Đào tạo nguồn nhân lực quản lý văn hóa theo cơ chế thị trường ở việt nam

Nguồn nhân lực quản lý văn hóa (QLVH) đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở cơ sở, góp phần vào những thành tựu văn hóa chung của đất nước. Hoạt động đào tạo đã tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, phẩm chất tốt đóng góp cho hoạt động QLVH nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập văn hóa toàn cầu, công tác đào tạo vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đánh giá thực tế và đưa ra những biện pháp khoa học, hiệu quả nhằm thay đổi hoạt động đào tạo nguồn nhân lực QLVH ở Việt Nam là việc làm cần thiết, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo đúng Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đề ra.


1. Hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở nước ta có sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến năm 2016, cả nước đã có hàng chục cơ sở đào tạo, trong đó cơ sở có kinh nghiệm lâu năm, quy mô lớn như: Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội… Bên cạnh đó, hệ thống trường cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật thuộc các địa phương cũng được mở rộng. Các cơ sở đào tạo đã cung cấp cho xã hội một đội ngũ cán bộ văn hóa hùng hậu, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học ngành, chuyên ngành QLVH có 5 bậc học: trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Đào tạo trong lĩnh vực QLVH cần đảm bảo người học vừa có kiến thức rộng về văn hóa để làm nghiệp vụ chuyên môn, vừa phải có kiến thức sâu về đường lối chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực QLVH cần đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trước yêu cầu thực tiễn của đời sống tinh thần, sự kỳ vọng của xã hội thì hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực QLVH ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực QLVH hiện nay

Trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực QLVH, hệ thống các cơ sở đào tạo trong nước đóng vai trò chính yếu. Phần lớn đội ngũ cán bộ văn hóa đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị cơ sở được đào tạo từ các trường, viện văn hóa trong nước, số lượng được đào tạo ở nước ngoài không đáng kể. Các bậc đào tạo từ trung cấp đến nghiên cứu sinh đã có sự phát triển và hoàn thiện đáng kể, thu hút hàng nghìn học viên mỗi năm. Trường Đại học Văn hóa TP.HCM là cơ sở đào tạo cán bộ QLVH lớn nhất khu vực phía nam, đến nay đã tuyển sinh 5 khóa cao học, với 297 học viên, 10 khóa đại học, với 5.659 sinh viên. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tuyển sinh được 12 khóa chuyên ngành QLVH, với 51 nghiên cứu sinh.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo đã chuyển đổi phương thức đào tạo từ học chế niên chế sang tín chỉ. Sự thay đổi này giúp hoạt động đào tạo của Việt Nam tiến dần theo mô hình đào tạo nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Các cơ sở đào tạo cũng đang đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực QLVH ở Việt Nam còn tồn tại không ít hạn chế: đảm bảo chỉ tiêu về người học nhưng chất lượng đào tạo chưa cao; đội ngũ giảng viên chuyên sâu còn ít so với yêu cầu thực tế; nội dung, chương trình đào tạo chưa sát thực tiễn, tụt hậu so với quốc tế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu xuống cấp; kỹ năng của người học còn hạn chế… Nhiều học viên đã tốt nghiệp thạc sĩ QLVH nhưng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu còn yếu, không có khả năng nghiên cứu thực tiễn. Học viên còn thụ động trong học tập, việc tìm tài liệu nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào giảng viên, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, hạn chế trong việc tìm hiểu tài liệu nước ngoài. Hình thức kiểm tra, đánh giá người học vẫn nặng về lý thuyết, chưa tạo động lực và công bằng giữa các học viên.


  Ảnh internet  

Kết quả đánh giá tổng hợp nguồn nhân lực của tổ chức BERI (Business Enviroment Risk Intelligence) xếp Việt Nam vào nhóm nước cuối cùng có kỹ năng nghề nghiệp dưới mức tiêu chuẩn. Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2015 do Viện Khoa học Lao động Xã hội công bố, có khoảng 199,4 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 17,4% số người thất nghiệp, cho thấy việc đào tạo không gắn liền với nhu cầu thị trường lao động. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp yếu về chuyên môn, thiếu năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng trong môi trường cạnh tranh.

Vì vậy, việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực QLVH gắn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển theo xu hướng quốc tế là một yêu cầu mang tính cấp thiết. Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI nêu khái quát mục tiêu đổi mới giáo dục nhằm xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

3. Một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực QLVH

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các cơ sở đào tạo được tự chủ trên nhiều phương diện, chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực QLVH sẽ quyết định thương hiệu của cơ sở đào tạo. Quá trình tổ chức đào tạo sẽ quyết định sự tương xứng giữa bằng cấp với trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người học.

Xuất phát từ xu thế phát triển của văn hóa, giáo dục quốc tế, từ thực trạng hoạt động đào tạo và đòi hỏi của thực tiễn hoạt động QLVH ở Việt Nam, tôi xin đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở đào tạo:

Thứ nhất, cần tạo môi trường giáo dục thân thiện, năng động theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Quan tâm, nghiên cứu khảo sát quy luật cung – cầu của thị trường lao động, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học ngành QLVH là tiêu chí đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở, là căn cứ để định hướng ngành nghề. Cơ sở đào tạo cần thay đổi kiểu văn hóa cai trị – dùng mệnh lệnh đối với người học, sang văn hóa phục vụ – xem người học là khách hàng, đảm bảo các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, học liệu, giảng viên, đội ngũ tư vấn hỗ trợ đào tạo.

Thứ hai, cần xây dựng chương trình đào tạo QLVH phù hợp với định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển theo năng lực người học. Theo cách tiếp cận này, chương trình giáo dục được xem là quá trình và giáo dục là sự phát triển. Giáo dục là sự phát triển với nghĩa phát triển con người, tiềm năng, kinh nghiệm để làm chủ bản thân, đương đầu với thử thách một cách sáng tạo, chủ động, tạo khả năng thích nghi với nghề nghiệp, thế giới. Cách tiếp cận này chú trọng đến phát triển khả năng hiểu biết, tiếp thu ở người học hơn là truyền thụ nội dung kiến thức đã được xác định từ trước. Đặc biệt, cần phát triển kỹ năng sống, kỹ năng có thể chuyển đổi, kỹ năng tư duy, giao tiếp hiệu quả, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tìm thông tin… Bên cạnh đó, cần đổi mới trong việc xây dựng hệ thống học phần. Qua tìm hiểu chương trình đào tạo ngành, chuyên ngành QLVH ở bậc đại học, cao học của một số cơ sở đào tạo, có thể thấy cấu trúc các học phần vẫn nặng về lý thuyết, mang tính đại cương trong khi cấu trúc các học phần thuộc khối kiến thức chuyên sâu, gắn với công việc của người học chưa được xem trọng. Vì vậy, cần loại bỏ những điều không phù hợp với thực tế, bổ sung những học phần đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của người học.

Thứ ba, cần áp dụng triệt để cách tư duy, phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người định hướng, dẫn dắt. Đây là phương pháp mà các nền giáo dục tiên tiến thường áp dụng. Ở Việt Nam, phương pháp lấy người học làm trung tâm đã được đề cập đến nhiều, song trong thực tế việc áp dụng phương pháp này còn rất hạn chế. Phần đông giảng viên vẫn giảng dạy theo phương pháp thuyết giảng, còn học viên nghe, chép. Như vậy, quá trình chủ động sáng tạo của người học và sự tương tác giữa giảng viên, học viên không được phát huy. Vì vậy, giảng viên phải là người đổi mới, giữ vai trò quyết định, chủ động trong các khâu như: chọn vấn đề, tổ chức lớp học, sưu tầm tài liệu, đánh giá kết quả. Đối với bậc học sau đại học, phương pháp này càng quan trọng bởi nó giúp cho học viên phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng nghiên cứu. Trong giảng dạy, khuyến khích phương pháp học tập theo mô hình thực nghiệm như quan sát, tham dự thực tế.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa đội ngũ giảng viên, bởi họ là yếu tố quyết định về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành, chuyên ngành văn hóa và QLVH ở các cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Về lâu dài, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giảng viên cơ hữu bằng nhiều cách, trong đó ưu tiên việc cử viên chức đi học ở các nước có nền giáo dục phát triển; mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy, phát triển, kết nối các quỹ, dự án văn hóa quốc tế. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, mời chuyên gia, cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm từ các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy.

Thứ năm, đề cao tính tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của chủ thể đào tạo. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên thế giới, tự chủ là cách thức để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường. Ở Việt Nam, chủ trương tự chủ đại học công lập đã được khởi xướng nhưng việc áp dụng trong thực tế còn chậm. Với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực QLVH, chưa có đơn vị nào tự chủ hoạt động mà vẫn phải phụ thuộc vào cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý chuyên môn về cơ sở vật chất, tài chính, nhân sự, chỉ tiêu đào tạo… Điều này đã làm hạn chế việc huy động các nguồn lực phát triển. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện cơ chế phân cấp quản lý về giáo dục đào tạo cho các cơ sở giáo dục (về ngành nghề, nội dung chương trình, mạng lưới cơ sở giáo dục…) bám sát cơ cấu chuyển dịch kinh tế, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng vùng miền, cũng như ở tầm quốc gia; cơ sở đào tạo phải đẩy mạnh và quyết tâm tự chủ về tài chính, xã hội hóa hoạt động giáo dục đào tạo bằng cách kết nối 4 nhà (nhà nước, nhà trường, nhà tuyển dụng, gia đình). Có như vậy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực QLVH mới tồn tại, phát triển trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay.

Trong những năm tới, quá trình hội nhập kinh tế, tương tác văn hóa quốc tế của Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ. Để phù hợp với xu thế đó, đòi hỏi hoạt động đào tạo nguồn nhân lực QLVH phải đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện: tư duy, nội dung, phương pháp, đội ngũ giảng viên, người học, môi trường giáo dục… Có như vậy, hệ thống cơ sở đào tạo mới đào tạo ra được nguồn nhân lực QLVH có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Chỉ đổi mới tư duy và phương pháp làm việc khoa học, cơ sở đào tạo mới phát huy được vai trò kiến tạo nguồn nhân lực văn hóa, xây dựng con người trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH TÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *