Lễ hội quan lạn, nét văn hóa độc đáo của ngư dân biển đảo vân đồn


         Quan Lạn là một trong những hòn đảo hoang sơ mà kỳ vĩ của huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Ngay từ TK XII, Quan Lạn đã nằm trong khu vực thương cảng Vân Đồn, một trung tâm buôn bán sầm uất của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Quan Lạn là mảnh đất gắn liền với truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm với những chiến công lừng lẫy thời Trần TK XIII (1). Bởi vậy, trên mảnh đất này có rất nhiều di tích và lễ hội liên quan đến các anh hùng dân tộc nhà Trần, đặc biệt là lễ hội Quan Lạn hay còn gọi là lễ hội bơi chải Quan Lạn, lễ hội Vân Đồn. Hàng năm cứ đến kỳ tháng 6 âm lịch, ngư dân nơi đây lại nô nức tiến hành lễ hội với những sắc màu đa dạng hiếm nơi nào có được.

1. Nguồn gốc và nhân vật trung tâm của lễ hội

Nhân vật chính của lễ hội – vị thần được thờ trong đình, thành hoàng làng – là một nhân vật lịch sử có thật gắn với những chiến công hiển hách đã được nhân dân nơi đây tôn kính và thần thánh hóa. Đó là Trần Khánh Dư – một tướng lĩnh tài ba có công lớn đối với triều Trần được vua Trần phong tước Nhân Huệ Vương, chức Phiêu Kỵ đại tướng quân. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, vua Trần đã giao trọng trách cho Trần Khánh Dư làm phó tướng, trấn giữ miền biên hải đông bắc, đóng đại bản doanh tại Vân Đồn.

Đầu tháng 2-1288 trong cuộc chạm trán với đội thuyền chiến của quân Nguyên Mông trên vịnh Hạ Long do Ô Mã Nhi cầm đầu, quân Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy bị thất bại. Trần Thánh Tông khi nghe tin đó nổi giận bèn sai trung sứ đến Vân Đồn xiềng Trần Khánh Dư về kinh chịu tội. Trần Khánh Dư bình tĩnh nói với trung sứ rằng: “Lấy quân luật mà xét thì chịu tội là phải, nhưng hãy cho hoãn vài ba ngày để lập công chuộc tội rồi chịu búa rìu cũng chưa muộn”.

Ít lâu sau đội thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến vào vịnh Hạ Long, Trần Khánh Dư đã cho quân bao vây chặn đánh. Lợi dụng địa hình dòng sông Mang và cống Cái hẹp, dốc, Trần Khánh Dư cùng binh lính đã diệt sạch đội chiến thuyền của giặc. Chiến thắng này đã tạo tiền đề quan trọng cho đại thắng của quân ta trên sông Bạch Đằng vào tháng 4-1288, quét sạch bóng quân thù trên bờ cõi, chấm dứt ý đồ xâm lược nước ta lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng của triều đại Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc.          

Chín ngày sau đại thắng 18-4, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đem đám tù binh gồm Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp và những tên thiên hộ, vạn hộ về phủ Long Hưng làm lễ mừng thắng trận trước lăng vua Trần Thái Tông, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất 1258 (2).

Với chiến thắng và chiến công vang dội ấy, vua Trần và triều đình đã ban thưởng công trạng cho quân dân Vân Đồn và những tướng sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự chủ dân tộc, ngày đó là ngày 18-6 âm lịch. Cũng từ đó đến nay ngư dân sống trên đảo Quan Lạn đã lấy ngày ban thưởng công trạng là ngày hội của làng. Vì thế lễ hội Quan Lạn còn được gọi là lễ hội Vân Đồn. Trong phần hội bao giờ cũng có diễn lại cảnh đánh giặc trên sóng biển bằng cuộc đua thuyền giữa hai đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, cho nên lễ hội Quan Lạn thường được gọi là hội bơi chải Quan Lạn.

2. Lễ hội

Quanh năm người dân chài theo con nước miệt mài đánh bạn với biển khơi vì mưu sinh, vì nghề bao đời cha ông truyền lại. Chỉ đến tháng 6 ngư dân làng chài Quan Lạn mới có dịp trở về sum tụ cùng gia đình, cùng cộng đồng làng xóm. Với họ, đây là những ngày vui nhất trong năm vì thế chính hội là ngày 18 nhưng lễ hội đã kéo dài từ ngày mùng 10 đến hết ngày 20 còn không khí của lễ hội lại lan tỏa trong suốt tháng 6.

Lịch trình lễ hội được diễn ra như sau: 8h30 sáng ngày 10-6 treo cờ hội khóa làng. 10h30 cùng ngày cải tịch thay áo cho vua Lý Anh Tông, tướng Trần Khánh Dư và Phạm Công Chính. Ngày 13 các giáp họp bàn với nhau việc tổ chức vào đám, đồng thời trình làng tổng số suất đinh của giáp mình tính từ 1 tuổi trở lên. 8h ngày 16 lễ rước sắc thần từ nghè về đình, 19h30 cùng ngày tiến hành lễ tế thánh tại đình, 18h30 ngày 17 tế thần ở miếu Đức Ông, 8h ngày 18 quân giáp Văn và giáp Võ tập trung về miếu làm lễ tế thần, hai tướng nhận kiếm lệnh, dầm, chèo, cờ, long đao, y phục, kiểm tra quân số. Vào khoảng 2 giờ 30 phút cùng ngày, ngay khi hồi lệnh được phát ra, từ hai ngả của doanh trại bên Văn và bên Võ, quân sỹ rầm rập tiến ra biểu dương lực lượng và tham dự hội đua thuyền. Ngày 19 hai vị tướng lo chuẩn bị lễ vật của giáp để cúng lễ vào ngày hôm sau. Ngày 20 làm lễ cầu bình yên tại đình vào buổi sáng. Xong lễ cầu bình là lễ xe giá hoàn cung. Cùng ngày đưa thuyền lên bờ và kết thúc hội.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, các nghi lễ quan trọng như: lễ thay áo cho tượng, lễ rước thần về đình dự hội làng (hay còn gọi là lễ nghênh thần), lễ tế thánh tại đình, lễ tại miếu Đức Ông đều được tiến hành cẩn trọng và chu đáo.

Có thể nói, có sức hút đông đảo người xem nhất là hội đua thuyền của người dân nơi đây, hay còn gọi là lễ hội bơi chải truyền thống Quan Lạn. Cứ đến tháng 6 hàng năm, người ta lại hồ hởi, nô nức kéo nhau về dự hội không chỉ vì mục đích cầu an mà mục đích chính là được hòa mình vào hội đua thuyền, được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ, một thời oanh liệt của ông cha ta như đang diễn ra thật sống động.

Đua thuyền là một hình thức trò diễn dân gian thường được tổ chức trong lễ hội ở những vùng sông nước, nơi cư dân quanh năm đánh bạn với biển. Từ xa xưa người Việt cổ đã có tục đua thuyền. Ở nhiều nơi, đua thuyền trong dịp lễ hội là một hoạt động tín ngưỡng mang ý nghĩa cầu ngư, cầu bình an, may mắn, no ấm, cầu được mùa ra khơi mang nặng lưới cá cho những người đi biển. Còn ở Quan Lạn ngư dân tổ chức đua thuyền chính là một hoạt động truyền thống tưởng nhớ đến vị tướng tài Trần Khánh Dư chỉ huy trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Mang lịch sử vào mùa xuân năm 1288.

Hội đua thuyền thường bắt đầu từ 14 giờ đến 19 giờ ngày 18 (ngày chính hội) vì lúc đó nước biển mới dâng cao. Vị trí tổ chức cuộc đua được lựa chọn ở bến Đình trước khu di tích đình, chùa, miếu. Lệnh của trung tâm được phát ra vào khoảng 14h30, tướng bên Văn dẫn quân từ doanh trại phía trong đi ra ngoài, tướng bên Võ dẫn quân từ phía ngoài vào trong, chạy diễu hành trên đường lớn để biểu dương lực lượng. Trống, cồng, phèng, la được đánh liên tục. Mỗi khi hai bên gặp nhau tại điểm giữa trung tâm, tướng, quân reo hò như sấm dậy, binh khí chạm vào nhau tưởng như cuộc giao tranh trên chiến trường thực sự. Hai phó tướng cầm đao dẫn đường khi tung người lên, khi né tránh đối phương, múa những đường đao gia truyền trên làng đảo đã có hàng nghìn năm. Lễ hội ở các nơi khác không có tiết mục múa đao quét đường như ở đây.

Khi diễu hành trên bộ ba vòng, hai tướng dẫn quân theo hai cổng chạy vào trung tâm sân miếu Đức Ông, lượn ba vòng tròn khép kín. Quân Văn ở vòng trong, quân Võ ở vòng ngoài. Quân tướng lượn tròn ở trong sân khác với việc diễu hành ngoài đường lớn. Ở đây bắt buộc chạy nhanh, người dẫn đường phải thông thạo, không được nhầm lẫn, quân tướng hai bên phải theo sát nhau. Sau khi diễu hành xong, hai hàng quân đứng trang nghiêm trước bàn thờ tưởng niệm. Trống thu quân, cồng, pheng đánh liên tục, phát lệnh hai hồi trống báo hiệu tới phần việc của các vị chức sắc trong làng. Lần lượt các quan chức, hai tướng lên thắp nhang, tiếp đến hai tướng vào lễ thần rồi đưa quân xuống thuyền rồng.

Đường đua của hai thuyền trên biển dài khoảng 1500 m. Ngoài biển có cắm hai lá cờ trắng làm mốc dành cho hai đội. Tại đây có hai trọng tài đứng chứng kiến cuộc đua. Trong khi đua, hai thuyền chỉ được bơi trong khu vực hai hàng cờ. Mốc bắt đầu là từ cây cờ trắng ngoài biển. Hai thuyền cùng hướng mũi về phía đó. Đến nơi, họ nhổ cờ trắng trao cho nhau rồi cùng nghỉ ngơi ít phút để chuẩn bị bước vào cuộc đua. Thuyền của giáp Đông Nam Văn rẽ sang phía đông (thuyền Đông), thuyền của giáp Đoài Bắc Võ rẽ sang phía tây (thuyền Tây). Thuyền Đông rẽ sang đông quay vòng về phía tây, thuyền Tây rẽ sang tây vòng về đông, cứ như vậy ba vòng rồi theo hướng miếu mà trở lại. Trên bờ dân làng vẫy cờ, vẫy tay, hò hét cổ vũ, hai tướng đứng ở mũi thuyền hiên ngang hùng dũng. Cờ tướng, cờ trung phất lên liên tục, đuôi cờ trung luôn sát đầu hai hàng quân chèo. Sau ba vòng lượn, hai thuyền chèo vào bến để đọc lời rao.

Nội dung lời rao của hai tướng trước mũi thuyền rồng chủ yếu là thông báo cho bàn dân thiên hạ, cho quân sĩ biết lý do ngày hội. Lời rao còn mang tính căn dặn, kêu gọi quân sĩ một lòng giành chiến thắng, cầu mong tổ tiên, ông cha phù hộ cho dân làng sức khỏe, cầu cho trời yên biển lặng để cho các chàng trai trong làng ra khơi đánh cá, cho các đội thương thuyền đi buôn bán ngược xuôi. Lời rao cũng như lời hịch, lời cáo hoặc lời truyền, một hình thức bố cáo phổ biến và phù hợp với thời đại nhà Trần xưa. Khi trống nổi, cờ ngũ sắc phất lên tướng của Đông Nam Văn giao hịch trước, sau đó đến phần giao hịch của Đoài Bắc Võ. Dứt lời rao của tướng bên Võ, binh lính chịu trách nhiệm ở dưới biển quay thật nhanh hai mũi thuyền rồng ra phía trước.Trống thúc quân, cồng, phèng, la cùng một lúc được đánh lên.

Trước khi hiệu lệnh xuất phát được ban ra, quân sỹ hai bên phải dựng toàn bộ dầm, chèo lên be thuyền và ở tư thế chèo. Khi tiếng trống vang lên (hiệu lệnh xuất phát), cờ trung quân phất tiến, hai thuyền lao như tên bắn ra tới mục tiêu qui định nhanh nhất. Lúc này quân tướng không một ai được nghỉ ngơi, ra sức đâm mái dầm thật sâu, vớt nước thật nhanh, tất cả đều theo nhịp trống, theo tiếng hô “chèo”. Những người điều khiển thuyền phải làm sao để khi quay thuyền, mặc chiều gió thuận hay nghịch, phải lợi dụng được sức gió, chống sào và cầm lái quay thuyền cho nhanh. Đó chính là bí quyết làm nên chiến thắng của mỗi chiến thuyền.

Điểm về đích là một sợi dây thừng chăng ngang, nếu đầu thuyền rồng của bên nào chạm vào trước thì thuyền đó đạt giải nhất. Trong thời gian hai thuyền đua nhau, trên bờ dân làng và những người xem hội reo hò, cổ vũ không ngớt. Nếu nhìn thấy thuyền nào có khả năng vào trước thì tiếng reo hò cổ vũ cho bên đó lại càng vang dội hơn. Khi thuyền thắng cuộc vào đến bờ thì tướng cùng quân lính chạy thật nhanh vào miếu Đức Ông để làm lễ (thuyền nào chạm tới bến trước, theo lệ, tướng sẽ được quân cõng chạy tới cột treo giải ở miếu Đức Ông, vuốt vào khăn đỏ là chiến thắng. Nhưng để giản tiện hơn, lễ hội ngày nay, tướng chỉ kéo quân về lễ đài miếu Đức Ông để ban tổ chức tiến hành lễ trao giải). Chạy theo cùng với họ là những người cổ vũ cho đội đua. Tùy theo từng năm, đua bao nhiêu lần là do dân làng tự qui định. Trong những lần đua hoặc bơi giao ba vòng, thỉnh thoảng có những đợt nghỉ khoảng nửa tiếng.

Dù thắng hay thua, hai tướng đều phải dẫn quân về đứng nghiêm trang trước miếu Đức Ông để vào lễ thần, sau đó mới dẫn quân về doanh trại ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức.

3. Những điểm khác biệt của lễ hội

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với lễ hội các làng ven biển khác song lễ hội Quan Lạn lại có nhiều điểm khác biệt, tạo sức hút đặc biệt đối với mọi người dân mỗi khi tháng 6 về. Bởi, về dự hội, họ không chỉ được hòa mình vào trong không khí của lễ hội mà còn tìm lại được một phần quá khứ của lịch sử hào hùng mà không phải ai cũng có cơ hội được chứng kiến tận mắt.

Nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức bơi chải vào dịp lễ hội như: lễ hội bơi chải Bạch Đằng, ở đảo Hà Nam,… song lại mang đậm dấu ấn nông nghiệp là cầu mùa màng tốt tươi nhưng lễ hội Quan Lạn lại diễn ra dưới hình thức là một cuộc đua tài, diễn lại ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần liên quan tới các danh tướng là Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư. Như vậy, lễ hội mang đậm tính lịch sử, gắn với truyền thống đánh giặc ngoại xâm giữ nước của dân tộc.

Ngay từ đầu lễ hội, dân làng đã phải tuyển chọn những chàng trai khoẻ mạnh làm tay chải, những người có tài đức để làm tướng Văn và tướng Võ, những chiếc thuyền đẹp nhất, tốt nhất để làm thuyền đua, dựng doanh trại Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ để họp quân lính,… Tất cả như tái hiện không khí một thời “Hào khí Đông A”.

Ngày 16 là ngày khóa làng, các cụ kể lại rằng ngày này không ai được ra khỏi làng, nếu ai trái lệnh sẽ bị đốt thuyền. Sở dĩ lại nghiêm khắc như vậy, vì xưa kia khi có giặc là có lệnh khóa làng để đảm bảo an toàn cho người dân. Tục khóa làng mở đầu vào hội đã thể hiện tâm thế của ngày hội lịch sử, ngày hội đánh giặc truyền thống.

Vào ngày 18 của hội, trước khi xuống thuyền đua, hai giáp Văn và Võ phải diễu hành trên bờ 3 vòng, trong sân miếu Đức Ông 3 vòng, quân lính chạy rầm rầm, tiếng reo hò như đang ở chiến trường thực sự. Khi xuống thuyền đua hai tướng lĩnh đọc lời hịch động viên quân sĩ ra sức giành chiến thắng, vang động cả một vùng biển cả. Sau khi khởi động 3 vòng trên biển, cuộc đua mới chính thức diễn ra. Như vậy, tất cả các nghi lễ diễn ra trước khi chính thức bước vào cuộc đua đều gắn với con số 3 tượng trưng cho 3 lần đánh thắng quân Nguyên của nhà Trần: lần thứ nhất 1257-1258, lần thứ hai 1284-1285, lần thứ ba 1287-1288. Trên đường đua lại có chỗ nghỉ ngơi ước chừng 30 phút, đó là tượng trưng lúc quân ta mai phục chỗ khúc sông hẹp nhất, bất ngờ tung ra đánh phủ đầu tiêu, diệt đoàn tải lương của giặc Nguyên Mông tại dòng sông Mang (địa danh Vân Đồn xưa).

Điều khác biệt của lễ hội Quan Lạn là bao giờ cũng diễn ra cả ở đình, chùa, miếu, nghè chứ không diễn ra ở đình làng như các làng quê khác. Ở đây đình cũng đóng một vai trò quan trọng. Vào hội, dân làng rước sắc phong của Trần Khánh Dư từ nghè về đình song các hoạt động chính của lễ hội lại diễn ra ở miếu Đức Ông Phạm Công Chính (3). Có lẽ do đặc trưng là lễ hội mang đậm dấu ấn lịch sử, đánh giặc cho nên hoạt động chủ yếu được tổ chức ở miếu Đức Ông là một trong các phó tướng của Trần Khánh Dư, người trực tiếp chiến đấu trên dòng sông Mang.

Lễ hội Quan Lạn ngày nay không chỉ của người dân trên đảo mà nó đã lan tỏa ra cả một khu vực rộng lớn. Chính vì lẽ đó, vai trò của lễ hội càng quan trọng hơn trong đời sống cộng đồng cư dân. Mỗi dịp lễ hội về là dịp ngư dân trên đảo thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó sau nhiều ngày đi biển hoặc đi làm ăn xa. Lễ hội cũng là cơ hội để họ được sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, là chốn giao cảm của tâm thức ngư dân vùng biển đảo về quá khứ, một quá khứ hào hùng gắn liền với hành trình chinh phục thiên nhiên của cha ông trong suốt buổi đầu gây dựng cơ đồ, một quá khứ gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi vùng biên viễn đông bắc của tổ quốc. Hàng năm lễ hội được tổ chức, nhắc nhở mỗi người dân trên đảo hãy biết trân trọng những gì cha ông đã để lại và hãy xây dựng hòn đảo trở thành hòn ngọc mãi mãi tỏa sáng.

Đến nơi đây trong sự giao hòa của biển, của trời, của những trầm tích văn hóa và lịch sử, cảm nhận một cách sinh động và chân thực cuộc sống ngư dân biển đảo hôm nay và quá khứ ngàn xưa, sẽ hiểu được vì sao một vùng biển đảo xa đất liền, quanh năm chỉ có ngàn phi lao rì rào cùng con sóng bạc đầu vỗ bờ mà có một bề dày truyền thống văn hóa lịch sử đáng trân trọng như vậy.

 

_______________

1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983.

2. Địa chí Quảng Ninh, tập III, Nxb Thế giới, 2003.

             3. Đỗ Văn Ninh, Huyện đảo Vân Đồn, Ủy ban nhân dân huyện đảo Vân Đồn, 1997.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Nguyễn Thị Phương Thảo

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *