Tư tưởng hồ chí minh về cách mạng giải phóng dân tộc


 

Ngay trong những năm 20 TK XX, cùng với quá trình tiếp nhận và hình thành, về cơ bản, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã có những thay đổi quan trọng về chất. Từ tâm cảm của một con dân bị mất nước, bị làm nô lệ, Người chỉ mang trong mình tư tưởng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận những chân lý tư tưởng mới, đặc biệt là bản Luận cương của Lênin về cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo, cống hiến xuất sắc về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng. Người không tiếp thu học thuyết Mác – Lênin một cách giáo điều, rập khuôn máy móc, mà góp phần phát triển nó và vận dụng một cách linh hoạt vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Tại phiên họp thứ 22 Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1-7-1924), Nguyễn Ái Quốc đã phê phán các đảng cộng sản ở Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản ở các nước có thuộc địa chưa thi hành chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa. Trong khi giai cấp tư sản các nước đó đã làm tất cả để kìm giữ những dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng áp bức. Theo quan điểm của Người, cách mạng thuộc địa không bị lệ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có tính chủ động và độc lập của riêng nó, trong hoàn cảnh cụ thể của chính nó. Không những thế, Hồ Chí Minh còn khẳng định vị trí và vai trò của cách mạng giải phóng thuộc địa trong mối quan hệ với cánh mạng chính quốc. Người cho rằng: “Trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn” (1).

Luận điểm trên đây là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đang phát triển mạnh mẽ. Nó có giá trị lý luận, thực tiễn rất to lớn không chỉ đối với các nước thuộc địa, mà cả những nước chính quốc. Luận điểm đó của Hồ Chí Minh đã được chứng minh qua thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới. Tư tưởng làm cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa đã có những bước tiến quan trọng, chuyển biến từ lượng đến chất, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Từ đây, công cuộc giải phóng của các dân tộc thuộc địa không lệ thuộc vào cách mạng vô sản của các nước chính quốc nữa, mà họ chủ động để giành lại độc lập cho dân tộc mình. Điều này, đã góp phần quan trọng trong việc tìm ra đường đi vốn đang bế tắc đối với các nước thuộc đia, trong đó có Việt Nam trong năm đầu của TK XX. Để có được nhận thức và lý luận đúng đắn như vậy, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những trải nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu ở nước ngoài kết hợp với những tư tưởng tiến bộ, tư duy cá nhân. Hồ Chí Minh là một trường hợp điển hình, một con người như vậy. Người là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần yêu nước (dân tộc) với sự trải nghiệm trên nền tảng tinh thần, tư tưởng tiến bộ.

Hồ Chí Minh sống ở châu Âu trước và sau thế chiến thứ nhất, đó là thời kỳ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lấn lướt, ảnh hưởng không ít đến phong trào cộng sản quốc tế. Không ít đảng vô sản ở châu Âu khi động đến vấn đề thuộc địa thì lại rơi vào lập trường dân tộc sai lầm. Trong phong trào cộng sản quốc tế đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong đó, Stalin cho rằng không cần liên minh trực tiếp với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản châu Âu cũng có thể thắng lợi được. Quan điểm này vô hình chung đã làm giảm đi tính chủ động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa. Hơn thế nữa, vô tình làm mất đi sợi dây liên kết giữa phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với nhau, làm giảm đi sức mạnh tập thể, dễ bị các thế lực tư bản đè bẹp, dẫn đến thất bại.

Hồ Chí Minh lên án chủ nghĩa thực dân, một mặt là để giúp các đảng cộng sản ở châu Âu, trong đó có đảng cộng sản Pháp, nhìn rõ sự thật khách quan. Mặt khác, tố cáo chế độ thuộc địa, với Người, chủ yếu là để thức tỉnh dân tộc thuộc địa bị áp bức, bóc lột. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chủ nghĩa đế quốc là con đỉa hai vòi “một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra’’ (2). Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới, là “một trong những cái cánh của cách mạng vô sản’’(3), phát triển nhịp nhàng với cách mạng vô sản. Người khẳng định, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Đó là, mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là mối quan hệ lệ thuộc, hoặc quan hệ chính – phụ.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới phụ thuộc phần lớn vào các thuộc địa, nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước lớn đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước này thì trước hết, phải tước hết thuộc địa của chúng. Người cũng khẳng định, nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa, nếu khinh thường cách mạng ở thuộc địa tức là muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Từ nhận định, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản đế quốc đều lấy ở các xứ thuộc địa, Hồ Chí Minh đã thấy rõ sự bùng nổ tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, vai trò của các thuộc địa đối với cách mạng vô sản ở chính quốc. Tư tưởng này của Người, không những chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa phong trào ở chính quốc với các nước thuộc địa, mà còn chỉ ra được vai trò, tầm quan trọng của phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong sự nghiệp chung. Hơn thế nữa, Người còn đưa ra được những dự báo quan trọng về sự bùng nổ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa sau này.

Sáng tạo trong việc vận dụng công thức của Mác: “Sự giải phóng của giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân’’, Hồ Chí Minh đã đi tới luận điểm: “Công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa) chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em’’(4). Đây là sự vận dụng sáng tạo có sự uyển chuyển linh hoạt đối với lý luận của Mác vào thực tiễn của các nước thuộc địa, nhất là ở Việt Nam.

Khác với các bậc tiền bối C.Mác, Ph.Ăngghen và Lênin, Hồ Chí Minh không xem cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc cách mạng vô sản chính quốc. Mà, do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, do đánh giá đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, cũng như vai trò, vị trí của cách mạng giải phóng thuộc địa trong mối quan hệ với cách mạng chính quốc, Người cho rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà còn có thể giành thắng lợi trước. Điều này, đã trở thành nền tảng, tiền đề lý luận cho phép các nước thuộc địa có thể độc lập, tự đứng lên giành lại tự do cho mình trước khi giai cấp vô sản giải phóng dân tộc ở chính quốc.

Những tư tưởng chiến lược trên đây, không chỉ rút ra từ sự phân tích logic thuần túy, mà còn được làm sáng tỏ bằng sự tổng kết những bài học kinh nghiệm phong phú của lịch sử cách mạng thế giới trong khoảng 150 năm. Đó là sự đúc kết từ cách mạng tư sản ở Mỹ, Pháp đến cách mạng tháng Mười Nga của Hồ Chí Minh. Lịch sử thế giới từ 1945 đã chứng minh chân lý ấy là đúng đắn. Chân lý mà Hồ Chí Minh phát hiện và đấu tranh không biết mệt mỏi sau khi gia nhập đảng cộng sản Pháp, chính là tìm mọi cách lôi cuốn Quốc tế III và các đảng cộng sản theo con đường mà chính mình phát hiện. Mặc dù điều này vào những năm 20 của thế kỷ trước hãy còn quá mới mẻ, nên không được người cộng sản trong các nước đế quốc tán thành, đồng thuận. Tuy nhiên, luận điểm mà Người nêu lên đã có giá trị quốc tế, tạo thành sự biến đổi của cách mạng thế giới từ sau 1945.

Từ thực tế thuộc địa nói chung và xã hội thuộc địa Việt Nam nói riêng, mâu thuẫn dân tộc với đế quốc là cao nhất, gay gắt nhất, cần phải được giải quyết nhanh chóng, triệt để. Và như vậy, khác với ở chính quốc, mâu thuẫn chủ yếu nổi lên đó là mâu thuẫn giai cấp, giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, nên cuộc đấu tranh giai cấp không thể quyết liệt như cuộc đấu tranh ở thuộc địa chống đế quốc. Đó cũng là cơ sở để Người đưa ra luận điểm cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước và nó không phụ thuộc cách mạng chính quốc. Bởi, đường lối chiến đấu của cách mạng Việt Nam nói riêng và phong trào giải phóng dân tộc nói chung là phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là tách biệt, tự cô lập với thế giới, với sự giúp đỡ của cách mạng thế giới. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, muốn người ta giúp, thì trước hết, mình phải tự giúp mình.

Cách nhìn này của Người, thực tế không ăn khớp với lý luận của Quốc tế Cộng sản cho rằng cách mạng thuộc địa là lệ thuộc vào đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc. Khi giai cấp vô sản thực hiện được cách mạng ở chính quốc, thì mới có điều kiện giải phóng các nước thuộc địa. Nhưng đến nay, trừ nước Nga, không có cách mạng vô sản ở chính quốc mà cách mạng giải phóng dân tộc vẫn thành công ở các thuộc địa. Điều đó đã được minh chứng bằng thắng lợi của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, nhất là ở châu á, Phi và Mỹ La tinh.

Thực tiễn đã chứng minh, không chỉ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam sụp đổ sau khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam giành thắng lợi, mà trên thực tế, thuộc địa của Hà Lan, Anh,… lần lượt nổ ra và giành thắng lợi. Điều đó, khẳng định sự dự đoán của Hồ Chí Minh về khả năng tự vận động của cách mạng thuộc địa là hoàn toàn đúng đắn, nó đã trở thành chân lý của cách mạng vô sản trên thế giới. Mặc dù chân lý ấy, là xuất phát từ chủ nghĩa Lênin, nhưng Lênin mới chỉ thấy nó như một bộ phận của cách mạng vô sản. Còn đến Hồ Chí Minh, một con người sinh ra, lớn lên trong bối cảnh đất nước Việt Nam, là thuộc địa của thực dân Pháp, Người có sự hiểu biết thấu đáo về tình cảnh của nhân dân thuộc địa qua nhiều năm bôn ba trải nghiệm ở hải ngoại. Nên, Người đã có những dự đoán chính xác về số phận của chủ nghĩa đế quốc và khả năng hiện thực của cách mạng thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính luận điểm này đã làm phong phú thêm kho tàng tri thức nhân loại, đó là sự sáng tạo vượt trước chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử.

Nhà tư tưởng học người Nhật Bản, Singo Sibata đánh giá rất cao cống hiến này của Người: “Dạo ấy có rất ít người mácxít như Hồ Chí Minh sinh ra ở một nước thuộc địa, hay bản thân được trải qua một cuộc sống như ở Việt Nam, cũng như ở nhiều thuộc địa khác. Bản thân Lênin cũng không có kinh nghiệm như vậy, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Mácxít có những kinh nghiệm như thế. Chính điều này đã cho phép Người phát triển hơn nữa vấn đề dân tộc thuộc địa”(5).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, trong cách mạng giải phóng dân tộc, dân tộc Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Điều này không có nghĩa là phủ nhận sự giúp đỡ của anh em, bạn bè quốc tế. Nhưng, Người vẫn chủ trương dựa vào sức mình là chính. Điều đó đã được thể hiện và minh chứng trong cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và, kết quả là, dân tộc ta đã đi đến thắng lợi hoàn toàn trong công cuộc đấu tranh, giải phóng và bảo vệ tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, tiếp nhận và vận dụng quan điểm của Người, chúng ta phải tiếp tục nâng cao ý chí tự lực, tự cường phát huy mọi tiềm năng vật chất, trí tuệ của dân tộc; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tìm tòi bước đi, hình thức, biện pháp thích hợp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong tương lai.

______________

1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập (2000), tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.36, 128, 254, 273.

5. PGS Nguyễn Văn Hồng, Mấy vấn dề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam một cách nhìn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.355.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Nguyễn Quốc Khương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *