Tác động của kinh tế thị trường đến thực hành nghi lễ lên đồng ở đồng bằng bắc bộ (p1)


 

         Kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội và đời sống kinh tế của con người Việt Nam. Lối sống, cách tư duy của người Việt Nam cũng đã dần thay đổi theo hướng có lợi cho chủ thể. Việc thực hành các nghi lễ tôn giáo trong đó có nghi lễ lên đồng cũng đã và đang có nhiều điều chỉnh tự nhiên theo khuynh hướng KTTT. Các điện thờ, từ công tới riêng, thậm chí ngay các chủ lễ cũng đã và đang tư duy theo hướng dịch vụ tâm linh hơn là thực hành nghi thức tôn giáo nhằm mục đích cứu sinh thông thường. Bài viết này là một phản hồi về những hiện tượng như vậy đang diễn ra tại đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB).

1. KTTT và những nội hàm cơ bản

Nói đến KTTT là nói đến một nền kinh tế được xác định bởi các thị trường tự do. Trên thực tế, thị trường được xác định bởi sự sắp xếp mà thông qua đó người mua và người bán có tiềm năng gặp nhau để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Thị trường cũng có thể là một chợ của những người nông dân hoặc là một khu vực địa lý rộng hơn, một cộng đồng địa phương, một đất nước, hoặc với một số mặt hàng nhất định (vàng, tiền tệ) thì thị trường lại là cả thế giới. Trong nền KTTT, tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa thường là sở hữu tư nhân, người mua và người bán đều có sự tự do kinh tế rất lớn, thông qua những hệ thống giao dịch khác nhau, sẽ phát những tín hiệu để điều chỉnh lượng cung và cầu. Thị trường còn là nơi thể hiện được các quyết định của các hộ gia đình về tiêu thụ, thay đổi hàng hóa, cũng như quyết định của các nhà sản xuất, các hãng sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, cộng với yếu tố thứ ba là quyết định của người lao động. Tất cả những yếu tố đó là mấu chốt cơ bản để làm nên giá thành sản phẩm và điều chỉnh các quan hệ cung cầu. Vì vậy “thị trường là sự sắp xếp mà thông qua đó giá cả sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố nguồn lực khan hiếm gồm lao động, đất đai và vốn”(1). Nói cách khác, “nền KTTT là một mô hình trao đổi kinh tế dựa trên giá trị của hàng hóa và dịch vụ được xác định bởi cung và cầu của những hàng hóa đó”(2). Để xác định một nền KTTT phải thông qua ba quy luật kinh tế cơ bản: quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh quy luật cung cầu.

2. KTTT và những tác động vào cơ cấu tổ chức bản hội của những người thực hành nghi lễ lên đồng

Trong đời sống xã hội, các căn đồng hình thành một mạng lưới quan hệ xã hội với nhiều thành viên khác nhau mà hạt nhân ban đầu là đồng thày, được gọi là bản hội. Quá trình tìm hiểu cấu trúc, sự điều tiết của các bản hội cho thấy quy luật cạnh tranh của KTTT thể hiện rất rõ trong việc hình thành và phát triển mạng lưới xã hội này. Bằng việc thiết lập nên một mạng lưới quan hệ cho riêng mình, các đồng thày tạo ra một tập hợp các thành viên gồm những cá nhân có khả năng đảm nhiệm các phần việc khác nhau: cung văn (phục vụ âm nhạc), hầu dâng (dâng khăn áo khi hành lễ), con nhang đệ tử giúp việc chuẩn bị (bày biện trang trí điện thờ, lo cơm nước, mua sắm lễ lộc), những người này sẽ là những thành viên đầu tiên của bản hội. Số lượng các thành viên này sẽ gia tăng theo thời gian đồng thày hành nghề. Lúc đầu đồng thày chỉ có 1 – 2 địa chỉ làm mã, cung văn, hành nghề càng lâu năm, càng nhiều kinh nghiệm, có uy tín thì số lượng người theo lễ càng đông. Quan hệ giữa đồng thày với nhau cũng bổ sung thêm cung văn mới với những đẳng cấp khác nhau để huy động vào các cuộc lễ với quy mô khác nhau: cung văn hạng thường sử dụng cho những cuộc lễ quy mô nhỏ, cung văn có danh hiệu (thường là các nghệ sĩ được đào tạo) phục vụ những canh hầu có quy mô lớn. Trong bản hội không giới hạn về số lượng, có thể có tới vài ba chục, cũng có khi tới hàng trăm thành viên.

Các thành viên trong bản hội có mối liên hệ khá mật thiết với nhau tạo nên một mạng lưới các quan hệ xã hội có cấu trúc giống như những mạng lưới xã hội (3).

Bên cạnh các yếu tố mang tính đặc trưng của một mạng lưới xã hội như niềm tin, sự hỗ tương nhu cầu cộng cảm, mạng xã hội của những căn đồng còn có những yếu tố có tính chất đặc thù như: các mối quan hệ là không bình đẳng: quan hệ trên dưới (đồng thày – con nhang đệ tử); quan hệ hàng ngang (các con nhang đệ tử với nhau); tính mở cũng là một đặc điểm nổi bật của các mạng lưới xã hội này: những thành viên trong bản hội có thể tham gia với bản hội (mạng) khác, phổ biến là các hầu dâng và cung văn. Sự liên tục gia tăng các thành viên mới và mất đi các thành viên cũ phụ thuộc vào tài năng tổ chức bản hội và phát triển mạng lưới của các đồng thày. Đây cũng là biểu hiện của tính cạnh tranh giữa các bản hội. Để tăng tính cạnh tranh, nhiều đồng thày sẵn sàng bỏ tiền làm lễ cho những con nhang nghèo khó, làm tăng cường uy tín và quảng bá cho tính hào hiệp của các đồng thày, khiến danh tiếng lan xa, con nhang kéo về càng nhiều.

Để gia tăng tính cạnh tranh, các đồng thày điện công cũng như điện tư còn thể hiện khá nhiều các tài năng khác nhau nhằm mục đích tôn vinh và gia tăng tính thiêng cho bản điện. Một trong những kỹ năng đó là việc làm thiêng hóa di tích cũng như thể hiện tài năng thông linh trong vai trò trung gian đồng – thần mà làm mạnh thêm tính thiêng của bản điện.

Câu chuyện về oai linh thánh mẫu khu vực Phủ Dày, bức ảnh lớn về com bướm ngũ sắc đậu trên đầu giá ông Hoàng Bảy, thần Kim Quy về đón vong linh ông thủ nhang Đ (Nam Định), thánh mẫu (dưới dạng mây ngũ sắc) về đón cha của đồng L (Phủ Dày – Nam Định) trong ngày an táng ông cũng là những thao tác như vậy. Những chi tiết này có thể ngẫu nhiên, cũng có thể hoàn toàn cố ý, góp phần làm mạnh thêm tính thiêng của ngôi phủ vốn dĩ đã rất linh thiêng này. Câu chuyện người mặc áo vàng, cầm gươm về quát mắng đồng T để lộ thiên cơ, bát hương tự bốc cháy trên điện tư gia (Định Công – Hà Nội), chuyện nhặt được túi tiền xu, đi lễ chùa Hương cậu cả theo về, thánh báo cho cách làm ăn của đồng H (Bưởi – Hà Nội), đồng H (Trương Định – Hà Nội) có bà già đến nói những điều kỳ lạ; tự nhiên nhặt được pho tượng Phật ở điện của đồng T (Gia Lâm – Hà Nội)… là những mảnh ghép như vậy. Những chi tiết này đều nhằm mục đích hợp lý hóa vai trò người được chọn của các đồng mà thôi. Các thao tác này có thể coi đó là những kỹ thuật thiêng hóa di tích của không chỉ một người, một di tích hay một vùng quê mà đã thành quy luật trong sáng tạo văn hóa tâm linh dân gian. Ngoài việc phải có một điện thờ với đầy đủ nghi trượng cần thiết, thì điều quan trọng là các đồng phải thể hiện mối dây liên hệ của mình với thần thánh tức là thể hiện được vai trò trung gian giữa thần và người trong các lễ thức.

Ngoài ra, để củng cố cho vị trí của mình, và cũng là cách để điện thờ tư được phát triển, các đồng thày cũng rất chăm chỉ tự tìm hiểu và trang bị nhiều kiến thức về phong thủy, âm dương ngũ hành, tử vi đầu số, trường sinh học, tâm linh năng lượng… kết hợp với những tri thức dân gian về chữa bệnh mà làm thành những vốn kiến thức về tâm linh riêng. Đây cũng là những cách thức cơ bản để chinh phục những con nhang đệ tử dễ bị xao động ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Sự cạnh tranh giữa các bản hội còn được hỗ trợ bởi các con nhang đệ tử là thành viên bản hội. Trên thực tế, nếu có cơ hội, các thành viên đều giới thiệu người mới cho đồng thày và bản điện đó, không loại trừ cả việc chê bai đồng A, đồng B mà thiên vị, ca ngợi đồng thày của mình. Từ khía cạnh này các đệ tử của đồng thày cũng có vai trò giống như lực lượng trung gian móc nối giữa đồng thày, điện thánh với thế giới bên ngoài. Bản hội cũng vì thế mà luôn có sự bổ sung thêm các thành viên mới.

 

  

Thuật ngữ đệ tử chỉ chung các thành viên trong bản hội

Sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho mức độ và phạm vi ảnh hưởng của các đồng trong hệ thống mạng cũng rất đa dạng, có trường hợp đồng thày chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi nội bộ của mình, có trường hợp phạm vi ảnh hưởng của đồng thày tỏa rất rộng vượt ra ngoài nội bộ mạng của mình mà vươn tới cả các mạng lưới khác ở trong và ngoài nước (đồng Th, đền Dâu – Hà Nội; đồng D, đồng V Phủ Dày – Nam Định là những trường hợp như thế). Ngày nay, hiện tượng những mối quan hệ tới nhiều vùng miền trong cả nước và quan hệ xuyên quốc gia đã không còn là chuyện mới mẻ với các thành viên trong mạng lưới xã hội của những căn đồng. Có thể mô phỏng sự liên kết, phát triển của hệ thống mạng này như sau.

 

 

        Toàn bộ các chấm A – B là ký hiệu các điện thờ thánh tại các di tích văn hóa lịch sử; các chấm 1-2-3… ký hiệu các điện tư gia; các chấm còn lại thể hiện các đồng, mối quan hệ của họ với nhau và với các điện thờ.

3. Tác động của KTTT đến nghi lễ lên đồng hầu bóng

Tại khu vực ĐBBB, nghi lễ lên đồng hiện nay được thực hiện dưới 3 hình thức: hầu vui (thực hành nghi lễ để tạ ơn thánh thần, thỏa chí người chủ lễ và cũng là khao đãi bạn đồng); hầu chứng đàn (thực hành nghi lễ để trình đồng cho con nhang đệ tử); hầu trình trầu (thực hành nghi lễ để trình diện đức thánh trong ngày húy, kỵ). Thành phần các hội viên trong mạng lưới xã hội của các căn đồng không còn đóng kín với những người có căn tính đặc biệt nữa mà mở rộng với nhiều cá nhân có căn và không căn; các nghi lễ đã không còn bó hẹp trong một hình thức khô cứng và bắt buộc là hầu đồng để bắt tà, trị bệnh mà rất phổ biến với các hình thức hầu vui. Điều này cho thấy khi chủ thể thực hành nghi lễ đã thay đổi thì bản chất của nghi lễ cũng thay đổi theo. Biểu hiện cụ thể: tính tôn giáo nhập thần cùng với những ma thuật kỳ quái đã dần dần bị thu hẹp (khi đối tượng đồng mở rộng thì không phải ai cũng có thể làm được điều này). Người lên đồng ngày nay do tính chất căn số trở nên phổ biến nên không phải đồng nào cũng có thể tạo nên những trạng thái đột khởi tâm lý tiềm thức khi lên đồng, vì vậy việc sử dụng, thậm chí lạm dụng các chất kích thích như rượu, chất kích thích, trầu cau, lửa, hương, màu sắc và đặc biệt là âm nhạc trong lên đồng hầu bóng để đạt được trạng thái phấn khích là phổ biến. Để thấy rõ hơn bản chất của hiện tượng lên đồng ngày nay và sự thay đổi về mặt bản chất cần phải chia chủ thể thành hai đối tượng: lên đồng ở những cá nhân có đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt, nghĩa là khi lên đồng họ hoàn toàn không biết gì (đồng mê) và lên đồng ở những cá nhân tự nhận mình có căn đồng (đồng tỉnh)

Lên đồng ở những cá nhân có đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt

Lên đồng ở dạng này là khi lên đồng chủ thể huy động được những trạng thái khác thường của cơ thể, chính những đối tượng này mới là căn đồng theo quan niệm của dân gian xưa. Những người lên đồng dạng này ở những thời điểm nhất định nào đó trong môi trường thực hành nghi lễ, nhờ trạng thái phấn khích đặc biệt của tâm lý mà huy động được những tiềm năng tiềm ẩn trong con người, do vậy họ có thể làm được những hành động khác thường: khai mở một số huyệt đạo cơ thể mà đạt được trạng thái xung động mạnh mẽ về tâm lý, ý thức. Cơ chế này khiến cho các đồng rơi vào trạng thái ngẫu nhiên mà cảm nhận được từ trường của vũ trụ (khi đó họ rơi vào trạng thái hư giác, ảo giác) hoặc huy động được khả năng tâm linh. Không ngoại trừ họ còn có những bí quyết riêng về thuật chữa bệnh tâm căn, thôi miên. Sự thực này khiến lên đồng có tác dụng trị liệu và làm khỏi tạm thời hay hoàn toàn một số chứng bệnh tâm thần thể nhẹ hoặc rối loạn cảm xúc. Những đồng dạng này gọi là đồng mê (trong lúc lên đồng họ hoàn toàn mất tri giác, ý thức). Cũng cần phải nhấn mạnh những đồng này ngày nay rất hiếm gặp và nếu có chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu. Trong những nghi lễ do các đồng này thực hành thì yếu tố trang phục, cung văn chỉ là thứ yếu mà yếu tố tâm lý là nền tảng căn bản kết hợp với những thuật thôi miên, khả năng tự ám thị mà họ có thể điều chỉnh trạng thái ý thức làm chuyển biến nội tâm khiến họ trở nên mất tri giác. Từ đặc tính này của lên đồng mê và trạng thái tâm lý của các đồng mê khi hành lễ, nên khi chứng kiến những nghi lễ lên đồng này, ở phương diện ứng xử, các đệ tử cũng bị chi phối nhiều hơn, thành kính hơn, thực hành nghi lễ lên đồng vì thế mang màu đậm màu sắc tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế đây có phải là hiện tượng thần nhập, hoặc linh hồn nhập thực sự hay không vẫn chưa thể có những kết luận chính xác, một phần do khoa học chưa thể kiểm chứng, cũng như bản thân tác giả còn cần thêm thông tin và sẽ bàn đến hiện tượng này ở một chủ đề khác.

Lên đồng ở những người tự nhận hoặc được cho là có căn số

Những đồng này hiện nay chiếm số lượng khá đông đảo. Họ không phải là người có căn tính đặc biệt theo đúng nghĩa, vì những lý do tâm lý như bị stress, bạn bè rủ rê, hoặc đi xem lễ thấy thích, tò mò mà tham gia nghi lễ. Số khác do làm ăn buôn bán có tâm lý rằng có thờ có thiêng…; hoặc do cuộc sống gặp những trục trặc, họ đi xem bói và bị các thày đồng, thầy bói gieo nỗi lo, lòng nghi ngờ vì căn quả mà đến với nghi lễ này. Không loại trừ có cá nhân đến với lên đồng còn vì tìm thấy ở nghi lễ lối thoát cho cuộc sống tinh thần, vật chất của cá nhân, gia đình. Nhất là trong bối cảnh cơ chế thông thoáng của xã hội trong nhìn nhận về hiện tượng lên đồng, cũng là những tiền đề cho nhiều nhóm người trong xã hội hiện đại đến với lên đồng hầu bóng. Cố nhiên, cách thuận nhất để hợp thức hóa chuyện trình đồng bao giờ họ cũng được tư vấn hoặc tự cho mình là có căn đồng mà gia nhập vào đội ngũ các đồng. Với những đối tượng này, lên đồng không phải để thần nhập mà để thỏa mãn nguyện vọng, mục đích cá nhân. Đây là những dạng thức lên đồng mà chúng ta gặp phổ biến hiện nay, đặc biệt ở đội ngũ đồng gia nhập đồng trình lính từ sau 1986. Họ cũng là những cá nhân nhạy cảm, trong cuộc sống cũng có những trục trặc và tổn thương, nhưng do lý trí yếu, thiếu kiến thức, lại không được tư vấn một cách khoa học (4), kết hợp với niềm tin tôn giáo mơ hồ đã khiến họ tìm đến với nghi lễ lên đồng. Chưa kể đến một số có những biểu hiện tâm lý lệch chuẩn, họ kiếm tìm sự giải tỏa, cân bằng tâm sinh lý (một việc đáng lẽ thuộc về chức năng của các bác sĩ tâm lý, song ở ĐBBB các thày đồng lại đang đảm nhiệm). Trong số những đồng này, còn có những người đến với lên đồng, coi lên đồng như một phương tiện của hoạt động kiếm sống, thậm chí làm giàu.

Tư liệu phỏng vấn sâu các đồng ở hai bản hội (Nam Định và Hà Nội) cho biết: trước và sau nghi lễ họ đều có sự thay đổi tâm sinh lý, tâm linh, cho thấy việc lên đồng không chỉ là kỳ vọng để thần nhập (thực hiện mục đích tôn giáo), mà chủ yếu là tạo ra môi trường gây hưng phấn và kích thích cho cơ thể chiếm lĩnh được cảm giác phóng thích, thăng hoa mà đạt đến trạng thái xúc cảm ở trường độ cao. Nhờ tác dụng của âm nhạc có tính chất tạo đà đẩy cảm xúc lên cao, tình trạng này khi đạt được cũng tạo nên những hiệu quả đặc biệt cho cơ chế thần kinh: làm thư giãn, cân bằng, giải tỏa stress, đôi khi còn có tác dụng giải tỏa những ẩn ức cá nhân. Sự hiện diện của các biểu tượng (khăn áo, hương lửa…) có vai trò làm tăng thêm ý nghĩa tôn giáo cho nghi lễ, song vai trò tích cực của nó là việc tạo đà, đẩy cảm xúc của chủ thể lên cao tạo ra trạng thái lâng lâng, ngây ngất… Ở đây lên đồng hiện đại mang một tác dụng tích cực: vì xúc cảm đươc khai mở, được phát triển xung mãn mà có tác dụng cân bằng lại trạng thái tâm lý sau mỗi canh hầu từ đó giúp các tâm bệnh thoát khỏi sự ràng buộc của các bệnh lý về thần kinh: đau đầu, mệt mỏi kéo dài. Từ góc độ này Nguyễn Kim Hiền đã tiếp cận với hầu đồng như một “sinh hoạt văn hóa tâm linh mang tính trị liệu” tâm bệnh (5), thậm chí còn coi lên đồng như một dạng thức, phương pháp của chữa bệnh tâm lý. Có lẽ xuất phát từ tác dụng này mà trong lên đồng hiện nay có khái niệm hầu vui, một hình thức thực hành nghi lễ để thỏa mãn cái tôi bản ngã và cái tôi tâm linh của chủ thể, thậm chí là để thực hiện mục đích nào đó. Lên đồng ở dạng này thực chất chỉ là vấn đề đóng thế, các căn đồng đóng vai thần linh để giải quyết việc cuộc đời. Như vậy, lên đồng ngày nay chỉ là một dạng biến thể của lên đồng xa xưa, một dạng của lên đồng nói chung, “một dạng muộn”(6). Biểu hiện của tính biến thể ở chỗ:

Thần điện hết sức đa dạng (từ thánh mẫu, đến đức thánh Trần, các ông hoàng, bà chúa, các cô, cậu đến các vị nhân thần, thiên thần mang lý lịch vùng miền địa phương…). Sự đa dạng này xuất phát từ chỗ pha trộn/ hỗn dung với nhiều yếu tố của các tín ngưỡng khác như tục thờ nữ thần, thờ cúng tổ tiên, thờ người có công với nước… vì thế khi lên đồng chủ thể cũng phải lên/ nhập/ ốp rất nhiều giá đồng. Trong những lần phỏng vấn sâu các cung văn lâu năm ở Phủ Dày, tác giả được biết “ngày nay các đồng ở nhiều địa phương còn lên đồng những giá thần linh địa phương rất lạ, làm các cung văn không ít lúng túng khi hát thỉnh mời hoặc ngợi ca công tích”.

Khi lên đồng các đồng hầu hết là tỉnh chứ không mê. Tư liệu thực địa, quan sát tham dự và phỏng vấn sâu các đồng ở ĐBBB cho biết khi lên đồng họ hoàn toàn tỉnh táo. Việc nhận biết các đối tượng thân sơ, hay biết rất rõ mình đang làm gì là có thật ở các chủ thể. Giải thích cho tình trạng tỉnh táo này, các đồng khẳng định họ “chỉ hầu cái bóng của thần linh thôi” hoặc “thánh có chiếu, nhập thì chỉ một li một lai”. Các đồng cao tuổi cũng cho biết “đại bộ phận ngày nay các ông, bà đồng hầu là hầu bóng (đồng tỉnh) còn hầu mê thì rất ít người làm được”.

Trong lên đồng ngày nay vai trò thày pháp đã hoàn toàn thay đổi. Nếu như lên đồng xa xưa thì pháp sư (sư công – người dẫn dắt) có chức năng cùng với cung văn dẫn dụ, thôi miên cho căn đồng và múa biểu diễn phục vụ cho thần (khi đồng nhập), ngày nay pháp sư đơn giản chỉ là đóng vai trò thày cúng tụng kinh thỉnh phật, thỉnh thánh trước khi căn đồng vào ngồi đồng. Chức năng biểu diễn của pháp sư cũng chuyển sang cho căn đồng. Nhận định về hiện tương này, Nguyễn Duy Hinh cho rằng “họ giống các vũ công phục vụ mua vui các thần hơn là các con đồng”(7). Chi tiết này cho thấy trong lên đồng ngày nay các đồng lên đồng không phải nhằm mục đích để đạt tới trạng thái mê man cho thần (hồn) dựa mà các đồng lên đồng để giải quyết chính nhu cầu được tự do phóng thích cảm xúc và giải tỏa bản ngã cá nhân của mình, số khác vào vai thật đạt mà giải quyết những mục đích ẩn đằng sau nghi lễ.

Từ thực tế đó có thể nhận xét, lên đồng hiện nay ở NĐ, Thái Bình, HN và nhiều nơi khác ở ĐBBB là một dạng của thực hành vũ đạo tôn giáo chứ không phải là lên đồng thật. Đây cũng là điểm đặc biệt trong lên đồng ở người Việt ĐBBB hiện nay: vai trò vũ công được đồng nhất với con đồng. Tức là khi lên đồng, các đồng đảm nhiệm vai trò kép: vừa là “thần” vừa là vũ công. Điều này được thể hiện ngay trong các quan niệm dân gian hiện nay về cách gọi các căn đồng khi thực hành nghi lễ: là ghế (cho thần linh ngự vào), là “thần” – phần hồn trong thể xác các căn đồng và thể hiện ra bằng các bộ trang phục (một cách thể hiện biểu tượng), vừa là vũ công phục vụ thần. Có thể nói, riêng ở chi tiết này lên đồng ngày nay của người Việt ở ĐBBB khác hẳn với sự thể hiện khi lên đồng ở các Tát Mãn, các Tiên đồng (Trung Quốc), các thày pháp Shaman ở Siberie, Madagasca hay các thày pháp của người Eskimo, thậm chí xa lạ ngay chính với lên đồng cổ xưa của người Việt. Theo Nguyễn Duy Hinh (8) thì vốn “con đồng xưa chỉ huơ tay và phán truyền chứ không múa thành vũ điệu”(9).

Tóm lại, lên đồng ngày này không phải chỉ vì mục đích để thông linh với vũ trụ hay với linh hồn người đã khuất, thậm chí bản thân họ cũng không có nhiều người có khả năng để thông linh với vũ trụ hoặc linh hồn mà họ chỉ có thể vào vai thánh thần, tự đồng nhất mình với thánh thần. Tuy nhiên, do được thực hiện trong một không gian thiêng, kết hợp với những ý niệm thiêng liêng và niềm tin vào thần, thánh nên lên đồng hiện đại ngày nay vẫn mang màu sắc tôn giáo.

(còn nữa)

_______________

1, 2, 6, 7, 8. Nguyễn Duy Hinh, Môt số bài viết về tôn giáo học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.31, 861, 873.

3. Mng xã hi ca nhng căn đồng, Tp chí Nghiên cu con người, số 3-2009.

4. Người Việt Nam thường có thói quen gặp trục trặc là đi tìm thầy bói chứ không tìm thầy trị liệu tâm lý.

5. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Đạo mẫu và các hình thức saman trong các tộc người ở Việt Nam & châu Á, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.350.

9. Một bà đồng ở Nam Định cũng đã từng xác nhận với tác giả về điều này. Bà cho rằng lên đồng/ hầu đồng hiện nay đều chỉ là hầu vui, hầu để thỏa nguyện tâm linh của mình mà thôi, chứ không phải hầu đồng (lên đồng) như ngày trứơc chồng bà làm đượcc đấy là xiên lình, nuốt lửa… và bà cũng xác nhận khi hầu bà hoàn toàn tỉnh và vẫn nhận ra tác giả và con cháu ngồi ở phía dưới.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013

Tác giả : Nguyễn Ngọc Mai

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *