Hiện nay, cùng với xu thế phát triển, di sản văn hóa (DSVH) nói chung, DSVH Phật giáo nói riêng được nhìn nhận như một tài sản, nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đương đại; có thể được khai thác phục vụ cho phát triển du lịch và gắn với sinh kế của người dân. Xung quanh những vấn đề nhằm khai thác một cách hiệu quả các giá trị DSVH Phật giáo, ở đây là tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, gắn DSVH với hoạt động phát triển du lịch… các nhà quản lý cũng như các cơ quan chức năng cần xác định cụ thể những thành tố nằm trong hệ thống DSVH Phật giáo và các sản phẩm du lịch có thể khai thác từ hệ thống giá trị đó.
1. DSVH Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà
Giá trị của ngôi chùa
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng TK XIII, là trung tâm Phật giáo lớn nhất vào thời Trần, nơi ba vị Trúc Lâm tam tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Chùa Vĩnh Nghiêm được các nhà nghiên cứu xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam. Với sự hiện diện của ba vị sư tổ, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành quốc đạo, biểu tượng giá trị tinh thần người Việt và chùa Vĩnh Nghiêm trở thành chốn an cư, kiết hạ, giảng kinh, thuyết pháp; là trụ sở chính thức đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, một trong những ngôi tổ đình đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1). Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng trên địa thế đẹp, bao quanh bởi sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam. Phía sau Vĩnh Nghiêm có dãy núi Bảo Đài, gồm các núi: Phượng Sơn, Lạng Sơn, Hình Sơn, Quả Sơn làm điểm tựa vững chãi, rộng dài. Chùa Vĩnh Nghiêm trông ra phía điểm hợp lưu Phượng Nhã của sông Lục Nam và sông Thương. Vùng đất mà chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc này cũng chính là cửa ngõ ra vào nơi địa linh Yên Tử.
Ngày nay, chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc tôn giáo gồm các hạng mục công trình như: tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và tăng phòng, hai dãy hành lang ở hai bên và công trình khác trong khu vườn chùa cùng vườn tháp ở phía trước bên phải tòa tiền đường.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 – 2 âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội lớn trong vùng, với nhiều làng, xã tham gia; phản ánh ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự sùng bái của nhân dân địa phương đối các vị tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Song do đây là ngày giỗ chung của các vị tổ chùa Vĩnh Nghiêm nên lễ hội nghiêng về các nghi lễ giỗ nhiều hơn yếu tố hội (2).
Chùa Bổ Đà thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có tên chữ là Quán Âm tự, còn có tên gọi khác là Tứ Ân tự. Quần thể di tích chùa Bổ Đà hiện nay gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà Sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Tướng Đại Vương, có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm). Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam Tổ, Khổng Tử… Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thời nhà Lý (TK XI) khi Phật giáo đang trong giai đoạn thịnh trị. Nhưng sau quá trình lịch sử với chiến tranh liên miên, chùa bị phá hủy nặng nề, đến thời Lê Dụ Tông (1705 – 1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa Bổ Đà mới được dựng lại và có hình hài như ngày nay. Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ (3). Đặc biệt, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni.
Lễ hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 16 đến 18 – 2 âm lịch hàng năm, đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong các bộ trang phục truyền thống với nhiều làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê.
Giá trị của kho mộc bản và hệ tư tưởng
Theo kết quả kiểm đếm của Sở VHTTDL Bắc Giang, kho mộc bản Vĩnh Nghiêm hiện có 3050 ván khắc. Trong số ván hiện còn, có ván thành 1 trang in, có ván thành 2 trang in, có ván 4 trang in hoặc nhiều hơn (số này rất ít), lại có ván phôi chưa khắc, ván kẻ ô để phục vụ việc khắc chữ…
Kho mộc bản chùa Bổ Đà xét về số lượng thì ít hơn (khoảng 2000 mộc bản) so với kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhưng lại nhiều loại văn bản hơn. Các ván khắc ở đây cũng có ván 1 mặt in, ván 1 mặt hai trang, ván 2 mặt 2 trang, ván 2 mặt 4 trang.
Theo các nhà nghiên cứu, các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà được coi là bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật cổ nhất hiện còn được lưu giữ về thiền phái Trúc Lâm và Lâm Tế. Ngoài ra, các mộc bản này còn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và giá trị phát triển trong xã hội đương đại.
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của Phật giáo Trúc Lâm. Các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kim Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Đăng chân nguyên thiền sư…(4). Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Phật giáo Trúc Lâm được in ra từ kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được bảo lưu, quảng bá trong thời gian dài.
Bộ kinh Phật tại chùa Bổ Đà mang tư tưởng lớn của hai dòng Phật giáo lớn nhất châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong đó, với gần 2000 ván khắc mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yến ma hội bản, Nam hải ký quy… Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay còn rất sắc, rõ nét. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào về sự nhân đức, cõi vô vi… Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo Trúc Lâm tam tổ (5).
Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà cũng như hệ thống di sản của hai chùa đã được nhà nước vinh danh trên các hạng mục: Di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà; đề tên vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia đối với lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà. Đặc biệt, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2012. Cùng với đó, trong thời gian qua, chính quyền tỉnh và địa phương đã có những quy hoạch, kế hoạch triển khai nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản chùa cũng như giá trị di sản mộc bản. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nhận dạng, biến tiềm năng di sản mộc bản thành nguồn lực góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
2. Xây dựng các sản phẩm du lịch
Từ di tích chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà
Xây dựng các tour tham quan chùa, liên kết với các địa điểm du lịch khác trên địa bản tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà là những di tích tâm linh nổi tiếng, có nét đẹp độc đáo về kiến trúc tôn giáo, cảnh quan. Đặc biệt, chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đều được phong tặng danh hiệu di tích Quốc gia đặc biệt, Đây sẽ là điểm thu hút khách tham quan.
Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đều là những chốn tổ nổi tiếng với dòng thiền Trúc Lâm (Vĩnh Nghiêm) và Lâm Tế (Bổ Đà). Chính vì vậy, chúng ta có thể tổ chức các khóa tu tập về thiền phật giáo, khai thác thành sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm tâm linh. Hoạt động này không những đưa các nét đẹp, giá trị của phật giáo đến đời sống xã hội mà còn giúp cho người tham gia thêm sức khỏe, tinh thần minh mẫn. Bên cạnh các hoạt động tu tập, có thể tổ chức các bữa cơm chay thanh tịnh, tăng sự trải nghiệm của du khách khi đến với chùa. Các hoạt động này sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng khách (học sinh, sinh viên, doanh nhân, các phật tử…). Tùy vào từng đối tượng mà tổ chức thời gian các khóa học cho phù hợp (6). Cùng với các hoạt động tu tập, có thể lồng ghép vào hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu phật học đối với các thành viên tham gia.
Khai thác, phát huy lễ hội truyền thống của chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà cũng như các nghi lễ của chùa. Đây là hai lễ hội lớn của vùng, còn lưu giữ lại nhiều nét văn hóa truyền thống. Tại hai chùa này, đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm trong thời gian diễn ra lễ hội có nhiều hoạt động (phần hội) ý nghĩa, nhiều trò chơi văn hóa văn nghệ dân gian được tổ chức, tạo sự thu hút, tham gia của cộng đồng và khách thập phương. Các hoạt động này nếu khai thác hợp lý có thể xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của địa phương.
Từ mộc bản
Xây dựng, tổ chức các hoạt động trưng bày giới thiệu về di sản mộc bản tại hai ngôi chùa, phục vụ khách tham quan. Để tổ chức được các hoạt động trưng bày cố định và chuyên đề theo nội dung, cần tiến hành công tác kiểm kê, nghiên cứu, phân loại mộc bản nội dung của từng mộc bản theo lĩnh vực, hiện trạng của mộc bản. Trong hoạt động trưng bày, các nhà quản lý có thể áp dụng khoa học công nghệ (như công nghệ 3D) số hóa mộc bản, làm tăng thêm tính thu hút và sự tương tác của du khách đối với mộc bản và thông tin của mộc bản
Tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, đưa mộc bản đến với công chúng đặc biệt là giáo dục đối với học sinh các cấp trên địa bàn. Đây có thể được coi là một hoạt động phát huy, mang tính trao truyền cho các thế hệ nhằm hiểu biết về di sản mộc bản tại hai chùa. Đối với các hoạt động giáo dục di sản, các nhà quản lý cần phối hợp với bộ phận chuyên môn, nhà trường xây dựng nội dung chương trình hoạt động phù hợp với các bậc học, lứa tuổi.
Tổ chức các hoạt động trình diễn quy trình in khắc mộc bản; lựa chọn một số mộc bản để tổ chức in dập thành các sản phẩm du lịch, tạo sự trải nghiệm cho du khách tham quan. In khắc một số sản phẩm độc đáo từ 2 bộ mộc bản với kích thước tỷ lệ nhỏ hơn (1/2 hoặc 1/4) so với tỷ lệ thật của mộc bản, biến những phiên bản nhỏ này thành sản phẩm du lịch bán cho du khách có nhu cầu. Bên cạnh đó, cũng có thể sản xuất những sản phẩm khai thác từ mộc bản dưới dạng ảnh chụp, tranh in là sản phẩm lưu niệm.
In, dịch các mộc bản có nội dung về tín ngưỡng, tôn giáo, y dược… (những nội dung có tính thực tiễn với đời sống đương đại) sản xuất thành các ấn phẩm nhỏ (sách cầm tay) với đa dạng các nội dung khác nhau phục vụ cho du khách.
Hiện nay, DSVH có thể được khai thác trở thành một nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển trong xã hội đương đại, gắn với các hoạt động phát triển du lịch. Tuy nhiên, DSVH Phật giáo gắn liền với hệ tư tưởng và niềm tin của cộng đồng và các tín đồ… chính vì vậy, khi đưa vào khai thác trong thực tế, các nhà quản lý cần phân tích, xác định tính chất của từng yếu tố cấu thành thuộc hệ thống di sản; lựa chọn sản phẩm phù hợp; hài hòa quyền lợi của các bên liên quan như vai trò của sư trụ trì, cộng đồng địa phương, chính quyền sở tại.
_______________
1. Sở VHTTDL Bắc Giang, Lý lịch di tích chùa Vĩnh Nghiêm xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tr.4.
2. Đỗ Thị Thu Huyền, Mộc bản chùa Bổ Đà trong bối cảnh lịch sử phật giáo Việt Nam, tham luận tại hội thảo Giá trị các mặt của di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, tr.108.
3. Cao Trung Vinh, Mô hình quản lý di sản ở chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang, trong Hội thảo khoa học Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững, 2015, tr.225-234.
4. Nguyễn Quốc Tuấn, Giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo của di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang, trong Hội thảo khoa học Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững, 2015, tr.4-13.
5. Nguyễn Thùy Linh, Vấn đề cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tại khu di tích Cổ Loa, Hà Nội và một số đề xuất, Luận văn Việt Nam học, Viện Việt Nam học khoa học và phát triển, 2012.
6. Lương Hồng Quang, Bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang, đề tài cấp nhà nước, Bộ Khoa học Công Nghệ, 2017.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THANH BÌNH
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long