Lược khảo hệ giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc lào

Văn hóa là tổng thể những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người tạo ra; là bản chất người tồn tại trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và chính bản thân họ; được biểu hiện như hệ giá trị nhân văn đánh dấu trình độ phát triển bản chất người ấy trong lịch sử và chi phối trở lại đời sống cộng đồng, mà đỉnh điểm của nó là trí tuệ được kết tinh từ quá trình tư duy của con người. Bản chất cốt lõi của văn hóa là dấu ấn sáng tạo và nhân văn của mỗi cộng đồng theo tiêu chí chân, thiện, mỹ. Khái niệm mang tính định hướng này là cơ sở tiếp cận sự phát triển văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào từ chiều sâu lịch sử.

Hệ giá trị văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào là tổng hòa những thành tựu con người đạt được, thể hiện trình độ phát triển nhân tính theo tiêu chí chân, thiện, mỹ của cộng đồng. Đó là các giá trị văn hóa biểu hiện thông qua hệ tư tưởng khoa học; hệ chuẩn mực, cách thức ứng xử, giao tiếp; phong tục, thói quen sinh sống; hình thái sinh hoạt vật chất và tinh thần… có tính khuôn mẫu, đánh dấu trình độ hoàn thiện bản chất người, được trao truyền, gọt giũa qua các thế hệ. Giá trị văn hóa truyền thống không chỉ khẳng định bản sắc riêng của cộng đồng mà còn là gốc nền bền vững cho sự phát triển hướng tới tương lai.

1. Văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào được hình thành tất yếu trên cơ sở những nhân tố hợp thành đời sống xã hội của một cộng đồng có bề dày lịch sử

Về địa – văn hóa: Địa hình của đất nước Lào mang tính đa dạng và hiểm trở: phía Bắc là vùng đồi núi, phía Tây là vùng đồng bằng xen với đồi núi, miền Trung và phía Nam là vùng cao nguyên. Khí hậu có sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc, được chia thành mùa mưa (từ tháng 5 tới tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 tới tháng 4). Lào có lắm núi nhiều rừng, với dãy núi dài nhất là Xải Phu Luông (Trường Sơn), núi cao nhất là Bía Xiêng Khoảng (2.817m), cùng những cao nguyên nổi tiếng: Cánh đồng Chum, khu du lịch của tỉnh Hua Phăn, tỉnh Luang Phạ Bang… Những đồng bằng lớn là Viêng Chăn, Sạ Văn Nhạ Khết và Chăm Pa Sắc. Hệ thống sông, suối, ngòi chằng chịt, lớn nhất và dài nhất là Mê Kông chạy dọc đất nước từ Nhọt U tới Li Phi (dài 235 km), tưới nước và bồi đắp phù sa cho 3 đồng bằng. Điều kiện địa lý ấy là cái gốc nền làm nảy sinh nền văn hóa cổ truyền hết sức phong phú và đa dạng của đất nước và con người Lào với nhiều vùng văn hóa mang bản sắc riêng.

Về sử – văn hóa: Vào TK XIV, vua Phá Ngum (Chấu Phá Ngum) thống nhất đất nước Lào từ các tiểu quốc, đặt tên là Lán Xạng, có nghĩa là đất nước triệu voi lông trắng. Sử – văn hóa Lào gắn liền với sự nghiệp dựng nước đi đôi với giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vừa tập trung phản ánh vừa là động lực tinh thần lớn lao của lịch sử dựng nước và giữ nước ấy. Đặc biệt, xuyên suốt từ năm 1893 khi đất nước Lào rơi vào ách đô hộ ngoại bang, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã diễn ra một cách bền bỉ, trường kỳ và mang lại những thành tựu vĩ đại: tuyên bố độc lập vào năm 1945; ký kết Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc vào năm 1973; thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày 2 – 12 – 1975. Theo đó, văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào tập trung phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân.

Về kinh tế – văn hóa: Được thiên nhiên ưu đãi, Lào có nguồn tài nguyên khá dồi dào và phong phú; có hệ thống sông ngòi giàu thủy sản và phù sa, có rừng với nhiều gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, pơ mu… và nhiều động vật quý hiếm như voi, hổ, trâu rừng, bò, báo, gấu… Đồng thời phải nói đến bàn tay cần cù, khéo léo và khối óc sáng tạo của con người Lào mà nhờ đó, ba đồng bằng trở thành ba vựa lúa phì nhiêu, các cao nguyên trở thành vùng đồi xanh ngút ngàn đủ thứ cây trồng công nghiệp: cà phê, chè, cao su, cây ăn quả… Nền văn minh nông nghiệp lúa nước là đặc trưng của kinh tế – văn hóa Lào cổ, kết hợp với nông nghiệp lúa khô trên nương rẫy và ngư nghiệp, lâm nghiệp, nghề thủ công một cách tương đối ngang bằng. Phản ánh nền tảng kinh tế, văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào không hướng đến những sự khám phá vĩ đại mà luôn gắn liền với tinh thần nhân văn. Tuy nhiên, lịch sử kinh tế không có những bước nhảy vọt đột biến, do vậy nền văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào cũng tiến triển một cách bình ổn, tiệm tiến, dần dần.

Về chính trị – văn hóa: Do là phương diện phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nên cách ứng xử chính trị – văn hóa một mặt gắn với nhu cầu định hình đại cộng đồng, mặt khác duy trì quyền dân chủ rất rộng của các bộ tộc. Điều đó được ghi lại qua các bộ sử thi độc đáo như Chăm Pa Xi Tốn, Phụt Thạ Sển, Nang Tăn Tay…, cùng các công trình kiến trúc cổ như Thạt Luông Viêng Chăn, chùa Phạ Kéo, chùa Si Sạ Kết, chùa Ông Tứ… Lào là quốc gia đất không rộng, người không đông nhưng có truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm và đoàn kết sát cánh với nhân dân Việt Nam, Campuchia đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược cùng tay sai phản động. Trong thế ứng xử với các nền văn hóa lớn, văn hóa Lào vẫn giữ được bản sắc dân tộc độc đáo và không ngừng phát triển. Đặc biệt, tình đoàn kết giữa hai dân tộc, hai nền văn hóa Lào và Việt Nam vốn có lịch sử từ lâu đời, trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung cũng như trong kề vai sát cánh, chung sức chung lòng, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa để xây dựng cuộc sống, đã hình thành nên nét đẹp văn hóa chính trị hết sức độc đáo, có một không hai trên thế giới.

Về xã hội – văn hóa: Lào là một quốc gia đa tộc người với 49 bộ tộc, xếp thành 4 nhóm ngôn ngữ: Nhóm Lào – Tay gồm 8 bộ tộc Lào, Tay, Thái, Lứ, Nhuộn, Nhắng, Xach và Thái Nưa. Nhóm Môn – Khạ Me (khom) gồm 32 bộ tộc Cưm Mụ, Pray, Xinh Mun, Phóng, Then, Ơ Đu, Bít, La Mêt, Xam Tao, Ca Tang, Mạ Cong, Tri, Y Ru, Ta Riêng, Ta Ôi, Giẹ, Brau, CaTu, A Răc, Ôi, Ca Riêng, Cheeng, SaĐang, Xuôi, Nhạ Hơn, LaVi, Pa Cô, KhơMe, Túm, Nguan, Moi, Cri. Nhóm Mống – Eu Miến gồm 2 bộ tộc H Mống và Eu Miến. Nhóm Chin – Ti Bệt gồm 7 bộ tộc A Khan, Phu Nói, La Hu, La Si, Ha Nhi, Lô Lô, Hó. Tuy có lối sống, vị thế xã hội, phong tục tập quán, cách thức ăn, ở, mặc… khác nhau nhưng các bộ tộc đều yêu nước, hòa đồng, chung sức, chung lòng, bình đẳng, nhân ái, trung thành với các nhà lãnh đạo. Đặc biệt, nói đến văn hóa Lào thường nói đến văn hóa Phật giáo, du nhập vào Lào từ đời Chấu Phá Ngum và dần dần trở thành quốc giáo. Tuyệt đại đa số dân Lào theo đạo Phật bởi hợp với truyền thống nhân ái và bao dung, ít kỳ thị của người Lào. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, ý thức thế quyền vẫn được coi trọng hơn ý thức thần quyền. Mặt khác, đời sống cộng đồng Lào vẫn mang đậm dấu ấn công xã ở chỗ các tù trưởng, tộc trưởng, trưởng bản vẫn được phục tùng một cách tự nguyện hơn các bậc vua, chúa, quan lại. Đời sống cộng đồng xã hội – văn hóa ấy đã tạo nét riêng trong bản sắc, truyền thống văn hóa các bộ tộc Lào – đó là văn hóa làng bản điển hình, tương tự như văn hóa làng xã của người Việt.

Cơ sở nền gốc từ các hình thái trên đây đã làm nảy sinh và nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào độc đáo mà đa dạng, giàu bản sắc và đậm tính nhân văn. Trên đất nước Lào đã tồn tại một nền văn hóa lâu đời với những nét truyền thống hết sức độc đáo. Đó là văn hóa núi rừng, cao nguyên, văn hóa lúa nước đan xen với văn hóa ngư thủy; lễ đâm trâu đan xen với hội té nước… Đó là nền văn hóa mở nhưng mang tính độc lập cao.

2. Văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào được thể hiện ở hệ giá trị cơ bản

Yêu nước là một trong những giá trị cơ bản nhất của văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào. Người dân Lào thường xem trọng văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, yêu hòa bình và hòa hợp dân tộc…, do vậy mang đậm tâm thức giải phóng dân tộc thóat khỏi kiếp nô lệ cho ngoại bang, giành độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Yêu nước – giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào thể hiện sự sẵn sàng xả thân vì tổ quốc, vì nền độc lập tự do của dân tộc. Những hình tượng đẹp đẽ nhất trong các áng văn thơ và các tác phẩm nghệ thuật Lào là hình tượng nói về lòng yêu nước. Từ truyền thống yêu nước mà nhân dân các bộ tộc Lào cần cù, sáng tạo trong lao động bao nhiêu thì dũng cảm và lạc quan trong đấu tranh bấy nhiêu.

Gắn liền với truyền thống yêu nước là tâm thức cộng đồng dân tộc. Người Lào từ rất sớm đã hướng đến tâm thức đại cộng đồng, mặc dù về cách thức tổ chức đời sống cộng đồng còn mang nặng tính chất bộ tộc. Điều đó được ghi lại ở những di tích lịch sử văn hóa từ nền văn hóa Cự Thạch. Theo truyền thuyết của người Lào, những chiếc chum đá rải rác trên cao nguyên Cánh đồng chum nguyên là hũ đựng rượu khao quân của chủ tướng Tháo Chương (Khun Chương), một vị anh hùng dân tộc của tất cả các bộ tộc Lào cổ. Tâm thức cộng đồng dân tộc cũng được biểu hiện cả trong phong cách sinh hoạt đời thường như yêu hòa bình và hòa hợp dân tộc, tự hào, tự tôn dân tộc, sống tự chủ. Về trí tuệ thì ham hiểu biết, trọng lẽ phải; về đạo đức thì nhân ái, tình nghĩa, thiện tâm, bao dung; về thẩm mỹ thì yêu nghệ thuật, yêu thiên nhiên; về lối sống thì bình dị, phóng khoáng; về hành xử, giao tiếp thì hiếu khách, khiêm tốn, đúng mực… Chính những nét nhân văn ấy góp phần làm nên bản sắc riêng và hình thành hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào.

Lao động cần cù, thông minh, sáng tạo cũng là giá trị lớn của văn hóa truyền thống các bộ tộc Lào. Bằng sức lao động cần cù, trí thông minh và bàn tay khéo léo, nhân dân các bộ tộc Lào đã sáng tạo ra các công trình văn hóa lâu đời và lưu giữ những di sản văn hóa mang đậm nét bản sắc, truyền thống độc đáo đến ngày nay. Ngay ở các nơi có di chỉ đồ đá đã thấy thể hiện bàn tay khéo léo của người Lào cổ trong chế tác công cụ theo những hình dáng nhất định, đầy công phu và loại hình phong phú. Đặc biệt, các công trình kiến trúc điển hình của Lào là chùa và tháp đã thể hiện sự sáng tạo tìm tòi của người thợ thủ công. Nổi tiếng nhất là những pho tượng phật bằng đồng, đá, bạc, gỗ quý… ở các chùa và khu di tích lịch sử văn hóa như chùa Phạ Kéo, chùa Ông Tứ, chùa Si Sạ Kết… ở Viêng Chăn; chùa Ma Nô Lôm, chùa Vị Xụn, chùa Xiêng Thoong… ở Luâng Phạ Băng và nhiều chùa khác. Theo ý kiến của những nhà khảo cổ học, muốn đúc được những pho tượng phật như vậy không những phải có nghệ thuật tạo hình đặc sắc mà còn phải có nền kỹ thuật đồ đồng rất phát triển. Hiện nay, đó là di sản văn hóa Lào được UNESCO công nhận.

Về đời sống văn hóa nghệ thuật, người Lào thuộc bất cứ bộ tộc nào cũng thích thi ca, nên đã tạo nên kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống dồi dào sức sống, với những tác phẩm văn hóa dân gian hết sức phong phú. Các tác phẩm thơ văn dân gian từ lâu đời như San Lựp Bo Sun, Xăng Sin Xay, Phạ Rặc – Phạ Ràm… đều tập trung phản ánh cuộc đấu tranh của cái thiện nhằm chiến thắng cái ác, chống lại sự bất công và tàn bạo, ca ngợi lòng yêu nước, yêu nhân dân, yêu dân tộc của người Lào, ca ngợi những anh hùng dân tộc như Tháo Hùng, Tháo Chương, Khu Khăm, Si Thoong… Các bản làng Lào thanh bình và êm ả cũng là xứ sở của những điệu dân ca tình tứ, mang sắc thái riêng từng vùng, từng miền, từng bộ tộc, nhưng vẫn mang nét âm điệu chung đậm đà của đất nước Lào. Giọng lượn của chàng trai Mông trên rẻo cao ấm áp, thủy chung; giọng tơm của cô
gái Lào Thơng ở cao nguyên Hạ Lào nghe chân thành, tha thiết. Người dân Lào nào
cũng biết hát, lăm, khắp…

Những thuần phong mỹ tục, nét nhân văn mang tính truyền thống đã trở thành giá trị văn hóa của các bộ tộc Lào. Cùng với lòng yêu nước, nét nhân văn nổi bật mang tính truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào là tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức tự tôn dân tộc, lối sống hòa đồng và lòng nhân ái… Người ta thường nói, văn hóa truyền thống của người Lào là văn hóa của đất nước triệu voi, đất nước hoa chăm pa; ở nhà sàn, ăn cơm nếp, thổi khèn, múa lăm vông; phụ nữ mặc váy, búi tóc. Nét nhân văn mang tính truyền thống của các bộ tộc Lào còn thể hiện ở phong tục lễ hội (Hệt Bun), hành lễ hàng tháng (Hịt Xíp Xoong), tục kiêng kỵ (Khoong Xíp Xi). Thời gian chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô, người Lào làm lễ hội mừng năm mới (Bun Pi May); có tục làm lễ buộc chỉ cổ tay (Ba Si Su Khuận) và té nước (Hốt Nắm) mong xua đuổi cái xấu đi cùng năm cũ, để năm mới có tư duy mới, có cái tốt, cái thiện và gặp nhiều may mắn mới… Chính điều này góp phần làm nên bản sắc riêng và hình thành hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào.

Hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào luôn được trân trọng và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới hình thái kho tàng di sản văn hóa truyền thống, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa truyền thống vật thể bao gồm các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, tổ chức ăn ở, đường làng, ngõ phố, hiệu quả lao động sản xuất… Di sản văn hóa truyền thống phi vật thể bao gồm tinh thần, tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị, đạo đức, phong tục, nếp sống văn minh, trình độ dân trí, các loại hình nghệ thuật… Cả những di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể đều được chứa đựng trong cơ sở vật chất văn hóa, trong hoạt động xã hội, trong nhân cách mỗi người, trong các quan hệ cộng đồng…, đều được coi như tế bào sống hợp thành hệ giá trị văn hóa truyền thống của các bộ tộc Lào. Nếu như các chum đá, đĩa, đá, trụ đá… trong di chỉ văn hóa Cự Thạch, Sẳn Kong Phăn và Keo Hỉn Tặng phản ánh quá trình người Lào cổ hòa mình với thiên nhiên để làm chủ thiên nhiên, thì Tháp Luông cao vòi vọi đứng giữa kinh thành Viêng Chăn phản ánh khát vọng độc lập tự do và ý chí vươn lên cùng niềm kiêu hãnh của dân tộc Lào, đất nước Lào.

  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : SẠ VẺNG ĐEN NA MÔN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *