Sự phục hưng dòng họ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dòng họ nhằm giáo dục các thế hệ tiếp nối là việc làm cần thiết, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn hóa dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội đã, đang có những bước chuyển mình một cách toàn diện, sâu sắc trước những tác động mạnh mẽ, đa chiều của quá trình đô thị hóa hiện nay.
Trong lịch sử nước ta có những dòng họ lớn mà truyền thống giáo dục của dòng họ ấy đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của các thế hệ sau và cả xã hội. Nhiều năm trở lại đây việc giáo dục trong gia đình, dòng họ đang đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng trong nhân dân, có phần đóng góp không nhỏ của những gia đình, dòng họ biết giáo dục con cháu hướng về cha ông, tổ tiên, biết giữ gìn đạo lý gia phong.
Những tác động tích cực của quá trình đô thị hóa với văn hóa dòng họ Ngô Thì
Để bắt kịp với sự phát triển của dòng họ, củng cố cách thức tổ chức, lãnh đạo trong dòng họ, dòng họ Ngô Thì đã lập ra ban đại diện dòng họ. Những người tham gia ban đại diện thường là những người có uy tín, có thời gian, điều kiện từ mỗi chi, mỗi ngành trong dòng họ, hoạt động theo mô hình tự quản, trong đó có bầu ra 1 trưởng ban, 1 thư ký, 1 thủ quỹ. Trong khoảng 30 năm qua, sau khi được thành lập, ban đại diện dòng họ Ngô Thì đã thể hiện được chức năng, trọng trách của mình trong tổ chức mọi công việc chung của dòng họ, tạo sự gắn kết bền chặt hơn giữa các thành viên của dòng họ ở trong làng, ngoài làng.
Diện tích đất của dòng họ Ngô Thì giờ đây hầu như thuộc sự quản lý của nhà nước, nên việc tu sửa nhà thờ họ, khu lăng mộ Ngô Thì Nhậm hay đàn Truy Viễn đều phải có sự cho phép, quy hoạch của nhà nước. Đàn Khánh Nguyên, mộ tổ chưa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử thì những năm qua dòng họ đều có sự tu sửa, xây mới to đẹp, khang trang.
Nhờ sự gắn kết qua những hoạt động mà những mâu thuẫn về đất đai thời gian vừa qua trong dòng họ, dần dần đã được giải tỏa. Thông qua những buổi họp họ với phương châm đối thoại, những người có trách nhiệm trực tiếp đều nêu cao tinh thần cởi mở, dung hòa, sẻ chia. Đặc biệt, cả những mâu thuẫn về mặt tư tưởng, lối sống, thế hệ… cũng dần dần được dung hòa, khắc phục. Hiện tượng bè phái, dèm pha nhau cũng theo đó mà giảm bớt, rồi mất hẳn.
Giống như bao dòng họ khác trong cả nước, xưa kia, phần lớn gia đình trong dòng họ Ngô Thì sống dựa vào làm ruộng, một số làm nghề thủ công hoặc buôn bán, một số tham gia thương nghiệp kèm với nghề nông, chăn nuôi, nhưng cả họ đều gắn bó với nhau, noi gương một số gia đình nho học. Những gia đình nho học này không những có uy tín trong họ, trong làng mà thường vượt ra khỏi phạm vi làng, thậm chí có tầm ảnh hưởng lớn trong cả nước. Người đỗ đạt cao nhất họ hoặc một nhà nho có uy tín trong vùng thường là chỗ dựa, là niềm tự hào cho dòng tộc. Hiện nay, truyền thống ấy vẫn hiện diện. Những người có học vấn cao vẫn được dòng họ tôn trọng coi như tấm gương sáng để noi theo.
Nhà thờ dòng họ Ngô Thì. Ảnh Ham Đan
Quỹ họ ngày một nhiều hơn, họ có điều kiện tổ chức chu đáo mọi công việc chung của dòng họ, có điều kiện tham gia các hoạt động chung của họ Ngô toàn quốc, mở rộng mối quan hệ với các dòng họ Ngô trong cả nước. Đồng thời cũng nhờ đó mà dòng họ có điều kiện chăm lo tới cuộc sống của mọi thành viên trong dòng họ.
Nhiều năm qua, dòng họ đã tăng cường việc khuyến học, tạo sự thi đua phấn đấu cho con em trong dòng họ.
Những gì mà dòng họ Ngô Thì đang ứng phó trước sự tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, hội nhập văn hóa, cùng sự nỗ lực trong việc tạo sợi dây cố kết ngày một bền chặt, phần nào giải quyết được những mâu thuẫn, những khúc mắc nảy sinh về đất đai, về hoạt động quỹ họ, về các mối quan hệ trong làm ăn kinh tế…; khắc phục được tính cục bộ, bè phái trong dòng họ; hỗ trợ nhau trong làm ăn kinh tế, trong cuộc sống hàng ngày; khuyến khích giáo dục con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập; giữ gìn nếp sống văn hóa trong từng gia đình; giữ gìn, phát huy tốt tập tục thờ cúng tổ tiên, chăm lo mồ mả ông bà, xây dựng, tu bổ gia phả, xây lại mộ tổ khang trang, to đẹp; củng cố sự lãnh đạo trong dòng họ thông qua hoạt động ngày một quy mô, khoa học của ban đại diện dòng họ; quỹ họ ngày một lớn mạnh đã giúp đỡ nhiều gia đình vay vốn sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói, giảm nghèo hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa với văn hóa dòng họ Ngô Thì
Sức ép dân số, việc dành đất cho xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, kinh doanh trong quá trình đô thị hóa ở Tả Thanh Oai đã khiến cho đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đất làng trở nên đắt đỏ, đất nông nghiệp 5%, đất ruộng, đất gò công bãi mả, đều được chuyển đổi để xây nhà, xây xưởng sản xuất, xây khu công nghiệp, khu chung cư, khu nhà trọ… Việc xây dựng, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp mở ra cho dân làng nhiều cơ hội làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng đó cũng chính là điểm khởi phát của nhiều mâu thuẫn về đất đai, thừa kế trong từng gia đình, dòng họ. Xưa kia, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của dòng họ là khoảng mấy nghìn mét vuông, nhưng đến nay phần lớn diện tích đã thuộc quyền quản lý của nhà nước khi các di tích trong dòng họ được công nhân là di tích lịch sử. Đây là một điểm khác biệt của dòng họ Ngô Thì so với nhiều dòng họ khác ở Tả Thanh Oai. Chính điểm khác biệt này cũng dẫn đến nhiều bất cập như: phía chính quyền, nhà nước chưa có sự tu sửa kịp thời nên gây ra tâm lý bức xúc cho người dân trong dòng họ, nhà thờ họ hiện đang bị dột nặng, khu vệ sinh, kho để đồ thờ tự chưa được xây dựng để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của dòng họ mặc dù dòng họ đã nhiều lần đề nghị. Bên cạnh đó, dòng họ cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn về đất đai khi phân định đâu là đất của dòng họ, đâu là đất của cá nhân trong quá trình quy hoạch để công nhận những di tích dòng họ.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp diễn ra một cách tràn lan, quy hoạch thiếu tập trung trong quá trình đô thị hóa ở Tả Thanh Oai, khiến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư về không nhiều, làm cho sự cố kết dòng họ trong làm ăn kinh tế dần trở nên mờ nhạt.
Trong thời đại ngày nay, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao như ở Tả Thanh Oai thì sự mai một trong lối sống truyền thống, trong quan hệ gia đình, thân tộc của văn hóa dòng họ càng trở nên rõ rệt. Gia đình ngày nay đang giảm dần quy mô đa hệ, có xu hướng gia tăng quy mô gia đình hạt nhân. Quan hệ dòng tộc họ mạc trong làng cũng có phần lỏng lẻo hơn, bởi sự đa dạng trong cơ cấu kinh tế đã tách dần các thành viên trong họ tộc ra khỏi địa bàn tụ cư truyền thống. Tuy quan hệ nội tộc, ngoại tộc vẫn giữ nguyên màu sắc truyền thống nhưng mỗi cá nhân giờ đều trở nên bận rộn hơn, ít có thời gian dành cho họ hàng, làng xóm.
Trong nhịp sống công nghiệp gấp gáp, khắc nghiệt thời hiện đại, mỗi cá nhân đều sống nhanh hơn, vội hơn, lối sống cá nhân chủ nghĩa ngày càng phát triển thì tất yếu sẽ dẫn tới hệ quả là họ càng ít quan tâm tới dòng họ, tới làng xã. Lối sống đó còn là lối sống xen cài giữa cái cũ với cái mới, tạo ra những khoảng cách khá lớn về tư tưởng, lối sống giữa các thế hệ thành viên trong từng gia đình, từng dòng họ. Sự khác biệt đó thể hiện ở cách hành xử trong quan hệ với các thành viên của dòng họ khi tham gia vào công việc chung; sự khác biệt còn thể hiện ở cách hành xử khi tiến hành những ghi lễ tưởng nhớ tổ tiên.
Hiện tượng phục hưng các dòng họ, nhiều khi đó lại là sự phục hưng vật chất hóa, dẫn đến việc ai giàu người đó mạnh, ai đóng góp nhiều người đó có trọng trách cao, có tiếng nói trong công việc của dòng họ chứ không còn là chế độ tộc trưởng xưa kia. Vì thế dẫn đến hiện tượng bè phái trong dòng họ, gây mất đoàn kết nội bộ, nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Giỗ họ là dịp mọi người trong dòng họ gặp mặt, được sống trong bầu không khí thân tộc thiêng liêng và tự hào, nhưng với nhiều người, đặc biệt là những người có tuổi thì họ lại không thấy được những tình cảm chân thành như ngày xưa, thấy nó nhốn nháo, qua loa, ai cũng vội vàng chứ không được quy củ, thân tình như trước.
Tục nhận họ của dòng họ Ngô Thì đã có từ lâu. Đây là một truyền thống tốt đẹp nhằm phát triển bền vững văn hóa dòng họ trong thời đại mới. Nhưng hiện nay, do những người biết chữ Hán trong dòng họ hầu như không có, để có thể tìm hiểu sâu về văn hóa dòng họ xưa kia qua những trang sách cổ; hoặc chứng thực những giấy tờ, những thông tin do cha ông để lại cho đời sau khi có chi, có ngành ở nơi khác muốn về nhận họ. Chính điều này gây nên rất nhiều khó khăn trong quá trình nhận họ, tìm về tổ tiên của các chi, các ngành đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai hiện nay
Đối với chính quyền địa phương
Cần có sự kết hợp hiệu quả hơn nữa với các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, các cơ quan truyền thông nhằm có thêm những giải pháp xây dựng, đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa; tôn vinh gia đình văn hóa; hỗ trợ phục hồi văn hóa dòng họ; tôn vinh những dòng họ có đóng góp lớn cho xã hội, cho địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cộng đồng đặc biệt là với thế hệ trẻ về giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng họ.
Cần hoàn thiện, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, nghiệp vụ văn hóa tại địa phương; chú trọng gia tăng những dịch vụ văn hóa cho từng gia đình, từng dòng họ, từng đối tượng người nông dân trên địa bàn nhằm đẩy mạnh quá trình tiếp xúc, hưởng thụ văn hóa của họ ở những cấp độ khác nhau, tạo một môi trường sống lành mạnh, đoàn kết.
Cần đẩy mạnh triển khai những dự án phát triển vùng văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho các dòng họ phát huy được những thế mạnh của mình trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương.
Cần đẩy mạnh triển khai những dự án quy hoạch, tu sửa những di tích của dòng họ đã được công nhận là di tích lịch sử nhằm đem lại một diện mạo to đẹp cho mỗi di tích, gìn giữ những di tích trước sự tàn phá của thời gian, của thời tiết, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất trong sinh hoạt của dòng họ, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, bất cập, gây bức xúc cho người dân.
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, nhà trường với dòng họ nhằm đẩy mạnh phong trào khuyến học. Ngoài hình thức khen thưởng dòng họ có thành tích xuất sắc trong việc khuyến học cần có sự quan tâm đến đội ngũ những người làm khuyến học của xã nói chung, của từng dòng họ nói riêng về điều kiện làm việc, phòng ốc, trang thiết bị làm việc, hỗ trợ phương tiện đi lại…
Đối với dòng họ Ngô Thì
Hoạt động của Ban đại diện dòng họ cần có sự nghiêm túc và quy củ hơn trong quản lý cũng như trong hoạt động; kịp thời giải quyết được mọi mâu thuẫn có thể nảy sinh trong dòng họ; mở rộng được mối quan hệ của dòng họ với dòng họ Ngô toàn quốc cũng như các dòng họ khác trong, ngoài địa phương; mọi hoạt động chung của dòng họ sẽ hiệu quả, đông đủ, quy mô.
Ban đại diện dòng họ tiếp tục duy trì động viên con cháu tổ chức tốt các sinh hoạt dòng họ, phát huy tinh thần hướng về dòng tộc, hướng về tổ tiên trong các ngày lễ của dòng họ. Xây dựng những quy định chặt chẽ trong dòng họ nhằm củng cố tinh thần tôn ti trật tự. Động viên sự đóng góp chung trong dòng tộc, đặc biệt là với những cá nhân, gia đình thành đạt, nhằm xây dựng quỹ họ ngày một lớn mạnh đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt văn hóa của dòng họ. Bên cạnh đó, công tác chăm lo tu sửa nhà thờ, mồ mả tổ tiên, viết gia phả cần tiếp tục được thực hiện liên tục, thường xuyên hơn nữa.
Hoạt động khuyến học của dòng họ cần quan tâm hơn nữa đến các đối tượng nghèo, những sinh viên có nhiều sáng kiến khoa học, tham gia công tác đoàn hội có thành tích cao, những cá nhân xuất sắc đạt được học hàm, học vị làm rạng danh dòng họ.
Dòng họ cần mạnh dạn đổi mới tư duy, áp dụng những phương thức khoa học kỹ thuật trong làm kinh tế. Hướng dẫn, giúp đỡ con em trong họ tìm kiếm nhiều cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế của dòng họ, của địa phương.
Mỗi cá nhân cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình, xây dựng dòng họ. Tôn trọng thứ bậc, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Tham gia nhiệt tình vào các công việc chung của họ. Ứng xử hài hòa tạo ra lợi ích cho cả đôi bên, tránh những mâu thuẫn không đáng có làm ảnh hưởng tình thân tộc. Không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động và cống hiến để trở thành người con hiếu thảo trong gia đình, người anh em tốt trong họ hàng, người có ích cho xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : VŨ THỊ HIÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám