Biểu tượng nước trong tang ca của người dao tuyển

Người Dao tuyển di cư đến Việt Nam khá sớm. Trên con đường di cư cũng như khi cắm bản tại vùng đất mới, người Dao tuyển gặp nhiều khó khăn về điều kiện vật chất nhưng không vì thế mà họ đánh mất đi đời sống văn hóa tinh thần. Nổi bật là kho tàng dân ca nghi lễ phong phú về thể loại, đặc sắc về nội dung. Một tài sản văn hóa phi vật thể vô giá của người Dao Tuyển là dân ca nghi lễ tang ma (còn gọi là tang ca). Tang ca của người Dao tuyển không chỉ phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tư tưởng, tình cảm mà chứa đựng trong đó một hệ thống biểu tượng có giá trị văn học, văn hóa cao. Biểu tượng nước trong tang ca của người Dao tuyển, đặt trong cơ tầng văn hóa tộc người, giúp chúng ta hiểu sâu hơn đời sống văn hóa phong phú của tộc người này.

         Trong nghi lễ tang ma của người Dao tuyển (cả nghi lễ ma tươi và nghi lễ ma khô), những cổ mẫu nước xuất hiện với tần suất lớn. Khảo sát trong 218 câu tang ca được tác giả Trần Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn trong cuốn Thơ ca dân gian người Dao tuyển (song ngữ Việt – Dao), có tới 102 câu thơ xuất hiện hình ảnh nước hoặc các biến thể của nước, chiếm tới 47% trong tổng số các câu tang ca mà tác giả Trần Hữu Sơn giới thiệu. Điều đó cho thấy nước có vai trò vô cùng quan trọng trong nghi lễ tang ma của người Dao tuyển. Nước xuất hiện với nhiều tầng ý nghĩa bởi “nước là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của sinh sôi nảy nở… là nguồn sống và là nguồn chết, có chức năng tạo dựng và tiêu hủy”(1). Quan trọng hơn, nước chính là con đường đưa linh hồn người chết về thiên giới, nước để thanh tẩy mọi bụi trần trước khi gặp lại tổ tiên, rồi từ đó, linh hồn người chết được tái sinh trở về trần giới. 

Trong tín ngưỡng của người Dao tuyển, khi một người chết đi có nghĩa là họ đã được trở về với tổ tiên ở Dương Châu. Tuy nhiên, muốn người chết nhanh chóng tìm được về với cội nguồn thì người sống phải thực hiện đầy đủ những nghi lễ tang ma theo đúng phong tục của tộc người. Nghi lễ đưa tiễn người chết sẽ không được tiến hành nếu thiếu sự xuất hiện của các bài tang ca thể hiện khát vọng cháy bỏng của tộc người. Họ quan niệm con người khi chết, họ chỉ chết phần thể xác còn phần linh hồn sẽ tiếp tục có một cuộc sống mới sau khi hồn lìa khỏi xác. Linh hồn ấy sẽ có một hành trình đầy vất vả, gian lao từ trần giới xuống địa giới rồi trở về thiên giới sum họp với tổ tiên. Trong quá trình di chuyển giữa ba giới ấy, linh hồn người chết luôn phải nhờ đến sức mạnh của các vị thần, nhất là thần nước. Thần nước, vị thần đầu tiên sẽ đón nhận linh hồn người chết. Theo ông Lý Vần Sẩu, một thày cúng bậc sư phụ tại bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, linh hồn của người Dao tuyển chính là kết tinh đẹp đẽ nhất của vũ trụ bởi “con người là hoa của đất”. Vì thế, khi con người chết đi, linh hồn của họ sẽ được luân hồi theo thứ tự tuần hoàn: thủy (nước), thổ (đất), hỏa (lửa), khí (không khí). Chu kỳ luân hồi ấy lại ứng với các mùa trong năm: thủy ứng với mùa đông, thổ ứng với mùa xuân, hỏa ứng với mùa hè và khí ứng với mùa thu. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì chúng tôi khảo sát được trong quá trình thực địa. Nghi lễ làm ma tươi của người Dao tuyển chỉ là đưa hồn xác người chết đến nơi ở tạm (tại không gian mộ). Họ phải đợi khi mùa đông đến mới làm lễ ma khô, có vậy linh hồn người chết mới được luân hồi theo thứ tự tuần hoàn, mới được tái sinh. Vì thế câu ca mở đầu cho nghi lễ ma khô bao giờ cũng là: “Vũ Lưu đánh lệnh kêu vang vang/ Nghe như tiếng sấm đẩy tiết trời”. Câu ca như một lời thông báo, kêu cầu thần nước hãy đến để đón nhận một linh hồn mới và trợ giúp họ trên con đường gian nan từ nơi ở tạm xuống âm phủ, vượt ngục để trở về với tổ tiên.

Theo quan niệm của người Dao tuyển, nước là nguồn mạch vũ trụ, liên kết các tầng thế giới, duy trì sự sống của con người. Trong sách cổ của người Dao đã ghi chép nước được ban từ trên trời xuống mặt đất và các con sông. Người Dao tuyển quan niệm phía dưới đáy các con sông là tầng thứ ba của thế giới, tầng của thủy thần. Con người khi chết đi muốn được về với giới tiên thì phải vượt qua được trăm sông: “Từ nay về sau cách trở rồi/Dù cách nghìn núi, cách trăm sông”. Trăm sông là cách nói của người Dao tuyển để chỉ con đường vất vả mà linh hồn người chết phải vượt qua. Trong nghi lễ ma khô của ông Chảo Văn Sơn ngày 8, 9, 10-11-2014, tại bản Lọt, bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai, các thày cúng cho biết chỉ có chín con suối chảy và tụ lại một điểm. Điểm đó chính là cầu Nại Hà để linh hồn người chết bước qua lên thiên đàng. Người Dao tuyển cho rằng con người có ba hồn chín vía nên chín vía ấy nếu không tự vượt qua được con suối ứng với từng vía cũng sẽ không được về thiên giới. Chính vì quan niệm ấy, trong nghi lễ làm ma khô người ta mong muốn thần nước sẽ trợ giúp linh hồn người chết trong suốt hành trình dài gian nan, vất vả để các vía vượt qua được những con sông với nhiều ghềnh thác. Con trai trưởng của người chết bao giờ cũng tìm đến đầu nguồn nước, lấy một bát nước để dâng lên Om tòi. Bát nước nơi đầu nguồn vừa thể hiện lòng tôn kính của người Dao tuyển với thần nước, nguồn nước, vừa thể hiện vai trò không thể thiếu của nước trong cuộc sống cõi âm lẫn cõi dương. Tín ngưỡng thờ thần nước, coi nước như một lễ vật tinh khiết trong nghi lễ tang ma của người Dao tuyển là bởi nước “là điều kiện tồn tại của mọi sinh mệnh, sinh mệnh phải nhờ vào nước, thậm chí chính là do nước mà có” (2). Vì thế, không chỉ trong nghi lễ tang ma, mà các nghi lễ khác của người Dao tuyển đều xuất hiện nghi thức lấy nước nguồn làm lễ vật dâng lên Ngọc hoàng, Bàn Vương và các ma lành: “Kẻ hầu theo sau tùy sai khiến/Gánh củi, gánh nước, gánh tiền tài”.

Lễ vật nước xuất hiện ở tất cả các nghi thức cơ bản trong tang ma người Dao tuyển. Từ nghi thức mời Ngọc hoàng, Bàn Vương, tổ tiên: “Hát đường tài mã huyền thiên/Không gì đãi thày lòng hổ thẹn/Đem chén nước trong dâng lễ thần” đến nghi thức phá ngục đưa linh hồn người chết về thiên giới. Khi thực hiện nghi thức dâng lễ vật và nước, các thày cúng thường sử dụng những lời tang ca: “Cơm canh mắm muối thay quý ngọc/Nước trắng làm canh mời khách dùng/Sương rơi mang về thay rượu ngon”. Trong niềm tin của người Dao tuyển, mặc dù nước có thể hủy diệt mọi dấu hiệu của sự sống nhưng chính nước lại là yếu tố đánh thức sự hồi sinh. Khách trong câu dân ca trên chính là các ma lành đã có công nâng đỡ, che chở con người từ khi sinh ra, đến khi chết, sống ở cõi tạm và khi quay trở về tầng trời.

Nước cũng là yếu tố giúp người Dao nói chung, người Dao tuyển nói riêng vượt qua biển lớn để tới được miền đất mới làm ăn sinh sống. Một trong những nguyên nhân người Dao tuyển phải thiên di là do: “Triều Minh điều binh mười sáu vạn/Phân binh bốn đường, mười hai nhánh/ Đánh qua hai sáu ngày… Giết chết người Dao hơn năm vạn/Từ đây người Dao ly tán tứ phương”. Bởi vậy, trong nghi lễ tang ma của người Dao tuyển, người thày giấy thường cắt những hoa văn hình thuyền, hình cá để trang trí quan tài, trang trí nhà táng với mục đích đưa linh hồn người chết vượt qua sông, qua đò đồng thời cũng gợi nhớ đến lịch sử thiên di vào Việt Nam của tộc người này. Theo ông Lý Vần Sẩu, một thày cúng nổi tiếng của người Dao tuyển cho biết ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra, cha đứa trẻ đã lấy sẵn một ống nước từ đầu nguồn mang về để dâng lên bàn thờ báo với tổ tiên dòng họ có thêm thành viên. Sau khi dâng lễ xong, bát nước đó sẽ được lấy để rửa mặt cho đứa trẻ với mong muốn đứa trẻ sẽ sáng láng, thông minh. Đặc biệt, trong nghi lễ làm ma khô, thần nước là một trong số các ma lành trực tiếp dẫn dắt linh hồn con người vượt qua địa giới để đến được cầu Nại Hà. Từ khi đứa trẻ được sinh ra đến khi trở về với tổ tiên, thần nước là người trực tiếp: “Phát sáng soi cho đường phục sinh/Linh hồn đi qua chẳng bị chìm”.

Do ảnh hưởng của quá trình vượt biên, di cư đến vùng đất mới, người Dao Tuyển luôn coi thần nước là một vị thần may mắn giúp họ vượt biển thành công. Vì thế, trong các nghi lễ của họ không thể thiếu được lễ vật nước. Lễ vật nước vừa để tưởng nhớ đến công ơn của vị thần nước, vừa được coi là một lễ vật tinh khiết để dâng lên Ngọc hoàng, Bàn Vương và các ma lành.

Khao khát luân hồi của tộc người Dao tuyển là khao khát bộc lộ ham muốn bất tử. Họ tin rằng con người thác kiếp này nhưng sẽ được tái sinh ở kiếp khác. Cuộc sống của họ có được tái sinh ở kiếp khác hay không phải nhờ vào thần nước. Thần nước sẽ đưa họ đi tới một cuộc sống tự do, tự tại, được chung sống, ngao du cùng với tổ tiên tại Dương Châu. Người Dao tuyển tin rằng: “Cái chết là sự hoàn thành cuộc sống ở trần tục để trở về với tổ tiên. Khi chết hồn lìa khỏi xác biến thành ma và vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường” (3). Vì vậy, các bài dân ca nghi lễ trong tang ma đều nhằm mục đích đưa hồn người chết về với thế giới tổ tiên, tái sinh và trở thành ma tổ tiên. Hành trình của linh hồn về với tổ tiên đã được tái hiện rõ thông qua các bài dân ca trong nghi lễ tang ma của người Dao tuyển. Khi hồn đi lang thang đâu đó mà làm lễ gọi hồn không trở về với xác thì cái chết xảy ra. Người chết là lúc người đó tắt thở, “mắt nhắm rồi”, “dung nhan khép lại”. Xác định rõ như vậy, con cháu bắt đầu mời thày cúng về để giao tiếp với hồn, cái mà người thường không nhìn, sờ, nắm, bắt được. Hồn là cái không bao giờ chết như thân xác, chỉ chuyển từ không gian sống cùng con cháu vào không gian “… chiếc quan tài nhỏ xinh/Để chờ hồn thiêng, dấu thân vàng”. Từ không gian đó, hồn sẽ đến không gian mộ. Đó là hồn thứ nhất. Hồn thứ hai sẽ được con cháu đón từ không gian mộ về không gian linh vị: “Điện biệt tam hồn ở linh vị”, hồn thứ hai sẽ ở nhà cùng con cháu. Hồn thứ ba là sẽ được luân chuyển và “lên đến Dương Châu, án gia tiên”. Trước khi linh hồn người chết được “lên đến Dương Châu, án gia tiên” thì linh hồn ấy bị giam giữ nơi 18 tầng địa ngục, chịu sự quản lý của các ma canh cửa. Địa ngục theo quan niệm của người Dao tuyển tồn tại nơi cõi âm. Cõi âm ấy được chia thành hai thế giới tách biệt, ngăn cách bởi con sông. Con sông đó có hai dòng: một dòng lạnh buốt, dòng như nước sôi. Linh hồn người chết muốn qua được con sông ấy để lên ngọn nguồn của chín dòng sông hội tụ tại cầu Nại Hà phải được thần nước ban cho thuật qua sông, mới không bị dòng sông hai nguồn nước nhấn chìm.

Nước còn là con đường đưa linh hồn người chết từ cầu Nại Hà về với tổ tiên nơi Dương Châu. Ở mỗi không gian ấy, thày cúng đều hát dặn dò hồn, sống một cuộc sống khác, vui vẻ hơn và trường cửu hơn cuộc sống đã có nơi trần gian. Theo như thày cúng Lý Vần Sẩu, bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai, hồn gắn chặt với xác ở không gian mộ gọi là: hòn thỉn thuung (hồn xác), hồn ở không gian nhà và không gian tổ tiên Dương Châu được gọi là hòn (linh hồn). Phần hòn sẽ có một hành trình đầy gian nan, vất vả từ linh vị: “Điện biệt tam hồn ở linh vị/Hương hồn mong nhận được thiện tình/Nghĩa cả ân sâu báo chẳng đặng/Chỉ trang giấy trắng đốt trước linh/Vạn đắng, ngàn cay nghĩa dưỡng dục/Một giờ báo đáp làm sao đủ”. Nơi con cháu tưởng nhớ và báo đáp công ơn với người chết, xuống âm phủ: “Đường đi khó, gặp lắm tai ương/Cay đắng lắm, cực nhục lắm thay/Ngỡ chết đi là đời được bình yên/Lại bị Diêm Vương bắt làm tớ/Hồn muốn thoát kiếp hãy tu thân” (4). Hành trình của hòn từ linh vị xuống âm phủ là hành trình gian nan vất vả nhất. Hòn phải trình bày với các ma canh cửa và linh hồn phải qua được 10 cửa. Qua cửa thứ 10, linh hồn mới được: “Binh mã lên đường đến phủ Dương Châu/Đầu đường cuối đường không ai cướp/Tam Thanh, Tam Nguyên đến minh chứng/Binh mã từng đoàn tiến lên trời”. Ở mỗi cửa đó nếu được cho qua họ sẽ được các ma canh cửa cho tắm nước trong để loại bỏ dần bụi trần, tránh được tà khí nơi địa giới. Nước sẽ giúp linh hồn người chết được cứng cáp hơn. Người Dao tuyển cho rằng khi bị giam trong ngục, linh hồn người chết sẽ yếu, nước sẽ làm họ dần hồi sinh, khỏe mạnh để vững vàng đặt được chân đến cầu Nại Hà.

Thông qua các bài tang ca chúng ta thấy, người chết luôn mong muốn được quay lại cõi trời nên sau khi chết xuống 18 tầng địa ngục, con cháu phải làm lễ phá ngục, đưa linh hồn đi qua tình trạng hỗ mang của địa giới, qua sông trở về tầng trời. Ở đó, họ chờ ngày được tái sinh quay trở lại mặt đất, bắt đầu một cuộc sống mới nơi cõi trần. Trong bài Thập diện ca, thông qua diễn xướng của thày cúng chính, linh hồn của người chết đã phải đối thoại với các ma canh ở 10 cửa. Khát vọng hóa thân, đầu thai trở lại thành con người sống ở trần gian, nhờ ma canh cửa báo lại với Ngọc hoàng là mong muốn của họ.

Khao khát luân hồi của tộc người Dao tuyển là khao khát bộc lộ ham muốn bất tử. Ham muốn ấy luôn xuất hiện thông qua biểu tượng nước. Nước sẽ giúp họ thác kiếp này nhưng sẽ được tái sinh ở kiếp khác. Cuộc sống tái sinh ở kiếp khác sẽ là một cuộc sống tự do, tự tại và được chung sống, ngao du cùng với tổ tiên. Biểu tượng nước trong tang ca của người Dao tuyển in đậm bản sắc văn hóa của tộc người này, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của đất nước Việt Nam.

______________

1. Chevailier J., Gheerbrant A., Từ điển biểu tượng văn hóa thế giớib , NxĐà Nẵng, Đà Nẵng, 1997, tr.710 – 711.

2. Liêu Minh Quân, Tộc người Choang với tục sùng bái năng lực phồn thực của nước, 2000, số 2, tr.88., Tạp chí Văn hóa dân gian

3. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Sự phát triển Văn hóa – xã hội của người Dao hiện tại và tương lai, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.94.

4. Ghi theo lời ông Lý Văn Thắng, sinh năm 1952, bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : BÀN THỊ QUỲNH GIAO

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *