Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật làm gia tăng vai trò của ngành công nghiệp văn hóa đối với đời sống kinh tế xã hội của nhiều quốc gia. Không chỉ những nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Đan Mạch,… mà ngay cả những quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, nơi công nghiệp văn hóa còn hết sức mới mẻ, cũng đã ngày càng quan tâm đến sự phát triển của ngành này. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa là gì, cơ cấu của nó ra sao, cho đến nay vẫn còn có sự tranh cãi. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công nghiệp văn hóa.
1. Khái niệm công nghiệp văn hóa
Nhận định về công nghiệp văn hóa và vai trò của nó, Báo cáo Kinh tế sáng tạo của Liên hợp quốc năm 2008 nhấn mạnh: “Trung tâm của một kinh tế sáng tạo nằm ở các ngành kinh tế sáng tạo. Ngày nay, công nghiệp sáng tạo bao hàm sự tác động ảnh hưởng lẫn nhau của các yếu tố truyền thống, công nghệ cao, và cung cấp các dịch vụ nghệ thuật bao gồm nghệ thuật dân gian, festival, âm nhạc, sách, báo, mỹ thuật, trình diễn nghệ thuật đến ngành cần công nghệ cao như phim, phát thanh truyền hình, phim hoạt hình, trò chơi điện tử, các lĩnh vực cung cấp dịch vụ như dịch vụ kiến trúc, quảng cáo. Tất cả các hoạt động trên đòi hỏi sự sáng tạo cao và có thể tạo ra thu nhập thông qua các hoạt động thương mại và các quyền về sở hữu trí tuệ. Kinh tế sáng tạo có tiềm năng sinh ra lợi nhuận, tạo công ăn việc làm, mở ra các cơ hội mới để hội nhập với những khu vực kinh tế phát triển cao trên thế giới”.
UNESCO quan niệm, công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết nối giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và các nội dung sáng tạo được được bảo vệ bản quyền. Còn công nghiệp sáng tạo nội hàm nghĩa rộng hơn công nghiệp văn hóa, gồm công nghiệp văn hóa cộng với tất cả các khâu của quá trình sản xuất văn hóa và nghệ thuật, kể cả những sáng tạo cá nhân (1).
Bộ Văn hóa – Truyền thông – Thể thao của Anh quan niệm, công nghiệp sáng tạo là ngành công nghiệp có nguồn gốc từ những sáng tạo của cá nhân, dựa trên những kỹ năng và tài năng của họ, có khả năng tạo ra việc làm và của cải thông qua việc khai thác sở hữu trí tuệ (2).
Tại Trung Quốc, công nghiệp văn hóa được xem như là một lĩnh vực kinh tế do nhà nước điều chỉnh, có mối quan hệ với chặt chẽ với kinh tế, thương mại. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được xem như là hàng hóa nhưng không hoàn toàn giống với các hàng hóa khác (3).
Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa là một thuật ngữ khá mới mẻ. Phải đến những năm đầu TK XXI, công nghiệp văn hóa mới được bàn đến trong một vài công trình nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Tri Nguyên cho rằng, công nghiệp văn hóa là một trong những vấn đề của văn hóa đương đại, gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ (4). Tác giả Tô Huy Rứa đề cập cụ thể hơn tới khái niệm, vai trò của công nghiệp văn hóa (5).
Giữa năm 2010, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội và Bộ VHTTDL phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề Công nghiệp văn hóa: Vai trò đối với nền kinh tế và khung chính sách phù hợp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Các tham luận trong hội thảo khẳng định vai trò của ngành công nghiệp văn hóa, chia sẻ cái nhìn sâu hơn về ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam; hiện trạng và chính sách hợp lý cho sự phát triển của nó cũng như vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong Hội thảo, 1 trong 2 diễn giả chính của phía Việt Nam là Lương Hồng Quang đưa ra quan niệm: Công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp sử dụng các sáng tạo cá nhân.
Qua việc tìm hiểu các quan niệm khác nhau về công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể nhận xét một cách tổng quát như sau:
Thứ nhất, mặc dù còn có những quan niệm, ý kiến đánh giá khác nhau về công nghiệp văn hóa nhưng phải thừa nhận rằng, công nghiệp văn hóa thể hiện sự gắn kết giữa sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sáng tạo của con người trong lĩnh vực văn hóa, thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau.
Thứ hai, công nghiệp văn hóa là sản phẩm của sáng tạo. Vì vậy, nó liên quan mật thiết tới quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, trong thời kỳ bùng nổ thông tin và phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật công nghệ hiện nay, công nghiệp văn hóa có vai trò to lớn để phát triển kinh tế, ổn định chính trị và đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng gia tăng của nhân dân. Đồng thời, nó tham gia vào quá trình dân chủ hóa thông tin về mặt văn hóa. Mặt khác, nó cũng tạo ra sự phân hóa sâu sắc cả về kinh tế và văn hóa. Những mâu thuẫn xã hội do sự phát triển công nghiệp văn hóa tạo ra là to lớn và phức tạp mà các quốc gia cần phải quan tâm giải quyết.
Trên cơ sở kế thừa thành tựu lý luận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa của các quốc gia, chúng tôi đưa ra quan niệm: công nghiệp văn hóa là tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng, sở hữu trí tuệ để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội.
2. Các thành tố của công nghiệp văn hóa
Nếu quan niệm công nghiệp văn hóa là một quá trình thì cơ cấu của công nghiệp văn hóa gồm các yếu tố sau:
Sáng tạo – sản xuất – bảo quản + phân phối + lưu thông – tiêu dùng
Trong yếu tố thứ nhất, chủ thể sáng tạo, ở đây có thể là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế, đạo diễn,… ở khâu thứ nhất của quá trình công nghiệp văn hóa, sáng tạo có thể là của cá nhân, nhưng trong không ít trường hợp, nó cũng có thể là của nhiều người, của tập thể.
Yếu tố thứ hai phản ánh một đặc trưng của công nghiệp văn hóa, đó là sản xuất mang tính công nghiệp, sản xuất hàng loạt.
Yếu tố thứ ba phản ánh đặc thù cơ bản của công nghiệp văn hóa là tạo ra thị trường các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tìm kiếm lợi nhuận từ việc mua bán, trao đổi các sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Yếu tố thứ tư có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống của người tiêu dùng, thậm chí có thể tạo thành các trào lưu xã hội.
Nếu xem xét theo cấu trúc thì công nghiệp văn hóa được cấu thành bởi nhiều ngành nghề khác nhau. Trong tiếng Anh, công nghiệp văn hóa mang số nhiều (cultural industries – các ngành công nghiệp văn hóa).
Quan niệm về cơ cấu của công nghiệp văn hóa giữa các quốc gia cũng không đồng nhất. Các nước châu Âu đưa ra 11 lĩnh vực thuộc ngành này, gồm: quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Một số nước châu Á lại chỉ đề cập đến 6 hoặc 7 lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, phát thanh truyền hình, báo chí, xuất bản, in và sản xuất băng đĩa, quảng cáo và dịch vụ giải trí.
Chính vì vậy, việc xác định những tiêu chí của các lĩnh vực được xem là công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết. Trên cơ sở tìm hiểu bản chất của công nghiệp văn hóa, chúng tôi đưa ra 4 tiêu chí để xác định công nghiệp văn hóa, bao gồm:
Thứ nhất, sản xuất ra các sản phẩm văn hóa dựa trên sáng tạo cá nhân và thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại.
Thứ hai, các ngành công nghiệp văn hóa liên quan mật thiết đến sở hữu trí tuệ.
Thứ ba, các sản phẩm công nghiệp văn hóa phải hướng tới phục vụ cho số đông.
Thứ tư, công nghiệp văn hóa gắn với thị trường.
3. Vai trò của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa
Tác động của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế
Ngành công nghiệp văn hóa hiện đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của thế giới. Trước hết, công nghiệp văn hóa được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Nó tác động trực tiếp và có thể định lượng được đối với nền kinh tế của một nước. Công nghiệp văn hóa góp phần tăng trưởng GDP và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Một nghiên cứu thống nhất được thực hiện tại Liên minh châu Âu đã đưa ra kết quả: ngành công nghiệp sáng tạo châu Âu cung cấp 2,6% GDP của EU và cung cấp cấp 5,6 triệu việc làm, tương đương với 3,1% tổng số việc làm của Liên minh châu Âu, cao hơn so với tổng số việc làm mà ngành hóa chất và nhựa công nghiệp (2,3%), công nghiệp thực phẩm (1,9%) mang lại. Công nghiệp sáng tạo tại châu Âu đã tăng trưởng 8,8% mỗi năm kể từ năm 1996 đến 2005, nhanh hơn so với tỷ lệ tăng trưởng của tổng thể nền kinh tế châu Âu. Theo số liệu từ UNCTAD (2008), thành công của EU trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ sáng tạo toàn cầu tăng từ 234,8 tỷ USD năm 2000 lên 445,2 tỷ USD năm 2005, một con số tăng trưởng chưa từng thấy (6).
Trong một nghiên cứu trường hợp tại vùng Albuquer và Bernallio, bang New Mexico (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã kết luận: công nghiệp văn hóa đóng vai trò trụ cột kinh tế của khu vực này. Doanh thu của ngành này lên tới 1,2 tỷ USD, tạo 19.500 việc làm, tương đương 6% công ăn việc làm của vùng với 413 triệu USD tiền lương (7).
Thậm chí, ngay cả khi kinh tế toàn cầu lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái thì một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa vẫn tăng trưởng khá như công nghiệp biểu diễn, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp phát thanh truyền hình…
Cùng với điện ảnh, lĩnh vực báo chí xuất bản, gồm truyền thanh, truyền hình và các ấn bản báo, tạp chí, cũng đang được cấu trúc lại theo nguyên lý của nhà máy – một thiết chế đặc thù của xã hội công nghiệp. Tác động của nhân tố kỹ thuật và công nghiệp cùng với quá trình đổi mới nhận thức về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang làm thay đổi chiến lược đầu tư phát triển của nhiều quốc gia. Thu nhập từ xuất khẩu điện ảnh của Hàn Quốc đứng thứ tư thế giới sau Mỹ, Pháp, Anh, Nhật. Phim truyền hình nhiều tập và điện ảnh của Trung Quốc đang trỗi dậy và xâm nhập mạnh vào khu vực châu Á và các nước phương Tây.
Rõ ràng, công nghiệp văn hóa đang ngày càng khẳng định rõ vai trò đối với nền kinh tế quốc dân của nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, nó đã khiến một số quốc gia phải thay đổi chiến lược phát triển kinh tế của mình, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế trụ cột của quốc gia.
Tác động của công nghiệp văn hóa tới sự phát triển xã hội
Các sản phẩm của công nghiệp văn hóa hướng tới phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân. Vì vậy, ngành công nghiệp văn hóa có tác động sâu rộng tới sự phát triển xã hội trên nhiều phương diện.
Với tư cách là một sản phẩm văn hóa, các sản phẩm của công nghiệp văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của người tiêu dùng.
Tác động của công nghiệp văn hóa đối với xã hội có thể diễn ra theo hai chiều hướng. Nếu những sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa có nội dung giàu tính nhân văn thì nó có khả năng vun đắp những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp ở người tiêu dùng, xây dựng những lối sống lành mạnh. Một cuốn sách hay, một thước phim đẹp… có sức mạnh cảm hóa và thức tỉnh nhân tâm hơn bất cứ một bài giảng đạo đức giáo điều nào. Nhưng ngược lại, nếu đó là những sản phẩm có nội dung độc hại như kích thích bạo lực, tuyên truyền cho lối sống sa đọa thì nó sẽ gây ra những hậu họa khôn lường. Theo kết quả của nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến các vụ phạm tội trong giới trẻ gia tăng là do bị ảnh hưởng bởi các trò chơi điện tử, các thước phim kích động bạo lực, tình dục.
Công nghiệp văn hóa có thể tạo ra một xu hướng, một trào lưu trong xã hội. Điện ảnh Hàn Quốc sau khi xâm nhập vào các nước châu Á đã tạo ra những làn sóng thời trang, lối sống ở các nước này. Giới trẻ ở nhiều nước như Nhật Bản, Việt Nam,… ăn mặc, trang điểm, cư xử giống như những diễn viên Hàn Quốc. Tương tự như vậy, truyện tranh manga Nhật Bản phát hành ở một số quốc gia ngoài Nhật Bản đã tạo ra trào lưu ăn mặc, trang điểm rất ấn tượng, giống như các nhân vật trong truyện.
Công nghiệp văn hóa góp phần nâng cao dân trí. Những sản phẩm của công nghiệp văn hóa mang trong mình các chức năng của văn hóa như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí… Với sự trợ giúp của công nghệ, kỹ thuật, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa là rất lớn. Mạng internet trở thành công cụ hữu hiệu để khai thác nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ của nhân loại. Các sản phẩm của công nghiệp văn hóa hỗ trợ cho giáo án của giáo viên, cho chương trình đào tạo tại trường học, đóng góp cho sự thành công của giáo dục. Thậm chí, đối với một số hình thức giáo dục hiện nay như đào tạo từ xa, trực tuyến… thì không thể thiếu sự tham gia của các sản phẩm công nghiệp văn hóa như sách điện tử, mạng internet… Có thể nói, ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người.
Ngành công nghiệp văn hóa còn góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Hiện nay, có một thực tế là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp hơn các vùng đô thị, do những điều kiện khách quan và chủ quan, nhiều người không có cơ hội đến trường hoặc theo đuổi những bậc học cao. Trong trường hợp này, việc sử dụng những sản phẩm công nghiệp văn hóa là một kênh hữu hiệu để phổ biến kiến thức. Từ những kiến thức đời sống thường nhật đến kỹ thuật canh tác, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến pháp luật của Nhà nước,… dễ dàng đến với bà con thông qua các chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng internet…
Tác động của công nghiệp văn hóa trong việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân và phát triển nền văn hóa quốc gia
Sản phẩm công nghiệp văn hóa thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú của mọi tầng lớp nhân dân. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được hình thành nhờ những sáng tạo cá nhân nhưng lại được sản xuất hàng loạt nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật. Chính vì thế, mức phổ biến, ảnh hưởng của nó rất rộng. Không chỉ có giới trẻ mới hứng thú với các sản phẩm công nghiệp văn hóa mà có thể nói, mọi tầng lớp dân cư đều có nhu cầu hưởng thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Để tìm kiếm lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghiệp văn hóa, các nhà sản xuất cũng phải tìm hiểu thị trường, đánh giá nhu cầu thực tế của mọi tầng lớp dân cư (giống như việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp khác) và họ có những sản phẩm phù hợp với mọi loại đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Thêm vào đó, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, sản phẩm công nghiệp văn hóa làm được những điều mà các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống không thể làm được.
Các sản phẩm công nghiệp văn hóa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Để quảng bá thương hiệu quốc gia, các nhà kinh doanh đã sử dụng công nghiệp văn hóa như một kênh quan trọng. Đây chính là kinh nghiệm thành công của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Văn hóa của mỗi quốc gia được phản ánh trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Khi ra khỏi biên giới lãnh thổ, các sản phẩm công nghiệp văn hóa trở thành các đại sứ văn hóa dân tộc. Nếu đó là các sản phẩm văn hóa được trau chuốt cả về nội dung và hình thức, nó sẽ giúp quảng bá hình ảnh văn hóa quốc gia, dân tộc với bạn bè quốc tế, từ đó tạo ra những cơ hội mới trong hợp tác, đầu tư.
Ở Việt Nam, để hoàn thành mục tiêu chiến lược là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bên cạnh việc bảo tồn, duy trì những giá trị truyền thống cần đẩy mạnh việc khuyến khích sáng tạo những giá trị văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của các tầng lớp nhân dân. Việc tập trung vào xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa, tạo động lực cho nó phát triển để có thể vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, là vấn đề cơ bản, có ý nghĩa chiến lược của văn hóa Việt Nam. Muốn vậy, vấn đề lớn đặt ra là Nhà nước phải có chiến lược bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa để nó có thể tồn tại và phát triển được trong xu thế toàn cầu hóa. Đây chính là cơ sở để hình thành, bảo tồn, giữ gìn, và phát huy các giữ trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc và bản lĩnh văn hóa của dân tộc, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa.
_______________
1. Thông tin trên unesco.org
2. Theo wikipedia.org
3. Theo cnci.gov.cn
4. Nguyễn Tri Nguyên, Văn hóa, tiếp cận lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
5. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta, Tạp chí Cộng sản, số 1, tháng 1-2006.
6. Micheal Todd, Harnessing creative industries to support development, 2010. Nguồn: manchester.ac.uk/bwpi
7. Dr. Jeffrey Mitchell, The economic importance of Arts and Cultural Industry in Albuquer and Bernallio County (New Mexico USA), 8-2007.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013
Tác giả : Vũ Phương Hậu
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai