Nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội

Trong những nghiên cứu về nhân loại, C. Mác và Ph. Ăng ghen đã phát hiện văn hóa là lực lượng bản chất người của con người, là trình độ phát triển của con người và xã hội, được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống, hành động của con người, cũng như trong giá trị vật chất, tinh thần mà do con người sáng tạo ra. Văn hóa là tất cả mọi sản phẩm nhân hóa tự nhiên của lòai người trong lịch sử. Ban đầu (và cả về sau này nữa) văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác, ứng xử giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.


1. Quan niệm về nguồn lực văn hóa

Văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Khi văn hóa xuất hiện thì chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. C. Mác và Ph. Ăng ghen còn phát hiện ra mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển: “Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, văn học nghệ thuật… là dựa vào sự phát triển kinh tế. Nhưng tất cả sự phát triển đời sống đều tác động lẫn nhau và cùng tác động đến cơ sở kinh tế…” (1). Tức là văn hóa cũng có sức mạnh tác động trở lại sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong nửa cuối TK XX, nhiều quốc gia đã đồng nhất sự phát triển với tăng trưởng kinh tế, chủ trương phát triển nóng về kinh tế và không chú ý thích đáng đến các vấn đề văn hóa, xã hội, vô hình trung xem nhẹ các yếu tố văn hóa, truyền thống, di sản tinh thần, đạo đức, lối sống. Hậu quả là kinh tế thì tăng trưởng nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng khủng khiếp; văn hóa, đạo đức, lối sống bị suy thoái; khủng hoảng xã hội, rối loạn làn sóng di cư giữa các châu lục; xung đột sắc tộc, tôn giáo trầm trọng, khủng bố tràn lan đe dọa hòa bình thế giới; dịch bệnh, tệ nạn xã hội hoành hành; môi trường bị tàn phá, ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên cạn kiệt, con người bị tha hóa, tình trạng nghèo đói không thể kiểm sóat… Tình hình trên đã khiến cho nhân loại phải tìm đến quan điểm mới về sự phát triển. Năm 1988, quan điểm mới về sự phát triển được Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor đưa ra như sau: “Phát triển có nghĩa là sự thay đổi, nhưng thay đổi không phải sẽ tạo nên sự cách biệt mà nó sẽ tạo ra những đặc tính, đặc trưng của xã hội và cá nhân. Điều đầu tiên và trên hết, sự thay đổi phải mang lại cuộc sống phồn vinh và có chất lượng, được mỗi cộng đồng chấp nhận”(2).

F. Mayor phân tích: “Kinh nghiệm của hai thập kỷ qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển khoa học nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau… Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, động lực và mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa… Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội” (3).

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có sự phát triển lý luận về văn hóa, khẳng định sâu sắc hơn vai trò, tác dụng của văn hóa trong công cuộc xây dựng đất nước: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội… Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế, các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, luật pháp, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển” (4).

Văn hóa và con người là nguồn lực bên trong hết sức đặc biệt cần phải gia tăng mạnh mẽ hơn nữa để hướng đến sự phát triển bền vững đất nước. Trên thực tế, văn hóa không đứng ngòai sự phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa nằm bên trong kinh tế (nhân tố nội sinh) vừa là mục tiêu, vừa là động lực (nguồn lực) và là hệ điều tiết của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Như vậy, văn hóa đã được xem xét là một nguồn lực trong phát triển.

Khái niệm nguồn lực văn hóa từng được giới nghiên cứu sử dụng với nhiều tên gọi như “vốn văn hóa”, “nguồn lực nội sinh”, “nguồn lực con người”, “sức mạnh mềm” hay “động lực tinh thần”… Trong công trình nghiên cứu Vì sao Nhật Bản đã thành công, Michiô Môrishima đã giải thích rằng: vì người Nhật biết kết hợp giữa khoa học kỹ thuật phương Tây với tinh thần Nhật Bản. Đó là tinh thần “hòa hồn – dương tài”, tinh thần cộng sinh, cộng tồn, tinh thần samurai quyết liệt, tinh thần đồng thuận xã hội. Nói cách khác, văn hóa Nhật Bản đã trở thành nguồn lực phát triển đặc biệt của đất nước mặt trời mọc trong quá trình duy tân đổi mới hàng trăm năm kể từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868). Thời đó, Nhật hoàng đã không ngại ngần chi rất nhiều tiền bạc trong ngân khố quốc gia cho hàng vạn người ra nước ngoài đi học kỹ thuật công nghệ phương Tây; dịch thuật, giới thiệu nhiều công trình khoa học, tác phẩm nghệ thuật trên thế giới sang tiếng Nhật để duy tân, đổi mới.

Vào những năm cuối TK XX, P.Bourdieu (nhà xã hội học người Pháp) đã đưa khái niệm “vốn” trong nghiên cứu về sự phát triển và nhìn nhận văn hóa như một loại vốn – tương tự như ba loại vốn phổ biến thường được biết đến (vốn vật thể, vốn con người, vốn tài nguyên). Các loại vốn này có thể chuyển hóa thành những loại nguồn lực khác, vốn khác, chẳng hạn vốn văn hóa có thể chuyển thành vốn con người, vốn kinh tế và ngược lại. Theo P.Bourdieu, vốn văn hóa được biểu hiện qua ba trạng thái: hàm chứa trong bản thân từng con người cụ thể, khách thể hóa qua các sản phẩm văn hóa và thể chế hóa qua những bằng cấp. Vốn văn hóa là một thứ tài sản của một cộng đồng hay của một xã hội nào đó và cho rằng văn hóa như là giá trị, chuẩn mực, thể chế nhằm tạo nên sự liên kết giữa những cá nhân trong xã hội với nhau. Sự liên kết này tạo nên mạng lưới xã hội với những tiêu chuẩn giao dịch qua lại trong sự tin tưởng lẫn nhau và đồng thời đó cũng là đạo lý cư xử giữa người với người trong xã hội.

Nguồn lực văn hóa chính là tổng thể các yếu tố văn hóa tác động đến tới các hoạt động kinh tế xã hội. Nguồn lực văn hóa là sức mạnh vừa hữu hình, vừa vô hình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng vì hạnh phúc của con người và cộng đồng xã hội.

2. Cơ cấu của nguồn lực văn hóa

Có thể nhận thấy các yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa như sau:

Nguồn nhân lực tổng hợp của một cộng đồng xã hội

Văn hóa xét đến cùng chính là con người. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa và con người cũng là sản phẩm của một nền văn hóa. Vì vậy, nguồn lực văn hóa trước tiên chính là nguồn lực con người, bao gồm các trình độ về phẩm chất người, năng lực người, cụ thể là sức khỏe, trình độ tri thức, kỹ năng, lao động, đạo đức và chí hướng nghề nghiệp, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc. Đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Trong thực tế đã có những thế hệ con người đặc biệt đủ khả năng đưa cộng đồng vượt qua những khó khăn thử thách của lịch sử. Tổng kết về sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến nhân tố con người (người lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, kỹ thuật, người lao động…). Chẳng hạn, Nhật Bản và Singapore là những nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nên để có thể tồn tại thì không còn con đường nào khác là đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn lực con người, đầu tư nhiều về nguồn lực văn hóa.

Tại Hàn Quốc, phát triển nguồn nhân lực là một trong những chủ trương quan trọng nhất của chính phủ trong suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chủ trương này được cụ thể hóa bằng luật pháp và cải cách giáo dục liên tục trên cơ sở thực tiễn biến đổi theo từng giai đoạn. Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm dùng văn hóa, giáo dục làm động lực cho phát triển và sau khoảng ba thập kỷ đã tăng tốc trở thành một trong bốn con rồng châu Á. Trên thế giới, hầu hết các nước phát triển rất coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức và năng lực cho người lao động. Nhiều công ty đã bằng mọi cách truyền bá văn hóa doanh nghiệp cho người lao động, thường xuyên bồi dưỡng cho họ có tình cảm “yêu doanh nghiệp như gia đình mình”, có tinh thần vượt gian khổ tạo lập sự nghiệp. Ở Nhật Bản, người ta chú trọng giáo dục và đốt lên ngọn lửa tâm huyết mãnh liệt, lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp. Các công ty Nhật Bản đã thực hiện chế độ làm việc suốt đời, tức là cống hiến trọn đời với công ty. Những lễ giáo về lòng trung thành mang tính truyền thống Nho giáo trong xã hội hiện đại đã được nhân viên tiếp nhận làm nên sức mạnh của doanh nghiệp.

Các quan hệ văn hóa xã hội tạo thành môi trường lành mạnh của hoạt động kinh tế xã hội

Các quan hệ văn hóa xã hội tạo thành môi trường văn hóa của hoạt động kinh tế, xã hội bao gồm: hệ thống luật pháp, hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, các quy tắc ứng xử của các thành viên trong mối quan hệ cộng đồng và cá nhân. Đây là sức mạnh văn hóa (trí tuệ và sự liên kết) của một cộng đồng, giúp cho cộng đồng đó phát triển kinh tế xã hội. Chẳng hạn, quan điểm, trình độ, kỹ năng, công nghệ, tinh thần trách nhiệm và phương thức làm đường giao thông của Cu ba (tức là hệ giá trị văn hóa giao thông Cu ba) được các công nhân đất nước của Phi đen Caxtơrô (nguồn lực con người Cu ba) đã giúp Việt Nam thi công kiến tạo giao thông khu vực Xuân Mai, Miếu Môn, Hà Tây (cũ) trong những năm 70 TK XX, để lại cho đất nước chúng ta những con đường Cu ba chất lượng cực kỳ tốt, tồn tại hơn nửa thế kỷ qua.

Hệ thống sản phẩm văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội

Hệ thống sản phẩm văn hóa hiện đại (văn hóa ẩm thực, văn hóa cư trú, văn hóa vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật điện ảnh) cùng với hệ thống di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) sẽ được khai thác để phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các truyền thống, thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật, các biểu tượng và phong tục, lễ hội thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc có khả năng thu hút, mời gọi cộng đồng thế giới. Gần đây, mọi quốc gia đều coi hệ thống di sản văn hóa như một lĩnh vực tài sản quốc gia quý giá cần được kế thừa, phát triển và thường xuyên được khai thác du lịch để phát triển kinh tế xã hội.

3. Vai trò của nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội

 Nguồn lực văn hóa trong tư cách là nguồn lực con người sẽ quyết định trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội

Văn hóa là trình độ phát triển của con người. Những thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội… đều do khát vọng, ý chí, trí tuệ, tài năng lao động của con người sáng tạo ra. Văn hóa vừa là toàn bộ tinh hoa giá trị sáng tạo của xã hội, tinh hoa thời đại. Mỗi con người trong cộng đồng là một chủ thể mang những sức mạnh và tiềm năng văn hóa. Bằng trình độ và kỹ năng hoạt động sáng tạo, các chủ thể mang tiềm năng văn hóa sẽ không ngừng tạo ra các giá trị mới, thúc đẩy xã hội tiến lên.

Hoạt động của các chủ thể văn hóa có trình độ trí tuệ cao, nhân cách lớn, sẽ đem lại nhiều giá trị lớn. Hoạt động đó càng có giá trị quan trọng đối với tiến bộ xã hội, tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này khẳng định rằng, văn hóa chính là năng lượng, nguồn lực, động lực nội tại, tạo nên sự vận động và sự phát triển của con người và xã hội.

Lịch sử loài người vận động và phát triển theo quy luật chuyển hóa các phương thức sản xuất từ thấp lên cao, trong đó, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định. Lực lượng sản xuất gồm nhiều yếu tố, nhưng tập trung chủ yếu và nói đến cùng là ở con người với trình độ phát triển tổng hợp từ thể chất, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ cho đến khả năng nhận thức, khả năng và kỹ năng hoạt động (năng lực nội lực hóa và ngoại lực hóa) trong quá trình hoạt động sống, hoạt động kinh tế xã hội.

Lực lượng sản xuất với tư cách con người chính là trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động sống của con người, là ý chí và bản lĩnh của các chủ thể xã hội, mà cao hơn là chủ thể văn hóa, được đúc kết thành các mô hình sản xuất, cấu trúc xã hội, phương thức tổ chức, hoạt động để phát triển kinh tế và các mặt của đời sống xã hội.

Nguồn lực văn hóa với tư cách là các quan hệ văn hóa xã hội tạo môi trường cho sự phát triển

 Các quan hệ văn hóa xã hội đóng vai trò nền tảng tinh thần cho sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ văn hóa xã hội truyền thống của dân tộc đang được bảo tồn, phát huy và phát triển, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển. Các quan hệ ấy được hình thành trong lịch sử và được tích lũy qua nhiều thế hệ tạo nên bề dày, chiều sâu trong đời sống dân tộc, được duy trì bằng truyền thống tức là được trao truyền trong cộng đồng thông qua thời gian và không gian. Đó là những giá trị tương đối ổn định và bền vững, được cố định bằng các phong tục, tập quán, khuôn mẫu, chuẩn mực, luật tục và cả luật pháp quy định phương thức ứng xử của cả xã hội.

Nguồn lực văn hóa với tư cách là động lực phát triển kinh tế sẽ quyết định chất lượng của sự phát triển

Ngày nay, người ta cho rằng, có những nguồn lực tác động đến sự phát triển kinh tế như sau: nguồn vốn (tài chính); tài nguyên thiên nhiên; trình độ khoa học, công nghệ; nguồn nhân lực lao động. Trong bốn nguồn lực trên thì trình độ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực lao động thuộc về văn hóa. Văn hóa được xem là nguồn lực mềm trong các nguồn lực phát triển kinh tế. Các nguồn lực phát triển kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến văn hóa. Văn hóa có vai trò tổng hợp, tích hợp các nguồn lực thành một tổng hợp lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khoa học công nghệ ngoài máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật mang tính vật thể, vật chất, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, là phương pháp và bí quyết công nghệ, nghề nghiệp. Tất cả các yếu tố đó đều là trình độ văn hóa của con người có vai trò tổ chức vận hành, sử dụng các yếu tố vật chất, kỹ thuật.

Ngày nay, trong nền kinh tế tri thức, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Tri thức là yếu tố quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế. Bởi vì tri thức làm giàu của cải vật chất (tăng giá trị bằng sáng tạo, sáng chế vật liệu mới, vật phẩm mới), người ta thường coi trọng ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh. Tri thức cho phép chọn lựa con đường phát triển. Trên thực tế, văn hóa dân tộc với các yếu tố tri thức kinh nghiệm và công nghệ độc đáo có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Các ngành nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, tri thức, kinh nghiệm dân gian bản địa độc đáo đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế. Ngày nay nhân loại tiến lên bằng trí tuệ chứ không chỉ bằng sức lực của cơ bắp. Chất lượng lao động cao sẽ tác động đến sáng tạo công nghệ, sử dụng thiết bị kỹ thuật, tái tạo và sử dụng các nguồn lực khác để phát triển. Nói đến chất lượng lao động cũng cần nói đến trình độ lao động quản lý, tổ chức sản xuất của những nhà quản lý sản xuất trong nền kinh tế hiện đại. Đây là một bộ phận quan trọng của nguồn lực lao động đóng góp to lớn vào nền kinh tế với một trình độ văn hóa cao: kinh tế – khoa học – công nghệ – con người. Văn hóa là động lực phát triển kinh tế, thể hiện ở trình độ lãnh đạo, quản lý kinh tế xã hội, năng lực xây dựng đường lối, chiến lược phát triển đất nước, năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế, phát triển doanh nghiệp, hạch toán, kinh doanh, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa thương hiệu và văn hóa doanh nhân.

Bên cạnh vai trò của khoa học, công nghệ gắn với trí tuệ, tri thức của con người, cũng cần phải nói đến vai trò của văn hóa như là sức mạnh tinh thần, ý chí của con người thúc đẩy hay cản trở quá trình phát triển kinh tế xã hội. Các giá trị văn hóa, đạo lý, khát vọng, sự giác ngộ của cá nhân người lao động và cả cộng đồng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước. Đó là ý chí phục hưng dân tộc, khát vọng khơi dậy tiềm năng sáng tạo cho con người, không cam chịu nghèo nàn, làm giàu cho đất nước. Văn hóa đem lại những chuẩn mực đạo đức cho con người trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là kinh tế thị trường; khắc phục các yếu tố bảo thủ, lạc hậu của xã hội. Văn hóa dân tộc quy định sự hình thành các phẩm chất, tính khí, bản lĩnh con người, tinh thần yêu nước, lòng thương người, chất cần cù lao động, óc thông minh sáng tạo, ý chí và đức hy sinh vì sự nghiệp chung của cộng đồng dân tộc; tức là văn hóa đã chuyển bản chất, sức sống, sức mạnh của dân tộc vào văn hóa cá nhân của từng con người cụ thể. Từ đó, văn hóa hóa cộng đồng, chuyển văn hóa vào trong hoạt động sống, xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội. Điều quan trọng là các giá trị văn hóa đó kiến tạo tinh thần nhân văn, niềm tin và ý chí con người, trở thành sức sống mãnh liệt, bản lĩnh, sức mạnh phát triển bên trong của con người.

Văn hóa dân tộc là một nguồn lực đặc biệt của sự phát triển kinh tế xã hội. Nguồn lực văn hóa còn xuất hiện với tư cách là nguồn lực kinh tế xã hội trực tiếp. Ngày nay một nền kinh tế được coi là phát triển là nền kinh tế có tỷ trọng kinh doanh dịch vụ chiếm tỷ lệ cao. Dịch vụ bao gồm: vận tải, thương mại, ngân hàng, bưu điện, thông tin, quảng cáo, tiếp thị, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, sức khỏe, tư vấn (tâm lý, pháp luật, văn hóa…), có tác dụng tích cực đến phát triển kinh tế: phân công lao động, nâng cao chất lượng lao động, sản xuất hàng hóa, tăng thêm việc làm. Đây là những ngành công nghiệp không khói với hàm lượng trí tuệ cao. Văn hóa cung cấp những yếu tố cơ bản cho hoạt động kinh doanh dịch vụ: công nghệ, kỹ năng, thông tin, bí quyết, truyền thống nghề nghiệp. Văn hóa là sự kết tinh tài năng của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà sáng chế, các nhà lập trình và cả những người lao động có tay nghề trong quá trình xuất khẩu chất xám và lao động dịch vụ.

Tựu trung lại, “văn hóa chính là con người (vừa cụ thể, vừa khái quát) với tất cả sức mạnh phẩm chất người, năng lực người trong quá trình tác động và cải tạo tự nhiên, xây dựng cuộc sống xã hội văn minh, hiện đại, vì sự sinh tồn phát triển của cộng đồng”.

Văn hóa là sức mạnh (hữu hình và vô hình) của con người (truyền thống và hiện đại) trong phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay, văn hóa đang trở thành sản phẩm kinh tế du lịch của nền công nghiệp văn hóa (bao gồm di sản văn hóa, di sản tự nhiên do con người chiếm lĩnh cùng các sản phẩm điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, thể thao, vui chơi, giải trí hiện đại) là nguồn lực to lớn  để phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia, dân tộc. Văn hóa đã, đang và sẽ còn là sự sáng tạo vô tận của con người, thể hiện trí tuệ, tài năng khoa học, công nghệ, kỹ năng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, ý chí, nghị lực, của cá nhân và cộng đồng, kiến tạo nên sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, quyết định sự phát triển bền vững.

_______________

1. C. Mác, Ph. Ăng ghen, Thư gửi Boocgiusơ ngày 25 – 1 – 1894.

2, 3. Lời phát biểu của Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor trong buổi phát động Thập kỷ quốc tế văn hóa vì phát triển ngày 21 – 01 – 1988 tại Liên hợp quốc.

4. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN TOÀN THẮNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *