa nhận, tôn trọng và đảm bảo các quyền con người trên thực tế phải là nội dung của một hệ thống pháp luật tiến bộ, nhân văn. Trong NNPQ chân chính, có thể coi quyền con người là một tiêu chí điển hình và quan trọng nhất để đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Do đó, các quyền cơ bản và thiêng liêng của con người với tư cách công dân (đối lập với thần dân trong các xã hội chưa có nhà nước pháp quyền) phải được đảm bảo bằng pháp luật. Công dân có quyền kiểm tra và giám sát hoạt động của nhà nước, thậm chí thay đổi nhà nước, khi nó xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ tư, tổ chức theo nguyên tắc phân định quyền lực, dùng quyền lực kiểm tra và giám sát quyền lực (nguyên tắc phân quyền)
Các nhà tư tưởng đều thống nhất rằng, một trong những tiêu chí cơ bản để hình thành nên NNPQ có sự khác biệt về chất so với các hình thức nhà nước khác đó là phải có sự phân định chức năng quyền hạn của ba cơ quan nhà nước là cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Một mặt phải đảm bảo rằng, các cơ quan này hoạt động độc lập, đúng chức năng quyền hạn của mình, nhưng mặt khác phải đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau, ràng buộc lẫn nhau và hoạt động nhịp nhàng giữa các cơ quan quyền lực này trong thực tiễn hoạt động. Trên thực tế, quyền lực nhà nước với tư cách là biểu hiện ý chí chung của các thành viên cộng đồng (quốc gia, dân tộc), nhưng việc thực hiện nó lại luôn thông qua cá nhân hay nhóm người của giai cấp nắm quyền thống trị xã hội. Khi quyền lực công được giao cho cá nhân hay nhóm người thì xu hướng lạm dụng, tha hóa quyền lực là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc phân định các cơ quan quyền lực trong NNPQ chính là một trong những phương thức để đảm bảo quyền lực ủy nhiệm từ nhân dân không bị lạm dụng. Từ đây, có thể khẳng định rằng, nguyên tắc phân quyền là một trong những đặc trưng “không thể thiếu” của nhà nước pháp quyền.
Từ những phân tích trên, ở góc độ triết học, khái niệm NNPQ được hiểu như sau: NNPQ là một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt, trong đó quyền lực của nhân dân đã được luật hóa và được đảm bảo thực hiện. Như vậy, NNPQ là một phương thức tổ chức và vận hành xã hội trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo việc thực hiện các quyền. Mức độ của pháp quyền phụ thuộc vào mức độ của các quyền được luật hóa. Các quyền này được phân định và tổ chức sao cho sự lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của người dân được bảo vệ.
_______________
1, 7. Đào Trí Úc, Xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.18, 32.
2, 3. Trần Hậu Thành, Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr.56, 57.
4. Đào Trí Úc, Mô hình tổ chức và hoạt động của NNPQ XHCN Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.33-34.
5. Nguyễn Đăng Dung, Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, tr.11.
6. Nguyễn Đăng Dung, Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Tường, Tư tưởng Hồ Chí Minh về NNPQ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr.94.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018
Tác giả : NGÔ MINH THƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn