Lễ hội cầu an ở đồng tháp


1. Đình Định Yên

Đình được xây dựng vào khoảng thời vua Minh Mạng (1820 – 1840). Lúc đầu, đình được cất rất đơn sơ bằng tre lá trên nền đất cao ở rạch Bàu Bùn, sau dời về vàm Ngã Cái, Ngã Bát. Năm Canh Tuất 1909, đình được khởi công xây dựng bằng vật liệu kiên cố và hoàn thành vào năm Quý Sửu 1912 trên nền đất cũ hiện nay (1). Ngày nay, đình Định Yên tọa lạc tại ấp An Lợi A, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Truyền thuyết địa phương kể rằng: xưa kia có ông Phạm Văn An, là người đầu tiên chọn nơi đây khai hoang, lập ấp định cư lạc nghiệp. Người dân nơi đây lấy tên ông ghép với chữ Định đặt cho tên làng gọi là Định Yên, tên đình Định Yên do đó mà có.

Đình được kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, tường xây, cột gỗ, lợp ngói đại ống, các kỳ, kèo, cột được chạm trổ hoa văn đầu rồng, lân khéo và đẹp. Các câu đối, liễn bao lam được cẩn ốc xà cừ, chạm cá hoa long, lưỡng long tranh châu, sen, mẫu đơn… sơn son thếp vàng. Các bức tranh sơn thủy, bích họa đường nét sắc sảo, nội dung ca ngợi con người văn, võ, trí, đức. Trước sân đình nền tráng xi măng rộng rãi với những bồn hoa hương thơm bát ngát, hàng cổ thụ dương, dầu, sao cao vút vi vu trong gió gợi nên cảnh cũ người xưa còn đâu đây. Trong ngoài thật khéo sắp đặt hài hòa, cân đối, tạo cho công trình kiến trúc thật nguy nga lộng lẫy.

Tại bái đình (chánh điện) trên bục cao thờ thần thành hoàng bổn cảnh. Hai bên trần thiết trang nghiêm với long, lân, quy, phụng, chim lạc, ngai thần, lổ bộ, lư hương, tàn, lọng… Hai bên thờ thần được bố trí thờ tả ban, hữu ban là các vị tiền hiền của đình. Hàng năm vào 15 đến 17 – 4 và 15 đến 17 – 11 âm lịch, lễ cúng đình diễn ra thật long trọng với đầy đủ nghi thức như: đội kỵ mã, đội lân, lính hầu, học trò lễ, trống, chiêng, nhạc lễ…

2. Nghi thức cúng tế

Hàng năm, tại đình Định Yên có tổ chức các nghi lễ cúng tế: lễ khai sơn, trảm mộc vào ngày 3 tháng giêng, cầu xin mùa màng đắc vụ; lễ thượng nguôn vào rằm tháng giêng cầu cho quốc gia thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp; lễ hạ điền vào ngày 15, 16, 17 – 4; lễ đoan ngọ vào ngày 5 – 5, cầu nguyện cho quốc thái, dân an, hoa quả, cây thuốc tươi tốt, côn trùng không phá hại mùa màng; lễ trung nguôn vào rằm tháng bảy; lễ cúng Nguyễn Trung Trực vào ngày 28-8 tại bàn thờ ngoài; lễ hạ nguôn vào rằm tháng mười; lễ thượng điền vào ngày 15 đến 17 – 11; lễ niêm ấn vào 25 tháng chạp, cúng tiễn thần về trời; Lễ rước thần về thế gian vào 30 tháng chạp, nghinh thần về đình chuẩn bị cho tết Nguyên đán. Trong đó, có hai nghi lễ quan trọng là hạ điền (rằm tháng 4) và thượng điền (rằm tháng 11). Song, lễ hạ điền được xem là lễ lớn nhất trong năm. Đây là lễ xuống giống, ra đồng cày cấy, chuẩn bị cho một vụ mùa mới của người nông dân. Gắn với lễ hạ điền là lễ cúng cầu an (kỳ yên) tổ chức ba năm một lần, với ý nghĩa tống trừ ôn, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh… Lễ thượng điền nhằm tạ ơn các vị thần nông, thần sấm sét, mưa gió… phù hộ, độ trì cho họ được mùa màng tươi tốt, bội thu. Trong lễ hạ điền hay lễ thượng điền đều có các nghi tiết cụ thể như: lễ thỉnh sắc, lễ thỉnh sanh, lễ túc yết, lễ đoàn cả, lễ hồi sắc.

Lễ thỉnh sắc, tiến hành lúc 10h, ngày 15 – 4 (hoặc 15 – 11). Trước khi tiến hành lễ thỉnh sắc, các ban bệ tề tựu tại đình Định Yên từ 8h sáng, họp, trình lễ cáo đức thành hoàng bổn cảnh để đi rước sắc. Chánh bái, phó bái, bồi bái vào nguyện hương, lạy bốn lạy, tiếp theo là ông trưởng ban và hai ông phó ban vào nguyện hương, trình lễ, khởi hành lễ thỉnh sắc. Trong quá trình thực thiện nghi lễ, ban nhạc lễ hòa bài nam xuân và bài hạ, phục vụ cho ban nghi lễ hành lễ. Đoàn rước sắc, đi đầu là đội lân mã, rồi đến trống và chiêng lớn đi dọn đường, tiếp theo là đội kèn Tây, dàn lính hầu, ban chấp sự, rồi long đình. Phò hai bên long đình có hai học trò lễ và hai đào, hai kép. Đi sau long đình là ban tiếp tân và cuối cùng là dân làng. Khi tới nhà ông hương cả (cách đình khoảng 300m), ban nghi lễ vào nhà trình lễ thỉnh sắc. Ông hương cả nguyện hương, dâng ba tuần rượu, trình sắc, mở hộp sắc ra cho ban tế tự và các thành viên đi rước sắc được biết, chứng giám sắc thần còn nguyên vẹn. Trình xong, ông hương cả trao thùng sắc cho ông trưởng ban nghi lễ; ông trưởng ban nghi lễ nhận thùng sắc, lạy bốn lạy trước bàn thờ để sắc, phò sắc ra để vào trong long đình. Ban lính hầu khởi long đình, nghinh rước sắc đi vòng quanh khu chợ Định Yên và rước về làm lễ an vị tại đình Định Yên. Trước khi làm lễ an vị, ban hậu cần chuẩn bị đồ cúng chay lên các ban thờ; ban tế tự tựu vị hành lễ, dâng một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà là xong phần lễ rước sắc. Trong quá trình đi nghinh, rước sắc, ban nhạc hòa bài nam xuân và bài hạ. Khi làm lễ tại nhà ông hương cả và lễ an vị sắc tại đình, ban nhạc hòa bài trống thét.

 Lễ thỉnh sinh, hay còn gọi là lễ tỉnh sinh, tổ chức lúc 23h30, ngày 15 – 4 (hoặc 15 – 11), xin đức thành hoàng bổn cảnh cho được khai đao, sát sinh. Ngày xưa, trước khi tiến hành lễ sát sinh phải làm lễ trình heo. Ban hậu cần dắt con heo từ nhà bếp lên trước bàn thờ chánh điện, trình với thần, làm lễ khai đao để thịt con heo này. Khoảng ba năm trở lại đây, lễ trình heo không còn nữa, mà chỉ làm lễ khai đao. Vào giờ làm lễ thỉnh sinh, ông trưởng ban và ông phó ban đi kiểm tra các bàn thờ xem các lễ vật đã dâng cúng đầy đủ chưa. Sau đó làm lễ, dâng một tuần hương, ba tuần rượu lên bàn thờ chánh điện. Phía sau nhà bếp, ban hậu cần tiến hành chọc tiết, làm thịt con lợn, lấy một chung huyết bỏ vào một ít lông. Sau khi làm sạch sẽ con lợn, đưa lên đặt trước bàn thờ chánh điện, đồng thời đặt chung huyết có ít lông lấy trước đó trên lưng con lợn cúng tế thần. Trong quá trình tiến hành lễ thỉnh sinh, ban nhạc hòa bài hạ.

Lễ túc yết, còn gọi là lễ tiên thường được tổ chức vào lúc 2h, ngày 16 – 4 (hoặc 16 – 11). Lễ vật gồm gạo, muối, xôi, quả, một con lợn cạo sạch lông. Bắt đầu khởi tế, ba vị hương chức danh dự gồm chánh bái, bồi bái, và ông hương cả vào án tiền trình lên thần buổi tế và khấn xin thần linh. Sau khi ba vị hương chức cúng xong, các thời gian còn lại nhân dân tự do vào chiêm bái.

Trong lễ này có ba nghi: giữa là nghi hội đồng, hai bên là tả ban và hữu ban. Học trò lễ chia ra ứng trực ba nghi: giữa 4 người và 2 người đứng hai bên bàn để điều hành lễ gọi là đông xướng và tây xướng. Bắt đầu vào lễ, ba chấp sự tiến vào xá một xá, bước lại thau nước, chấp tay vào thau nước, thấm nước bôi vào mắt, mặt, lấy khăn đỏ máng ở ghế quán tẩy lau mặt. Tiếp theo, tất cả đồng quỳ xuống, chánh tế viên đứng dậy đi theo lễ sinh vào bàn thờ thần, tả ban, hữu ban kiểm tra phẩm vật xem thiếu hay dư và sửa những phẩm vật ngay ngắn, gọn gàng. Phẩm vật cúng lễ túc yết gồm xôi, gạo, muối, đĩa thịt luộc, đĩa rau, bát nước mắm. Kiểm tra xong, chánh tế viên trở ra bàn hội đồng cầm con dao mũi nhọn cắm vào lưng con lợn, lưỡi dao day ra phía ngoài. Xong, các chấp sự trở về ba nghi quỳ xuống chiếu, trống chiến bên trong đánh lên ba hồi, chấp sự đánh lên ba hồi mõ. Dứt ba hồi mõ, chấp sự đánh ba hồi trống. Dứt ba hồi trống, chấp sự viên đánh ba hồi chiêng. Dứt ba hồi chiêng, các nhạc sinh cầm nhạc cụ đi vào chiếu phía trước bàn hội đồng ngoại ngồi xuống. Ban nhạc hòa bài nghinh thiên tiếp giá, gồm ba hồi chín chặp. Hòa xong, ban nhạc trở về vị trí phía ngoài: chánh tế lạy bốn lạy, tất cả chấp sự viên ba nghi đều quỳ. Ông hương lễ tiếp ba nén hương cho lễ sinh đi đăng vào chánh điện theo tiếng nhạc trỗi, có đào thài theo sau.

Xong tuần hương, lễ sinh quay ra bàn hội đồng; ba ông chấp sự quỳ rót rượu vào chén; lễ sinh nghe theo tiếng nhạc trỗi, đứng dậy đi vào chánh điện dâng lễ, có đào thài theo sau thài bài.

Xong tuần rượu thứ nhất, lễ sinh và đào thài trở ra lại bàn hội đồng; tất cả chiêng, trống, mõ đều ngưng. Ông hương văn bưng giá văn trên bàn xuống, xá hai xá và quỳ xuống chiếu, lấy bài văn ra, tay cầm cây đèn cầy soi và đọc, kể những vị thần được mời phối hưởng, khi đọc đến mỗi vị thần, ông đưa cây đèn lên làm hiệu, trống nhạc trỗi lên. Cuối cùng, đọc phục vị cẩn cáo, văn tế lại đưa lên bàn thờ, chờ đến khi lễ ẩm phước xong mới hóa. Phẩm vật dâng cúng gồm: lợn sống, xôi, quả, trầu, rượu.

Đọc xong văn tế, tất cả chấp sự đều quỳ; chấp sự rót rượu vào cốc và đưa cho lễ sinh; lễ sinh theo tiếng nhạc trỗi, đứng dậy và đi theo điệu bộ vào chánh điện, có đào thài theo sau.

Xong tuần rượu thứ hai, lễ sinh và đào thài trờ ra lại bàn hội đồng; chấp sự lạy bốn lạy. Chấp sự viên châm tửu vào ly đưa cho học trò lễ. Học trò lễ theo nhịp nhạc trỗi, đi theo điệu bộ dâng vào chánh điện, có đào thài theo sau.

Xong tuần rượu thứ ba, lễ sinh và đào thài trở ra lại bàn hội đồng; lễ xướng – điểm trà vào chung, hưng bình thân, cúc cung bái: chấp sự rót trà vào cốc, lạy bốn lạy và đưa cho học trò lễ. Học trò lễ nhận trà, đứng dậy và dâng vào chánh điện theo tiếng nhạc trỗi, có đào thài theo sau.

Dâng trà xong, lễ sinh và đào thài trở xuống; lễ sinh lấy bài văn tế trên bàn xuống trao cho ông hương văn, ông hương văn xếp lại (mặt chữ quay ra ngoài) đốt phía đầu chữ. Xong phần hóa văn tế, đào thài và lễ sinh đi lên chánh điện bưng xuống một đĩa thịt luộc và rượu; các chấp sự ngồi vào chiếu ăn và uống rượu; đào thài quạt cho các ông ẩm phúc.

Khi ẩm phúc xong, các chấp sự lạy thần bốn lạy; chiêng, trống, mõ cùng nổi lên một chập rồi ngưng, kết thúc lễ túc yết.

Kế sau lễ túc yết là đến lễ đại bội – hát bội. Ông chấp sự cầm chầu đánh một hồi trống gọi đào kép ra hát. Lễ đại bội gồm có bảy tiết mục: khai thiên tịch địa; xang nhựt nguyệt; tam tài hay chúc thánh chúc thọ; tứ thiên vương; đứng cái; bát tiên hiến thọ; gia quan tấn tước.

Lễ khai thiên tịch địa: một kép gọi là ông Bàng cổ hóa trang mặt rắn như chim, cầm bó nhang ra múa, không hát, gọi là đi điếm hương chiều gió bốn phương trời. Múa xong, trao nhang lại cho ban tế tự dâng lên thần.

Lễ xang nhật nguyệt: còn gọi là lễ xang mặt, tượng trưng cho lưỡng nghi và âm dương. Dương là một nam diễn viên đóng vai Thái dương thiên tử, mặt đỏ, áo long bào, cầm chén bịt vải đỏ tượng trưng cho mặt trời. Âm là một nữ diễn viên đóng vai Thái âm hoàng hậu mặt trắng, áo hài cài trâm, cầm chén bịt vải vàng tượng trưng cho âm (mặt trăng). Diễn viên nam ra trước múa rồi nữ diễn viên ra sau; cả hai múa một lúc rồi quay mặt trời mặt trăng vào nhau ba lần. Lễ này chỉ có múa, không có hát, còn gọi âm dương tương hội (mặt trời mặt trăng gặp nhau).

Lễ tam tài: còn gọi là tam đa hoặc tam tinh, cũng có nơi gọi là chúc thánh, chúc thọ, thể hiện đạo trời, đạo đất và đạo người. Một ông quan đội mão cánh chuồn mặc cẩm bào, đi hia, râu đen dài, tay bồng con (búp bê) tượng trưng cho ông Phước. Một ông đội mão xếp, mặc cẩm bào, đi hia, tay bưng hoa quả, râu đen, mặt trắng, tượng trưng cho ông Lộc. Một ông râu bạc, tóc bạc cầm gậy, áo rộng có bầu rượu tượng trưng cho ông Thọ. Ba ông ra một lượt, đồng xướng, nói lối và hát bằng những câu chúc tụng.

Tứ thiên vương: trình diễn 4 ông vua trấn giữ bốn cửa trời: Ma lễ Thanh là Tăng trưởng Thiên vương, Ma lễ Hồng là Quảng mục Thiên vương, Ma lễ Hải là Đa văn Thiên vương, Ma lễ Thọ là Trì quốc Thiên vương. Lễ này nhằm cầu cho phong điều vũ thuận. Bốn kép mặt trắng, đội kim khôi, mang kim giáp, dây lưng đỏ đeo bốn cờ lệnh, đi hia. Mỗi người cầm một tờ liễn viết bốn chữ: quốc thới dân khương, phong điều vũ thuận, thọ tỷ nam sơn, phước như đông hải. Người thứ nhất ra múa và trụ lại trước cửa xuất, người thứ hai ra múa và trụ lại cửa nhập, người thứ ba ra múa và trụ lại cửa xuất, người thứ tư ra múa và trụ lại cửa nhập. Ban quý tế cho biết: lễ này diễn ra theo cung đình Huế, gọi là trình tường tập khánh.

Lễ đứng cái: do một kép nam trên 45 tuổi đứng giữa gọi là cái và 4 nữ đứng 4 góc gọi là con. Cái mặc hoàng bào, đội mão cửu long, mặt trắng, tay cầm quạt, trên là Mã viên, tượng trưng cho thổ. Bốn con mang tên tứ thời, tượng trưng cho bốn yếu tố của ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa. Mã Xuân Mai áo xanh – mùa xuân – mộc. Mã Hạ Lan áo đỏ – mùa hạ – hỏa. Mã Thu Cúc áo trắng – mùa thu – kim. Mã Đông Trước áo tím – mùa đông – thủy. Bốn con ra trước cái, sắp hàng ngang hát theo điệu chúc.

Lễ bát tiên hiến thọ: gồm tám vị tiên Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Trương Tử, Tào Quốc Cựu, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Hoài, Hà Tiên Cô, Lã Đồng Tân cầm trong tay cam, táo, khúc cây nhỏ tượng trưng cho bàn đào, quả táo, quế chi và nhân sâm.

Lễ gia quan tấn tước: dân gian gọi là ông địa dâng liễn. Nội dung diễn màn kịch câm như trải giấy, mài mực, thử bút, mực văng vào mắt dụi mắt, suy tư tìm ý tìm chữ, viết chữ xòe quạt, quạt cho mau khô quạt, cầm quạt lên săm soi đắc ý, cầm liễn lên dâng.

 Lễ chánh tế, hay còn gọi là lễ đoàn cả (đàng cả), được tổ chức lúc 1h đến 4h, ngày 17 – 4 (hoặc 17- 11). Trình tự tiến hành các nghi thức giống như lễ túc yết.

Lễ hồi sắc, được tổ chức lúc 14 giờ, ngày 17 – 4 (hoặc 17 – 11), đưa sắc về lại nhà ông hương cả cất giữ cho tới mùa lễ hội sau. Sau khi kết thúc vở tuồng cuối cùng trong lễ chánh tế là đến lễ tôn soái; ban nghi lễ trình lễ cáo, dâng một tuần hương, ba tuần rượu, điểm trà, đưa sắc về lại nhà ông hương cả. Khi tới nhà ông hương cả, ban nghi lễ trình lễ, dâng một tuần hương, ba tuần rượu, trình sắc cho ông hương cả xem và đưa lên đặt tại vị trí cũ, làm lễ an vị sắc thần tại đây. Sau lễ an vị, hồi sắc là kết thúc mùa lễ hội.

3. Bàn luận

Lễ hội cầu an được tổ chức vào rằm tháng tư và rằm tháng mười một, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp là một trong những lễ hội đặc sắc của tỉnh Đồng Tháp. Ý nghĩa của lễ hội nhằm ca ngợi công đức thành hoàng bổ cảnh, ca ngợi các bậc tiền hiền, hậu hiền, đã có công khai căn, khai cơ; khai hoang lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp truyền lại cho các thế hệ mai sau. Các nghi thức, nghi lễ được thực hiện một cách bài bản; còn nguyên vẹn giá trị dấu ấn dân gian từ xa xưa truyền lại.

Tác giả Sơn Nam cho biết: ở đình xã Định Yên (Cái Dầu), huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp, đồng bào bảo thờ ông tam Thần Tứ, xưa kia dày công đánh cọp, khẩn hoang nhưng trong sắc chỉ ghi chức vụ khái quát bổn cảnh thành hoàng (3). “Nhân vật phụng thờ là thành tố quan trọng bậc nhất trong cấu trúc lễ hội cổ truyền của người Việt, quyết định sự tồn tại của các thành tố còn lại và diện mạo cấu trúc của lễ hội cổ truyền của người Việt” (4). Qua nghiên cứu cho thấy, nguồn gốc của lễ hội này xuất phát từ tín ngưỡng của người nông dân trồng lúa. Nhân vật thờ tự trong lễ hội này là thành hoàng bổn cảnh và các vị thần đã có công khai phá, tạo dựng nên mạnh đất này.

Nghi thức thờ cúng trong lễ hội được thực hiện một cách bài bản. Mỗi nghi thức, nghi lễ đều có học trò lễ đăng điện dâng hương, dâng rượu, dâng trà, có bài văn tế ca ngợi công đức của vị thần. Trong mỗi đợt lễ sinh đăng điện đều có đào thài theo sau thài các bài chúc tụng. Nội dung bài văn tế và bài thài có thay đổi tùy thuộc vào tính chất của mỗi nghi lễ. Đặc biệt, sau lễ túc yết và lễ chánh tế đều có lễ đại bội (hát bội) được tổ chức tại bàn hội đồng ngoại, kéo dài từ sáng sớm đến trưa mới kết thúc, các tiết mục tuồng gắn với các lễ nhằm tái hiện công trạng của vị thần trong quá trình khai hoang lập ấp. Đây là nét văn hóa đặc trưng vùng Nam Bộ được thể hiện qua lễ hội.

Lễ hội cầu an tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thực sự là một biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân Đồng Tháp nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung. Hàng năm, cứ vào dịp tổ chức lễ hội, nơi đây đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong vào ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái, cầu nguyện cho bản thân, gia đình và xã hội bình an, ấm no, hạnh phúc.

______________

1. Nguyễn Bé Năm (chủ trì nội dung), Lý lịch di tích đình Định Yên, Sở VHTTDL, Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp, 2013.

2. Sơn Nam, Đình miễu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006, tr.33.

3. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt – cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, tr.113.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : TRẦN VĂN THÀNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *