Giải mã lễ hội đền sóc


Qua các lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ, chúng ta có thể nhận ra sự vận động và biến đổi của tín ngưỡng dưới tác động của các nhân tố lịch sử, kinh tế và xã hội. Điều này lý giải tại sao trong rất nhiều lễ hội, các biểu hiện hình thức của nghi lễ, trò chơi, trò diễn phong tục của tín ngưỡng phồn thực đã bị mờ nhạt, chồng lấp hoặc biến mất bởi những lớp bồi văn hóa mới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng ý nghĩa của nghi lễ và tín ngưỡng vẫn được bảo lưu với nhiều sắc thái biến hóa khác nhau. Hàng loạt nghi lễ cướp sinh thực khí cầu phồn thực trước đây đã được biến đổi thành nghi lễ cướp kén, cướp cây bông, cướp dò tre… cầu sự may mắn và thịnh vượng. Rất nhiều lễ hội có nội dung nông nghiệp thờ phồn thực biến đổi thành lễ hội tưởng niệm các anh hùng lịch sử, anh hùng dân tộc…

Lễ hội nông nghiệp, dù vẫn chiếm đa phần trong các lễ hội của người Việt, nhưng đến nay, nó không còn tồn tại dưới dạng độc lập nữa. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, các lễ hội nông nghiệp đã vỡ thành từng mảnh để rồi hòa trộn, đan xen những lớp nghĩa mới tạo thành lễ hội hỗn hợp, đa nghĩa. Sự hòa quyện phổ biến nhất thường thấy là sự đan xen giữa lễ hội nông nghiệp lễ hội lịch sử.

Lễ hội lịch sử thường gắn liền với thần tích, truyền thuyết, lai lịch, sự nghiệp của các anh hùng có công với nước ở những thời điểm, địa danh nhất định. Tuy nhiên nếu bóc tách lớp văn hóa bề mặt, thì ở bề sâu, người ta vẫn nhận ra bóng dáng của lễ hội nông nghiệp nguyên thủy.

Khi dân tộc phải thường xuyên đương đầu với sự quấy nhiễu và xâm lược của ngoại bang thì người anh hùng được đề cao, lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm đã thiết lập giá trị vững bền, do đó đại đa số các lễ hội nông nghiệp đã dần dần được lịch sử hóa theo thời gian. Những lễ hội nông nghiệp đơn sơ ban đầu phản ánh cuộc sống làm ăn sinh hoạt thường ngày của nông dân một vùng dần được thời gian bồi phủ lớp lịch sử mang âm hưởng chiến đấu hào hùng của dân tộc và rồi âm hưởng ấy đã ngày càng chi phối mạnh mẽ.

Mặt khác, trong quá trình tồn tại và phát triển, lễ hội cũng phải hoàn thiện thêm để đáp ứng được nhu cầu mỗi thời đại. Có lẽ cũng vì lý do đó mà Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vào năm Hồng Phúc thứ nhất (đời Lê Anh Tông – 1572) được giao nhiệm vụ biên soạn thần tích, thần phả của nhiều ngôi đền, đình các làng Bắc Bộ. Rất nhiều thần tích đã được bổ sung nội dung mới, rất nhiều vị thành hoàng làng đã được khoác một lớp áo mới để mang tầm vóc những vị anh hùng.

Hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn – Hà Nội) là trường hợp khá điển hình cho sự biến đổi từ lễ hội nông nghiệp thờ phồn thực sang lễ hội lịch sử thờ anh hùng dân tộc.

Lễ hội đền Sóc ở Sóc Sơn ngày nay được tổ chức kỷ niệm vị anh hùng dân tộc – Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) – đã có công diệt giặc Ân cứu nước. Các bộ quốc sử nước ta như Đại Việt sử lược (còn gọi là Việt sử lược), Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đều có chép về Phù Đổng Thiên Vương như vị anh hùng chống ngoại xâm. Bộ sách giáo khoa về lịch sử Việt Nam (1) cũng coi Thánh Gióng như là anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời tối cổ.

Lễ hội đền Sóc được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng hàng năm ở nơi gắn với đoạn cuối của thiên thần thoại, nơi Phù Đổng Thiên Vương về trời. Cũng như các lễ hội khác, tiến trình của lễ hội đền Sóc cũng đầy đủ các bước của một lễ hội kỷ niệm anh hùng lịch sử như tế lễ, rước sách, diễn trò và các trò chơi. Tuy nhiên, phần hội chính không thể thiếu nghi lễ chém tướng và tục cướp hoa tre (hay còn gọi là roi ngựa của Gióng).

Lễ cướp hoa tre hay roi ngựa được diễn ra vào sáng mồng 6, sau khi được rước từ đình làng Vệ vào đền Thượng (thờ Thánh Gióng). Tại đây chủ tế làm lễ và đọc bài tấu tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính Đức Thánh Gióng, vị anh hùng dân tộc có công cứu nước. Sau đó hoa tre của Thánh Gióng lại được rước đến đền Hạ (thờ Mẹ Thánh Gióng) và tục cướp hoa tre diễn ra tại đây như một nghi thức tưởng nhớ việc luyện quân của Gióng trước đây.

Sáng mồng 7, người ta làm lễ chém tướng ở đồi Yên Ngựa (quả đồi gần ngã ba khu vực đền) như một nghi thức chứng minh chiến thắng oai hùng của Thánh Gióng khi xưa.

Toàn bộ nghi thức, trò chơi và trò diễn trong lễ hội đền Sóc Sơn ngày nay với nghi thức lễ Thánh thiêng liêng gắn liền với truyền thuyết lịch sử cho thấy đây là một lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc đã có công diệt giặc cứu nước. Tuy nhiên, nếu xem xét và nghiên cứu kỹ các chi tiết trong huyền thoại Gióng, việc thực hành các nghi thức và tục hèm của lễ hội, cũng như lần lượt giải mã các biểu tượng trong lễ hội Gióng đền Sóc, chúng ta nhận thấy tính nguyên khởi của hội Gióng liên quan rất nhiều đến lễ hội nông nghiệp cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian phổ biến trong hầu hết hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ ngày trước – tín ngưỡng phồn thực.

Trước hết, cần dành sự quan sát cho “vật thiêng” roi ngựa tục cướp roi ngựa. Roi ngựa làm từ hoa tre là vật biểu tượng và được giải thích một cách hữu thức muộn màng là chiếc roi Thánh Gióng dùng để điều khiển ngựa. Hoa tre thực chất là những thanh tre dài khoảng 50cm, rộng 1cm, đầu tre vót xơ bông và nhuộm các màu, chủ yếu là màu vàng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu folklore lại cho rằng hoa tre cũng giống như chiếc đũa bông cúng cắm vào bát cơm, đặt trên quan tài người chết. Đó cũng là biểu tượng của linga như chiếc nõ của cặp đôi nõ nường, như cách điệu của thanh tre hình sinh thực khí trong nhiều hội làng có tục rước sinh thực khí trước đây(2).

Sau khi lễ thánh, hoa tre được tung lên trước sân đền cho dân chúng cướp cầu may. Tục giành cướp hoa tre không khác gì lệ cướp sinh thực khí mà dân gian vẫn gọi là cướp nõ nường trong rất nhiều lễ hội của người Việt ở Bắc Bộ dưới hình thức cướp cây bông, cướp kén, cướp dò,.. được coi như hèm nghi lễ trong nhiều lễ hội. Hèm cướp kén để cầu cho sự sinh sôi phát triển của giống nòi ở hội Vân Sa (Hà Nội), Dị Nậu (Phú Thọ), Lơ (Thái Bình), Sơn Đông (Vĩnh Phúc). Hèm cướp dò, cướp cây bông (thanh tre hình sinh thực khí) để cầu mùa màng và sự sinh sôi nảy nở của vạn vật trong hội Gia Thanh (Phú Thọ), Đồng Hương (Bắc Ninh), Hoa Sơn, Miêng Hạ, Sơn Đồng, Ngũ Giáp (Hà Nội), hội làng Me, Bồ Sao (Vĩnh Phúc)… Như vậy tục cướp roi ngựa trong lễ hội Gióng thực chất chính là tục cướp sinh thực khí xưa – được coi là sẽ mang lại nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, ăn nên làm ra, sinh con đẻ cái như mong muốn.

Trong cuộc rước hoa tre bao giờ cũng có cỏ voi trầu cau đi cùng. Cỏ voi là cây chuối lá cao không dưới 2m. Cây trầu cau quấn trên giàn tre đan cao 3m. Những vật này đều do một đoàn các thanh nữ khiêng rước. Cỏ voi và trầu cau ngày nay được hiểu như những vật phẩm phục vụ cho đức Thánh Gióng một cách rất đời thường. Thực chất đây lại gợi sự liên tưởng đến một tín ngưỡng từ rất xa thờ cây vũ trụ – cây nối trời và đất, biểu tượng cho sự giao hòa âm dương, những biểu tượng thường thấy trong tín ngưỡng phồn thực.

Tục chém tướng cũng bắt nguồn từ một nghi lễ nông nghiệp với các quan niệm lưỡng phân, lưỡng hợp của người Việt cổ. Nếu ông Gióng khổng lồ và ngựa sắt tượng trưng cho thế giới dương, vật đực thì 28 nữ tướng giặc Ân tượng trưng cho thần đêm u ám, cho thế giới âm, vật cái. 28 nữ tướng giặc còn tượng trưng cho 28 vị tinh tú (sao) trên trời nên người ta chém tướng đồng nghĩa với việc triệt đi các vị tinh tú. Sao lặn và mưa sẽ rơi mang nước tưới cho đồng ruộng. Cũng có một cách lý giải khác về tục chém tướng liên quan đến nghi lễ phồn thực vì sau khi bị chém, nữ tướng giặc được cõng tắt qua đồng về làng. Hành động này làm người ta liên tưởng đến dấu tích mờ nhạt còn lại của tục hiến sinh, khi máu của cô gái bị chém rỏ khắp cánh đồng, đồng nghĩa với mong muốn sinh sôi trên đồng ruộng.

Về tên gọi Gióng cũng có những lý giải liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Gióng (trong Thánh Gióng) hay Dóng được các nhà nghiên cứu cho rằng có cội nguồn từ giông, cơn giông (3), (4). Chi tiết Gióng dùng gậy sắt, ngựa sắt, mặc áo giáp sắt… đi đánh giặc gợi sự liên quan đến những trận giông bão phát sinh ra sấm sét tạo thành những cơn mưa Hạ rất cần cho đồng ruộng.

Tên gọi Phù Đổng (trong Phù Đổng Thiên Vương), đã được nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh giải thích có nguồn gốc từ ông Đùng (5). Tín ngưỡng thờ thần giông bão, thần mưa, được đồng nghĩa với khái niệm ông khổng lồ mà dân gian thường gọi là ông Đùng. Khái niệm ông Đổng khổng lồ làm giông bão sấm sét và khái niệm ông Đùng có sự gần gũi ở chỗ cả hai đều khổng lồ. Rất có thể là ông Đổng xuất phát từ ông Đùng (danh từ Đổng xuất phát từ danh từ Đùng) tức là ông khổng lồ trong ông Đùng bà Đà – một cặp đôi điển hình, tượng trưng cho các vị thần phồn thực trong tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam.

Huyền tích Gióng với việc ông Đổng về hái cà, bà mẹ nghèo ướm chân mình vào vết chân ông khổng lồ kia ở vườn cà, về mang thai sinh ra Gióng, thức ăn nuôi Gióng lớn đi đánh giặc là cơm cà,… cũng liên quan đến phồn thực với việc đề cao nguồn lương thực chính của người Việt lúc bấy giờ là cây lúa và rau màu. Việc Gióng từ một cậu bé ba tuổi sau khi ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà bỗng vươn mình trở thành một chàng trai lực lưỡng phải chăng cũng chính là niềm mong ước của con người thời bấy giờ về sự no đủ, phồn thực được gửi gắm trong huyền tích Gióng.

Những di tích vật chất liên quan đến câu chuyện ông Gióng một lần nữa khẳng định sự liên quan của huyền tích đến tín ngưỡng phồn thực trong thời kỳ xa xưa được xạ ảnh trong huyền thoại Gióng.

Những di tích về dấu chân ngựa Gióng rải khắp từ chân núi Sóc đến chân núi Châu Cầu mà ngày nay chúng ta thấy, thực chất là những ao chuôm trữ nước, điều hòa nước cho đồng ruộng quanh vùng trong những lúc chờ mưa hay hạn hán. Điều này lại dẫn chúng ta về nền văn minh coi trọng và đề cao nước trong nông nghiệp trồng lúa. Và tín ngưỡng phồn thực cũng không gì khác ngoài việc cầu trời mưa nắng phải thì để mọi sự sinh sôi nảy nở và phát triển.

Cọc buộc ngựa trên sườn dải núi Vũ Ninh là “một trụ đá nhân tạo, cao trên dưới 4m, trên nhỏ có ngoẵng, dưới to có ngẵng cắm xuống một phiến đá hình bánh dày” (6). Có thể nói đây chính là hình tượng linga (dương vật) và ioni (âm vật), biểu tượng của sự sống, của sức mạnh trần tục, của sức mạnh vĩnh hằng di truyền và bảo tồn nòi giống.

Sau này từ đầu đời Lê, khi hình thành cụm di tích đền Hùng trên núi Hy Cương thì cũng xuất hiện đền Thượng thờ Thánh Gióng. Đây là điểm đáng chú ý và ta có sự liên tưởng với đền Hạ thờ mẹ Gióng ở Phù Đổng. Có thể thấy đền Hạ hay đền Mẫu thờ mẹ là tượng trưng thế giới bên dưới, thế giới nước. Còn các đền thờ Gióng bao giờ cũng được gọi là đền Thượng, tượng trưng cho thế giới bên trên. Rõ ràng trong xạ ảnh về bố cục và tên gọi đền, dù muộn màng (tên Hán – Việt), đền Gióng vẫn là tượng trưng của thế giới bên trên: mây – giông – trời (ông Đùng).

Núi Sóc Sơn hay rặng núi Sóc, miền “trước núi” của dải Tam Đảo, là nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời, là không gian của bộ Tây Vu trong phức thể gồm 15 bộ họp thành “nước” Văn Lang của các Vua Hùng – hay vùng chân núi giáp đồng bằng, cái nôi của văn hóa Việt cổ. Đây chính là vùng đất được con người sống quần tụ và hình thành nên nền văn minh lúa nước của người Việt xưa. Với những cư dân lúa nước và tâm thức phồn thực thì phải chăng huyền tích về Gióng cũng được xuất phát từ những yếu tố phồn thực?

Thêm một yếu tố nữa để khẳng định hội đền Sóc Sơn mà người ta vẫn gọi là hội Gióng đền Sóc chính là một lễ hội thờ tín ngưỡng phồn thực xưa – đó là việc lễ hội được diễn ra vào mùa xuân, mùa sinh sôi của giống loài mà biểu tượng chủ yếu gắn với tín ngưỡng phồn thực: “Triết lý hội xuân căn bản là triết lý phồn thực” (7). Ở hội Gióng đền Sóc, chúng ta lại bắt gặp những yếu tố phồn thực vẫn thường thấy trong các hội mùa nông nghiệp. Ở đó, có cả những nghi lễ cầu mong sự sinh sôi nảy nở của muôn loài như tục cướp hoa tre, một biến thể của tục cướp sinh thực khí; có tục hiến sinh cầu sinh sôi nảy nở và năng suất đồng ruộng qua nghi lễ chém tướng; có tục cầu mưa của cư dân nông nghiệp; có sự đề cao lương thực lúa gạo trong chi tiết Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà để từ một em bé lên ba biến mình trở thành một anh hùng dân tộc. Ở đó, có cả sự gặp gỡ, giao duyên nam nữ trong các trò chơi vật cầu, đu bay,…

Hầu hết các tục lệ trong hội đền Sóc là vết tích phản ánh những quan niệm của người Việt cổ từ thuở dựng nước. Nó có ý nghĩa nhất định về bảo tồn văn hóa cho dù thời gian đã phủ lên những lớp nghĩa khác như sự tích hợp của nhiều yếu tố văn hóa lịch sử. Chính vì lẽ đó, giờ đây hội Gióng vốn từ một tín ngưỡng về nghi lễ nông nghiệp cổ truyền cầu mùa được thời gian lịch sử đắp nối đã biến hóa dần để trở thành một tín ngưỡng thờ anh hùng chống giặc và một diễn xướng anh hùng ca. Giờ đây, nghi lễ nông nghiệp lặn sâu vào vô thức, và các diễn xướng anh hùng ca dân gian thì luôn là phần hữu thức của lễ hội.

Giải mã các biểu tượng trong lễ hội Gióng đền Sóc ngày nay như một ví dụ điển hình, chúng tôi muốn chứng minh rằng sự hòa quyện, đan xen của các lớp bồi văn hóa trong lễ hội dân gian người việt ở Bắc Bộ là một thực tế phổ biến cần được ghi nhận và phân biệt các cơ tầng của nó trong quá trình khảo sát, nghiên cứu. Trong quá trình phát triển, sự cải biên, hỗn dung và các lớp bồi văn hóa của tín ngưỡng được chồng lấp, tích tụ để rồi thể hiện vào lễ hội làng cũng là điều tự nhiên. Xem xét các lễ hội dân gian người Việt ở châu thổ Bắc Bộ cùng với sự biến đổi của nghi lễ phồn thực trong lễ hội theo thời gian với đủ các lớp văn hóa bồi lấp, ta thấy như nó vẫn hằng tồn tại trong cuộc sống tâm linh của người dân và nhận ra được hành trình tất yếu của một tín ngưỡng gắn với sự phát triển của một dân tộc.

_______________

1. Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lịch sử Việt Nam, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, tập I, Hà Nội, 1985.

2, 4, 6, 7. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.239, 281, 247, 239.

3. Nguyễn Văn Huyên, Hội Phù Đổng trong Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.792-798.

           5. Cao Huy Đỉnh, Bộ ba tác phẩm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt một – năm 1996), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009

Tác giả : Vũ Anh Tú

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *