Hình ảnh quả trứng trong lễ cúng vía trẻ nhỏ của người thái tây bắc

Người Thái quan niệm mỗi người tồn tại trên đời đều có những hồn vía gắn với từng bộ phận trên cơ thể, luôn song hành để bảo vệ cho thân chủ của mình. Bao đời nay, tục thờ hồn vía luôn gắn kết với họ suốt cuộc đời, từ khi cất tiếng khóc chào đời đến trưởng thành, lập gia đình, già rồi mất đi. Có thể nói rằng đây là một tập tục rất quan trọng của người Thái, đặc biệt khi được thực hiện lần đầu tiên trong đời đối với một đứa trẻ vừa được sinh ra.

Tầm quan trọng của hồn, vía trong tín ngưỡng của người Thái

Có những điều rất lạ lẫm trong phong tục tập quán, tín ngưỡng hàng ngày của người Thái ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Niềm tin của họ không biết hình thành từ đâu, chỉ biết rằng họ tin tưởng, coi đó như là một phần cuộc sống hàng ngày, là thói quen sinh hoạt không thể thiếu, niềm tin đó là bất diệt. “Với con người, người Thái quan niệm có hai phần là vía, hồn; trong đó phần vía được chú trọng khi con người đang sống, phần hồn được quan tâm khi con người về thế giới bên kia” (1).

Cũng không thể giải thích một cách rõ ràng từ đâu mà có phong tục này vì ngay từ khi đứa trẻ sinh ra đã được cúng vía. Nếu đưa trẻ nhỏ đi chơi nhà họ hàng, làng xóm ở xa thì họ sẽ vẽ một vết nhọ nồi lên trán hoặc mặt đứa trẻ để đánh dấu, để làm cho đứa trẻ xấu đi, nhằm không bị các vía rủ rê, lôi kéo, bắt cóc. Ở bản người Thái, cứ thỉnh thoảng lại thấy người mẹ lại gọi con về nhà, để con không bị ma bắt mất. Niềm tin về hồn vía tồn tại song song cùng con người đã dần hình thành như vậy, trở thành nền tảng vững chắc cho đứa trẻ ngay từ khi sinh ra, đó cũng là lễ cúng vía giản đơn mà cần thiết nhất trong vòng đời một con người. Họ luôn tin tưởng vào sự ban phát các thế lực siêu nhiên như vậy. Muốn sống khỏe thờ phụng ma, muốn ở yên phụng sự tạo (là những người có chức sắc, có chức có quyền trong bản). Bởi vậy, lễ cúng đầu tiên trong cuộc đời mỗi người Thái như là một giấy khai sinh để báo cáo rằng cá nhân nào đó đã có mặt trên cõi đời này, sẽ sống theo phong tục tín ngưỡng của bản, làng.

Trong cúng sửa vía của người Thái còn chia thành rất nhiều loại, tùy theo trường hợp cần làm lễ, độ tuổi của người được làm lễ mà có hình thức, lời khấn cúng, vật dâng cúng khác nhau. Bài viết chỉ nói về hình thức cúng cơ bản nhất, cũng chính là lễ cúng diễn ra đầu tiên trong vòng đời của một con người, đó là cúng sửa vía cho trẻ nhỏ bằng quả trứng gà. Trứng gà được lựa chọn trong lễ cúng này phải là quả trứng gà mới được đẻ ra. Lễ được tiến hành khi đứa trẻ mới được sinh ra 5, 7 ngày trở đi. Đồng thời, cúng sửa vía cho hồn sữa của người mẹ trẻ nhỏ, cúng hồn vía nôi, hồn vía địu luôn cho đứa trẻ đó. Người Thái ở Mường Thanh gọi thủ tục này là tam khuồn sáy, cúng sửa vía bằng trứng. Trứng gà đã xuất hiện ngay trong lễ cúng đầu tiên trong cuộc đời của một con người, ở hầu hết các lễ cúng khác, từ nhỏ cho đến lớn của người Thái nói riêng, những người dân tộc thiểu số nói chung.

Mô tả về tập tục dùng trứng gà cúng vía cho trẻ con của người Thái Tây Bắc ở Điện Biên

Khấn cúng cho hồn vía của bầu sữa mẹ

Mục đích chính của tập tục này là cầu mong cho trẻ nhỏ luôn khỏe mạnh, khôi ngô, xinh xắn, mau ăn chóng lớn. Người khấn cúng cho trẻ nhỏ phải là phụ nữ, đàn ông kiêng không được cúng. Vì người ta quan niệm rằng phụ nữ mới là người có bàn tay mềm mại, ấm áp, lời nói, lời khấn dịu dàng mới tiếp cận được với hồn vía của trẻ nhỏ, của nguồn sữa, chủ nôi, chủ địu, chăn đệm. Hơn nữa, khi khấn nhắc đến chủ vía của nguồn sữa, người mẹ của đứa trẻ phải cởi áo trên, để lộ hai bầu vú ra ngoài. Thực tế, nếu người khấn cúng là đàn ông thì chắc chắn người mẹ sẽ bị xấu hổ.


 Cúng hồn vía của bầu sữa mẹ, người Thái Tây Bắc – Ảnh Điền Gia Dũng  

Đại ý của lời khấn thường là báo cáo tên tuổi của người mẹ đã mang thai chín tháng, sinh ra em bé, mời hồn vía của trẻ nhỏ, của bầu sữa mẹ hãy đến ăn trứng gà, ăn cơm, xôi. Ăn xong, hãy gắn kết với thân chủ, đừng đi lang thang, đừng nghe theo lời rủ rê của ma tà xấu, nguồn sữa chảy ra đừng bị đắng, bị tanh, chăm cho thân chủ mạnh khỏe khôn lớn… Sau khi cúng sửa vía cho trẻ nhỏ, bầu sữa mẹ, người ta lại mang lễ vật đó cúng cho hồn vía của địu, nôi; đại ý là mời hồn vía của địu, nôi hãy đến ăn trứng gà, xôi; ăn xong hãy bền vững, giữ lấy hồn vía của trẻ nhỏ, không cho hồn vía đi ra ngoài địu, nôi, chăm cho giấc ngủ của trẻ nhỏ được yên lành, không bị ho, khóc, giật mình. Cầu mong hồn vía của nôi, địu hãy làm cho trẻ nhỏ khôn lớn thành người trưởng thành, cuộc sống lâu dài, bền thọ.

Khấn cúng cho hồn vía của nôi, địu

Người Thái đen quan niệm rằng cái nôi, địu cũng có hồn vía. Hồn vía của nôi, địu do bà chủ nôi, địu quản lý. Hai bà chủ này ở trên trời cao, chuyên việc ban phát sự anh lành cho nôi, địu của những đứa trẻ ở dưới trần gian. Nếu không dâng cúng thì hai bà sẽ không ban phát cái bền chắc, sự ấm áp cho nôi, địu của đứa trẻ. Nôi, địu vững chắc thì mới mong giữ được hồn vía của trẻ nhỏ, mới không bị ốm đau, nhanh lớn. 

Khấn cúng cho hồn vía của chăn, đệm

Sau khi khấn cúng cho nôi, địu xong, người ta sẽ mang mâm lễ vật đến cúng cho hồn vía của chăn, đệm, để hồn vía này mở rộng đón nhận, chăm cho giấc ngủ của em bé được yên lành, không bị ngạt mũi, thở khò khè, giật thót khi đang ngủ, chăm cho sức khỏe của em bé được khỏe mạnh.

Người khấn nhón lấy một ít xôi, một ít trứng bỏ vào giữa tấm đệm, chăn, tượng trưng cho hồn vía của đệm, chăn đã nhận được lễ. Sau đó một lúc, người ta mới nhặt miếng cơm, trứng vứt bỏ đi.

Ý nghĩa của việc tổ chức cúng vía bằng quả trứng gà cho trẻ nhỏ

Theo quan niệm của người Thái ở Mường Thanh, trứng gà là vật lành lặn nhất: tốt như lộc cây, lành như trứng gà mới đẻ. “Trứng gà là tượng trưng cho sự lành lặn; người Thái quan niệm, quả trứng là một vật thể tròn trịa, lành lặn nên cúng bằng quả trứng sẽ đem lại cho thân chủ sự lành lặn, tròn trịa” (2).

Quả trứng gà mới đẻ ra bao giờ cũng có màu hồng tươi, người ta mong ước da dẻ, mặt mũi con trẻ luôn hồng tươi như màu sắc của quả trứng gà. Vỏ trứng gà mới đẻ bao giờ cũng mịn màng, có một màu đồng nhất, không bị lỗ chỗ, lồi lõm như vỏ quả cây khác, người ta mong ước cơ thể trẻ nhỏ bao giờ cũng mịn màng, không có mụn nước, rôm sẩy. Hình dạng quả trứng gà bao giờ cũng thuôn đều, cân xứng, người ta mong ước cơ thể trẻ nhỏ phát triển đều đặn, thân hình cân đối, khỏe mạnh. Quả trứng gà là thực thể sống, nhưng lại bất động, người ta mong ước trẻ nhỏ ngoan ngoãn, ngủ nhiều, không quấy khóc. Quả trứng gà là mầm mống của sự sinh sôi, sẽ nở ra thành con gà, rồi đẻ ra nhiều trứng gà nữa, người ta mong ước sau này đứa trẻ nhỏ lớn lên sẽ sinh sản được con đàn, cháu đống.

Với quan niệm quả trứng gà là vật lành lặn nhất, nên khi hiến trứng gà để làm vật dâng cúng cho trẻ nhỏ, người Thái cho rằng đó là hiến cái tốt đẹp cho hồn vía. Hồn vía nhận lấy sẽ ban phát cái lành lặn, tốt đẹp ấy cho trẻ nhỏ.

Trong khi tổ chức nhiều lễ cúng khác, như: cúng tổ tiên, cúng bản, cúng mường, cúng trong dịp lên nhà mới… bao giờ người Thái cũng cầu khấn, nhắc nhở các thế lực siêu nhiên phù hộ độ trì, ban phát cho con người. Tất nhiên, người ta cũng cầu khấn các thế lực siêu nhiên phù hộ cho được nhiều cái may mắn khác nữa.

Trứng gà là vật được người Thái dùng làm vật dụ ma, tà từ trong người bị đau ốm ra. Tập tục chữa bệnh này người Thái gọi là lăn trứng. Đây là một hình thức chữa bệnh mang tính phù phép, cho hầu hết bệnh như: đau lưng, đau đầu, đau bụng, đau đầu gối, đau xương khớp… Tuy nhiên, lại không chữa cho những người đau do bị ngã, bị đứt chân, đứt tay. Đây cũng là một trong những phương thức đầu tiên trong số những hình thức chữa trị bệnh bằng phù phép của người Thái.

Khi tổ chức cúng cầu làm lành vía bằng hình thức mổ lợn hiến sinh, trong mâm cúng người Thái phải đặt một quả trứng gà đã luộc chín vào đó. Khi khấn cúng người ta cũng phải nhắc đến quả trứng ấy: ăn cả quả trứng gà màu vàng lấy ra từ ổ, ăn cả quả trứng của con gà mái tơ ăn ngon.

Để chọn ngày lành cho việc lên nhà mới, cho việc tổ chức kết hôn, người Thái phải mang đi 1 quả trứng gà, chai rượu, 2 bát gạo đến nhờ thày bói làm thủ tục chọn ngày lành.

Nếu trong gia đình có người bị đau ốm, muốn biết ma nào đến làm hại người nhà, phải mang 1 quả trứng gà, 1 cái áo của người bị ốm đau, 2 bát gạo, 1 chai rượu sang nhờ thày bói. Tùy theo sự phán của quẻ bói mà lựa chọn cúng khấn để chữa bệnh, xua đuổi ma tà, cầu lành cho thân chủ, kết hợp sử dụng thuốc nam chữa trị trong những căn bệnh có thể.

Khi đi bốc thuốc nam để chữa bệnh, người Thái phải mang đi 1 quả trứng gà, 2 bát gạo, 1 hai hào tiền bạc hoặc tiền giấy (tùy theo mức độ bệnh nặng hoặc nhẹ mà thày lang sẽ lấy ít tiền hay nhiều tiền hơn), 1 sải vải trắng để chuộc gốc thuốc nam. Có mang quả trứng cùng những vật lễ này đi chuộc gốc thuốc nam thì mang thuốc về cho người ốm uống mới hiệu nghiệm, người bị đau ốm mới khỏi bệnh.

Có thể thấy rằng lễ cúng đầu tiên trong vòng đời của một đứa trẻ Thái rất quan trọng, cần thiết để trẻ được lớn lên trong tình thương yêu, chăm lo cả về vật chất, tinh thần, giúp trẻ phát triển một cách đầy đủ nhất. Đặc biệt hơn nữa, ý nghĩa lớn lao của quả trứng gà trong quan niệm nghi lễ của người Thái càng góp phần tạo niềm tin vững chắc cho họ về một cuộc sống viên mãn, đủ đầy.

Ngày nay, mặc dù đã có các bệnh viện cho trẻ nhỏ, nhưng lễ cúng vía vẫn không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Thái, đặc biệt là lễ cúng vía đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người. Lễ cúng vía để an ủi, bảo ban vía khỏe mạnh hơn, bảo vệ thân chủ tốt hơn. Có làm như vậy mới là sống có trên có dưới, có trước có sau, thuận âm thuận dương, cuộc sống mới mạnh khỏe, thuận lợi, an lành.

______________

1. Vũ Hồng Thuật, Câu chuyện làm mo của người Thái miền Tây Nghệ An, Hội nghị Quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VII.

2. Nguyễn Thị Thu Hoài, Nghi lễ và quan niệm nhân sinh trong lễ cúng sửa vía của người Thái Đen ở Mường Thanh, Điện Biên, Triết lý nhân sinh trong văn hóa Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, 2016, tr.462.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : QUÁCH THỊ CẨM HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *