Du lịch cộng đồng đang là xu hướng hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt ở khu vực miền núi phía bắc với lợi thế về cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các tộc người. Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cư dân bản địa, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa tộc người độc đáo. Nghiên cứu các tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng người Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên trong định hướng phát triển sinh kế cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người là một hướng đi đang được quan tâm.
1. Các điều kiện khai thác du lịch cộng đồng của người Sán Dìu
Sự thuận lợi về vị trí địa lý
Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của vùng trung du miền núi phía bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng miền núi với đồng bằng; phía bắc tiếp giáp tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía đông giáp Lạng Sơn, Bắc Giang và phía nam tiếp giáp thủ đô Hà Nội. Sự thuận lợi về vị trí địa lý tạo điều kiện liên kết phát triển du lịch vùng Thái Nguyên với những điểm thăm quan trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Với lợi thế về vị trí địa lý, Thái Nguyên là địa bàn thu hút khách du lịch từ các vùng lân cận. Cùng với đó, sự tụ cư của 8 thành phần dân tộc khác nhau trên địa bàn cũng góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, tạo sức hấp dẫn trong khai thác du lịch cộng đồng.
Lợi thế về điều kiện tự nhiên
Là tỉnh trung du điển hình, Thái Nguyên có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho sự tụ cư và cảnh quan thiên nhiên núi rừng hoang sơ nhiều hấp dẫn. Yếu tố địa văn hóa góp phần quan trọng tạo nên sự độc đáo của du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Nếu như người Tày, Nùng… đại diện cho văn hóa thung lũng với sắc chàm nổi bật, của nhà sàn, cọn nước, cư dân rẻo cao Mông, Dao sặc sỡ với váy lanh, tiếng khèn, thì người Sán Dìu lại đại diện cho cư dân rẻo giữa với những nương chè mướt xanh, ruộng bậc thang uốn lượn, tiếng hát soọng cô tha thiết.
Địa hình không phức tạp so với các tỉnh trung du miền núi khác, đây là một thuận lợi cho Thái Nguyên canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch. Cảnh quan gò đồi điển hình là lợi thế cho nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa và tham gia sản xuất cùng các tộc người trong vùng.
Điều kiện khí hậu vùng trung du không quá khắc nghiệt, phù hợp với các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm sản xuất và thực hành văn hóa. Địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây chè, hình thành không gian văn hóa chè ở hầu khắp các huyện trên địa bàn, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng trung du. Cây chè không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng: du lịch sinh thái, trải nghiệm các công đoạn sản xuất: hái chè, xao chè, ướp hương, đóng gói, chăm sóc…
Sự đa dạng tài nguyên văn hóa
Ẩm thực là thành tố phản ánh rõ nét đời sống văn hóa của tộc người. Thông qua tập quán ăn uống của mỗi dân tộc, có thể tìm thấy những yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, đạo đức, luân lý, thuần phong mỹ tục, thị hiếu ẩm thực của dân tộc đó. Người Sán Dìu kiêng không ăn thịt trâu bởi con trâu được coi là đầu cơ nghiệp, có vai trò lớn trong hoạt động nông nghiệp; không ăn thịt chó vì nó là con vật đã cứu tộc người trên đường loạn lạc, di cư vào Việt Nam. Nguồn lương thực chủ yếu của đồng bào Sán Dìu là gạo, sản phẩm của nền nông nghiệp. Đặc biệt trong cơ cấu bữa ăn của người Sán Dìu không thể thiếu món cháo ỉ (cháo loãng, uống thay nước, dùng hàng ngày như một bữa phụ ngoài 2 bữa cơm chính), hay chúc líp (cháo trộn với một số loại rau có thể dùng làm thuốc chữa bệnh như lá lốt, rau cải, lá ngải…). Thức ăn được chế biến phong phú từ luộc (sap), xào (xáo), hấp (hip), đồ (chênh), nướng (chác), rán (hoc)… tạo sự tinh tế trong cách chế biến và thưởng thức món ăn của đồng bào. Văn hóa ẩm thực còn thể hiện sâu sắc hơn trong các ngày lễ tết với những món ăn đậm bản sắc dân tộc như: khau nhôộc, thịt thính (nhôộc trụ chạo), thịt ướp chua (diẹp nhôộc), cheo leo (kết hợp đọt chuối non với các nguyên liệu khác như thịt, lươn, gà, chim…), bánh nhân điền, bánh lá ngải (ngòi bảnh), xôi nhuộm màu (ngủ sệch phan), bánh tày loòng ệt, bánh chưng gù lôc cóc chổng, bánh nép cóc phô, cày công tạp gói bằng lá dứa dại, đan hình các con vật gà, chim, ngựa, ve… Với hệ thống các món ăn, cách chế biến đa dạng, đặc sắc, ẩm thực của người Sán Dìu không chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống của du khách còn tạo nên sự hấp dẫn đối với khách trong việc trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị văn hóa tộc người như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, quan niệm tâm linh…
Trang phục nam giới Sán Dìu đơn giản, áo cánh ngắn, quần chân què, cạp lá tọa, thích hợp với công việc lao động nông nghiệp. Nữ phục gồm khăn đội đầu, áo trong, áo ngoài, dây lưng, váy, xà cạp và đồ trang sức. Cách mặc cũng có sự phân biệt về tuổi tác, người trẻ mặc áo vạt bên phải vắt phủ lên vạt áo bên trái, sau khi mặc chiếc nẹp bên trong được lộn ra, tạo thành đường chéo nhau từ cổ xuống ngực; người già mặc áo vạt trái vắt phủ lên vạt bên phải rồi dùng thắt lưng hoa lý, tím hay đỏ thắt lại. Chiếc váy của phụ nữ Sán Dìu rất độc đáo, váy chỉ là 2, 3, 4, hay 5, 6 mảnh vải được đính trên một xà cạp, tạo cho mảnh nọ chờm trên mảnh kia khoảng 10 đến 15cm, các vạt váy chồng lên nhau, tạo nên sự kín đáo cho người phụ nữ song vẫn thuận tiện trong lao động, leo đồi, núi. Chiếc váy lá (xệch khun), xẻ tà là điểm đặc biệt trong bộ nữ phục Sán Dìu, do vậy, họ còn được gọi với tên gọi là Mán váy xẻ. Đặc biệt phụ nữ Sán Dìu có chiếc túi trầu (loi thoi), hình múi bưởi, được may và thêu thùa công phu, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ.
Trang phục là yếu tố đầu tiên tạo nên sự khu biệt giữa người Sán Dìu với các cộng đồng dân tộc khác. Tuy không sặc sỡ sắc màu, không cầu kỳ với nhiều họa tiết thêu thùa nhưng sắc chàm chủ đạo cùng nhiều điểm nhấn hoa văn trên nữ phục đã tạo nên vẻ đẹp giản dị, kín đáo, duyên dáng của trang phục Sán Dìu trên nền xanh của những nương chè vùng trung du.
Hệ thống lễ hội dày đặc phản ánh đời sống tâm linh phong phú của người Sán Dìu. Lễ hội của người Sán Dìu được tổ chức theo các tiết trong năm. Hầu như tháng nào đồng bào cũng có tết: tết Nguyên đán (Sin nén chẹt phoi), tết Thanh minh (Sênh mếnh chẹt phoi), tết mùng 5 tháng 5 (Lống són chẹt phoi), rằm tháng 7 (Mộc nén ka chẹt), tết Đông chí (Đông chi chẹt phoi)… Ngoài ra còn có các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp, gắn liền với thời vụ sản xuất như: lễ cầu mùa, cầu mưa, hạ điền, thượng điền, tết cơm mới, lễ hội Đại phan… với các biểu hiện thờ cúng thần nông, thờ vía lúa, thờ tổ tiên, Thành hoàng làng… phản ánh rõ nét niềm tin tâm linh của cộng đồng.
Người Sán Dìu có vốn văn học dân gian phong phú. Về nhạc cụ có tù và, kèn, sáo, trống, thanh la, não bạt. Về vũ, trong các nghi lễ tôn giáo có điệu múa gậy, nhảy dâng đèn, nhảy dọn đường, múa đua tầm xích hay nhảy quản ma tà. Nhạc cụ và các điệu vũ được sử dụng hầu hết trong các diễn xướng tâm linh như tang ma, cấp sắc… phản ánh sinh động thế giới quan, nhân sinh quan của người Sán Dìu. Về văn học khá phát triển trong nhân dân lao động, với loại hình văn học dân gian chủ yếu là thơ ca ứng tác và truyền khẩu. Bên cạnh thơ ca còn có ca dao, tục ngữ, câu đố cũng phong phú được đồng bào đúc rút từ kinh nghiệm trong đời sống. Đồng bào cũng có nhiều truyện thơ đặc sắc: Dựng đất mở trời (Hoi then dịp thi), Vua cóc ở Man Cay Coóc, Slún nghi, Món lóng… Các trò chơi dân gian như đánh cầu lông (tả khìu), đánh khăng, đánh quay, kéo co, cà kheo…
Đặc sắc nhất và không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Sán Dìu là những câu hát soọng cô. Soọng cô là làn điệu ca hát của người Sán Dìu, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán cổ và được lưu truyền trong dân gian. Diễn xướng soọng cô như một hình thức sân khấu cộng đồng tái hiện rõ nét các sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, quan niệm sống, tư duy, tình cảm của các thành viên. Hoàn cảnh xã hội, lịch sử thay đổi, các thế hệ tiếp nối, nhưng soọng cô thì còn ngân mãi trong đời sống tinh thần của cộng đồng và là môi trường bảo lưu, trao truyền tốt nhất các giá trị văn hóa tộc người.
Nhu cầu của du khách
Theo số liệu điều tra của Tổ chức du lịch thế giới, ngày nay có trên 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa của dân tộc họ. Một khảo sát của AC Nielson do SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) ủy thác trong năm 2010 đối với hơn 200 khách du lịch nội địa và 200 khách du lịch quốc tế ở các vùng trọng điểm du lịch lớn của Việt Nam đã đưa ra một số phát hiện cơ bản, mang lại cái nhìn tích cực về du lịch cộng đồng ở Việt Nam: 65% muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 54% muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% muốn thăm quan danh lam thắng cảnh địa phương; 97% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo; 70% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường địa phương; 48% sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 45% sẵn sàng chi trả nhiều hơn để hỗ trợ hội từ thiện địa phương.
Những năm gần đây, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thái Nguyên đã không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng số khách du lịch đến với Thái Nguyên vào khoảng 888.360 lượt, trong đó số lượng khách quốc tế đạt 23.480 lượt, doanh thu với các doanh nghiệp du lịch ước đạt 27,8 tỷ đồng, tổng doanh thu của xã hội từ du lịch đạt xấp xỉ 555,9 tỷ đồng (1).
Sự thuận lợi về cơ chế chính sách
Nhận thức rõ vai trò to lớn của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở cho ngành du lịch phát triển.
Sở VHTTDL đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến về du lịch; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Các chính sách hỗ trợ và cho vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kết hợp với chính quyền và nhân dân địa phương khai thác du lịch.
Đặc biệt, sự ra đời của Hội Du lịch Thái Nguyên vào năm 2011, góp phần làm đầu mối liên kết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động, sự kiện du lịch trong khu vực và trong nước, Hội Du lịch tỉnh đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái, làng nghề… của Thái Nguyên đến đông đảo du khách.
UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo Xác định các giải pháp đột phá phát triển du lịch Thái Nguyên trên cơ sở nhận thức hoạt động du lịch ngày càng có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, không những có khả năng tạo ra nguồn thu nhập cho xã hội, mà còn là cầu nối quan trọng để phát triển mạnh nhiều mối quan hệ giao lưu văn hóa, hữu nghị, hợp tác phát triển giữa địa phương với các tỉnh lân cận. Hội thảo cũng xác định, du lịch cộng đồng với đặc trưng sinh thái và văn hóa tộc người là thế mạnh của tỉnh.
Kế thừa chủ trương chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác các tiềm năng văn hóa phục vụ du lịch, chính quyền địa phương huyện Đồng Hỷ, nơi người Sán Dìu cư trú đông nhất, đã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu lần thứ nhất, 2016 tại xã Nam Hòa. Ngày hội vừa là dịp quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu vừa khơi dậy sự tự hào và ý thức bảo tồn văn hóa tộc người.
2. Cơ hội và thách thức từ hoạt động du lịch cộng đồng
Việc khai thác du lịch mang lại lợi ích cho người dân địa phương, tăng thu nhập từ việc tham gia các hoạt động du lịch như: phục vụ nhu cầu lưu trú, thưởng thức các món ẩm thực độc đáo, bày bán các đồ thủ công, biểu diễn dân ca dân vũ, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng… đã góp phần ổn định đời sống kinh tế, phát triển sinh kế và xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, việc người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện chất lượng lao động, giảm di cư tự do, tự phát từ nông thôn ra các đô thị, tạo nên sự ổn định xã hội và đặc biệt là sự ổn định nhân khẩu, thành phần tộc người, nền tảng vững chắc cho sự duy trì và bảo lưu những giá trị văn hóa tộc người.
Du lịch cộng đồng thúc đẩy sự công bằng trong phát triển du lịch với việc mang lại cho cộng đồng những lợi ích từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch và cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên…
Du lịch cộng đồng còn góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa và nghề truyền thống: phục dựng các nghi thức truyền thống trong đám cưới, lễ Đại phan, khôi phục nghề đan lát…
Du lịch cộng đồng đem lại nhiều tác động tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, tuy nhiên nếu không có các biện pháp quản lý tốt thì nó cũng gây ra nhiều thách thức như: tăng chi phí sinh hoạt và giá đất, phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên, ô nhiễm và rác thải, gia tăng tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, sự bất ổn về xã hội… Vì vậy để hạn chế các biểu hiện tiêu cực, các cấp chính quyền và người dân địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ:
Tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào Sán Dìu những hiểu biết về du lịch cộng đồng, nâng cao nhận thức để họ tham gia du lịch cộng đồng tự nguyện, tự giác.
Tạo nên sự kết nối giữa các doanh nghiệp và chủ thể văn hóa để hỗ trợ đồng bào Sán Dìu trong việc xây dựng mô hình và cách thức đưa nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng hiệu quả:
Đào tạo đội ngũ làm du lịch cộng đồng tại chỗ, tổ chức tập huấn để họ biết hướng dẫn và tạo môi trường cho khách du lịch được trải nghiệm văn hóa truyền thống như: có thể tham gia các công đoạn của nghề thủ công, tự tạo sản phẩm lưu niệm, sinh hoạt văn nghệ, lễ hội cùng cộng đồng…
Để khai thác tiềm năng phục vụ du lịch cộng đồng người Sán Dìu Thái Nguyên, cần phải có sự liên kết, học hỏi các mô hình ở các địa phương khác, phát huy lợi thế nguồn tài nguyên văn hóa của tộc người.
Để du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, chính quyền địa phương cần xây dựng nhà văn hóa cộng đồng theo mô hình một bảo tàng nhỏ giới thiệu lịch sử và những giá trị văn hóa tộc người, đồng thời là môi trường diễn xướng, sinh hoạt cộng đồng hay thực hành các nghề thủ công phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học hỏi và trải nghiệm.
Ngoài thế mạnh về tài nguyên văn hóa, sự thành công của du lịch cộng đồng chính là vai trò của chủ thể văn hóa, những người trực tiếp làm du lịch. Sự mến khách, thân tình, cởi mở, chu đáo là lý do để níu chân du khách. Vì vậy, cần tự nhận thức được vai trò của chính cộng đồng đối với loại hình du lịch này. Bản thân người dân địa phương cần phải có những am hiểu về phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tộc người, trau dồi các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, trình độ, năng lực để có tham gia du lịch cộng đồng hiệu quả, bền vững.
Phát triển kinh tế, xã hội đồng thời bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước. Sự độc đáo trong bản sắc văn hóa tộc người là thế mạnh trong khai thác du lịch cộng đồng nhằm phát triển sinh kế tộc người Sán Dìu. Đồng thời với việc nâng cao thu nhập cho người dân, sự tự hào về các giá trị truyền thống là động lực tốt nhất để thúc đẩy ý thức bảo lưu văn hóa tộc người ngay trong môi trường nó được sinh ra và vận hành.
____________
1. Sở VHTTDL Thái Nguyên.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : ĐẶNG THỊ KIM DUNG – DƯƠNG THÙY LINH
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long