Trong các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững, nhân tố con người được đánh giá là quan trọng hàng đầu, có tính tiên quyết đến quá trình phát triển du lịch. Nhân tố con người ở đây gồm: lãnh đạo các cấp chính quyền, các nhà quản lý kinh doanh du lịch, đội ngũ nhân viên làm việc trong ngành du lịch, cộng đồng dân cư, du khách. Để nhân tố con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững, vai trò của các cơ sở đào tạo du lịch có tính quyết định.
Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định các nội dung: phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng, tài nguyên du lịch. Tiếp tục tạo ra sự đột phá sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng mang tính bền vững. Phấn đấu đến 2020 đón 8.764 ngàn lượt khách, trong đó 701 ngàn khách quốc tế, 8.063 ngàn lượt khách du lịch nội địa. Thu nhập từ du lịch đến năm 2020 đạt 1.172,4 triệu USD. Phấn đấu năm 2020 thu hút được 310.876 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.
Như vậy, để đảm bảo điều kiện phát triển du lịch bền vững, bài toán về con người cho phát triển du lịch Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn này, các cơ sở đào tạo du lịch bên cạnh hoàn thành vai trò đào tạo trong nhà trường, cần vươn ra ngoài phối kết hợp với các đối tác thực hiện vai trò ngoài nhà trường.
Vai trò trong nhà trường
Nghệ An hiện nay có 4 cơ sở chính đào tạo chuyên ngành du lịch trình độ đại học, cao đẳng, hàng năm cung cấp cho xã hội gần 700 cử nhân ở các chuyên ngành hướng dẫn viên, lễ tân, quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, chế biến món ăn… Tỷ lệ sinh viên làm việc đúng ngành học sau khi tốt nghiệp chiếm khoảng 60%.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng sinh viên ngành nghề du lịch đang có xu hướng giảm, mặc dù các trường đã mở rộng các ngành, nghề đào tạo. Số lượng giảng viên giảng dạy chuyên ngành du lịch hiện nay ở Nghệ An được đào tạo chuẩn kỹ năng nghề còn thiếu và chưa đạt chuẩn. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp được làm việc đúng nghề du lịch chưa cao. Vì vậy, để làm tốt vai trò của mình, các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần tập trung giải quyết một số vấn đề:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực du lịch: cần đổi mới nhận thức, tăng cường tuyên truyền về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực trong ngành du lịch. Bảo đảm công tác đào tạo nhân lực trong ngành du lịch gắn với nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, xã hội và thị trường lao động. Tăng cường truyền thông về đào tạo, phát triển nhân lực trong ngành du lịch thông qua các hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của đại bộ phận xã hội về hướng nghiệp và dạy nghề du lịch. Trên cơ sở nâng cao nhận thức, cần dự báo đúng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, nhằm đáp ứng đòi hỏi của du khách trong bối cảnh cạnh tranh về chất lượng, năng lực hoạt động. Trong nội dung dự báo cần bổ sung thông tin về thu nhập của người lao động trong nghề du lịch, đây luôn là thông tin hấp dẫn cho người lao động.
Thứ hai, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Hiện nay trong hệ thống đào tạo du lịch quốc gia đang chia làm 2 nhóm: nhóm kinh tế du lịch và nhóm văn hóa du lịch. Sự khác nhau cơ bản của 2 nhóm này là đối với nhóm 1 lượng kiến thức về kinh tế là chủ yếu, thiếu kiến thức về văn hóa – xã hội; với nhóm 2 lượng kiến thức về văn hóa – xã hội là chủ yếu, thiếu kiến thức về kinh tế du lịch. Bởi vậy sản phẩm đầu ra là nguồn nhân lực du lịch được đào tạo trong nước chưa hoàn thiện. Do đó cần sự thống nhất về chương trình đào tạo nhân lực du lịch trong giai đoạn hiện nay. Cần coi trọng kỹ năng thực hành nghề và ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên. Cần tăng cường hoạt động ngoại khóa với chủ đề phát triển du lịch bền vững bằng các hình thức: tổ chức cho sinh viên và giảng viên tham gia các chương trình du lịch hướng đến môi trường và cộng đồng. Các cuộc thi tìm hiểu về du lịch cần mở rộng đối tượng tham gia là học sinh nhiều trường phổ thông. Thông qua đó tuyên truyền nội dung và hành động hướng đến phát triển du lịch bền vững cho các đối tượng tham gia.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên ở các trường đào tạo du lịch trên địa bàn Nghệ An cần có những bước thay đổi căn bản. Trước hết phải trang bị đủ kiến thức thực hành nghề thông qua việc tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt mỗi giảng viên nên trở thành cộng tác viên tại các doanh nghiệp có uy tín để có nhiều cơ hội trao đổi nghề. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế. Xây dựng cơ chế thông thoáng nhằm thu hút công chức, viên chức, các nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao… tham gia đào tạo du lịch.
Ngày 1-1-2016, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP) về nghề du lịch trong ASEAN (MRA) có hiệu lực, thỏa thuận này cho phép dịch chuyển lao động trong ngành du lịch thuộc khối ASEAN, như vậy sẽ có hướng di chuyển đội ngũ giảng viên chuyên ngành giữa các quốc gia. Đây là cơ hội và thách thức cho giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy và được khẳng định trên trường quốc tế.
Vai trò ngoài nhà trường
Đối với lãnh đạo các cấp chính quyền: cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò là nơi đề xuất, tham mưu và tham gia thẩm định với các bộ, ngành và địa phương những vấn liên quan. Nghệ An cần đưa vào quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đào tạo về du lịch đạt chuẩn. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ quản lý du lịch đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ ở các cấp tỉnh – huyện – xã. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Chú trọng phối kết hợp với các tỉnh bạn đưa ra chính sách và giải pháp nhằm tăng sự liên kết vùng trong du lịch hướng đến phát triển bền vững. Cần tập trung đầu tư đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong hoạt động du lịch.
Đối với doanh nghiệp du lịch: cơ sở đào tạo du lịch là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp du lịch. Vì lợi ích cá nhân, hiện nay có nhiều dự án đầu tư và hoạt động kinh doanh du lịch đã tác động không nhỏ đến tài nguyên, môi trường, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững, do đó, các cơ sở đào tạo sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch thông qua việc tăng cường phổ biến, giải thích các quy định liên quan đến đầu tư và quản lý tác động của hoạt động du lịch tại nơi khai thác tài nguyên du lịch.
Để phát hiện, tạo dựng và xúc tiến các sản phẩm du lịch gắn với phát triển bền vững, cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò là cầu nối giữa du khách với doanh nghiệp du lịch truyền đạt khách quan các thông tin cần thiết đảm bảo độ chính xác cho hai bên.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An là việc tuyển dụng nhân sự. Tình trạng thiếu, yếu và biến động lớn của đội ngũ nhân viên đã có thời điểm đặt các doanh nghiệp vào vị trí khủng hoảng nhân lực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh. Lúc này cơ sở đào tạo du lịch sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc hợp tác nhiệt tình, trách nhiệm và đầy tâm huyết đối với vấn đề tuyển dụng nhân viên, tư vấn nghề nghiệp và đào tạo lại cho nhân viên.
Việc cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo cho du lịch Nghệ An luôn phát triển bền vững cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp du lịch, tức là cần sự phối kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Mối liên kết này sẽ bền vững lâu dài và có hiệu quả cao khi hai bên cùng nhau thống nhất kế hoạch phối kết hợp từng nội dung cụ thể, rõ ràng minh bạch trong từng thời điểm và việc phân chia lợi ích kinh tế. Cần phải có bộ phận kiểm tra giám sát việc thực hiện, có sự tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những vấn đề còn chưa làm được. Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch phối hợp, phân định cụ thể cá nhân hoặc bộ phận chịu trách nhiệm quản lý công việc.
Trong nội dung kế hoạch hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cần có một số nội dung quan trọng sau: xây dựng, đánh giá, thẩm định chương trình đào tạo ngành du lịch; tham gia vào công tác giảng dạy của nhà trường (chủ yếu là thực hành tại doanh nghiệp du lịch); tiếp nhận và hướng dẫn sinh viên kiến tập, thực tập; tư vấn, hỗ trợ việc làm cho sinh viên; thẩm định đánh giá chất lượng đào tạo khi sinh viên thi tốt nghiệp hoặc làm luận văn cuối khóa; tiếp nhận, thẩm định chất lượng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; kết hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề phát triển du lịch bền vững nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức khi hành nghề cho đội ngũ nhân viên du lịch. Tổ chức những chương trình du lịch bền vững cho chính người làm du lịch.
Đối với dân cư địa phương: để phát triển du lịch bền vững phải có sự đồng lòng của người dân địa phương. Cơ sở đào tạo du lịch có vai trò là cầu nối giữa các nhà khai thác tài nguyên du lịch với người dân địa phương, dung hòa được mối quan hệ này yêu cầu cơ sở đào tạo du lịch phải thực hiện được hai nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm du lịch và phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững cho người dân. Cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm trong tuyên truyền, giải thích các quyền lợi, nghĩa vụ của người dân khi khai thác tài nguyên du lịch đảm bảo tính bền vững. Cụ thể: Hỗ trợ địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng định kỳ kiến thức về kinh doanh du lịch phát triển đảm bảo tính bền vững tại địa phương. Vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân. Tổ chức một số hình thức vui chơi, giải trí tìm hiểu về du lịch thu hút sự quan tâm và khuyến khích sự tìm hiểu, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan; công khai hóa các dự án phát triển du lịch trong cộng đồng và khuyến khích sự đóng góp ý kiến của cộng đồng đối với các phương án phát triển du lịch dưới mọi hình thức. Làm rõ nghĩa vụ cụ thể của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh du lịch. Có thái độ lịch sự, thân thiện, mến khách thể hiện trong đón tiếp, giao tiếp với khách du lịch. Đồng thời có trách nhiệm đóng góp ý kiến, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển du lịch địa phương. Cung cấp nhân lực, vật lực cho doanh nghiệp du lịch, cung cấp thêm nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch địa phương. Nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Cần cung cấp thông tin hai chiều một cách đầy đủ để người dân hiểu được lợi ích của du lịch mang lại, đồng thời cũng cảnh báo những tác động tiêu cực mà hoạt động du lịch có thể gây ra. Phối kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho người dân đến tham quan một số khu vực có hoạt động du lịch trong nước và quốc tế hiệu quả, qua đó nhận biết lợi ích từ hoạt động du lịch và trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch.
Thứ hai, cần phân định rõ lợi ích kinh tế của người dân khi cùng tham gia kinh doanh du lịch. Có nhiều cơ chế thông thoáng để phát triển làng nghề truyền thống như: vốn vay ngân hàng ưu đãi, học nghề miễn phí, giảm thuế cho sản phẩm; ưu tiên trong lựa chọn cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương; có thêm nhiều cơ hội để thu hút đầu tư từ bên ngoài vào địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề bức bách của du lịch Nghệ An, đặc biệt trước yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch, trước hết, phải phát huy được mối liên kết giữa mục tiêu và yếu tố thực chất trong công tác đào tạo…
Để có được số lượng sinh viên ra trường có chung mặt bằng đào tạo, đảm bảo đáp ứng được công việc, ngành du lịch phải đưa ra được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề mang tính nền tảng cơ bản, phục vụ cho việc xây dựng tài liệu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng như căn cứ để huấn luyện, đánh giá kỹ năng và bậc nghề của công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho các trường bổ sung, hoàn chỉnh giáo trình giảng dạy, hay nói cách khác, các tiêu chí này sẽ làm kim chỉ nam giúp cho việc đào tạo nhân lực ngành du lịch đi theo chuyên nghiệp, hiệu quả và từng bước hội nhập quốc tế.
Đối với các cơ sở đào tạo du lịch, cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển chuyên sâu đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm và thực tế, đặc biệt là về lĩnh vực du lịch mà họ đang đảm trách dưới mọi hình thức trong nước cũng như nước ngoài. Hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới kết hợp với phát triển các hình thức đào tạo, bồi dưỡng (đào tạo liên thông, sau đại học, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn…). Thường xuyên tổ chức cho học viên tham quan tìm hiểu môi trường thực tế và tăng cường hợp tác, trao đổi với các dự án quốc tế trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của sinh viên, tránh tình trạng học chay, làm mặn như hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ LƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long