Kể từ khi xã hội Việt Nam hội nhập sâu trong các quan hệ quốc tế và bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì các giá trị truyền thống, bao gồm cả giá trị gia đình, đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi đó diễn ra trên nhiều khía cạnh, từ hình thái đến nội hàm, từ cấu trúc đến văn hóa với nhiều cung bậc khác nhau, không chỉ ở lớp trẻ mà cả người già, lao động phổ thông và trí thức đô thị… Nét chủ đạo trong sự thay đổi đó là sự xa dần các giá trị truyền thống để tiếp cận các giá trị mới, hiện đại mang sắc thái phương Tây, công nghiệp.
Sự thay đổi đầu tiên của gia đình truyền thống diễn ra ở lĩnh vực vật chất. Do nhu cầu cuộc sống và sự phát triển kinh tế quốc gia, hầu hết các gia đình Việt Nam đều có cuộc sống vật chất mới sung túc, đầy đủ hơn như nhà cửa kiên cố, hiện đại, đầy đủ vật dụng. Báo cáo năm 2011 của Bộ VHTTDL cho thấy năm 2010 ở 48/63 tỉnh và thành phố có 14.512.898 hộ gia đình thì số hộ gia đình thuộc đối tượng nghèo là 1.590.920, chiếm gần 11%; trong đó số hộ gia đình không có nhà ở là 93.654, chiếm khoảng 0,65%; số hộ gia đình có nhà ở tạm là 469.832, chiếm khoảng 3,3%. Cùng với sự gia tăng về nhà ở kiên cố là sự gia tăng ngày càng nhiều các thiết bị thông tin hiện đại như ti vi, mạng viễn thông, điện thoại…, có đến 11.978.471 hộ gia đình có ti vi, chiếm khoảng 82,8% (1). Đó là chưa kể có rất nhiều đồ dùng mới xuất hiện trong các gia đình nông thôn như máy giặt, điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng lạnh, sa lông, bếp điện, bếp ga, xe máy, ô tô, máy tính, mạng internet… Cuộc sống của người dân, nhất là người dân nông thôn, thay đổi theo chiều hướng tích cực về mặt vật chất, khác lạ về cách sống do tiếp cận với các công nghệ mới.
Sự thay đổi tiếp theo là ở việc tiếp cận thông tin, nhờ các thiết bị truyền thông, giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và sự tự biến đổi của mọi lớp người trong xã hội. Thế giới bây giờ nhỏ bé, ai cũng có thể bàn luận những chuyện từ làng xóm đến quốc gia, nhân loại. Chuyện về chính trị, các đội bóng, minh tinh, về chiến tranh, kỹ nghệ mới… được bàn luận một cách hứng khởi và thành thạo. Sự thay đổi trong tiếp cận thông tin đó dẫn đến thay đổi về nhận thức, quan niệm, tư duy và lối sống. Ở nông thôn đã hình thành thói quen dùng điện, điện thoại các loại, ti vi. Nhiều làng xã có internet để giao dịch viễn thông và để thanh niên chơi trò chơi điện tử. Đi đôi với sự xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị truyền thông là sự giảm sút ngày càng nhanh các thiết chế văn hóa truyền thống cũng như số lượng và chất lượng hoạt động. Ví dụ, năm 2006 cả nước có 4.197 nhà văn hóa cấp xã và tương đương, năm 2011 còn 4.109; số đội văn nghệ quần chúng tỉnh huyện xã từ 41.086 năm 2006 còn 21.898 năm 2011; số cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng do ngành VHTTDL tổ chức là 2.071 năm 2006 và 834 năm 2011, cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng do ngành VHTTDL phối hợp với các ngành khác là 1965 năm 2006 và 744 năm 2011 (2).
Sự thay đổi về nhận thức, quan niệm gia đình, lối sống diễn ra từ người trẻ đến người già, từ việc kiến tạo cơ sở vật chất gia đình đến cách ứng xử trong gia đình. Triết lý xây dựng gia đình nghiêng về sự giàu có của cải, thích lối sống mới hiện đại, ủng hộ tự do cá nhân, rút bớt sự ràng buộc của luân lý truyền thống. Người ta đề cao tuyệt đối của cải, tiền bạc và việc kiếm tiền bằng mọi giá. Tác giả Nguyễn Lê Hiểu Mai viết “Chúng ta đang sống trong một đời sống mà giá trị đồng tiền trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Một phần rất lớn các sự vụ được nhắc trên báo chí về các xung đột gia đình, có liên quan đến tiền bạc, lợi nhuận”; hoặc “Khi quyền lực đồng tiền được đẩy lên tối thượng thì việc hướng đến những giá trị truyền thống, đến nguồn cội và gia đình đương nhiên đứng trước nguy cơ bị xem nhẹ, thậm chí bị phớt lờ. Cha con, anh em, vẫn có thể kiện nhau ra tòa, hoặc nói chuyện đến cùng bằng dao búa chỉ vì một miếng đất, một căn hộ. Điều đó thậm chí xảy ra ngay cả trong giới trí thức, những người hoạt động văn hóa. Bên cạnh những chia rẽ do tranh chấp ấy là sự phai nhạt tình cảm do bận bịu với những mong muốn được thoát nghèo hoặc làm giàu. Đã có những người bội phản chồng (vợ) chỉ nhằm bước một nấc cao hơn trên bậc thang danh vọng, địa vị hoặc đầy thêm các tài khoản trong nước ngoài nước. Những người này nếu không dẫn đến ly hôn thì thường cũng sống trong bi kịch của sự thiếu hụt niềm tin. Ngoài ra cần phải kể đến một lực lượng vô cùng đông đảo những người sẵn sàng thoát ly tổ ấm gia đình để đi tìm miền đất hứa, tuy nhiên hành động này chỉ thực hiện kèm theo sự hỗ trợ đắc lực của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhu cầu phân bố lao động và quá trình đô thị hóa, quá trình con người bị đẩy khỏi dung môi kinh tế truyền thống, đẩy khỏi quê hương bởi thực trạng ruộng đất dần bị thu hẹp vì nhiều lý do”(3).
Sự thay đổi mô hình và phương thức sản xuất ở nông thôn do quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và hội nhập đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình, về lối sống. Cũng theo tác giả Nguyễn Lê Hiểu Mai: “Cách nay vài chục năm, ở quê tôi (Nghệ An), mô hình sản xuất trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa vẫn thể hiện một cách sinh động và ấm áp mỗi ngày; và vào ban đêm, dưới ánh đèn dầu (sau này có điện thắp sáng), các gia đình vẫn quây quần chăm lo cái “xưởng” sản xuất thủ công truyền thống (đan nón, rổ, rá, nong, nia, cót…) với các thành viên phụ trách từng khâu đoạn trong một mô hình phân công lao động khá chặt chẽ. Ngày nay, thanh niên, đàn ông, tóm lại là lực lượng lao động chính đã bỏ nhà, bỏ quê với bao truyền thống tốt đẹp, đi đến vắng làng”.
Những lao động này đi đâu? Họ đi kiếm tiền dưới hình thức xuất khẩu lao động, mòn mỏi với công việc lấy mủ cao su, cuốc cỏ cà phê ở những cánh rừng xa, chen chúc trong các xưởng may mặc, làm giày da xuất khẩu, hoặc bán sức lao động tại các thành phố lớn, từ các nghề đồng nát, xe ôm đến giúp việc nhà, cửu vạn… Có người đi vài tháng về một lần rồi lại đi, con nhỏ để bố mẹ già ở quê nuôi dạy, có kẻ dăm bảy năm mới về nhà. Gia đình, quê hương đối với nhiều người chỉ còn là một vệt mờ trong ký ức, chỉ trở lại trong ba ngày tết xa xứ. Đi kiếm ăn xa không còn là việc của đàn ông khỏe mạnh nữa mà bây giờ là việc của làng, cả đàn ông và đàn bà như ở xã Xuân Đài, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thậm chí đàn ông ở nhà giữ con, đàn bà khỏe, trẻ đi kiếm tiền ở nước ngoài như trường hợp ở làng Cọi Khê, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cũng theo Bộ VHTTDL thì năm 2006, số hộ gia đình chỉ có mẹ hoặc bố và con là 820.641 thì năm 2010, con số này tăng lên là 1.616.101 (4).
Quá trình đô thị hóa cũng góp phần quan trọng đẩy các thành viên trong cùng một gia đình ra xa nhau hơn. Con người bắt đầu có những biểu hiện ứng xử phi truyền thống đối với gia đình, trước tiên từ ý thức về nguồn cội. Trong kết cấu nhà tầng hiện nay, gian thờ tổ tiên bị đặt ở nơi cao nhất trong một phòng biệt lập. Các thành viên gia đình (nhất là những người trẻ) dần xa lạ với không gian này và việc thờ cúng tổ tiên từ chỗ mất dần sự thiêng hóa đến chỗ mất hết hoàn toàn ý niệm về truyền thống tổ tiên, gia đình. Các gia đình ở đô thị ngày nay có phòng riêng cho từng cá thể với lý sự là giáo dục ý thức tự lập, độc lập cho con cái.Tất nhiên điều này ở nông thôn diễn ra chậm hơn. Trong số 14.512.898 hộ gia đình hiện nay, có đến gần 60% hộ gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái); hộ gia đình 3 thế hệ chỉ còn 2.675.673, chiếm gần 20%; hộ đơn thân tăng từ 395.462 (2006) lên 514.528 (2010) (5). Điều này nói lên xu hướng độc lập của các hộ gia đình trẻ ngày càng tăng, nó cũng đồng nghĩa với xu hướng tự do của cá nhân con cái với gia đình và bố mẹ. Ở nông thôn, xu hướng này được lý giải là tách hộ để được chia đất, còn ở đô thị, thì do sự phân tầng của các nhà hộp, do tách hộ để giảm bớt tiền điện, hoặc do nhận thức về lối sống hiện đại.
Trong các gia đình truyền thống, vấn đề luân lý, lễ giáo, nền nếp… được gọi chung là văn hóa gia đình hoặc nếp nhà được biểu hiện bằng nhiều nội dung. Trước hết từ tên gọi đã cho thấy sự phong phú như: gia đình, gia đạo, gia phong, gia giáo, gia lễ, gia giới, gia huấn, gia húy, gia phạm, gia pháp, gia phổ, gia sử, gia thanh, gia tiên, gia tộc, gia trưởng, gia ước, gia vinh, gia xú… Đi theo hệ thống thuật ngữ trên là cả núi quy định ràng buộc mọi người trong gia đình bắt mọi thành viên phải tuân thủ. Hệ thống luân lý trên không chỉ là của riêng một họ tộc hoặc gia đình mà còn được đưa vào lệ làng, vào hương ước hoặc trong các sách giáo khoa dạy cho trẻ em tùy theo từng thời đại. Nền giáo dục xưa chú trọng về dạy người, dạy đạo đức, dạy hướng về cội nguồn, gia đình, dòng họ (hướng nội), dạy sự tiếp nối tín ngưỡng truyền thống của dân tộc là thờ cúng, biết ơn tổ tiên. Bây giờ dân chủ, hội nhập, giáo dục chú trọng đến kỹ nghệ, học vấn, coi trọng xu hướng hội nhập, hướng ngoại nhiều hơn. Vì thế, lớp người mới từ chỗ nhạt truyền thống dễ đi đến phủ nhận quá khứ, chỉ biết hiện tại, chỉ thích hiện đại.
Ngày xưa, tuy ít phương tiện thông tin, nhưng các giá trị truyền thống được nhắc lại nhiều lần. Sách về giáo dục gia đình như kiểu Minh đạo gia huấn, Gia huấn ca, Luân lý giáo khoa thư,… được phổ biến và làm bài học đầu đời cho mọi con trẻ. Trái lại, ngày nay, trên các phương tiện thông tin, từ sách báo, truyền thông, truyền hình đến các hoạt động nghệ thuật, các lớp học trong các nhà trường, hiện tượng coi nhẹ giáo dục gia đình là phổ biến. Ngày càng vắng dần các bài học về bổn phận làm con, làm người, bên cạnh đó là sự nhiều gấp bội các trò chơi, các hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa, kích thích cho sự tự do ăn chơi. Ngày xưa cha ông ta dạy con gái như sau:
Tọa dữ lập yêu đoan trang
Cử dữ động yêu tĩnh trọng
Đầu dữ mục vật khinh bao
Phủ dữ túc vật kinh động
Khai khâu ngôn bất khả tiếu
Ưng thiếu thời vi vi thiếu
(Ngồi đứng phải đoan trang
Cử động phải nhẹ nhàng
Đầu mắt không được liếc ngang dọc
Chân tay không được đung đưa
Mở mồm nói không được cười
Nếu cười theo chỉ cười mỉm) (6)
Bây giờ, con gái cũng hội đủ các trò lạ như đánh nhau hội đồng, mặc quần đùi, hút thuốc, uống bia rượu, mặc hở hang ra chỗ đông người, nói năng tục tĩu, hành vi thô tục..
Có thể nói thông tin và truyền thông có công đưa văn minh đến với nhân dân nhưng cũng có nhiều tội như quảng bá cho lối sống xa lạ, ít nhân văn, khác truyền thống, góp một phần không nhỏ làm cho lối sống truyền thống của dân tộc bị băng hoại. Những truyện tranh đánh nhau, những sách như kiểu Sát thủ đầu mưng mủ, những ngôn ngữ @ cộng với trò chơi điện tử và sự buông lỏng quản lý con cái của các bậc cha mẹ, sự bất lực của nhà trường… đã làm không ít trẻ em sinh hư, thậm chí sinh ra sát thủ máu lạnh.
Xét về mặt lý thuyết, khi hạ tầng cơ sở thay đổi thì thượng tầng kiến trúc cũng thay đổi theo. Chúng ta chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì tất yếu cũng phải chấp nhận sự thay đổi về văn hóa trong đó có văn hóa gia đình, lối sống, cách ứng xử của lớp trẻ, hiện đại.
Không thể ngăn cản sự thay đổi đó được mà chỉ có thể: bình tĩnh lựa chọn sự thay đổi hợp lý, hợp hoàn cảnh. Theo quy luật phát triển, thay đổi là tất yếu và không có sự vật, hiện tượng nào không thay đổi. Chấp nhận thay đổi để điều chỉnh và phù hợp với thay đổi là cần thiết. Trong tình hình hiện nay, việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề cần bình tĩnh xem xét. Về kinh tế, chúng ta vừa trải qua thời kỳ phát triển nóng với các mô hình tập đoàn kinh tế kiểu Hàn Quốc và chúng ta đang trải nghiệm ảnh hưởng của chính các mô hình đó. Cũng đi theo các mô hình ấy là sự thay đổi đến khác lạ về lối sống và các giá trị nhân văn truyền thống khác. Vì thế, việc đầu tiên là cần xác định chuẩn về triết lý của sự phát triển. Không phải là sự tăng trưởng bằng mọi giá, không phải cứ của ngoại là tốt, không phải cứ bê cái mới của người khác về là thành cái tốt của mình. Phải bình tĩnh và lựa chọn thận trọng.
Phải thay đổi sự thay đổi, tức là uốn sự thay đổi theo yêu cầu phát triển nội tại của dân tộc. Sức mạnh của sự thay đổi cũng như một lực tác động thẳng. Khi xâm nhập vào xã hội ta, lực tác động đó sẽ không đi thẳng nữa mà nó được biến đổi để làm động lực cho sự phát triển văn hóa dân tộc. Trường hợp này giống như mọi sự khúc xạ của văn hóa Hán khi nó xâm nhập văn hóa Đại Việt trước đây. Để được như vậy, việc lựa chọn để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc là trước hết và rất cần thiết. Văn hóa truyền thống của dân tộc có mạnh mới có thể lựa chọn và làm khúc xạ văn hóa ngoại nhập theo ý muốn của mình được.
Kinh nghiệm truyền thống của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục con người rất phong phú mà hiện tại chúng ta vẫn còn học tập kế thừa được. Đây được coi là công việc lâu dài, thường xuyên và là sự sống còn của từng gia đình, từng cộng đồng xã hội. Sự nghiệp xây dựng gia đình thực chất là xây dựng nền tảng xã hội, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục phải được xem là phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất và được sử dụng nhiều nhất, thực hiện ở khắp mọi nơi, thực hiện giáo dục ngay từ khi trẻ mới lọt lòng. Trong giáo dục gia đình, người lớn làm gương là cực kỳ quan trọng. Và người lớn khi đã tạo dựng được tấm gương rồi, thì cố mà giữ lấy, kể cả khi đã già, đừng như ông bà này nọ đã già rồi mà còn đi vội vàng đi bước nữa để lại trong nhân gian những hình ảnh không đẹp. Các kênh tuyên truyền giáo dục như ti vi, mạng internet, sách báo, phim ảnh, nhà trường, sân khấu và các hoạt động văn học nghệ thuật khác cần sạch sẽ, lành mạnh và có tính mô phạm.
_______________
1, 2, 4, 5. Kỷ yếu Hội nghị triển khai công tác VHTTDL năm 2011.
3. Nguyễn Lê Hiểu Mai, Gia đình Việt Nam hiện nay từ góc nhìn văn hóa, vanhoanghean.com.vn
6. Nữ huấn tam tự thư, tờ 1b.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013
Tác giả : Phạm Hồng Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai