Tín ngưỡng thờ thiên y a na của người việt ở khánh hòa

Thiên Y A Na là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa Việt – Chăm. Chính quá trình này đã góp phần làm cho tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa trở nên phổ biến, đa dạng về hình thức, nhiều về số lượng và tạo nên sắc thái văn hóa riêng. Thiên Y A Na được người Việt thờ ở tháp Bà, am, đình làng, chùa, miếu ngũ hành, điện thờ mẫu tứ phủ, lăng ông Nam Hải, miếu hội đồng và điện thờ tư gia. Bài viết nhằm hệ thống về dạng thức thờ tự, diễn giải về sự tích hợp và biến đổi nghi lễ hầu đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng này của người Việt ở Khánh Hòa hiện nay.

1. Hình thức thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa

Có lẽ từ lâu, Thiên Y A Na đã trở thành một vị thần chiếm vai trò quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt ở Khánh Hòa. Bà chính là biểu tượng cho sức mạnh siêu nhiêu, sáng tạo ra vũ trụ và là cội nguồn mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người Việt ở đây. Với người Việt ở Khánh Hòa, bà không chỉ truyền nghề trồng lúa nước, khai thác rừng mà còn là nữ thần sông nước, nữ thần cai quản biển đảo, nữ thần sóng gió. Người Việt và người Chăm đều có tục thờ Mẫu. Vì vậy, người Việt đã dung nhận và biến nữ thần Pô Inư Nưgar thành nữ thần A Na Diễn Ngọc Nương Nương (Thiên Y A Na/Bà Chúa Ngọc/Bà Chúa Xứ Trầm Hương/Chúa Tiên/Bà Chúa Đảo). Vai trò của Thiên Y A Na đã bao trùm một khu vực rộng lớn, được triều đình nhà Nguyễn ban nhiều sắc và phong mỹ tự. Thiên Y A Na đã trở thành nữ thần của giới đồng bóng và nữ thần hộ mạng nữ giới, hình tượng của bà được người Việt ở Khánh Hòa thờ phụng khá phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Ở Khánh Hòa, bà được tạc tượng thờ phụng dưới nhiều hình thức khác nhau như tháp Bà Pô Nagar, miếu Thiên Y A Na, đình làng, lăng ông Nam Hải, chùa, am, miếu Ngũ hành và điện thờ tư gia.

Tháp Bà Pô Nagar ở TP Nha Trang, một trung tâm thờ tự quan trọng nhất của người Việt ở Khánh Hòa, là một quần thể những đền tháp thờ nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar của người Chăm xưa. Nhưng từ giữa TK XVII đến nay đã được Việt hóa và trở thành nơi thờ tự Thiên Y A Na thánh mẫu. Điều này được phản ánh thông qua truyền thuyết về Thiên Y A Na thánh mẫu. Có thể truyền thuyết này được sáng tạo dựa trên môtip truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh của người Việt ở Bắc Bộ. Bên cạnh đó, người Việt đã đổi tên các vị thần, tên tháp trong quần thể kiến trúc của người Chăm theo quan niệm của mình. Đó là tháp ông bà tiều phu, cha mẹ nuôi của bà ở phía đông nam. Tháp thờ chồng bà, tức chàng trai Bắc Hải. Tháp trung tâm thờ nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar thành Thiên Y A Na thánh mẫu của người Việt. Tháp tây bắc thờ cô, cậu, hai người con của bà. Ngoài ra, người Việt còn đưa bát nhang, các đồ thờ khác, khoác xiêm y lên linh vật và tượng nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm. Có thể nói, Tháp Bà Pô Nagar là nơi hình thành, là trung tâm thờ Thiên Y A Na quan trọng nhất, điển hình nhất của người Việt ở Khánh Hòa và miền Trung Việt Nam.

Thiên Y A Na được thờ riêng trong các miếu, am. Dạng thức này chiếm số lượng nhiều trong hệ thống di tích thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa. Điển hình nhất cho nghệ thuật kiến trúc, cách bài trí, nghi lễ và lễ hội thờ Thiên Y A Na là di tích Am Chúa xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Theo truyền thuyết của người Việt được học giả Phan Thanh Giản ghi lại, thì đây là nơi bà hiển linh. Am Chúa được tạo dựng theo kiến trúc truyền thống của người Việt, đó là tam quan, miếu ông bà tiều, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành và chính điện. Kiến trúc của Am Chúa gồm có võ ca, bái đường, chính điện. Võ ca là nơi tổ chức nghi lễ trong những dịp lễ hội. Phía trước là bàn thờ hội đồng. Bái đường là gian tiếp nối giữa võ ca với chính điện. Đặc biệt bên trong của chính điện là tượng Thiên Y A Na, đặt ở chính giữa với tư thế ngồi, khuôn mặt hiền từ phúc hậu. Tượng bà được sơn son thếp vàng, đầu đội mũ, thân khoác xiêm y màu vàng, tay trái đặt trên đầu gối, tay phải cầm quạt. Hai bên là khám thờ của công chúa Quý và hoàng tử Trí. Tượng Thiên Y A Na ở đây thường được chọn làm mẫu để tạc tượng thờ trong các di tích khác như đình làng, chùa, miếu hoặc điện thờ tư gia của người Việt ở Khánh Hòa. Cách bài trí thờ Thiên Y A Na ở Am Chúa cũng là cách thờ phổ quát ở trong các miếu thờ Thiên Y A Na riêng của người Việt ở Khánh Hòa, tiêu biểu là miếu Cổ Chi (Phú Lộc), miếu Thiên Y A Na (Diên Thọ), miếu cây Ké (Phú Lộc),…


  Nhân dân mang lễ vào dâng bà. Ảnh Phúc Hòa 

Thiên Y A Na được phối thờ trong đình làng, chùa, miếu ngũ hành, lăng ông Nam Hải. Đình làng ở Khánh Hòa cũng là ngôi nhà cộng đồng để sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nhưng không gian thấp nhỏ, kiến trúc thường đơn giản. Đình của người Việt ở Khánh Hòa ngoài thờ thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền, anh hùng liệt sĩ, chân dung Hồ Chí Minh, ngũ hành thần nữ, ông Nam Hải… thì còn có miếu, hoặc ban thờ Thiên Y A Na. Đặc biệt, chúng tôi quan sát thấy sự kết hợp giữa đình với miếu Thiên Y A Na ở đình Phương Sài (Nha Trang). Điều khác biệt so với các ngôi đình kể trên thì trong hậu cung của miếu có tam tòa thánh mẫu, tượng của bà ở chính giữa, bên phải là Lâm Cung thánh mẫu, bên trái là Long Cung thánh mẫu. Đây không chỉ là tính phổ quát mà còn tạo nên sự khác biệt so với tín ngưỡng thờ thành hoàng trong đình làng của người Việt ở Bắc Bộ. Có tư liệu đã cho là: “Trước đây, Thiên Y A Na thường được thờ riêng trong ở một số ngôi miếu nhỏ song qua thời gian, vào khoảng sau năm 1839 (Minh Mệnh thứ 20) khi nhà vua chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin lập thêm thần vị bổn cảnh đối với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì để tiện cho việc cúng lễ, một số nơi dân làng đã đưa bà vào phối thờ, phối hưởng cùng với các vị thành hoàng” (1). Ngoài ra, Thiên Y A Na còn được phối thờ trong các chùa Việt ở Khánh Hòa, phản ánh một nguyên lý truyền thống thờ tự ở Bắc Bộ, theo môtip: tiền phật, hậu mẫu. Ngoài ra, người Việt sinh sống trên các đảo thường xây dựng thành một cụm gồm: đình, lăng ông Nam Hải, miếu Thiên Y A Na như trên đảo Bích Đầm (Vĩnh Nguyên, Nha Trang), đảo Bình Ba (Cam Bình, Cam Ranh).

Thiên Y A Na còn được thờ phụng khá phổ biến và ngày có xu hướng phát triển nhiều trong các điện thờ tư gia. Theo thông tin từ các chủ điện, thì điện thờ Thiên Y A Na đã có từ lâu, do những lý do khác nhau. Nhiều người chủ điện cho bà là người đáng kính trọng, có sức mạnh siêu nhiên, luôn che chở cuộc sống của người dân. Một lý do khác mà họ lập điện thờ Thiên Y A Na là để cầu mong sức khỏe. Nhiều chủ điện khác cho biết, họ lập điện thờ do bệnh nặng đã chữa trị nhiều năm không khỏi, không rõ nguyên nhân. Sau khi lập điện thờ thì bệnh tình thuyên giảm, ăn uống ngon miệng, sức khỏe trở lại bình thường. Đồng thời những chủ điện này vừa là đệ tử của Thiên Y A Na vừa là các ông, bà đồng hoặc thày cúng. Một số người đã kể rằng, do họ làm ăn khó khăn, kinh doanh thất bát nên lập điện thờ bà. Hình tượng Thiên Y A Na đôi khi được khái quát như tam tòa thánh mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Điện thờ Thiên Y A Na trong những gia đình của người Việt ở Khánh Hòa được bài trí một cách đa dạng, linh hoạt và tùy thuộc vào không gian của điện thờ. Các vị thánh thường được bài trí trong điện thờ Thiên Y A Na tại gia tiêu biểu như Phật Bà Quan Âm, Phật Thích Ca, Phật Mẫu Diêu Trì, Quan Thánh Đế Quân, Thiên Y A Na,…

Như vậy, các hình thức thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa đa dạng, phức tạp và đang có xu hướng tích hợp thêm những tín ngưỡng tôn giáo khác. Khởi đầu Thiên Y A Na được Việt hóa, thờ chính ở Tháp Bà dần dần được lan rộng trong các làng, xã, gia đình của người Việt ở Khánh Hòa. Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na cũng mang đậm tính dân gian, tính đa thần, tính hỗn dung tín ngưỡng tôn giáo Việt – Chăm và Việt – Hoa. Nghệ thuật kiến trúc dân gian đình, đền, miếu, am thờ Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa thường đơn giản hơn so với công trình tín ngưỡng tôn giáo truyền thống người Việt ở Bắc Bộ.

2. Lễ hội Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa

Hàng năm, người Việt ở Khánh Hòa thường tổ chức các nghi lễ, lễ hội nhằm tưởng nhớ đến ngày sinh, ngày hóa của Thiên Y A Na một cách trang trọng, thành kính. Lễ hội Thiên Y A Na được tổ chức trong nhiều làng quê vào mùa xuân, mùa thu với quy mô lớn và quan trọng hơn cả là lễ hội Am Chúa (từ mùng 1 đến mùng 3 – 3 âm lịch), lễ hội tháp Bà Nha Trang (từ 20 đến 23 – 3 âm lịch) hàng năm. Lễ hội là sợi dây kết nối cộng đồng người Việt với người Chăm và các tộc người khác. Họ dâng nhiều lễ vật chay, mặn lên Thiên Y A Na. Ở phần nghi lễ chính, các sinh hoạt văn hóa dân gian trong lễ hội chủ yếu là của người Việt, đó là lễ mộc dục, lễ tế, lễ rước bài vị, lễ khai diên, lễ tôn vương theo nghi thức tế đình làng. Cùng với đó là những điệu múa dâng bông, múa lân, múa quạt với những bản nhạc nền như Chúc tửu, Tá xay thượng, Kim tiền Huế, Dâng hoa. Thời điểm diễn ra lễ hội Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa cũng trùng với lễ hội Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Bộ. Từ giữa TK XVII, khi người Việt đến lập nghiệp ở Khánh Hòa, cùng những biến cố lịch sử, mối quan hệ bất hòa giữa chúa Nguyễn, vua Quang Trung với các vương triều Chămpa, nên cộng đồng người Chăm đã rút lui và mang theo nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar về thờ ở đền Hữu Đức (Ninh Phước – Ninh Thuận). Một thời gian dài cộng đồng người Chăm không quay trở lại tháp Bà. Những năm gần đây, với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, chính sách hòa hợp dân tộc và tâm thức mong muốn trở về cội nguồn dân tộc nên số lượng người Chăm đến tham dự lễ hội tháp Bà ngày càng đông. Họ mang đến lễ hội những lễ vật, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống, những điệu múa dân gian của người Chăm như múa bóng, múa quạt, múa chèo thuyền… Họ đến đây để được tôn kính, cầu mong bà mẹ xứ sở ban cho sức khỏe, ấm no, bình an, mưa thuận gió hòa, sản xuất được thuận lợi. Do tích hợp những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc nghệ thuật mà di tích Tháp Bà Pô Nagar đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1979; năm 2012, lễ hội Tháp Bà Nha Trang lại được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sự ghi nhận này đã khẳng định về vai trò tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa lễ hội Thiên Y A Na của người Việt ở Khánh Hòa.

Tín ngưỡng, lễ hội Thiên Y A Na đã và đang biến đổi theo các chiều hướng khác nhau. Trước đây, lễ hội Thiên Y A Na ngoài những nghi lễ truyền thống múa dâng bông, múa quạt, sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm sắc thái địa phương như hát bá trạo, diễn tuồng, hát bội, dân ca bài chòi, ca cải lương, thì gần đây loại hình tín ngưỡng này đã tích hợp thêm nghi thức hầu đồng và hát văn của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ và Tiên Thiên thánh mẫu giáo. Theo tư liệu của Ngô Đức Thịnh: “Ở Huế – Thừa Thiên và cả miền nam, tín ngưỡng Tứ Phủ mang tên Tiên Thiên thánh mẫu giáo. Tên chính thức này mới có từ những năm 1955 – 1956, khi mà các tín đồ của đạo này tập hợp lại trong một tổ chức, có tổng giáo hội đặt trụ sở ở Huế với 48 chi hội gồm hàng chục vạn tín đồ, được hành nghề tự do như các tôn giáo khác” (2). Nghi lễ hầu đồng, hát văn trong sinh hoạt tín ngưỡng Thiên Y A Na là sự pha trộn theo phong cách truyền thống Bắc Bộ và phong cách Huế. Lễ hội gắn với tín ngưỡng Thiên Y A Na thường coi trọng phần lễ hơn phần hội. Thực hiện nghi lễ này là một nhà sư, một thanh đồng người Việt ở Khánh Hòa. Ở những điện thờ tư gia, có thanh đồng chỉ hầu năm giá của bà Ngũ hành. Nghi thức hầu đồng mới được tích hợp trong tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na không tuân theo quy trình nghi lễ hầu đồng trong tứ phủ Bắc Bộ hoặc Huế. Các đoàn thực hành nghi lễ là các điện thờ, di tích trong tỉnh và các đoàn đến từ Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Sài Gòn…

 Số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Thiên Y A Na ở Tháp Bà năm 2015 có 110 đoàn đến thực hành các nghi lễ (3). Tham gia giá hầu có khi đến gần 30 người. Nhạc nền cho những giá hầu thường là một bộ trống, một cây kèn, một cây đàn hạ duy cầm. Nhạc công thường đệm đi đệm lại các bài Chúc tửu, Xá tay, Xay thượng, Kim tiền Huế, Dâng hoa, Làn điệu Quảng, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Lên ngàn… Ngoài ra, những năm gần đây ban tổ chức còn đưa thêm nghi lễ cầu siêu, cầu quốc thái dân an, thả đăng, rước ngai thờ bà đi vòng quanh Nha Trang. Nếu cứ theo chiều hướng này, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Thiên Y A Na đã và đang biến đổi theo chiều hướng phức tạp, lộn xộn, thương mại hóa, trục lợi, mê tín dị đoan.

Tín ngưỡng Thiên Y A Na là một hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo mang tính điển hình, phổ biến, tạo nên sắc thái văn hóa riêng. Thiên Y A Na không chỉ đi vào tâm thức của người Việt ở Khánh Hòa qua các truyền thuyết dân gian, địa danh, phong tục… mà bà đã được hình tượng hóa thông qua hệ thống cơ sở thờ tự đa dạng, phổ biến. Người Việt ở Khánh Hòa luôn tôn kính bà như một người mẹ, một vị phúc thần luôn che chở, truyền dạy nghề, mang lại cho họ cuộc sống ấm no, an bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na đã và đang tích hợp thêm những hiện tượng văn hóa khác, là quy luật vốn có của bất cứ hiện tượng văn hóa nào. Bà Thiên Y A Na không chỉ được thờ phổ biến trong cộng đồng người Việt ở Khánh Hòa mà tầm ảnh hưởng cả miền Trung, Nam Bộ. Bà thường được tạc tượng với mũ miện, xiêm y màu vàng đặt trong hậu cung, với vị trí Mẫu thủ điện, luôn đặt tại trung tâm điện thờ. Tác giả Trần Lâm Biền đã diễn giải: “Khi rời khỏi vùng đất quê hương, theo chân người Việt đi khai phá, thâm nhập vào miền trong mà điển hình như tại điện Hòn Chén ở Huế, thì nơi đây, một thần mẹ Thiên Y A Na, gốc của người Chăm, được tạo tượng nữ nhân, đậm chất Việt, được để trong cùng như thay cho Tam tòa thánh mẫu” (4). Tuy nhiên, nên thận trọng trong việc bổ sung một số nghi lễ, vị thánh, linh vật, hay những hình thức diễn xướng tâm linh mới vào sinh hoạt tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, có các hình thức tuyên truyền, diễn giải để cộng đồng hiểu, ứng xử, thực hành tín ngưỡng và lễ hội Thiên Y A Na một cách có văn hóa. Có như vậy, tín ngưỡng và lễ hội Thiên Y A Na không chỉ thỏa mãn nhu cầu về tâm linh, tâm sinh lý, gắn kết cộng đồng, hưởng thụ, sáng tạo, trao truyền các tri thức dân gian mà còn là môi trường tích hợp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt và người Chăm ở Khánh Hòa.                                                                                           

_______________

1. Nguyễn Công Bằng, Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa Khánh Hòa, Sở VHTT Khánh Hòa, 2000, tr.151.

2. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.268.

3. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.

4. Trần Lâm – Nguyễn Đạt Thức, Vai trò của Mẫu Liễu, thần linh liên quan, ban thờ và nghi thức thờ cúng, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3 (44), Hà Nội, 2013, tr.76.

5. Trần Lâm, Tản mạn về tôn giáo – tín ngưỡng liên quan tới kiến trúc ở Nam bộ, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (26), Hà Nội, 2009.

6. Nhiều tác giả, Văn hóa dân gian ở Khánh Hòa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

7. Trần Quốc Vượng, Theo dòng lịch sử, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : NGUYỄN VĂN BỐN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *