Kiến giải thêm về 82 bia tiến sĩ

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử văn hóa nằm giữa thủ đô Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, nơi hun đúc truyền thồng hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Trong đó, 82 bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di sản độc đáo và quý hiếm nhất mà ông cha ta để lại cho hậu thế.

Hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là nhiều người đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thăm vườn bia và chỉ chăm chăm sờ đầu rùa lấy may. Hành động này chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về giá trị và tầm quan trọng của 82 bia tiến sĩ. Mặt khác, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam và hiện là trung tâm hoạt động văn hóa khoa học của thủ đô Hà Nội, có vinh dự đón nhiều chính khách đến tham quan. Đây là dịp để chúng ta quảng bá về lịch sử, đất nước và con người của Việt Nam. Việc hiểu biết đầy đủ và tôn vinh giá trị của 82 tấm bia là cần thiết hơn bao giờ hết, là trách nhiệm của chúng ta với cha ông và với hậu thế.

82 tấm bia không chỉ là những pho “sử đá” mà còn chứa đựng giá trị văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và mang tính thời sự rất lớn… Những tư tưởng triết học, sử học, quan điểm giáo dục, đào tạo, sử dụng nhân tài được thể hiện trong những bài văn bia đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Với vinh dự đó, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được lựa chọn gửi lên UNESCO, đề cử là Di sản tư liệu thế giới. Chúng ta hy vọng, đó sẽ là món quà có ý nghĩa đặc biệt nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

82 bia được dựng hai bên phải, trái giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm, chia thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về giếng. Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống. Đây là hai tòa đình thờ bia. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, trong Văn Miếu làm lễ tế thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái các vị tiên nho của nước ta mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá.

Bia tiến sĩ được làm bằng loại đá xanh (thanh thạch), khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Kích thước bia không đều nhau, cùng đặt trên lưng rùa. Mỗi tấm bia đều có 3 phần. Trán bia hình khum vòm. Thân bia hình chữ nhật, là phần chính của bia, sát trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo lối chữ triện, bên dưới ghi năm tổ chức khoa thi, tên và chức tước các vị được vua giao tổ chức kỳ thi, số lượng thí sinh… Tiếp theo là bài văn bia. Sau bài văn bia là họ tên, quê quán của các vị đỗ kỳ thi đó theo thứ tự từ cao xuống thấp: đệ nhất giáp tiến sĩ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) rồi đến đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân và đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân.

Ý tưởng xây dựng bia đá được khởi dựng từ thời vua Lê Thái Tông, vị hoàng đế tài cao, học rộng, quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa giáo dục của dân tộc. Từ năm 1442 đến năm 1787 có 117 khoa thi tiến sĩ, tức là sẽ có 117 tấm bia đề danh tiến sĩ. Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện ở Văn Miếu chỉ còn 82 bia. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 (1779). Điều này được ghi lại như sau:

Bia Tiến sĩ dựng trong Văn Miếu

Khởi từ năm Đại Bảo thứ ba

Xí vào Nhâm Tuất hội khoa

Thái Tông ngự trị thuộc nhà Hậu Lê

Rồi từ đó lệ về Quốc Giám

Trải ba trăm ba mươi tám năm ròng

Đến năm thứ 40 niên hiệu Cảnh Hưng vua Hiển Tông

Là khoa Kỷ Hợi cuối cùng hết bia

Những giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục

Mỗi dòng chữ trên 82 bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt. 82 bia đá đề danh tiến sĩ đã lưu giữ tên họ, quê quán của 1306 vị tiến sĩ. Người được khắc tên lên bia đá đầu tiên là Trạng nguyên Nguyễn Trực; người cuối cùng là tiến sĩ Phạm Huy Ôn. Qua văn bia còn tìm thấy họ tên của nhiều vị được sử sách Việt Nam nhắc đi nhắc lại. Đó là Lê Văn Thịnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng, Lê Quý Đôn. Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhậm,… Điều đặc biệt là các tấm bia còn giúp hậu thế biết về những dòng họ, những vùng đất có truyền thống khoa cử; quan điểm giáo dục thời phong kiến; sự náo nhiệt của không khí học hành thi cử, số người dự thi… chứng tỏ việc học hành, giáo dục thời phong kiến phát triển rất cao.

Nét độc đáo nhất của 82 tấm bia là được khắc kèm theo bài văn ký. Làm phép so sánh bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với bia các địa danh khác chúng ta sẽ thấy tính độc đáo của các bài văn ký trên bia: ở cấp quốc gia hiện có hai nơi là Văn Miếu Hà Nội và Văn Miếu Huế có bia tiến sĩ; ở cấp tỉnh có hai nơi là Bắc Ninh và Hưng Yên có bia tiến sĩ cùng khoảng 80 bia ở cấp huyện. Song, bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có điểm khác biệt hơn hẳn so với hệ thống bia của các nơi khác chính ở nội dung bài ký được khắc trên bia. Và nếu so sánh với hệ thống bia tiến sĩ của Trung Quốc và Hàn Quốc hiện còn lưu giữ được, thì nội dung này cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của bia tiến sĩ Việt Nam.

Các bài văn ký được những bậc văn nhân viết. Nội dung đề cập đến việc khoa cử, mục đích dựng bia, khẳng định vai trò và những điều răn với kẻ sĩ. Những áng văn bất hủ trên dù đã được khắc trên bia nhiều thế kỷ qua nhưng tinh thần và giá trị của nó vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Các vấn đề như: phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực luôn là chính sách hàng đầu, đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào trong quá trình xây dựng và phát triển.

Trong 82 bia, hai bia tiến sĩ đầu tiên do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 và 1487 để lại cho đời sau những bài học sâu sắc về vai trò của người trí thức, về chính sách với danh nhân; nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm với thời cuộc, với non sông gấm vóc: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (bia 1484); “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (bia 1487). Chẳng thế mà Giáo sư Vũ Khiêu từng nhấn mạnh về giá trị giáo dục của 82 tấm bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Trong tình hình hiện nay, 82 bia đá càng được toàn dân trân trọng và tôn vinh. Đất nước ta đang tiến mạnh trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu. Văn hóa, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cung của đất nước. Những bài văn bia tại Văn Miếu sẽ mãi mãi là bài học quý giá và nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay”.

Nhiều bài văn bia đề cập đến những quan điểm chính trị, chính sách của quốc gia mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự: “dựng xây nghiệp lớn, diệt trừ tàn bạo, cứu dân lầm than”, “mở mang văn đức, thu nạp anh tài, đổi mới chính trị…” (bia 1484).

Giá trị mỹ thuật độc đáo

82 bia đá đề danh tiến sĩ được các nhà nghiên cứu mĩ thuật đánh giá là nguồn tư liệu quan trọng trong quá trình nghiên cứu lịch sử mỹ thuật và điêu khắc Việt Nam từ TK XV đến TK XVIII.

Nghệ thuật tạo tác 82 bia đá đã đạt trình độ cao, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân hàng đầu với nhiều phong cách đặc trưng qua mỗi thời kỳ. Do ý nghĩa đặc biệt của các tấm bia tiến sĩ, nên quá trình dựng bia được tiến hành hết sức công phu, kỹ lưỡng: Vua giao cho Bộ Công tiến hành chuẩn bị dựng bia, chọn và chỉ định những quan đại thần tài năng soạn văn bia, kiểm tra tên những người đỗ của khoa thi; bài văn bia sau khi soạn xong được trình lên nhà vua xem xét, đồng thời các nghệ nhân, thợ giỏi được tuyển chọn tìm đá làm bia. Sau khi văn bia và mẫu bia được thông qua, nó được chuyển cho nhà thư pháp viết lên mặt đá; thợ khắc đá sẽ khắc bài văn bia cũng như trang trí bia dưới sự giám sát của quan đại thần do vua chỉ định.

82 bia tiến sĩ hiện lưu giữ hệ thống đồ án hoa văn hết sức kinh điển và mẫu mực. Điểm khác biệt và độc đáo của nghệ thuật trang trí bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu với các bia đá cùng loại ở Huế hay ở Bắc Kinh – Trung Quốc là số lượng chim – hoa trên bia rất nhiều. Tần xuất xuất hiện chim ở trên các đồ án bia tiến sĩ, gần với trường hợp vô số các loại chim trên hoa văn trống đồng Đông Sơn. Phần lớn mang tính tượng trưng (kiểu trúc điểu, tùng điểu), một số ngoại lệ mang tính hiện thực.

Nhiều hình ảnh trang trí trên bia thể hiện theo lối hài thanh ngụ ý, lối chơi chữ trong phép tạo hình dân gian. Hình ảnh những con cò trong đám hoa sen trang trí trên bia (bia khoa 1598) được giải thích là đồ án lồ lộ liên khoa ám chỉ việc đăng khoa liên tiếp. Chữ lộ nghĩa là . Chữ sen có âm khá giống chữ liên khoa. Vậy nên để thể hiện mong ước con đường công danh khoa bảng được trôi chảy, người ta vẽ những con cò trong đám sen. Một số bia có hình ảnh những chú vịt tắm mình trong nước giữa đám sen, đầu quay lại rỉa lông là mong ước đỗ đạt ngôi cao. Người ta gọi đó là đồ án liên đăng nhất giáp. Trong khoa cử xưa, đỗ ngôi đầu – nhất giáp là Trạng nguyên, ngôi thứ hai là Bảng nhãn, ngôi thứ ba là Thám hoa. Trong tiếng Hán âm đọc lên của chữ nhất giáp với một con vịt (nhất áp) na ná như nhau. Hay hình ảnh khỉ bắt chim với ngụ ý đỗ dạt được tước vị quyền quý cao sang. Nguyênhầu (khỉ) và hầu trong hầu tước, tước trong ma tước (chim sẻ) đọc giống tước trong chức tước.

Như vậy, có thể thấy hình ảnh trang trí trên bia không chỉ đơn thuần là hình ảnh tả thực mà nó còn chứa đựng lối nghệ thuật hài thanh ngụ ý. Bia đề danh tiến sĩ tuy được làm vào giai đoạn khá thịnh trị của mỹ thuật làng nhưng nó chỉ dành cho đối tượng là người có học, biết chữ thánh hiền. Dẫu có nôm na đến đâu cũng là thứ nôm na của người có chữ. Mỗi họa tiết trang trí trên bia đều chất chứa hàm ý mà người xưa muốn gửi gắm và ước mong.

Có thể thấy, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là 82 công trình kiến trúc, nghệ thuật độc nhất vô nhị có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, giáo dục. Chúng không chỉ là niềm tự hào của nền văn hóa giáo dục Việt Nam mà còn là di sản tư liệu có giá trị đặc biệt của nhân loại. Hơn bao giờ hết chúng ta cần hiểu, trân trọng và gìn giữ di sản quý báu này, bởi đó là một phần của lịch sử dân tộc, của truyền thống trong quá khứ đang soi sáng cho hiện tại và tương lai.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 308, tháng 2-2010

Tác giả : Dương Thị Thu Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *