Sự nghiệp trước tác của đại danh y Tuệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong lịch sử y – dược học Việt Nam. Vì vậy, nhân dân đã lập đền thờ ngài ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong bốn di tích thờ đại danh y Tuệ Tĩnh có hai nơi thờ chính là đền Xưa (thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ), đền Bia (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn) và hai nơi phối thờ là chùa Giám (xã Cẩm Sơn), Văn miếu Mao Điền (xã Cẩm Điền).
1. Mối tương quan về các di tích có cùng một nhân vật thờ tự
Việc ra đời của những di tích lịch sử văn hóa thờ đại danh y Tuệ Tĩnh như đền Xưa, chùa Giám, đền Bia và Văn miếu Mao Điền đều xuất phát từ lòng thành kính, niềm tin, sự ngưỡng vọng của nhân dân đối với ông. Vì vậy, hệ thống các di tích tôn thờ đều là những nơi, địa điểm có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh y. Đền Xưa thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ là quê hương, nơi cất tiếng khóc chào đời và nuôi dưỡng ông. Đền Bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn nơi lưu giữ tấm bia đá có ghi tạc lời di nguyện của ông. Chùa Giám thôn Tân Sơn, xã Cẩm Sơn nơi nuôi danh y ăn học, thành tài. Tại đây ông được học văn học, làm thuốc để chữa bệnh cứu người. Riêng chỉ có Văn miếu Mao Điền, xã Cẩm Điền không phải là nơi gắn bó với sự nghiệp của ông, nhưng nơi đây lại là biểu tượng văn hiến của Hải Dương. Do vậy năm 2004, sau khi di tích được trùng tu tôn tạo, UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học bàn về việc lựa chọn, đưa một số danh nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực và trải dài qua nhiều triều đại phong kiến của mảnh đất xứ Đông vào thờ tại di tích. Và đại danh y Tuệ Tĩnh là một trong những nhân vật được lựa chọn đưa vào phối thờ tại đây.
Tất cả các di tích lịch sử văn hóa tôn thờ danh y đều nằm trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, mảnh đất nằm ở phía tây của tỉnh Hải Dương, có đường giáp ranh với hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Đây cũng được xem là vùng đất cổ, lâu đời. Vào năm 1990, các nhà Khảo cổ học đã tìm thấy xương cá voi có niên đại cách ngày nay 2 – 3 vạn năm. Bên cạnh đó, là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trải dài từ thời Hùng Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế và các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.
2. Mối tương quan về thời gian ra đời của các di tích
Đối với bất cứ di tích lịch sử văn hóa nào khi ra đời cũng cần có những điều kiện nhất định về không gian, thời gian, địa điểm, sự kiện và nhân vật được tôn thờ. Trong bốn di tích phụng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh, chùa Giám ra đời sớm nhất. Tương truyền, chùa được xây dựng vào thời Lý, trùng tu tôn tạo lớn vào thời Lê và những năm sau đó. Chùa được xây dựng để thờ phật và các bậc chân tu khi qua đời. Việc đại danh y Tuệ Tĩnh khi mất được phụng thờ tại đây cũng là lẽ bình thường. Bởi chùa Giám chính là nơi gắn bó với cuộc đời của ông từ lúc nhỏ cho đến khi thành danh.
Di tích đền Xưa thuộc địa phận thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, được xây vào TK XVII, trùng tu vào thời Nguyễn và những năm gần đây. Di tích được xây dựng tại trung tâm của làng, trên thế đất cao, thoáng rộng. Nghĩa Phú chính là Nghĩa Lư trang quê hương của đại danh y Tuệ Tĩnh. Để tưởng nhớ, tri ân công đức người con quê hương có nhiều đóng góp cho dân cho nước, nhân dân đã lập đền thờ ông. Đây cũng là việc làm thường thấy đối với các di tích lịch sử văn hóa thờ danh nhân trên đất nước ta.
Di tích đền Bia được xây vào thời hậu Lê, khi đó chỉ là một ngôi miếu nhỏ để thờ tấm bia đá. Tương truyền tấm bia do tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho khắc lời di nguyện của đại danh y Tuệ Tĩnh khi ông đi sứ nhà Minh về. Khi thuyền vận chuyển về đến địa điểm hiện nay thì bị lật. Sau đó nước cạn, tìm thấy bia đá nằm trên một doi (dải) đất hình con dao cầu (dao thái thuốc), nhân dân cho rằng có sự thiên định hoặc đắc địa (linh ứng), nên đã lập đền, tạc tượng thờ.
Văn miếu Mao Điền cũng là di tích được xây dựng vào thời Lê và trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn. Di tích ban đầu được xây dựng để thờ Khổng Tử và phối thờ bốn vị học trò xuất sắc của ông. Năm 2004, sau khi được trùng tu tôn tạo, văn miếu không chỉ thờ Khổng Tử mà còn là nơi tôn vinh tám bậc đại khoa của xứ Đông, trong đó có đại danh y Tuệ Tĩnh.
Như vậy, có thể thấy các di tích phụng thờ hoặc phối thờ đại danh y Tuệ Tĩnh đều là những di tích lịch sử văn hóa có lịch sử ra đời sớm, khá rõ ràng. Các tư liệu về nhân vật phụng thờ được ghi chép lại và khá thống nhất.
Hiện nay, cả bốn di tích đều được xếp hạng cấp Quốc gia: chùa Giám (1974), đền Bia (1993), đền Xưa (1990), văn miếu Mao Điền (1994). Trong đó, tòa cửu phẩm liên hoa có niên đại TK XVII của chùa Giám được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015. Đặc biệt cả bốn di tích phụng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh đều được Bộ Y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân tỉnh Hải Dương, các trường học, cơ sở đào tạo có liên quan đến ngành y, dược… quan tâm đầu tư xây dựng để xứng tầm với sự nghiệp trước tác và những đóng góp của đại danh y với nền y – dược học nước nhà.
3. Tương quan về vị trí xây dựng và quy mô kiến trúc
Các di tích phụng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh tuy được xây dựng ở những địa điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đều có vị trí, cảnh quan đẹp. Đền Xưa, chùa Giám được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, trên khu đất cao ráo thoáng rộng, mặt tiền quay về hướng Tây. Đền Bia, Văn miếu Mao Điền được xây dựng cách xa khu dân cư, có không gian cảnh quan vô cùng thoáng đãng vì nằm giữa cánh đồng lúa. Tất cả đều gần với đường giao thông, thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, một đặc điểm chung dễ nhận thấy giữa các di tích này là khuôn viên khá rộng: văn miếu Mao Điền có tổng diện tích nội tự là 1,3ha và đang mở rộng diện tích 5,07ha ra phía trước, đền Bia 4ha, chùa Giám 2ha, đền Xưa 1ha. Các công trình tại khu di tích thường được xây dựng trên một trục thần đạo dẫn từ tam quan đến tòa hậu cung. Các công trình được xây dựng tương đối đầy đủ theo kiến trúc truyền thống như: nghi môn (văn miếu môn), hệ thống sân vườn, hai dãy tả vu, hữu vu, tòa tiền tế, trung từ và hậu cung… (ở đền, văn miếu) và tam quan, hai dãy hành lang, tiền đường, tam bảo, nhà tổ, nhà cửu phẩm… (ở chùa). Tất cả đều được bố trí một cách quy chuẩn, đăng đối, liên hoàn và tương đối đồng bộ về mặt kiến trúc.
Đặc biệt trong khuôn viên của các di tích này (trừ di tích văn miếu Mao Điền) đều bố trí một tòa nhà làm nơi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân. Riêng đền Bia có một khu y xá với đầy đủ chức năng từ bắt mạch kê đơn, chẩn trị, bốc thuốc và khoảng đất trồng nhiều cây thuốc gắn với những bài thuốc của đại danh y Tuệ Tĩnh.
4. Tương quan về hệ thống tượng thờ
Hiện nay trong bốn di tích liên quan tới việc thờ tự đại danh y Tuệ Tĩnh thì ba di tích có tượng thờ ngài, trong đó có ba pho tượng bằng đồng và một pho tượng bằng gỗ. Pho tượng có niên đại sớm nhất ở đền Bia, năm 1936: đúc bằng đồng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tượng được tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ, mắt sáng, nhìn thẳng, nhân từ, râu dài đen, tai to, hai tay để ngang ngực trong tư thế kết ấn. Ở chùa Giám, trước đây tượng đại danh y Tuệ Tĩnh được làm bằng gỗ, kích thước nhỏ giống với pho tượng bằng gỗ đặt tại trung tâm tòa tiền tế đền Xưa. Năm 2005, Bộ Y tế đã công đức đúc một pho tượng bằng đồng đen. Tượng ngồi trên bệ, đầu đội mũ, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn thẳng, tai to, hai tay để ngang ngực trong tư thế kết ấn. Tại di tích đền Xưa có hai pho tượng đại danh y Tuệ Tĩnh, một pho bằng đồng do Bộ Y tế cung tiến năm 2005, đặt tại tòa hậu cung, về hình dáng, kích thước giống với pho tượng ở chùa Giám và một pho tượng gỗ, kích thước nhỏ đặt tại gian tòa tiền tế. Hai pho tượng có phong thái và kiểu dáng giống nhau, chỉ khác nhau về chất liệu và kích thước. Riêng chỉ có Văn miếu Mao Điền là chưa có tượng, tại đây có một nhang án trên đặt ngai và bài vị thờ đại danh y Tuệ Tĩnh, tất cả đều được sơn son thếp vàng.
Như vậy, thông qua hệ thống tượng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh tại các di tích, có thể thấy tượng ông đều được làm bằng gỗ hoặc đồng. Đây là những chất liệu có độ bền cao so với các loại chất liệu khác. Tượng đều được tạc ở tư thế ngồi, ung dung tự tại, mắt nhìn thẳng, nhân từ, tai to, cổ cao, hai tay để ngang ngực với tư thế kết ấn (đền Xưa, chùa Giám) hoặc cầm lệnh bài (đền Bia). Tượng đều được đặt tại hậu cung, vị trí tôn nghiêm nhất trong không gian thờ tự của mỗi di tích. Điều đó thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối vị thánh của nhân dân.
5. Tương quan về hệ thống cổ vật
Hệ thống cổ vật có sự tương quan trong các di tích phụng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh trên đất Hải Dương, đó chính là hệ thống các bức hoành phi, câu đối đại tự tại các di tích. Câu đối, hoành phi không chỉ được coi như đồ thờ, tăng vẻ uy nghi, tráng lệ, cổ kính cho di tích mà còn là tác phẩm thư pháp ca ngợi cảnh quan, lịch sử danh thắng di tích, ca ngợi tài năng, đức độ của nhân vật được tôn thờ. Khảo sát di sản Hán Nôm ở những di tích liên quan tới đại danh y Tuệ Tĩnh, hầu hết hoành phi, câu đối đều ca ngợi, ngưỡng mộ về tài năng, đức độ của ngài với vai trò là ông tổ nghề thuốc nam. Trong số các di tích phụng thờ Tuệ Tĩnh duy chỉ có Văn miếu Mao Điền là chưa có câu đối, hoành phi có liên quan đến danh y.
Tại đền Xưa có ba bức hoành phi và hai đôi câu đối được viết bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi sự nghiệp của đại danh y Tuệ Tĩnh. Tại tòa tiền tế có bức hoành phi Tế thế trạch dân (dịch nghĩa Cứu đời giúp dân); hậu cung có 3 bức hoành phi. Bức thứ nhất đặt trước hiên gian giữa nhà hậu cung Xuân đài thọ vực (dịch nghĩa Tòa nhà xuân, cõi thọ). Hoành phi này có hai dòng lạc khoản, bên phải ghi Tự Đức Kỷ Dậu niên cung tiến (dịch nghĩa năm Kỷ Dậu hiệu Tự Đức cung tiến), bên trái ghi Khải Định Mậu Ngọ niên trùng tu (dịch nghĩa năm Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định trùng tu). Bức thứ hai và thứ ba được đặt ở phía trên tượng thờ đại danh y Tuệ Tĩnh do tỉnh Hội Đông y Hải Dương và nhân dân cung tiến Nam dược trị nam nhân và Nam dược Thánh từ.
Đền Bia có tổng số mười đôi câu đối và hai bức hoành phi, bố trí lần lượt từ trong ra ngoài ca ngợi công đức Ngài (dịch nghĩa):
Danh tiếng tiêu biểu thời Trần, chiếm bảng Hoàng giáp nước Nam
Giá trị cao siêu đối với triều Minh, giữ chức Thái y phương Bắc
Thi đỗ Hoàng giáp, tiếng thơm lẫy lừng đất Bắc
Thày giỏi bậc thánh, phương thuốc diệu kỳ chấn động nước Nam
Tại chùa Giám hiện nay, phía trên ban thờ đại danh y Tuệ Tĩnh có treo bức hoành phi Thánh sư Nam dược (ông tổ nghề thuốc Nam), do nhân dân công đức gần đây.
Toàn bộ hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự tại các di tích đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, xung quanh có chạm khắc trang trí rồng, phượng, hoa lá, chữ thọ cách điệu, những nét chữ được viết dưới dạng chân phương, khá dễ đọc.
Các di tích phụng thờ Tuệ Tĩnh trên đất Hải Dương có những nét riêng, mặc dù có chung một danh vật thờ tự hoặc phối thờ. Việc trông coi duy trì, hoạt động ở mỗi di tích có sự khác biệt. Ngoài lễ chính do chính quyền xã đứng ra tổ chức, việc duy trì hoạt động thường nhật tại các di tích cũng do bộ máy chính quyền các cấp quản lý đảm nhận. Trong bốn di tích liên quan tới thờ đại danh y Tuệ Tĩnh, có Văn miếu Mao Điền, đền Bia do Ban Quản lý di tích huyện quản lý, đền Xưa do thôn, xã quản lý, chùa Giám do nhà sư và xã quản lý. Dù ở cấp nào quản lý, thì chủ sở hữu của các di tích vẫn thuộc về cộng đồng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : TRƯƠNG THỊ THU HUYỀN
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám