Di sản văn hóa được coi là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong hoạt động du lịch. Việc khai thác các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch phải đảm bảo tăng trưởng, nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa và môi trường bản địa. Vì vậy, vấn đề cân bằng giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa luôn là mối quan tâm của những người làm du lịch có trách nhiệm.
Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Hiện nay, cả nước có 30 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu danh thắng nổi tiếng. Khoảng 40.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong số đó UNESCO công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 di sản tư liệu. Trên 2.800 di tích được xếp hạng quốc gia cùng hàng nghìn lễ hội đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em với những sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc.
Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 – 2020, Đảng ta nhấn mạnh: trong quá trình phát triển kinh tế xã hội phải coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Du lịch và di sản văn hóa có mối quan hệ tác động qua lại sâu sắc, di sản văn hóa là động lực, nguồn tài nguyên quan trọng của du lịch, du lịch tác động trở lại di sản văn hóa theo hai hướng: giữ gìn và phát huy, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa; hoặc làm cho các giá trị di sản văn hóa xuống cấp.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nền văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, đây chính là tài nguyên quan trọng cho du lịch phát triển. Phát triển du lịch góp phần quảng bá, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa. Xúc tiến, quảng bá du lịch là phương tiện quan trọng để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa của các quốc gia, dân tộc đến với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn các giá trị đó. Tuy nhiên, quá trình phát triển này còn nhiều tiêu cực như ô nhiễm, mai một giá trị di sản văn hóa… Do đó, phát triển du lịch phải giữ vững, phát huy thuần phong, mỹ tục, bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giảm thiểu và hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội.
Trong quá trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa còn tồn tại một số hạn chế: quan niệm chưa đúng về bảo tồn, nhìn nhận sai lệch về nhu cầu của du lịch đối với di sản văn hóa, tôn tạo và khôi phục các di sản văn hóa theo kiểu trào lưu. Nhiều địa phương chưa được phép của các cấp quản lý đã tự đầu tư bằng nguồn kinh phí quyên góp của nhân dân, xây mới các công trình văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng… Do thiếu hiểu biết, tiến hành bảo tồn theo dạng phong trào, nên nhiều di tích, di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo kém chất lượng, sử dụng vật liệu mới không đúng cách… đã xâm hại và làm biến tướng những giá trị của di sản văn hóa.
Ðể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, không ít trường hợp, di sản văn hóa bị biến dạng cả về nội dung và hình thức, không những làm méo mó bản sắc văn hóa vốn có của di sản, mà còn ảnh hưởng tới chất lượng văn hóa của hoạt động du lịch. Vì vậy, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa là yêu cầu quan trọng, cấp bách hiện nay. Để thực hiện điều này, cần thực hiện tốt một số vấn đề:
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa: việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có tác dụng khắc phục những nhận thức, hạn chế không đúng trong thời gian qua. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa là cơ sở tạo ra các giá trị văn hóa để tự hào, giới thiệu với thế giới. Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt, nó phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách. Để nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, cần tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ di sản văn hóa như: Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Luật Di sản văn hóa Việt Nam, cũng như các nghị định, hướng dẫn thi hành. Tuyên truyền rộng rãi các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch. Xây dựng ý thức trách nhiệm giữ gìn giá trị di sản văn hóa cho khách khi đi du lịch. Tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị di sản văn hóa thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình… Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tập trung giới thiệu rộng rãi tài nguyên du lịch văn hóa cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, internet, hội chợ, triển lãm, hội nghị…
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa: công tác quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa là giải pháp mang tính chiến lược, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, kế hoạch xúc tiến đầu tư, quy hoạch mạng lưới giao thông, xây dựng sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành chức năng và chính quyền có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di sản văn hóa cho phát triển du lịch. Để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đúng đắn, khoa học, vấn đề quy hoạch luôn phải đi trước một bước.
Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phải xác định rõ mục tiêu tăng trưởng du lịch gắn với bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó có thể là phục dựng các lễ hội, nghi lễ, trò chơi dân gian, tôn tạo đền, chùa, hay loại bỏ những hủ tục mê tín, lạc hậu, dị đoan… Khi tiến hành quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa phải tiến hành tổng kiểm kê, rà soát các di sản văn hóa, đánh giá tình hình phát triển du lịch, tính toán xác định phương án thực hiện. Quá trình quy hoạch phải căn cứ vào thực trạng công tác bảo tồn, hiện trạng các di tích văn hóa, phải phù hợp với điều kiện cụ thể về đất đai, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, phù hợp với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, các quy định pháp lý trong Luật di sản văn hóa, Luật du lịch. Quản lý chặt chẽ công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, trong đó, quy định cụ thể tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn từ thu nhập du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người dân có ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ với bảo tồn các di tích văn hóa.
Chỉ đạo phát triển du lịch phải quán triệt nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa: quán triệt được nguyên tắc này, công tác bảo vệ di sản văn hóa mới đạt hiệu quả cao. Bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển du lịch phải được thực hiện ngay trong đời sống của cộng đồng. Chỉ đạo phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa với quan điểm di sản văn hóa là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đồng thời, phát triển du lịch nhằm tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh trùng tu các di tích văn hóa kết hợp thúc đẩy nhanh những dự án về du lịch. Phát huy thế mạnh của di sản văn hóa trong liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, miền, khu vực và quốc tế. Khi tiến hành khai thác giá trị của di sản để phát triển du lịch, nhất thiết phải tuân theo những nguyên tắc về bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời cần phải tính đến giá trị nhiều mặt và hàm lượng văn hóa dân tộc ở mỗi di sản để có thái độ và cách ứng xử phù hợp. Có như vậy, giá trị của các di sản văn hóa mới thực sự được phát huy một cách bền vững, hoạt động du lịch cũng vì thế ngày càng phát triển hơn.
Khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa để phát triển sản phẩm du lịch: du lịch không chỉ dựa vào di sản văn hóa để phát triển, mà còn tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó. Để khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa đáp ứng phát triển sản phẩm du lịch, cần tập trung vào những yếu tố đặc trưng, đặc thù, có sức cạnh tranh cao. Xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với đặc trưng của từng di sản văn hóa. Chú trọng đầu tư quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch dựa vào những giá trị nổi bật về di sản văn hóa.
Đẩy mạnh công tác quản lý giám sát các dịch vụ du lịch tại điểm di sản văn hóa: công tác này được thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hoạt động du lịch. Trong thời gian qua, ở một số nơi xảy ra hiện tượng xâm hại và làm biến tướng các di sản văn hóa, tình trạng chặt chém, chèo kéo khách… Việc này, không chỉ làm xấu hình ảnh các điểm di sản văn hóa, mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam, tác động không tốt đến phát triển du lịch. Công tác quản lý, giám sát tại những điểm di sản văn hóa là cần thiết và quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan như: bán đồ lưu niệm, hàng giải khát, bán vé tham quan, thuyết minh tại chỗ… Các cấp, ngành phải tham gia phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo các giá trị di sản văn hóa phải luôn được bảo tồn trong phát triển du lịch. Đồng thời khắc phục triệt để hiện tượng xâm hại và biến tướng các di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội, quảng bá đất nước và con người Việt Nam hội nhập và phát triển.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : NGUYỄN THẾ THI
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long