Tranh thờ của người tày lục yên, yên bái


 

 

 

Lục Yên là một huyện miền núi phía bắc Yên Bái, có nhiều tộc anh em sinh sống, trong đó tộc Tày chiếm 53,18% dân số toàn huyện. Cuộc sống của người Tày chủ yếu làm nông nghiệp, công việc gắn với những triền đồi, con suối… gần gũi thuận tiện trong sinh hoạt. Người Tày không hẳn đi theo một tôn giáo nào, họ có quan niệm về thế giới các vị thần linh được sinh ra bắt nguồn từ những thứ gần gũi như đất, nước, gió, lửa… tạo nên vạn vật, chi phối tất cả các công việc như dựng nhà ở, chữa bệnh, tang ma.

Quan niệm về vũ trụ của người Tày cho rằng thế giới chia làm ba tầng khác nhau, được phân bố theo chiều dọc: tầng trời, tầng người trần gian và tầng âm phủ. Trong đó, tầng thứ nhất là tầng trời do ngọc hoàng trực tiếp cai quản, cắt cử phân công cho từng vị thần khác nhau với những công việc theo từng bậc như thần Đương Niên cai quản thời gian trong năm, Nam Tào Bắc Đẩu cai quản sinh tử; tầng thứ hai là thế giới người đang sống là những nóc nhà trong bản của các tộc khác nhau cùng sinh sống như Nùng, Dao, Kinh…, chịu chi phối và quản lý của Ngọc hoàng và các lực lượng siêu nhân; tầng thứ ba là âm phủ, thế giới dưới mặt đất, bị bao phủ bởi màu đen, không có ánh sáng của mặt trời, mọi hoạt động cũng diễn ra theo trật tự như trên mặt đất. Quan niệm đó đã tạo nên màu sắc tín ngưỡng độc đáo, riêng biệt, đầy bản sắc của người Tày Lục Yên, Yên Bái.

Thờ tổ tiên, thần linh là việc người Tày đặc biệt coi trọng, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, ngoài giá trị tôn sư trọng đạo, nó còn tạo nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, tạo niêm luật và uy lực tâm linh trong mỗi thành viên dòng họ. Trong nghi lễ thờ cúng, người Tày sử dụng nhiều ranh thờ và xem đây là một phần quan trọng không thể thiếu. Các nghi lễ được các thày mo, thày tào… phân chia và sử dụng các bức tranh thờ theo từng nội dung: trong đám ma, chay, trong lễ cấp sắc cấp pụt, trong các lễ kỳ yên.

Tranh thờ trong đám ma, chay

Theo quan niệm của người Tày Lục Yên, khi người chết đi là hồn lìa khỏi xác sang thế giới bên kia, chấp nhận một cuộc sống mới. Phía gia đình có người chết đón thày làm thủ tục báo cáo với Ngọc hoàng mới nhập quan và các nghi lễ theo trình tự khoảng 3 – 4 ngày.

Trong các nghi lễ, không thể thiếu bộ tranh thờ gồm 37 bức, trong đó có Tam thập điện 22 bức chia làm 3 hàng ngang là các chư phật trên cõi niết bàn ở cao nhất, tiếp theo đến thiên đình (tầng thứ 2) có Ngọc hoàng thượng đế, thiên phủ, địa phủ…, tầng thứ 3 là các vị Thành Đốc, Thánh Tề, Tử Sử Hữu Tướng. Chia đều hai bên có 10 bức tranh về 10 cửa điện qua các ông vua âm xử tội, tiếp đến 5 cửa ngục với mục đích làm cho người chết được siêu thoát, đi qua các cửa điện, xử đúng người, đúng tội, đưa về nơi quy định không bị lưu lạc trên trần gian và quấy nhiễu con cháu.

Tranh thờ trong lễ cấp sắc, cấp pụt…

Lễ cấp sắc chỉ áp dụng cho nam giới dòng dõi nhà thày cúng, là người am hiểu biết chữ nghĩa, sống tốt, đã lập gia đình, đó là quy luật riêng biệt của người Tày. Để có được buổi lễ cấp sắc, người được cấp phải mời thày dạy (thày mo) về cấp, bên cạnh đó có các vị chứng kiến như mo làng chứng kiến thành hoàng bản tổ, các già làng, vợ, con cháu, cùng anh em trong dòng họ và dân làng đến xem rất đông.

Người Tày quan niệm trong gia đình có người làm pụt thì phải có người kế nghiệp, nếu không có con trai thì phải truyền cho cháu trai hoặc con dâu, con gái, con rể…, nếu không truyền được thì gia đình sẽ bị mất nghề sẽ gặp những điều xấu nên phải cần có người kế nghiệp.

Trong lễ này, người cấp là thày cúng cấp sắc, thày then cấp pụt, sử dụng tranh thờ gồm các bức trong Tam thập điện như 3 chư Phật, Quan Âm Bồ Tát, Nam Tào, Bắc Đẩu, Nhi Thập Bát Tú Tinh Quân gồm 22 bức đại diện tam giới về chứng kiến và công nhận cho người được cấp trở thành pụt, thành thày để đi giúp các gia đình có công việc như ma chay, giải hạn, cấp sắc…

Tranh thờ trong lễ kỳ yên    

Lễ kỳ yên, là những lễ làm việc cát (việc tốt), thường diễn ra vào đầu năm mới khoảng tháng giêng, tháng hai, gia đình mời thày cúng về cầu cho sự bình yên, trong lễ có sử dụng bộ tranh cúng gồm các bức tranh được sắp xếp theo thứ tự cùng với khói nhang, đồ chay thanh bông.

Lễ kỳ yên gồm các lễ cúng cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, giải hạn, nối số, yên mồ yên mả, yên bãi (sông thần, thổ địa), cầu mụ mai… Trong những lễ này, thày then hoặc pụt là những thày văn dùng những lời hát cùng tiếng nhạc chuông như dụ dỗ, rủ rê những ma quỷ đi lạc đường lạc lối, không về quấy rầy con người.

Trong lễ cúng mụ mai mè boóc là cúng cho các em bé hay khóc đêm còn gọi là chi quan. Người Tày có quan niệm có một con vật xấu quỷ cún hay về vào các đêm thanh tĩnh dùng chiếc mỏ dài, nhọn làm cho em bé giật mình và khóc kéo dài suốt đêm, nên nhờ sự giúp đỡ của các thày văn cùng với các bức tranh cúng linh nghiệm sẽ giúp đuổi con vật xấu, các cháu bé có được giấc ngủ bình an, khỏe mạnh.

Các bức tranh thờ của người Tày Lục Yên được sử dụng hầu như triệt để, chẳng hạn như các bức tranh Nam Tào, Bắc Đẩu… sử dụng trong tất cả các lễ kỳ yên, lễ cấp sắc, cấp pụt và tang ma. Trong các nghi lễ, hình tượng các vị thần linh được hiển hiện uy nghiêm, có tác động mạnh đến trực giác những người có mặt. Theo năm tháng, con người được giáo dục qua nội dung sâu sắc của từng bức tranh, với niềm tin vào cái thiện và sự linh nghiệm.

Trong lễ kỳ yên có nhiều nghi lễ khác nhau, nhưng cùng chung những bức tranh không thể thiếu trong Tam thập điện là Nam Tào, Bắc Đẩu, Đương Niên, Nhị Thập Bát Tú Tinh Quân, và 4 bức Thánh Độc, Thánh Tề, Tả Sư, Hữu Tướng. Những bức này được treo chính giữa bàn thờ Phật cùng với đồ cúng. Thày then, thày văn cầu xin các vị thần linh giúp đỡ, che chở… với lối cúng gồm nhiều bài hát nối tiếp cộng với tiếng nhạc hòa cùng tiếng gõ… tạo nên buổi cúng giao hòa con người với giới thần linh.

Phân loại nội dung tranh thờ

Bộ tranh thờ người Tày Lục Yên có từ rất lâu, truyền từ đời này sang đời khác trong những gia đình làm thày, làm pụt… Các thày mo, thày tào… trực tiếp vẽ hoặc nhờ người vẽ với yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt. Chẳng hạn như khi vẽ phải ăn chay, chọn ngày lành tháng tốt, kiêng khem trong mọi thứ; nói cách khác phải hiểu biết và có niềm tin vào tín ngưỡng.

Tranh thờ người Tày Lục Yên là bộ gồm 37 bức với kích thước nhỏ 22 x 40cm, nội dung phong phú. Tranh được vẽ trên nền giấy màu vàng, lối vẽ tự nhiên mang tính dân gian, cách vẽ đi nét các màu đen, nâu, tím sau đó mới tô màu vào các mảng hình như màu trắng của da người, màu đen của tóc và nâu của quần, áo… và pha chút vờn tía như đám mây trong các bức vẽ về cõi Niết bàn và các bậc tối cao trên thiên đình. Màu vẽ sử dụng những chất liệu có sẵn trong tự nhiên như màu vàng của bột nghệ, màu đỏ của nước vôi hòa với bột nghệ hoặc cánh kiến, màu nâu lấy từ củ nâu, màu xanh lấy từ lá cây cuốn chén (thau quấn chén), hoặc cây chàm, màu đen lấy từ tro rơm lúa nương, màu tím lấy từ nước cây pang cộng với lá cây chàm… nhờ có ánh sáng mà có màu sắc như được phát quang, phát tán. Đôi khi có sự kết hợp giữa màu tự nhiên và hóa phẩm du nhập từ Trung Quốc, đó chính là sự giao thoa giữa văn hóa Tày – Hán.

Bộ tranh đậm nét tín ngưỡng của người Tày Lục Yên, với quan niệm bên cạnh thế giới người sống có một thế giới thần linh với một trật tự xã hội giống như con người, có chở che và trừng phạt. Các bức tranh phản ánh về hiện thực xã hội là bài học sâu sắc về rèn luyện nhân cách hướng thiện, tránh xa cái ác để trở thành người tốt trong cộng đồng.

Nội dung các bức tranh

Bộ tranh thờ gồm nhiều bức liên hoàn được sắp xếp theo nội dung các buổi lễ.

Trong đám ma chay có hai phần, phần chay là khi người chết nằm xuống được thày cúng làm những nghi lễ thoát nạn tâm, thoát ly địa ngục; phần ma là khi người chết được đưa ra đồng chôn cất vĩnh viễn.

Các bức tranh của bộ tranh hầu như sử dụng triệt để là tam thập điện, xử tội và cửa ngục. Thày cúng treo lên bàn phật theo 3 tầng lần lượt từ thấp đến cao.

Tầng 1 (cõi niết bàn): các bức tranh được dàn theo ngang gồm có 9 bức, cấp bậc được tính từ giữa sang hai bên, làm nhiệm vụ cứu nhân độ thế, cứu khổ, cứu nạn, mang nặng yếu tố tâm linh giáo huấn…

 

Địa tạng

Thích Ka Sao Ni Phật

Ngọc Nữ

Phật

Phật

Phật

Tả Kim Đồng

Bồ Tát

Mục Liên

 

Tầng 2 (trên thiên đình): gồm có 9 bức dàn theo hàng ngang, cấp bậc được chia theo các vị trí giảm dần từ chính giữa sang hai bên. Người cao nhất trị vì tam giới là Ngọc hoàng thượng đế, giao nhiệm vụ cho thiên phủ cai quản bầu trời, địa phủ cai quản mặt đất và thủy phủ trông coi dưới nước. Trong đám tang, tranh các vị được đặt ở vị trí hai bên Ngọc hoàng thượng đế.

Sau đó là 2 vị Nam Tào, Bắc Đẩu cai quản việc sinh tử ở dưới trần gian. Trong 1 năm có 365 ngày thì trong đó 365 ngày đó diễn ra từng canh giờ… để diễn ra một cách yên ổn không bị đảo lộn quấy rối của ma quỷ, thì cần đến vị có thần pháp cao đó là Đương Niên (tức cai quản trong năm). Bức tranh đại diện cho 28 vì sao tinh tú nhất (Nhị Thập Bát Tinh Tú Quân) trên bầu trời luôn theo dõi và chiếu sáng dưới hạ giới, đem cho nhân gian mưa thuận gió hòa, che chở cho người già cả ốm đau mau khỏi bệnh và xua đuổi đi các thứ tà ma làm hại người… Bức tranh bên trái cuối cùng là vị Hành khiển đi mây về gió, làm nhiệm vụ đưa đón linh hồn người chết, người tốt lên được cõi Niết bàn và cũng là người tài ba tiêu trừ ma quỷ.

Hành Khiển

Bắc Đẩu

Địa phủ

Thiên Phủ

Ngọc Hoàng

Thủy Phủ

Nam Tào

Đương Niên

Nhị Thập Bát Tinh Tú

 

Trong lễ cúng ma chay, thày cúng đọc cầu xin các vị xuống chứng kiến và phù giúp kẻ xấu số.

Tầng 3 (Tam thập điện):

Đây là các vị làm nhiệm vụ cai quản xà miếu, điều hành trong các mâm hương. Trong đám ma chay, thày cúng bày các bức tranh tam thập điện cùng với 10 bức tranh xử tội sang hai bên phải và trái với nội dung giống nhau đại diện cho 10 cửa điện dưới âm phủ, theo đó khi con người chết đi phải đi qua 10 cửa ngục để các ông vua âm xét xử công tội đã làm lúc sống.

Lần lượt các bức kể về việc xét xử công tội chuyển tiếp sang ngục khác thi hành, ban thưởng cho những ai làm việc thiện, trừng phạt những kẻ làm việc xấu và đày xuống các điện khác. Những ai khi sống phạm tội giết người, bất hiếu với cha mẹ tức là trọng tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc cho rắn độc cắn, bỏ vào vạc dầu, nhồi quả pháo vào ống rốn rồi đốt. Những ai dẫm đạp lên thức ăn, đổ nơi cống rãnh, bẫy chim thú, đánh người… sẽ bị hổ phanh thây xé xác biến thành con lợn bẩn thỉu. Các tội kêu ca oán thán trời đất, phỉ báng thần linh, giết người, gian phu dâm phụ hình phạt rất nặng, bị cắt lưỡi, căng thây xé xác… Cuối cùng khi xét xong công tội, người tội nặng thì vĩnh viễn bị đầy đọa trong ngục tối, người lương thiện thì được đầu thai lại kiếp người. Ai nhiều phúc số được đưa vào gia đình khá giả hưởng phúc. Kẻ ác bị đầu thai vào các loài muông thú, gia cầm để tiếp tục bị đầy đọa cho hết tội lỗi mới trở làm người.

Trong đám ma người Tày có nhiều nghi lễ có cùng ngục mô phỏng cho các cửa ngục có sử dụng 5 bức tranh gồm 4 phương hướng: đông, tây, nam, bắc ở giữa là tranh trung ương để thể hiện người chết phải vượt qua các cửa ngục, xuống được âm phủ mới siêu thoát.

Yếu tố tạo hình của tranh thờ

Tranh cúng người Tày độc đáo không chỉ mang giá trị tâm linh phong phú, mà còn có giá trị nghệ thuật tạo hình dân gian được biểu hiện thông qua các yếu tố như bố cục, đương nét, màu sắc, môtip trang trí…

Bố cục

Tranh Tày Lục Yên đều tuân theo lối bố cục dọc hẹp, phát triển theo chiều cao, có sự thống nhất về kích thước là 20 x 40cm, chủ yếu theo cấu trúc của hình tháp, tạo nên sự chặt chẽ, gắn bó hài hòa giữa nhóm chính, nhóm phụ và theo tuyến nhân vật. Các tác giả vẽ theo phương pháp tạo hình chung của tranh dân gian theo lối tẩu mã, gần thì vẽ thấp, xa thì vẽ cao, được các thày tào, thày mo sử dụng phổ biến qua nhiều thế kỷ.

Các vị thần chủ chính được khắc họa nổi bật theo trật tự xã hội. Cấp to thì vẽ to và chính giữa bức tranh, nổi trội hẳn lên và được vẽ kỹ càng chi tiết cẩn thận. Cấp nhỏ thì vẽ bé hơn, đôi khi có sự giống nhau, thường không được chú ý lắm. Cụ thể là những bức tranh trong bộ xử tội của những ông vua âm, các vị vua được vẽ với kích thước khá lớn đang ngồi xử tội ở trên cao, phía sau là không gian âm phủ, tiếp theo phía dưới là các vị giúp việc được vẽ bé dần đang ghi chép công tội và tiếp đến quỷ sứ ma vương, đầu trâu, mặt ngựa… thi hành nhiệm vụ xử kẻ trọng tội.

Bên cạnh vẽ các nhân vật theo trật tự xã hộị, hình vẽ trong tranh đôi khi ngoa ngoắt, cách điệu không câu nệ, tạo nên sự thuận mắt hài hòa của nội dung. Tranh chủ yếu vẽ theo lối đồng hiện và liên hoàn khá triệt để, nghĩa là trong cùng mặt tranh trong khuôn tranh người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực ảo khác nhau, các thần phật, ma quỷ, con người… đều xuất hiện trên cùng mặt tranh như 10 bức xử tội. Tranh thờ người Tày Lục Yên ngoài sự sắp xếp các nhân vật và cảnh vật còn có sự xuất hiện nhiều dòng chữ theo chiều ngang trên cùng, đôi khi dàn trải sang hai bên theo chiều dọc tranh hoặc chính giữa tranh như các bức Thập điện Diêm Vương, cửa ngục như giải thich cho các bức tranh, đồng thời tạo nên sự thay đổi, hài hòa thống nhất với hình ảnh, làm cho bố cục tranh thêm chặt chẽ, mang ý nghĩa đặc trưng riêng của tranh thờ người Tày Lục Yên.

Đường nét

Tranh thờ người Tày Lục Yên được các thày mo, thày tào vẽ lại, sao chép lại, với những nét vẽ đơn sơ, có phần thô vụng nhưng vẫn mang tính khái quát hết sức cô đọng. Bộ tranh mô phỏng một trật tự của thế giới thần linh, con người sự vật như sống động, hiện hữu qua nét vẽ, tạo sự linh thiêng huyền bí cho những bức tranh. Khi xem tranh ta thấy sự thuần khiết, mềm mại và thanh thoát trong cách diễn tả như những bức Tam thập điện – gồm 22 bức vẽ về cõi Niết bàn vói các chư phật hiền từ chứa đầy lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng với phép thuật vô biên được thể hiện bằng nét vẽ mềm mại như những nếp áo, dứt khoát của các họa tiết nâng đỡ tòa sen nơi phật ngự. Phía sau có những tầng mây lan tỏa với nét vẽ uyển chuyển, mềm mại, các chư phật với nét mặt đôn hậu như đang nhìn xuống chúng sinh, như thấy mọi sự việc diễn ra trong sự cai quản của Ngọc Hoàng.

Tiếp theo là quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên tòa sen của vẻ mặt phúc hậu nhìn thẳng về phía trước với nhiều đôi tay chìa ra như cứu lấy chúng sinh thoát khổ thoát nạn.

Tác giả với nét vẽ truyền cảm lúc to, lúc nhỏ, lúc dài ngắn tùy thuộc vào nội dung hình ảnh để đặc tả. Như nếp áo kéo dài thay đổi, chi tiết các ngón đều vẽ các nét. Trong cõi Niết bàn bộ tranh chỉ vẽ đại diện các chư Phật, Bồ Tát, Kim Đồng, Ngọc Nữ, Thích Ka Sao Ni Phật, Địa Tạng, Mục Liên.

Các nét vẽ thận trọng, cẩn thận, có sự thay đổi, thể hiện sự tôn kính đối với các Phật, có ý nghĩa về một thế giới thần linh trong tâm thức của người thày cúng. Tiếp đến tầng trời là các vị tiên thánh… như hiện lên rõ hơn do những nét đặc tả nhân vật, ví như Ngọc hoàng thượng đế chắp hai tay trước ngực ngồi trên ngai với nét mặt đôn hậu, thanh tú được chi tiết bởi đôi lông mày dướn cao, đôi mắt hiền từ cùng bộ râu đen mượt trải dài xuống ngực với nét vẽ liền mạch, dứt khoát, dài ngắn khác nhau. Trên đầu đội mũ rồng với các họa tiết hình bán cầu, dàn trải và vòng cung có tỉa nét rất đều đặn. Bộ y phục được tạo bởi các nét uốn lượn dài ngắn, to nhỏ khác nhau, đôi khi kết hợp các nét thẳng bằng các màu đen, tím, da cam… các nét như vây được diễn tả lặp lại với các vi Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ… là 3 vị cai quan tam giới, còn vẽ thêm bằng các nét uốn lượn mềm mại nhưng không chau chuốt như tranh dân gian Hàng Trống.

Để đặc tả quyền uy cũng như chức vụ qua hình con vật linh nghiệm đại diện cho 3 thế giới khác nhau. Thiên phủ cưỡi rồng uốn lượn cùng với các đám mây phía trái bức tranh với nét vẽ thanh thoát hơn, hòa mình vào thế giới của người trời. Hình rồng như ẩn, như hiện trong đám mây ngũ sắc lúc hiện ra để lộ bộ vảy uốn cong màu đen xếp theo trình tự thống nhất, lúc chìm vào trong đám mây được vẽ bằng những nét mảnh và mềm mại.

Thế giới của âm phủ dưới sự quản lý của Địa phủ, hình phượng đang bay lượn, với nét vẽ bằng những đường cong (cánh, mào, mỏ…) thay đổi về kích thước dài ngắn. Địa phủ cưỡi trên lưng phượng mắt nhìn phía trước tay trái giơ trước ngực, tay phải cầm lệnh bài phân định công, tội rõ ràng.

Những nét vẽ như vậy gặp ở bức tranh Thủy phủ nhưng khác biệt hơn đôi chút là nét vẽ dành cho hình cá chép mà Thủy phủ đang cưỡi ngắn hơn, được vuốt ngược từ dưới lên như vẽ hình đuôi, vây cá, cộng với những nét thanh mảnh của vẩy cá được lặp đi lặp lại tạo nên sự thống nhất trong một mảng lớn. Còn có những chi tiết nhỏ như râu và mắt cá được vẽ bằng nét mảnh hơn, tạo những nét cong ngắn vắt gọn. Nếu nhìn tổng thể thấy được sự thay đổi về nét, tạo nên sự hấp dẫn không nhàm chán cho bức tranh.

Xuống tiếp tầng thứ 3 trong “Tam Thập Điện” là các vị làm nhiệm vụ cai quản mâm hương, đền, xà miếu… như hiện ra trước mắt bằng cách nghĩ về thế lực siêu nhiên cộng với lối vẽ rứt khoát bằng những đường nét dài và uốn lượn, nét kéo dài thay đổi lúc to, lúc nhỏ (dâu Thánh, hình mặt quỷ trên trang phục) những nét vẽ này còn áp dụng cho hai bức Tả Sư, Hữu Tướng hiền từ đang cưỡi trên mình con vật linh thiêng. Các nét vẽ như thay đổi liên tiếp lúc to, lúc nhỏ… cùng với màu sắc của nét đen, xanh chàm, tím đậm chỉ thấy ở những tranh người Tày. 5 bức cửa ngục vẽ về 5 vị hình người mặt quỷ cai quản 4 phương và Trung Ương, được thể hiện bằng những nét vẽ cụ thể như nét mặt cương quyết và dữ tợn.

Bộ tranh được phân ra theo các nội dung ma, chay, lễ cấp sắc – cấp pụt, lễ Kỳ yên. Trong đó nội dung về đám chay có 10 bức “Thập Điện Diêm Vương” kể về 10 cửa ải dưới âm phủ, tác giả đã mượn hình tả ý, như chấp bụt thông qua nét vẽ tự nhiên đặc tả nhân vật chính kỹ lưỡng, nhưng vẫn cụ thể những chi tiết của nhân vật phụ như giúp việc, binh lính, đầu trâu, mặt ngựa, kẻ mắc tội, thuồng luồng rắn độc…

Đó chính là sự thành công của nét vẽ, trong bộ tranh qua các nét vẽ ta thấy các vị thần như có hồn và thần thái đó là cách sử dụng nét có độ dung của cảm xúc.

Tranh người Tày Lục Yên dùng nét tím, đen, xanh chàm là chính, là hệ màu trung tính và lạnh, thông qua hai bức tranh có nội dung trong bộ xử tội, vua âm xử tội gian phu, dâm phụ, giết người, bất hiếu với cha mẹ. đường nét thay đổi như nét nhỏ để vẽ kẻ trọng tội, còn nét to vẽ ông vua âm và không gian xung quanh.

Nét vẽ biểu cảm, hài hòa, mềm mại, thanh thoát các hoa văn trang trí, của trang phục, có sự giảm lược về nét, trong biểu cảm tính cách riêng và quyền uy theo cấp bậc của từng nhân vật. Ngoài ra nét vẽ có sự thay đổi theo các lớp không gian, mảng, kích thước… tạo nên nhịp điệu biến đổi của tranh cúng người Tày Lục Yên khác biệt với các bức tranh trong dòng tranh thờ của dân tộc miền núi.

Màu sắc – chất liệu

Tranh thờ của người Tày Lục Yên chỉ được bày ra khi có công việc của các gia đình hay công việc của làng bản, đó là các buổi lễ. Trong các buổi lễ, các bức tranh thờ như được phát sáng do ánh sáng đèn, nến, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem bởi nét độc đáo, trong đó yếu tố màu sắc tác động đến tâm linh của con người một cách thần bí.

Màu sắc trong tranh thờ người Tày đều là mảnh bẹt không vờn đậm nhạt, hay gợi khối trên cấu trúc cơ thể nhân vật và vật thể, màu sắc trầm ấm được các nghệ nhân vẽ trực tiếp lên giấy mộc, tạo nên các nhân vật vừa khái quát vừa cụ thể.

Ngoài ra màu sắc tranh còn phối với màu ngẫu nhiên nhưng vẫn theo ngũ hành, ngũ sắc tương ứng màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng.

Một đặc điểm nữa là những màu sắc lấy trong cuộc sống hàng ngày, trong tự nhiên như đen của tro rơm lúa nương hoặc than lá tre, vàng của bột nghệ, đỏ của bột nghệ cộng với nước vôi, xanh của lá chàm hoặc dây quấn chén, trắng của vôi, nâu của củ nâu. Nhờ có ánh sáng tự nhiên và đèn nến, hương nhang mà các màu sắc được phát quang, phát tán.

Tranh thờ người Tày không tuân theo một quy ước nào về màu sắc, các nghệ nhân tự do sáng tạo theo trí tưởng tượng của mình. Chính điều này đã tạo nên sự phong phú trong cách thể hiện màu sắc, khiến các bức tranh như đạt đến độ hòa sắc tự nhiên mà phong phú.

Màu sắc có ảnh hưởng lớn đến nội dung các bức tranh. Bộ tranh xử tội gồm 10 bức thiên về gam nóng, toát lên thế giới âm phủ với những ông vua âm phân định nghiêm ngặt rõ ràng công tội và trừng phạt những kẻ mắc tội như ném vào vạc dầu hừng hực của màu lửa, cắt lưỡi kẻ điêu ngoa máu me tuôn chảy thành dòng… Bao trùm lên những bức tranh là màu nâu, đỏ, vàng, điểm thêm những màu tím, đen… Bên cạnh những bức tranh thiên về gam nóng là những bức trong Tam thập điện có sự hài hòa của màu nóng lạnh, tạo nên những hòa sắc bất ngờ của lối vẽ bột phát, tự nhiên, riêng biệt, chỉ có ở tranh thờ người Tày Lục Yên.

Sắc độ trong các bức tranh thờ của người Tày Lục Yên đã tạo nên độ sâu của không gian và các vị thần thánh… Sắc độ đậm nhạt của đám mây tạo nên những không gian thế giới của các phật và các bậc tiên thánh các độ đậm nhạt càng rõ ràng hơn đi vào đặc tả các nhân vật như bức Ngọc Nữ, Kim Đồng vẽ về hai nhân vật kế cận ba phật độ đậm diễn tả trên búi tóc, vâng hào quang trên đầu, cùng chiếc áo mềm mại rõ ràng hơn với đôi tay đang bưng mâm ngũ quả. Còn độ nhạt hơn dành cho đài sen, mây… tạo sự ẩn hiện của các nhân vật trong cõi Niết bàn.

Bộ tranh còn cho thấy màu sắc được vẽ theo sự suy nghĩ, tư duy về thế giới không có thực, được phân chia theo cấp bậc nhất định. Phía trên cùng là các chư phật với nước da trắng, tỏa ánh hào quang màu vàng, duy nhất có phật Bà ở giữa là màu xanh, các phật ngự trên đài sen màu nâu vàng nhạt. Ngọc hoàng và các bậc thần thánh được thể hiện bằng nước da màu nâu nhạt với những trang phục màu sắc khác nhau (Ngọc hoàng áo vàng, Thiên phủ áo trắng, Địa phủ áo xanh, Thủy phủ áo nâu…), hai vị Thánh Độc, Thánh Tề có nước da màu nâu và tím. Tranh thờ của người Tày đã có ý thức hơn về sử dụng màu sắc phản ánh nhân vật, nội dung tác phẩm.

Bộ tranh người Tày Lục Yên bằng lối vẽ tự nhiên qua ý niệm của thày mo, thày tào nói lên luật nhân quả trong thuyết luân hồi của phật giáo, được thể hiện trên giấy cùng với màu sắc gần gũi có sẵn tạo nên hòa sắc đẹp, giàu tính trang trí, bố cục cân đối, có chính có phụ, có nóng có lạnh hình thành nhịp điệu trong tranh. Chính nhờ màu sắc độc đáo và cách sử dụng màu uyển chuyển mà những bức tranh thờ mang đậm giá trị nghệ thuật.

Giá trị thẩm mỹ của tranh thờ

Tranh thờ người Tày Lục Yên, một bộ gồm nhiều bức liên hoàn hoặc vài bức đơn lẻ, diễn đạt về tín ngưỡng và quan niệm vũ trụ siêu nhiên gắn liền với phong tục tập quán đã thành một loại tranh mang phong cách dân gian với nhiều giá trị thẩm mỹ.

Việc dùng tranh trong các nghi lễ của các thày mo, thày then, thày tào tạo nên tính đặc trưng riêng cho các lễ kỳ yên, cấp sắc, cấp pụt, ma chay với mục đích rõ ràng, được tiến hành theo các bước, có sự kết hợp với nhiều môn nghệ thuật hợp lại.

Bộ tranh thờ của người Tày Lục Yên có những nét chung của tranh thờ miền núi phía bắc, ngoài ra mang đậm bản sắc của dân tộc Tày tại Yên Bái. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình như bố cục, đường nét, màu sắc và chất liệu, tranh thờ Tày mang đậm tính nghệ thuật dân gian truyền thống, ẩn chứa nét đẹp huyền bí, ma thuật, tạo nên hình tượng các vị thần linh oai nghiêm, dũng mãnh. Qua các bức tranh, ta thấy được lịch sử ra đời, sự tiếp nối của quá khứ và hiện tại, sự gìn giữ và phát triển, sáng tạo của các thày mo, thày tào. Các bức tranh có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện lối vẽ dân gian, đồng hiện, tạo nên bố cục thuận mắt, đường nét uyển chuyển nhưng dân giã, màu sắc sử dụng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên được các thày cúng tạo nên bằng kinh nghiệm dân gian và sáng tạo cá nhân.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, bộ tranh mang lại giá trị tinh thần to lớn cho đồng bào dân tộc Tày tại Yên Bái. Bộ tranh có giá trị thẩm mỹ cao, được lưu truyền từ xa xưa cho đến ngày nay, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Tày trong các nghi lễ, tạo nên niềm tin vào mùa vụ, niềm tin vào tôn giáo một cách mãnh liệt, giúp con người lạc quan hơn, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Nguyễn Sinh Phúc

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *