Di sản văn hóa tây yên tử và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Tây Yên Tử là một dải núi tương đối cao ở tỉnh Bắc Giang, kéo dài qua 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng. Sự hình thành và phát triển của trường phái Trúc Lâm đã tạo nên hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú với hệ thống các di tích thời Lý, Trần… cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, Tây Yên Tử còn là khu vực có nhiều giá trị về sinh thái tự nhiên với hệ thống những khu rừng nguyên sinh đa dạng. Tây Yên Tử là một bộ phận không thể tách rời với Đông Yên Tử, tạo thành quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh, gắn liền với sự giác ngộ đạo hạnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

1. Khái quát chung về khu vực Yên Tử

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, ôm gọn vùng Đông Bắc. Sườn Đông Yên Tử chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây Yên Tử thuộc các huyện Yến Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Từ xa xưa, Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ phương Đông ghi nhận là một trong những nơi phúc địa của Giao Châu. Nơi tích tụ khí thiêng sông núi, nơi trời đất giao hòa, giúp con người thoát tục để đến với một không gian thanh tịnh. Yên Tử còn được biết đến là một trong những trung tâm Phật giáo hàng đầu của cả nước, gắn liền với vai trò của đức vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền nổi tiếng của quốc gia Đại Việt. Ngày này, Yên Tử là một quần thể di tích với nhiều kiến trúc cổ có giá trị lịch sử văn hóa, được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Cánh cung Đông Triều chạy từ Quảng Ninh qua Hải Dương và Bắc Giang, án ngữ bên bờ tả sông Lục Nam. Độ cao, thế núi của từng ngọn cũng rất phong phú. Ở sơn phận này có các mạch núi chính như: Lôi Âm (tức Yên Tử), Phật Sơn, Am Ni, Chúng Sơn, Thanh Mai, Bác Mã, Côn Sơn, Huyền Đinh, Tượng Sơn, Khám Lạng… Đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử là ngọn Lôi Âm (khoảng 1200m so với mực nước biển). Tiếp theo là ngọn Phú Lâm của núi Phật Sơn (khoảng 1000m). Trong các mạch núi này có hai loại thảm thực vật nguyên sinh là thảm thực vật rừng nhiều tầng và thảm thực vật rừng xavan khô hạn. Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các cảnh quan kỳ vĩ như: thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…


 Núi Yên Tử. Ảnh Phạm Lự 

Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686ha. Trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… Ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng. Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng đã nổi tiếng từ ngàn xưa… Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành, lấy tên là rừng trúc (Trúc Lâm), để đặt tên cho dòng thiền do ông sáng lập.

Vùng Yên Tử do cận kề với biển, án ngữ biển nên khí hậu mang đặc trưng vùng nhiệt đới (tính ôn hòa), mùa đông lạnh, độ ẩm cao, hệ động thực vật phong phú. Kinh tế trong khu vực với cơ cấu nông lâm ngư nghiệp là chủ yếu, chiếm khoảng 80%, kinh tế phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 20%. Các cơ sở kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ có quy mô không đáng kể. Hiện chỉ có một số cơ sở làm nghề vật liệu xây dựng, gốm sứ thủ công, mây tre đan… phân bố xen kẽ vào các khu dân cư.

Tây Yên Tử còn gắn liền với thiền phái Trúc Lâm do Giáo hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập từ cuối TK XIII. Sang TK XIV, thiền phái Trúc Lâm đã trở thành quốc đạo, Yên Tử (nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông) được xem như trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt.

Đông Yên Tử hiện tại đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng thành khu du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch, tín đồ Phật giáo hành hương, vãn cảnh, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, Tây Yên Tử vẫn là tiềm năng ẩn chìm trên những dải núi mờ sương với hệ thống tháp nguy nga một thời của dòng thiền Trúc Lâm. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong sự phát triển của tỉnh Bắc Giang.

2. Di sản văn hóa khu vực Tây Yên Tử

Theo tài liệu của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, vùng Tây Yên Tử trải dài qua 4 huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Trừ huyện Yên Dũng là vùng trung du, 3 huyện còn lại đều là các huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Các huyện này nằm ở phía Đông của tỉnh, có các tuyến giao thông là quốc lộ 1A, quốc lộ 31, quốc lộ 279… chạy qua. Địa bàn 4 huyện này tiếp giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tuy là địa bàn miền núi, song Tây Yên Tử nằm trong vùng có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các huyện trong tỉnh, các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, giao lưu với Trung Quốc qua cửa khẩu của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Đây là vùng có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Sán Chí. Đồng bào các dân tộc trong vùng đa số vẫn còn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống trong đời sống văn hóa, tập quán sản xuất… tạo nên sự đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm được quy hoạch diện tích rộng, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Khá gần với Hà Nội, Hải Phòng, khu di tích Yên Tử tỉnh Quảng Ninh, có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Trong vùng có khá nhiều con sông chảy qua, nhất là huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Yên Dũng. Với 3 con sông lớn là: sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, chiều dài chừng 130km, các con sông này có lượng nước dồi dào quanh năm, không chỉ cung cấp nước tưới cho nông nghiệp mà còn phục vụ việc đi lại, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, thông thương hàng hóa, phát triển du lịch từ xưa đến nay và mai sau. Hệ thống đê bao của các con sông này khá vững chắc đã ngăn được những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống dân sinh và sản xuất. Rừng trong khu vực chiếm khoảng trên 60% diện tích. Trong đó chủ yếu diện tích rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và một phần là rừng trồng kinh tế. Thảm thực vật rừng ở đây vẫn còn có độ che phủ lớn, chủ yếu là các loại cây bản địa và các loại gỗ quý như: lim, lát, pơmu, dẻ…

Hệ thống di tích Tây Yên Tử cơ bản được xây dựng dưới thời Lý – Trần. Thời kỳ đầu, các nhà tu hành thường áp dụng phương pháp thiền định khổ hạnh, tìm những nơi núi cao, cảnh đẹp mà hoang vắng để lập am, dựng chùa tu hành. Ngoài ra còn có những di sản văn hóa phi vật thể khác liên quan như: lễ hội, truyền thuyết, phong tục tập quán, tri thức dân gian, thi ca và di sản Hán – Nôm khác…

Khu vực Tây Yên Tử tập trung khá đa dạng các di tích văn hóa. Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) là thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chốn đào luyện tăng đồ Phật giáo, do Trần Nhân Tông tạo dựng, là nơi khởi đầu của hành trình Tây Yên Tử. Chùa Hòn Tháp (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) xây dựng từ thời Trần TK XIII-XIV, chùa trong núi, kề khe suối hạ nguồn Vực Rêu, có thác nước. Trên đường đi Yên Tử, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng cư ngụ tại đây. Chùa Yên Mã (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) do Pháp Loa thiền sư và các tăng ni tạo dựng. Chùa Non, chùa Cao, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam) có từ thời Trần, nằm trên núi Khám Lạng, gắn liền với nhiều tích lạ có liên quan đến Phật giáo theo lối tu hành khổ hạnh (dấu chân Phật). Chùa Bình Long (xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam) gồm núi Huyền Đinh, núi Hòn Chùa có từ thời Lý, Trần. Hiện chỉ là phế tích với một số di vật đá, chữ khắc trên vách đá. Thắng cảnh suối Mỡ, hồ Bấc (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam) là thắng cảnh suối, thác, gắn với hệ thống đền, chùa. Thắng cảnh suối nước Vàng (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) là thắng cảnh gắn với chùa Đồng Vàng, nơi sinh sống của dân tộc Dao, Thanh Phán. Chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) xây dựng thời Lý, Trần. Hiện nay, cảnh quan di tích đang được đầu tư, tôn tạo. Khu Đồng Thông (xã Thanh Sơn, Sơn Động) là nơi sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao…

Ngày 10-5-2014, UBND tỉnh Bắc Giang công bố quy hoạch và triển khai kế hoạch xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Ðộng, Bắc Giang). Theo quy hoạch, khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử theo trục đường mòn phía sườn Tây Yên Tử lên chùa Ðồng gồm bốn cụm cảnh quan: chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng với tổng diện tích là 13,8ha. Toàn bộ quần thể là hệ thống công trình đáp ứng nhu cầu hành hương, tâm linh và sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Khu văn hóa tâm linh Yên Tử được tiến hành xây dựng chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2025. Công trình hoàn thành sẽ tạo lập một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn kết các di tích, danh thắng khu vực Yên Tử của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang thành một hệ thống tổng thể.

3. Tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, nhiều địa phương, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị truyền thống đang là một vấn đề cấp bách. Có nhiều phương án được đưa ra, nhiều mô hình được thí điểm. Trong đó, mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch cộng đồng đang thu được nhiều kết quả khả quan. Du lịch cộng đồng với mục tiêu phát triển tạo điều kiện phát huy một cách tối đa những giá trị văn hóa.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, sự phong phú của các làng nghề truyền thống và nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa tại những điểm đến. Tham gia loại hình du lịch này du khách được đến với cộng đồng dân cư địa phương, thực hiện những cuộc đối thoại, tìm hiểu những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa, tắm mình trong cuộc sống của người dân. Có nhiều hình thức du lịch cộng đồng khác nhau, như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch bản địa, du lịch làng, bản. Tùy vào điểm đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương mà lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng phù hợp.

Du lịch cộng đồng đã khuyến khích các cộng đồng cư dân tham gia vào các hoạt động du lịch, tăng thu nhập cho các hộ gia đình tại địa phương. Theo các nhà khoa học, cũng như thực tiễn đã chỉ ra, du lịch cộng đồng là một cách tiếp cận nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tộc người thông qua việc huy động được các nguồn lực tại chỗ, phát huy các sáng kiến của người dân bản địa… Từ đó, giá trị các di sản được khai thác trở thành tiềm năng cho phát triển du lịch.

Văn hóa là điều kiện để du lịch phát triển. Giá trị của những di sản văn hóa chính là các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, hình thức nghệ thuật, tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… cùng với các thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội, cơ sở văn hóa nghệ thuật, bảo tàng… là những đối tượng để du khách khám phá và thưởng thức. Việc khai thác và thu lợi nhuận từ tài nguyên, cũng như việc xây dựng các điểm du lịch đều phản ánh trí tuệ và sức sáng tạo của loài người. Chính những tài nguyên này không chỉ tạo ra môi trường, điều kiện cho du lịch phát triển mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương.

Mục đích và phương thức hoạt động của bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dựa vào du lịch cộng đồng là gắn liền với cộng đồng địa phương, thu hút khách du lịch bằng cách khai thác các giá trị văn hóa bản địa. Nếu kết hợp tốt giữa khai thác các tiềm năng văn hóa vùng, khu vực với phát triển du lịch thì diện mạo cộng đồng sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đời sống người dân ngay tại cộng đồng được cải thiện và quan trọng hơn, những giá trị, bản sắc truyền thống ngày càng được nhiều người biết đến, có điều kiện được bảo tồn, phát huy.

Từ những luận điểm về mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng, cho thấy, khu vực Tây Yên Tử hội tụ đầy đủ những đặc điểm, tiềm năng cho việc khai thác các giá trị di tích lịch sử, văn hóa tộc người, đặc điểm sinh thái tự nhiên vào hoạt động du lịch cộng đồng. Khu vực Tây Yên Tử bao gồm một hệ thống các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa An Vãi, chùa Hòn Tháp, Suối Mỡ… với nhiều hoạt động lễ hội, trò chơi dân gian thú vị. Bên cạnh đó, nơi đây có những khu vực bảo tồn sinh thái (khu bảo tồn sinh thái du lịch Đồng Thông – Khe Rỗ) và đa dạng văn hóa tộc người (13 tộc người sinh sống)… Các địa điểm trên dễ dàng được liên kết thành một hệ thống các tuyến tham quan, bởi sự phát triển của các tuyến đường giao thông. Mặt khác, các điểm du lịch còn là nơi gắn với tín ngưỡng, văn hóa tộc người, cảnh quan đa dạng khác nhau. Các nhà quản lý, nhà khoa học, công ty lữ hành có thể dựa vào những đặc điểm đó để xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng, tạo sức hấp dẫn đối với du khách.

Khu vực Tây Yên Tử chứa đựng những tiềm năng lớn về phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Nơi đây là một bộ phận không tách rời khu du lịch tâm linh Đông Yên Tử, một địa điểm du lịch đã tạo dựng được những giá trị và thương hiệu đối với các du khách. Vì thế, Tây Yên Tử muốn khai thác tốt những tiềm năng văn hóa tộc người, sinh thái, tự nhiên vào phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng cần xây dựng chương trình quy hoạch du lịch cụ thể, lâu dài, bền vững. Điều này, góp phần khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử văn hóa, tự nhiên của khu Yên Tử, tạo dựng những đặc trưng riêng cho khu vực Tây Yên Tử, hấp dẫn du khách.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch dựa vào tiềm năng văn hóa là một hướng đi đã được khai thác và đúc kết thành một xu hướng phát triển du lịch. Trong đó, văn hóa là yếu tố nội sinh của du lịch. Phát triển du lịch là một phương thức để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của cộng đồng, làm sống lại nền văn hóa truyền thống nhiều màu sắc của dân tộc. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : HOÀNG THỊ HOA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *