Bộ đội cụ Hồ, tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho quân đội ta, là hình tượng cao đẹp, tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của cán bộ chiến sĩ quân đội, một giá trị văn hóa – đạo đức của con người Việt Nam. “Bộ đội cụ Hồ là sự biểu hiện ở tầm cao và chiều sâu mới của bản sắc, tâm hồn, cốt cách văn hóa Việt Nam, của sự hòa quyện giữa dân tộc và giai cấp, truyền thống và lịch sử, trở thành giá trị tiêu biểu cho con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và là một biểu trưng độc đáo của văn hóa quân đội cách mạng” (1). Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, làm cho nhân cách bộ đội cụ Hồ không ngừng tỏa sáng trong thời kỳ mới chính là góp phần khơi dậy, phát huy nguồn lực Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.
Nói đến nhân cách bộ đội cụ Hồ là nói đến những chuẩn mực, lối sống, phong cách, hành vi chính trị, đạo đức của quân nhân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đó là lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, tổ quốc và nhân dân; tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; tinh thần gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo; tình đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân dân cá nước; tính kỷ luật tự giác nghiêm minh… Tất cả được xây đắp nên từ sự phấn đấu, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ, được Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, giáo dục, rèn luyện, được nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, được phát triển thông qua thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng, trưởng thành của quân đội. Nó được lưu giữ, kế tục, phát triển qua nhiều thế hệ, từ lớp cán bộ chiến sĩ Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước, những chiến sĩ du kích Bắc Sơn, Ba Tơ, Cứu quốc quân, anh giải phóng quân, cho đến lớp chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Campuchia…
Hơn 70 năm qua, hình ảnh bộ đội cụ Hồ vẫn luôn luôn gần gũi, thân thương, sống động trong lòng nhân dân ta và nhân dân các nước bạn bè. Các thế hệ bộ đội cụ Hồ đã nối tiếp nhau giữ trọn 10 lời thề danh dự dưới lá cờ tổ quốc, chấp hành nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với dân, chung sức đồng lòng thực hiện tốt cả 3 chức năng của quân đội là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, cùng toàn dân hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giành thắng lợi to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc… “Bộ đội cụ Hồ là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ và thanh niên cả nước hôm nay và mai sau học tập, noi theo” (2).
Thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; kẻ địch ráo riết thực hiện diễn biến hòa bình, trong đó thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ…, mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán nhưng hàm chứa những nội dung yêu cầu mới. “…Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (3). Theo đó, việc xây dựng quân đội cũng như mô hình nhân cách bộ đội cụ Hồ phải được phát triển.
Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, quân đội ta phải được xây dựng với chất lượng cao, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “điều chỉnh và tổ chức quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt” (4). Với tư cách là những công dân cầm súng bảo vệ tổ quốc, để đủ sức gánh vác trách nhiệm lịch sử nặng nề, quân nhân trong quân đội phải là con người tích tụ trong nhân cách của mình bản sắc, tinh hoa và truyền thống văn hóa dân tộc, có tư tưởng, tác phong xã hội chủ nghĩa như lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, có những phẩm chất nhân cách của con người hiện đại tiêu biểu cho nền văn minh mà loài người đã đạt được. Đó là con người đã tổng hợp được cả 3 nhân tố: dân tộc, giai cấp và nhân loại trong nhân cách của mình, đủ sức đề kháng, chống lại quá trình tha hóa con người Việt Nam trên cả 3 hướng: phi dân tộc hóa, phi xã hội chủ nghĩa hóa, phi nhân bản hóa.
Theo đó, bộ đội cụ Hồ vẫn phải là những con người “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (5) như Bác Hồ đã dạy. Tuy nhiên, những phẩm chất đó cũng cần được cụ thể hóa, phát triển theo yêu cầu giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của quân đội ta. Mục tiêu là để cho nhân cách bộ đội cụ Hồ hiện nay vừa biểu hiện tính chung của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện đại, vừa biểu hiện tính riêng của những con người sống, chiến đấu trong một tổ chức quân sự để thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự đặc thù. Có như vậy, họ mới hội đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết, cả về trí tuệ lẫn bản lĩnh chính trị, cả về nhân cách, đạo đức lẫn sức khỏe, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, việc xây dựng, phát triển và làm tỏa sáng nhân cách bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ mới phải tập trung vào những nội dung cơ bản:
Một là, mỗi quân nhân hiện nay phải luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân
Giá trị văn hóa bộ đội cụ Hồ thể hiện cô đọng, xúc tích, sâu sắc và bao quát nhất là “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Trung với Đảng cũng là trung với tổ quốc, đất nước, bởi Đảng là đại diện của những lợi ích, mục tiêu, nhiệm vụ của xu thế phát triển theo quy luật của cách mạng, đất nước, nhân dân, là tổ chức lãnh đạo khoa học, tiên tiến, “là đạo đức, là văn minh” và “ngoài lợi ích của tổ quốc và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Trung với Đảng, hiếu với dân là cội nguồn của niềm tin, sức mạnh, là trung thành với mục tiêu, lý tưởng “vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân”, giữ vững định hướng cho ý chí, tình cảm của bộ đội cụ Hồ. Đó cũng là giá trị đặc sắc của văn hóa chính trị, văn hóa quân sự Việt Nam trong thời đại mới.
Với mục tiêu lý tưởng chiến đấu “vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân”, trong hoàn cảnh bắt buộc phải tiến hành chiến tranh, thì đó chính là chiến tranh cách mạng, chiến tranh chính nghĩa, là điều kiện, tình huống để bảo vệ dân tộc, nhân phẩm, hạnh phúc của con người, dùng sức mạnh của chân, thiện, mỹ chống lại cái ác, cái xấu. Cho nên, chiến tranh cách mạng, chiến tranh chính nghĩa là một phạm trù văn hóa. Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân cũng có nghĩa quân đội ta là đội quân nhân danh văn hóa chống lại phản văn hóa, nhân danh văn minh chống lại dã man, tàn bạo…
Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là nhân tố quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định đối với giữ vững, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của quân đội và phẩm chất bộ đội cụ Hồ của mỗi quân nhân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng lực lượng ngày càng tinh nhuệ, hiện đại. Đó là sự phát triển về trình độ tổ chức kỷ luật, sự phát triển của khoa học, công nghệ, và cũng là sự tiếp nối, phát triển về văn hóa của người chiến sĩ. Động lực chủ đạo khi phối hợp hoạt động của người quân nhân cách mạng là động lực chính trị – tinh thần, sự giác ngộ về mục tiêu lý tưởng đấu tranh cho độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu chế độ. Phẩm chất đạo đức xã hội chủ nghĩa của anh bộ đội cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tuy có sự điều chỉnh nhất định trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cá nhân và xã hội, nhưng trong mọi tình huống vẫn phải lấy tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa như lời dạy của Bác Hồ làm nền tảng. Việc kết hợp hài hòa các lợi ích phải lấy lợi ích tập thể làm trọng, làm cơ sở, trước hết phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị.
Do đó, lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân của mỗi quân nhân hiện nay phải được thể hiện ở sự trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thấu triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Phát huy trách nhiệm của mỗi quân nhân trong thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đảng bộ quân đội trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội. Phát huy vai trò những tổ chức, đoàn thể trong quân đội theo chỉ thị, quy định, nghị quyết của các cấp bộ Đảng từ trung ương đến cơ sở. Tích cực, tự giác quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của chi bộ, đảng bộ, chú trọng thực hiện các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp giữ vững, phát huy truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như những yêu cầu cụ thể của từng đơn vị, từng cán bộ, chiến sĩ.
Hai là, mỗi quân nhân hiện nay phải thường xuyên, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực và hiệu quả các mặt công tác
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, chuẩn bị cho chiến đấu vũ trang trong thời chiến, và ngay trong thời bình chống lại thủ đoạn phi vũ trang của các thế lực thù địch, phản động, lạc hậu, là một công việc vô cùng khó khăn, gian khổ. So với thời kỳ trước, bộ đội cụ Hồ ngày nay đã có bước phát triển cao về trình độ văn hóa và khoa học quân sự. Đại bộ phận chiến sĩ quân đội ta hiện có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Tuy nhiên, sự gia tăng, phát triển hàng ngày, hàng giờ của tri thức nhân loại, khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, đòi hỏi mỗi quân nhân hiện nay phải thường xuyên học tập, rèn luyện cả về chính trị, quân sự, để thực sự là những người vừa hồng vừa chuyên, chắc tay súng bảo vệ biên cương tổ quốc, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân.
Mỗi quân nhân phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; có đạo đức trong sáng, sức khỏe, kiến thức toàn diện, trình độ đáp ứng với yêu cầu của cương vị công tác được giao; làm chủ khoa học công nghệ, nhất là khoa học, nghệ thuật quân sự; đề cao tinh thần trách nhiệm, tự giác trong thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; có ý thức tuân thủ pháp luật, luôn khép mình vào các quy định của quân đội, đơn vị, không buông thả trong sinh hoạt, lối sống, nếp sống; có ý chí và nghị lực, biết cộng tác trong những hoàn cảnh thay đổi, sáng tạo đổi mới phương thức hoạt động mọi mặt, đem lại chất lượng hiệu quả mới.
Để đáp ứng những yêu cầu đó, trước hết, mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay phải nâng cao ý thức về việc tự tu dưỡng rèn luyện, hình thành động cơ rèn luyện đúng đắn, nhận thức rõ đòi hỏi khách quan về phẩm chất bộ đội cụ Hồ trong từng điều kiện cụ thể. Biết tự nhận xét, kiểm tra, đánh giá về những ưu điểm, nhược điểm so với yêu cầu đặt ra và xác định phương hướng, biện pháp tự giáo dục, tự tu dưỡng cho xứng danh bộ đội cụ Hồ. Mặt khác, phải rèn luyện ý chí phấn đấu bền bỉ, cầu tiến, trọng danh dự cá nhân, ra sức học tập nâng cao mọi mặt trình độ, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo hoạt động, tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, “đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong tình hình mới” (6). Thường xuyên trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện khả năng miễn dịch, năng lực đấu tranh phòng, chống những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường trong đời sống xã hội hiện nay đến phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Đặc biệt phải tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình nhằm “phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch”. Đấu tranh kiên quyết với biểu hiện coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống tư sản của những kẻ núp dưới danh nghĩa cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế thị trường, con bài dân chủ, nhân quyền hòng chống phá chế độ.
Bộ đội 82 ở Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh Nguyễn Tuấn Huy
Mỗi quân nhân thường xuyên lấy phẩm chất bộ đội cụ Hồ làm động lực tinh thần, tự cổ vũ và cổ vũ nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là khi đứng trước những khó khăn, thử thách ác liệt. Quân nhân là cán bộ, đảng viên trẻ trong các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy phải mẫu mực thể hiện phẩm chất bộ đội cụ Hồ ở mọi lúc, mọi nơi để làm gương sáng cho chiến sĩ noi theo. Khi xuất hiện tình huống xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, đòi hỏi mỗi người phải xử lý theo nguyên tắc Hồ Chí Minh: “lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Biết phát huy truyền thống đạo đức, phẩm chất bộ đội cụ Hồ qua những chương trình dạy chữ cho đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo, giúp nhân dân sản xuất tăng gia, vượt qua gian nan thử thách khi gặp thiên tai lũ lụt…, thực hiện đúng tinh thần đi dân nhớ, ở dân thương.
Ba là, đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn liền với đấu tranh có hiệu quả phòng chống sự suy thoái phẩm chất bộ đội cụ Hồ
“Điều đặc sắc và cũng là điều may mắn lớn trong lịch sử quân đội ta không chỉ đơn thuần ở việc nó được lãnh tụ trực tiếp giáo dưỡng như người cha đối với đứa con mang nặng đẻ đau của mình, mà chính là ở chỗ, tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ thực sự là một mẫu mực, là hiện thân cao đẹp nhất cho phẩm chất của người quân nhân cách mạng trong thời đại mới” (7). Do đó, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là góp phần to lớn vào bồi dưỡng, kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Những năm qua, các đơn vị trong Đảng bộ quân đội và toàn quân đã quán triệt, triển khai thực hiện đến cơ sở, chi bộ kế hoạch cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Các chi bộ xây dựng kế hoạch, tập trung đổi mới phương pháp, tác phong công tác, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng xăng dầu, điện nước và xây dựng cơ bản… Tuy nhiên, đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay đòi hỏi mỗi quân nhân cần phải khắc phục biểu hiện hô hào học tập một cách chung chung, nói nhiều hơn làm, nói không đi đôi với làm, hoặc nói học tập nhưng lại không làm theo. Phải cụ thể hóa hơn nữa nội dung, chương trình, kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn từng đơn vị, bộ phận, công việc, nhiệm vụ cụ thể, với những chuẩn mực đạo đức rõ ràng, hướng vào nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng tổ chức Ðoàn vững mạnh, góp phần xây dựng tổ chức Ðảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện… Đưa cuộc vận động thành nếp sinh hoạt, hoạt động thường xuyên của mỗi đơn vị và quân nhân. Phải định kỳ tự kiểm điểm, đánh giá, đăng ký, bổ sung kế hoạch, đề ra định mức, chỉ tiêu mới sát với nhiệm vụ mới của đơn vị, cá nhân, để thực sự gắn học tập với làm theo, chuyển từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải gắn liền với đấu tranh có hiệu quả phòng chống sự suy thoái phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Do ảnh hưởng từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như của xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt, do không nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận quân nhân, đặc biệt là quân nhân trẻ, có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại như phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống buông thả, lười học tập, tu dưỡng đạo đức, thích hưởng thụ, ngại lao động, chuộng những sinh hoạt thiếu lành mạnh hoặc phản văn hóa, nghiện ngập, thậm chí vi phạm pháp luật… Những hiện tượng đó, trước hết là nguy cơ đe dọa tương lai của chính bản thân họ, đồng thời cản trở sự phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh của xã hội ta hiện nay, làm hoen ố hình ảnh cao đẹp bộ đội cụ Hồ. Mặt khác, cũng cần nói rằng, các thế lực thù địch đang chờ đợi và sẽ ra sức khai thác, lợi dụng những hiện tượng đó để tiến hành chiến lược diễn biến hòa bình, thúc đẩy quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa từ bên trong…, làm xói mòn bản chất, truyền thống tốt đẹp, suy giảm phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Vì vậy, cùng với những biện pháp tích cực, đồng bộ khác, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải gắn liền với đấu tranh có hiệu quả phòng chống sự suy thoái phẩm chất bộ đội cụ Hồ.
Lãnh đạo, chỉ huy cùng các đoàn thể quần chúng ở các đơn vị cần thường xuyên giáo dục cho các chiến sĩ trẻ truyền thống của cha anh, tổ chức tái hiện hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến một cách sinh động. Tổ chức các câu lạc bộ hay tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa người chiến sĩ, khơi dậy những cách suy nghĩ, hành động mới phù hợp với thời đại. Tiếp tục chăm lo xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú ở đơn vị cơ sở quân đội, trong đó phải giữ vững, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp – giá trị văn hóa bộ đội cụ Hồ. Xây dựng những quan hệ văn hóa tốt đẹp, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa tinh thần ngày càng sâu sắc về nội dung, đa dạng, phong phú, mới mẻ về hình thức thể hiện, nhất là ở đơn vị cơ sở. Phê phán các biểu hiện tư tưởng, hành động sai trái, đấu tranh kiên quyết với những hiện tượng coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ, gieo rắc tư tưởng, lối sống thực dụng vào quân đội của các thế lực thù địch.
Từ cách mạng, qua cách mạng và nhờ cách mạng, một lớp người mới đã được sản sinh với những đặc trưng nhân cách tiêu biểu của giá trị Việt Nam. Lớp người đó được nhân dân trìu mến, thân thương gọi là bộ đội cụ Hồ. Trải qua các cuộc kháng chiến cứu nước, giữ nước, bộ đội cụ Hồ luôn là hiện thân của con người Việt Nam đẹp nhất với đầy đủ những giá trị cao cả, sâu sắc, trở thành một lực lượng, giá trị cao cả trong thời đại Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cái gì mà tốt thì phải phát triển thêm… Cái gì mà mới mà hay thì ta phải làm” (8). Bước sang TK XXI, chúng ta nhất thiết phải bảo vệ những phẩm chất chính trị, đạo đức bộ đội cụ Hồ, phát triển lên một trình độ mới – trình độ hiện đại của đất nước ta, của loài người tiến bộ. Vẫn biết rằng giữ vững, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ không phải là việc riêng của tổ chức quân sự, càng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhưng suy cho cùng phải là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của mỗi quân nhân hiện nay. Mỗi người chiến sĩ phải là nơi hội tụ, biểu hiện sinh động của những phẩm chất cao đẹp bộ đội cụ Hồ, của phẩm giá con người Việt Nam mới. Phát huy, làm phong phú những phẩm chất tốt đẹp bộ đội cụ Hồ, tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới của đất nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân, là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi quân nhân hiện nay. Điều đó góp phần tạo ra một sức mạnh mới, nguồn động lực tinh thần mới trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, để giá trị văn hóa của bộ đội cụ Hồ mãi tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
_______________
1, 2. Trích bài phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh Tại buổi gặp mặt các thế hệ bộ đội cụ Hồ nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, 4-2015, tr.54.
4, 6. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ X, 2015.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435.
7. Phùng Văn Thiết, Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh để giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị, số 3-2009, tr.12.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1984, tr.323.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015
Tác giả : TRƯƠNG VĂN BẢY – TRỊNH ANH TUẤN
Bài viết cùng chủ đề:
Định hướng giá trị yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay
Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại
Ngoại giao văn hóa trong chính sách phát triển của việt nam