Không gian lịch sử văn hóa quảng yên

Thị xã Quảng Yên là đô thị phía tây nam của tỉnh Quảng Ninh. Vùng đất này tồn tại một không gian lịch sử văn hóa vô cùng đặc biệt. Quá khứ hào hùng, nguồn gốc dân cư đặc biệt, truyền thống văn hóa độc đáo, mang số phận thăng trầm của một đô thị trong lịch sử, đó là những từ định vị cho không gian lịch sử văn hóa Quảng Yên.


Quá khứ hào hùng gắn liền với chiến thắng 2 lần trên sông Bạch Đằng

Vùng đất Quảng Yên gắn liền với chiến thắng vĩ đại 2 lần trên sông Bạch Đằng năm 938 và 1288. Cả 2 trận đánh đều mang tính chiến lược, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Năm 938, Ngô Quyền chống lại quân Nam Hán, huy động quân dân đốn gỗ, đẽo cọc, vót nhọn, bịt sắt, cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Đây là một trận đánh quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, nối lại quốc thống cho dân tộc.

Thời Trần, Quảng Yên là ấp thang mộc của An Sinh Vương Trần Liễu, là nơi đất hiểm nổi tiếng với chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng năm 1288 chống lại quân Nguyên Mông. Trần Hưng Ðạo đã chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông Bạch Ðằng. Các loại gỗ lim, táu đã được đốn ngã từ trên rừng kéo về bờ sông, được đẽo nhọn, cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển làm thành những bãi chông ngầm lớn, kín đáo dưới mặt nước. Chiến thắng vĩ đại này đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đập tan tham vọng xâm lược Đại Việt.

Cho đến nay, dấu tích của chiến trường xưa còn lại rõ nét nhất là các bãi cọc. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều địa điểm như bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa. Đây là những di tích cực kỳ có giá trị. Bên cạnh đó, trong đời sống dân gian Quảng Yên từ lâu luôn tồn tại các tục thờ, truyền thuyết, thần tích, thần phả, ca dao, tục ngữ, văn bia, câu đố… liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng. Hệ thống di sản văn hóa này đã góp phần giúp các thế hệ sau nhận diện đầy đủ chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp chống ngoại xâm của quân dân ta.

Người Thăng Long trong công cuộc khẩn hoang vùng đất Quảng Yên

Thị xã Quảng Yên có hai vùng địa hình chính có diện tích tương đương nhau, ngăn cách bởi sông Chanh, gọi là Hà Bắc, Hà Nam. Trên đất Hà Bắc, từ thời Lý đã có một vài làng quê được gọi chung là trại Yên Hưng. Năm 1147, vua Lý Anh Tông cho dựng hành dinh ở trại Yên Hưng để thực thi sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ vùng cửa ngõ sông nước quan trọng nhất, mở rộng ra toàn bộ các vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt. Trại Yên Hưng vào đầu thời Trần, năm 1237 được vua Trần Thái Tông ban cho An Sinh Vương Trần Liễu để làm ấp thang mộc. Quảng Yên dù sầm uất hơn trước nhưng cơ bản vẫn là vùng đất còn khá thưa dân cư. Sự biến đổi có tính đột biến trong lịch sử dân cư vùng này bắt đầu rõ nét từ TK XV đến TK XIX, gắn với công cuộc khai thác vùng đảo Hà Nam. Trong đó, công cuộc di dân từ Thăng Long đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Đảo Hà Nam của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh xưa kia là một bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng. Khi nước triều lên, cả bãi bồi ngập nước mênh mông, chỉ nổi lên một số đượng đất cao trên triều. Vào đời vua Lê Thái Tông (niên hiệu Thiệu Bình, 1434) đến thời vua Lê Hiến Tông (1498 – 1504), có nhiều nhóm dân cư ở kinh thành Thăng Long, vùng đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình đến vùng đất này quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam trù mật như ngày nay. Những người có công đầu tiên mở đất lập làng được nhân dân trong vùng gọi là tiên công. Các nhóm tiên công khai khẩn Hà Nam năm 1434 theo 2 phương thức: khai canh tập thể, tức nhiều gia đình hợp lại cùng quai đê lấn biển lập làng, ruộng đất chia đều cho từng xuất đinh tham gia khai khẩn, 3 năm đổ chương chia lại ruộng đất; khai canh thủ lĩnh, tức là các tiên công chiêu tập người, chỉ huy họ quai đê lấn biển lập làng.

Trong số các nhóm cư dân khẩn hoang, có 17 vị tiên công là người cùng quê ở phủ Hoài Đức, phía nam thành Thăng Long. Về lý do di cư lập nghiệp từ Thăng Long về vùng đảo Hà Nam, theo gia phả họ Nguyễn Thực, Nguyễn Nghệ thì năm 1434, để xây dựng đất nước, vua Lê Thái Tông tiếp tục mở rộng kinh thành Thăng Long, hạ chiếu khuyến dân dời đi chỗ khác làm ăn sinh sống. 17 vị tiên công đã rủ nhau cùng xuôi thuyền dọc sông Hồng, qua sông Bạch Đằng, đến cửa biển trấn An Bang thì gặp bãi sú vẹt rừng ngập mặn, đã đắp đê, khai khẩn đất hoang lập nên hương ấp đầu tiên. Rồi từ Hà Nam trở về, các tiên công đưa họ hàng cùng gia quyến đi thuyền xuôi dòng sông Hồng, qua sông Luộc về phía vùng biển Hải Phòng ra Quảng Ninh.

Trong quá trình khai phá vùng đất hoang ở đảo Hà Nam, Quảng Yên, người Thăng Long giữ vị trí trung tâm, đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chống giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Trải qua 600 năm, cư dân Quảng Yên vẫn hướng về cội nguồn, bảo lưu khá nguyên vẹn văn hóa cổ truyền của người kinh kỳ.

Truyền thống văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc

Thực tế ở Quảng Yên cho thấy, đến nay, các thuần phong mỹ tục trong lễ nghi, hội hè, tang ma, cưới xin, trong ứng xử với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm thuở xa xưa ở Thăng Long vẫn còn nguyên vẹn tại Hà Nam.

Tuy là vùng quê làng đảo, nhưng Hà Nam còn lưu giữ được tới 130 di tích lịch sử, văn hóa như đình chùa, đền, miếu, nhà thờ tổ các dòng họ, trong đó có 30 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội, văn hóa dân gian, phong tục tập quán của làng Việt cổ liên quan đến các trang sử quốc gia, thành Thăng Long xưa vẫn đang được kế thừa, phát huy. Phong tục tập quán, văn hóa cổ truyền của người Hà Nam mang đậm dấu ấn của dân kinh thành xưa. Đó là tín ngưỡng, hội hè nơi đình trung: lễ minh niên, lễ đại kỳ phước, lễ kỵ ngày sinh, ngày hóa của thành hoàng, lễ chạp tổ, ra cỗ họ ở các từ đường để tri ơn tổ tiên, nhớ về cội nguồn nơi Thăng Long phát tích… Tết cổ truyền, nét xưa của đất Hà thành, các nghi lễ tế tự, các trang phục đoàn tế lộng lẫy như trang phục cung đình, các nghi thức cúng tế trang trọng vẫn được gìn giữ.

Phong Cốc, Yên Đông, Vị Dương là những ngôi đình cổ lớn, đẹp hiếm có của vùng đồng bằng Bắc Bộ về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc. Hiện nay hàng chục dòng họ sinh sống trong cộng đồng hầu hết đều có nhà thờ riêng. Trong đó có 21 nhà thờ được cấp bằng di tích quốc gia.

Đảo Hà Nam là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa , có lễ hội tiên công, lễ hội xuống đồng được duy trì, phát triển đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền. Lễ hội tiên công là một lễ hội rước người, tôn vinh tuổi thọ, là lễ hội lớn nhất trong năm của cư dân Hà Nam. Các cụ ông, cụ bà thượng thọ được rước bằng võng đào, bằng kiệu lên miếu tiên công ở phường Cẩm La vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch để bái yết tổ tiên.

Số phận thăng trầm của một đô thị trong diễn trình lịch sử

Thời phong kiến, đô thị Quảng Yên là một trong số ít những đô thị cổ của Quảng Ninh, vừa là trung tâm thương mại, vừa là thủ phủ của một vùng. Trong một thời gian dài, đây từng là trung tâm chính trị của một vùng đất rộng lớn từ Móng Cái đến sông Bạch Đằng.

Từ năm 1883, quá trình cai trị của thực dân Pháp đã làm cho Quảng Yên biến đổi dần từ một đô thị cổ phong kiến thành một đô thị thuộc địa điển hình của khu vực Bắc Kỳ. Như vậy, Quảng Yên, từ năm 1883, đã tiếp tục được duy trì, phát triển như một trung tâm kinh tế, văn hóa, quân sự, chính trị vùng đông bắc cho đến giữa TK XX.

Ngày 24 – 8 – 1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở Quảng Yên, vẫn lấy thị xã Quảng Yên làm tỉnh lỵ. Do Quảng Yên chiếm giữ vị trí quan trọng ở khu đông bắc, nằm gần 2 trục đường bộ chính, án ngữ vùng cửa ngõ đường thủy từ vùng biển đông bắc vào trung tâm đất nước, nên khi Pháp quay trở lại miền Bắc đã ngay lập tức tiến quân lên đánh chiếm vùng đất này. Pháp đã biến khu vực này thành cửa ngõ của các hoạt động kinh tế giữa Hòn Gai với Hải Phòng.

Theo hiệp định Giơnevơ, do nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp ở miền Bắc trước khi rút vào miền Nam nên phải đến ngày 25 – 5 – 1955, người lính Pháp cuối cùng mới rút khỏi Quảng Yên. Ngay sau đó, tháng 2 – 1955, khu Hồng Quảng bao gồm Quảng Yên, Hồng Gai được thành lập. Quảng Yên vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị xã trung tâm của tỉnh Quảng Yên trong khu Hồng Quảng.

Năm 1963, khu Hồng Quảng, tỉnh Hải Ninh sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh, tỉnh lỵ lại được đặt tại thị xã Hòn Gai. Việc chọn Hòn Gai là tỉnh lỵ chứ không phải Quảng Yên, có thể do các nguyên nhân sau đây: đô thị Quảng Yên chỉ là một đô thị mang tính chất hành chính. Thương mại cũng khá phát triển vào thời kỳ đó, tuy nhiên chỉ có một cảng nội địa. Trong khi đó Hòn Gai lại có một cảng lớn, quan trọng hơn cả là việc khai thác than ở Hòn Gai đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn vào thời kỳ đó. Còn lý do nữa là do vấn đề nguồn lực: giai cấp công nhân Quảng Ninh là lực lượng nòng cốt của chính quyền, được tập trung đại đa số tại khu mỏ Hòn Gai. Do vậy, có thể dễ hiểu vì sao năm 1963 sáp nhập tỉnh lại lựa chọn đặt bộ máy chính trị, thủ phủ tại thị xã Hòn Gai.

Ngày 2 – 7 – 1964, Hội đồng Chính phủ ra quyết định đổi thị xã Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên, sáp nhập vào huyện Yên Hưng. Thị trấn Quảng Yên trở thành huyện lỵ của huyện Yên Hưng. Lúc này, Yên Hưng là một trong 14 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh. Huyện có 19 đơn vị hành chính trực thuộc (1 thị trấn, 18 xã), tổng diện tích tự nhiên 31.420,2ha. Các chính sách của tỉnh Quảng Ninh đã không chú trọng tạo điều kiện để Quảng Yên phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Bên cạnh đó, trục giao thông chính xuyên suốt tỉnh Quảng Ninh, nối với Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội là quốc lộ 18A lại chỉ đi qua thành phố Hạ Long, Uông Bí, bỏ qua địa phận Quảng Yên nên đã khiến nơi đây trở thành một vùng tối. Như vậy, sự thay đổi về hành chính, sự bất tiện về giao thông, sự đãi ngộ thấp về chính sách là 3 nguyên nhân khiến cho trong một thời gian dài, vị thế của Quảng Yên đã bị lu mờ trong bức tranh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung.

Trong những năm gần đây, Quảng Yên đã có bước tăng trưởng khá tương xứng với tiềm năng, có sự hòa nhập về định hướng phát triển không gian đô thị, kinh tế, xã hội, văn hóa với Hạ Long, Hải Phòng. Với những lợi thế về vị trí địa lý, không gian, môi trường sinh thái, du lịch, các tuyến, công trình đầu mối của quốc gia đã, đang hình thành, nhân lực, tài nguyên giàu có… Quảng Yên chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững, có thể liên kết không gian kinh tế với Hạ Long, Hải Phòng để tạo thành trục kinh tế động lực ven biển Hải Phòng – Quảng Yên – Hạ Long của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Năm 2011, thị xã Quảng Yên được thành lập dựa trên cơ sở toàn huyện Yên Hưng. Việc thành lập thị xã Quảng Yên đã đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nhằm tạo ra cực tăng trưởng kinh tế cho khu vực phía tây của tỉnh, giúp phát triển cân đối giữa các khu vực, đẩy nhanh hơn tốc độ đô thị hóa, tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, y tế, đào tạo, góp phần đưa tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Không gian lịch sử, văn hóa Quảng Yên là một di sản truyền thống quý báu. Nhận diện đầy đủ về không gian lịch sử, văn hóa Quảng Yên sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ nhân dân Quảng Yên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Bên cạnh đó, việc nhận diện đầy đủ không gian lịch sử, văn hóa này sẽ giúp các nhà quản lý đô thị rút ra được những bài học cần thiết, bổ ích, xây dựng một đô thị Quảng Yên hiện đại, phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : PHẠM THỊ THU HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *