Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng. Muốn sự nghiệp cách mạng thành công cần phát huy sự đồng lòng hiệp sức của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm đặc biệt trong việc tuyên truyền, vận động thiếu niên, nhi đồng đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.
Thiếu niên, nhi đồng là một đối tượng đặc biệt trong xã hội. Các em đang độ tuổi hình thành nhân cách: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ” (1). Vì vậy việc tuyên truyền vận động, giáo dục trẻ em hiểu quyền lợi và bổn phận đối với bản thân, gia đình và đất nước là việc làm hết sức cần thiết, mọi lúc, mọi nơi.
Trong thơ văn viết cho thiếu nhi, Hồ Chí Minh đã lựa chọn những vấn đề hết sức gần gũi, thiết thực để tuyên truyền giác ngộ các em. Xuất phát từ tình cảm yêu thương trân trọng trẻ thơ, Bác khẳng định trẻ em biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. Trẻ phải tích cực thể dục thể thao, giữ gìn vệ sinh để có sức khỏe; phải siêng học văn hóa, lịch sử… để có kiến thức; phải biết học đi đôi với hành nhằm phục vụ tổ quốc; tích cực tham gia sản xuất để làm ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời, trẻ vừa học tập, lao động lại vừa phải biết tiết kiệm vì không tiết kiệm chẳng khác nào gió vào nhà trống. Người đặc biệt chú ý giáo dục đạo đức cho trẻ, trong gia đình, ngoài xã hội phải là những trẻ ngoan, biết vâng lời bố mẹ, ông bà, biết yêu bạn, trọng thày cô, yêu nước… Những nội dung tuyên truyền của Người luôn được đặt trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước, thời kỳ thành lập Mặt trận Việt Minh, những năm kháng chiến chống Pháp, thời kỳ sau hòa bình, những năm kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, nội dung tuyên truyền càng trở nên cụ thể, thiết thực, giàu sức thuyết phục.
Tuyên truyền cho thiếu niên nhi đồng, Hồ Chí Minh luôn tìm cách giảng giải, cắt nghĩa giúp trẻ em hiểu, nhận thức đúng để đi đến hành động đúng. Để vận động thiếu niên nhi đồng tham gia mặt trận Việt Minh, Người đã cắt nghĩa cho các cháu hiểu nguyên nhân vì sao các cháu không được học hành, phải ăn đói mặc rét, bị đánh đập dã man… Tất cả những nỗi cơ cực đó là vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn. Từ đó, Người kêu gọi trẻ em phải đoàn kết lại để mà đấu tranh. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Người giúp trẻ em hiểu các khái niệm yêu, ghét, gắng, đoàn kết, thi đua… Phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, Việt gian, bù nhìn vì chúng mà dân mình khổ cực. Phải yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động… Phải gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng giữ gìn vệ sinh và giữ gìn kỷ luật, gắng học hành. Phải đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau, giữa nhi đồng Việt Nam và nhi đồng thế giới. Phải thi đua tùy theo sức của mình đóng góp cho kháng chiến. Người đã dùng lời lẽ ngắn gọn giúp trẻ hiểu thế nào là một trẻ ngoan để dễ thực hiện. “Ngoan là ở nhà nghe lời bố mẹ, đến trường phải siêng học, đối với bầu bạn phải biết yêu kính, phải thương yêu nước ta (2)”.
Vừa giúp trẻ em hiểu những vấn đề trong cuộc sống thường ngày, Người còn mở rộng hiểu biết cho trẻ về các vấn đề thời sự, chính trị trong và ngoài nước. Ngày 1-5 là ngày tất cả mọi người lao động trên thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình. Ngày 1-6 là ngày các cháu nhi đồng thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình, người lớn tỏ tình yêu quý nhi đồng và đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nhi đồng. Năm 1953, để tạo sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng, Đảng chủ trương cải cách ruộng đất, chỉnh huấn chỉnh quân. Đây là những chủ trương lớn nhưng được Người chia sẻ với thiếu nhi bằng những câu văn vần dễ hiểu, dễ nhớ. Cải cách ruộng đất là đem lại ruộng đất cho những người lao động để:
Dân đỡ chật vật
Hăng hái tham gia
Chỉnh huấn chính quân là:
Bộ đội cố gắng
Quyết chiến, quyết thắng
Giết giặc lập công (3)
Bên cạnh việc giảng giải cho trẻ hiểu, Hồ Chí Minh còn dùng lời lẽ, dẫn chứng cụ thể, phân tích thuyết phục trẻ tin, hiểu và làm theo. Trong lá thư đầu tiên khi đất nước giành được chính quyền, Người đã giúp thiếu niên, nhi đồng Việt Nam thấu hiểu nhiệm vụ học tập và sự kỳ vọng của cả dân tộc đối với các thế hệ tương lai trong việc làm rạng rỡ non sông đất nước. Mở đầu bức thư, Người bày tỏ niềm vui với các em học sinh khi được hưởng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, nền giáo dục đào tạo các em thành những người công dân có ích cho đất nước, khác hẳn nền giáo dục nô lệ dưới thời thực dân đế quốc. Được hưởng nền giáo dục đó là sự may mắn của các em học sinh, bởi biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giành độc lập tự do cho đất nước. Vì vậy, học sinh phải làm gì để bù đắp công lao của các thế hệ đi trước. Từ đó, Người đề ra nhiệm vụ cho học sinh phải cố gắng siêng năng học tập, để xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta để lại, để dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu. Bằng cách dẫn dắt, lập luận chặt chẽ, Người đã giúp các thế hệ học sinh nhận thức rõ học tập vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, là cách để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong thơ văn viết cho thiếu nhi, Hồ Chí Minh luôn đưa ra những tấm gương sáng để tuyên truyền, thuyết phục, khích lệ trẻ em noi theo. Am hiểu lịch sử dân tộc, Người đã lựa chọn hai tấm gương thiếu nhi tiêu biểu về truyền thống yêu nước để cổ vũ trẻ em:
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương
Hay
Quốc Toản là trẻ có tài
Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền (4)
Trân trọng khen ngợi thành tích của thiếu niên, nhi đồng trên khắp mọi miền đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Người tin tưởng đây là những tấm gương có sức lan tỏa, nhân rộng thêm phong trào thi đua yêu nước. Trong Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân dịp Cách mạng tháng Tám, Người đã viết rằng từ Nam đến Bắc có nhiều nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho tổ quốc, nhiều cháu đã hăng hái giúp việc cho bộ đội, dân quân, nhiều cháu đã tổ chức tăng gia sản xuất trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà vịt, tham gia bình dân học vụ. Các cháu ở trường Việt Bắc đã quét chợ, hái củi, bán bánh tiết kiệm được 216.445 đồng để mua công trái. Số tiền tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thật to lớn. Cùng với những thành tích của tập thể, Người không quên khen ngợi những thành tích nho nhỏ của từng cá nhân. Cháu Phạm Đỗ Hải bị giặc bắt không run sợ, tìm cách trốn thoát và còn mang hai lính Tây theo về bộ đội. Cháu Lê Văn Thục đã can đảm giơ súng dọa Tây và lấy được súng của chúng. Cháu Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ… có nghị lực vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt. Trước khi đi xa, Người đã có thư gửi thiếu niên hợp tác xã Măng Non, thôn Phú Mẫn (Bắc Ninh) với thành tích chăn nuôi trâu bò giỏi và biết vận động nhân dân làm chuồng trại bảo đảm sức khỏe trâu bò. Dựa vào bản tính hay bắt chước, nhận thức thiên về trực quan cụ thể, tâm lý thích được ngợi khen của trẻ em, Người đã khéo léo đưa ra những tấm gương thiếu nhi ở mọi mặt hoạt động để trẻ học tập, noi theo.
Tuyên truyền vận động trẻ em, Hồ Chí Minh luôn đề cao nguyên tắc vừa sức. Đối với trẻ không nên đòi hỏi cao, cách tuyên truyền giáo dục phải giữ được tính hồn nhiên vui tươi ở trẻ. Đối với trẻ nếu đưa ra những yêu cầu phù hợp sẽ khuyến khích trẻ hào hứng tham gia và tích cực thi đua. Người lấy ví dụ khi cần tuyên truyền về đời sống mới, về xóa nạn mù chữ…, các em đã diễn ngay được một vở kịch ngắn, vui mà khó biết bao. Như vậy, nếu công việc vừa sức, trẻ sẽ làm và hoàn thành một cách tài tình. Người luôn khuyên các cháu:
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Tùy từng độ tuổi, tùy từng hoàn cảnh lựa chọn những việc có ích cho làng xóm, đất nước thì nên làm. Vì nhiều việc nhỏ cộng lại sẽ thành những việc lớn hữu ích. Trong thư gửi học sinh năm 1945, Người đề ra nhiệm vụ chung cho các cháu phải học tập tốt đồng thời chú ý nhiệm vụ của các cháu học sinh lớn. Ngoài việc học tập phải sẵn sàng chống quân giặc cướp nước, cần tham gia hội Cứu quốc để làm quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ vài việc nhẹ nhàng trong việc phòng thủ đất nước. Bằng cách chỉ dẫn cụ thể, phù hợp, Người giúp thiếu nhi hiểu những việc cần làm đối với từng lứa tuổi ở mỗi giai đoạn của đất nước. Để phong trào thi đua ái quốc phát triển sâu rộng, toàn diện, Người đã đề cao việc thi đua. Công việc của trẻ em rất cần sự thi đua. Thi đua làm cho mỗi cá nhân, tập thể thêm hào hứng nỗ lực. Người từng khuyên các cháu thi đua học và hành, “Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp” (5). Trong công tác Trần Quốc Toản, Người khuyên nên thi đua đội này với đội khác, mỗi tháng cần tổng kết công việc đã làm để rút kinh nghiệm.
Nghệ thuật tuyên truyền giáo dục của Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống tinh thần trẻ em bởi Người viết ra bằng tất cả sự chân thành của mình. Mọi niềm vui, nỗi buồn của Người đều xuất phát từ niềm vui, nỗi buồn của con trẻ: “Các cháu vui cười hớn hở. Bác Hồ cũng vui cười hớn hở” (6). Giữa Người và trẻ thơ không có sự xa cách mà chỉ có sự gần gũi thân thiết của người anh, người bác, người ông với con trẻ. Vì vậy những điều Người tuyên truyền vận động trẻ thơ được các em đón nhận một cách tự nhiên, sâu sắc. Người thường dùng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu phù hợp với nhận thức của trẻ em. Những câu văn, câu thơ giàu hình ảnh của Người làm cho nội dung giáo dục trở nên sinh động, lay động tâm hồn trẻ: Trung thu trăng sáng như gương. Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng. Hồ Chí Minh rất ít dùng từ Hán Việt trong thơ văn viết cho thiếu nhi, nếu có dùng cũng đảm bảo nhờ ngữ cảnh trẻ em sẽ hiểu được. Văn thơ của Người viết cho thiếu nhi thường ngắn gọn, có vần có nhịp, gần gũi với văn học dân gian nên trẻ em dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm theo như bài Trẻ chăn trâu, Lịch sử nước ta, Năm điều Bác Hồ dạy…
Qua thơ văn viết cho thiếu nhi, Hồ Chí Minh đã giảng giải, động viên, nêu gương để thuyết phục các cháu thiếu niên tán thành, ủng hộ, làm theo những chủ trương đường lối của Đảng. Nghệ thuật tuyên truyền của Người giản dị sâu sắc và phù hợp với đối tượng trẻ thơ. Chính vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc đã có nhiều thiếu nhi hăng hái tham gia, góp sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Tuyên truyền giáo dục trẻ em là nhiệm vụ thiêng liêng mà Hồ Chí Minh đã đặt ra cho toàn xã hội để bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Ngày nay, nếu biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật tuyên truyền của Người vào thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, khích lệ thanh thiếu niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
_______________
1, 3, 4, 6. Bác Hồ với thiếu nhi – học sinh, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010, tr.25, 54, 14, 91.
2, 5. Chuyện kể và những bức thư Bác Hồ gửi thiếu niên, nhi đồng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.9, 25.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Phạm Thị Phương Liên
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai