Mỗi dân tộc đều có một ngày lễ tết quan trọng, như tết mùng 3 tháng 3 của người Choang, tết Bàn vương của người Dao, trong khi đó ngày tết quan trọng của người Kinh ở Trung Quốc chính là lễ hội hát cửa đình. Lễ hội hát cửa đình thể hiện và truyền đạt, văn hóa của người Kinh, có tác dụng quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa. “Ha đình” trong tiếng của người Kinh có thể dịch là “hát đình” hoặc “ca đình”. “Lễ hội hát cửa đình” cũng có thể dịch là “tết ca hát”. Để xem xét sự thay đổi và phát triển của lễ hội hát cửa đình, một tập hợp các hoạt động tế lễ và giải trí truyền thống, của người Kinh, chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu từ nguồn gốc của nó.
1. Nguồn gốc lễ hội hát cửa đình của người Kinh
Nguồn gốc của lễ hội hát cửa đình từ Việt Nam
Lễ hội hát cửa đình bắt nguồn từ Việt Nam, sau đó truyền đến Trung Quốc. Các hoạt động trong lễ hội hát cửa đình là để tưởng niệm những anh hùng đã tạo ra những kỳ tích khi đấu tranh với thiên nhiên, cũng như đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Trong các hoạt động ca hát nhảy múa của lễ hội, phần lớn mọi người đều trang điểm đậm hoặc mặc những bộ quần áo có họa tiết hình chim. Trong khi ca hát, họ đều cầm các nhạc cụ như chuông, kẻng để kết hợp cùng vũ điệu. Trong xã hội cổ đại Việt Nam, dạng lễ hội với các hoạt động nhảy múa vừa mang tính tín ngưỡng vừa có thể thỏa mãn yêu cầu về tình cảm này đã được khắc lên trống đồng và được bảo tồn, phát triển trở thành lễ hội hát cửa đình sau này.
Lễ hội hát cửa đình Việt Nam được sinh ra trong quá trình lao động của những người nông dân trồng lúa nước, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, không chỉ gắn với tục thờ tổ tiên mà còn gắn với tục thờ thành hoàng làng. Các tỉnh thành Bắc Bộ và Trung Bộ đều từng có các lễ hội hát cửa đình. Hiện nay, hoạt động lễ hội hát cửa đình chủ yếu tập trung ở tỉnh Quảng Ninh như thành phố Móng Cái (Vạn Ninh, Trà Cổ), huyện Đầm Hà, Vân Đồn; được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau, từ mùng 10 đến 12 tháng giêng âm lịch, mùng 6- 4 âm lịch, 30- 5 âm lịch và ngày 13-11 âm lịch hàng năm.
Nhánh lễ hội hát cửa đình ở Trung Quốc
Người Kinh ở Trung Quốc là một tộc thiểu số ven biển phía nam Quảng Tây và có cùng nguồn gốc với người Kinh ở Việt Nam. Theo ghi chép trên bia đá và các tài liệu văn học lịch sử, vào khoảng TK XVI, trong những năm Chính Đức thời Minh (1506-1521), đến cuối TK XIX, người Kinh đã lần lượt từ Đồ Sơn, Xuân Hoa, Hoa Phong, Nhuệ Khê, Móng Cái, Vạn Trụ, Giác Bạch của Việt Nam di cư đến Tam Đảo và trở thành người Kinh Tam Đảo hiện nay. Trong một quyển lệ làng được người Kinh đảo Vạn Vỹ lưu giữ từ năm Thanh Quang Trữ Nguyên đến nay có ghi chép: “Vào năm Hồng Thuận thứ 3 tổ tiên từ Đồ Sơn đến… xây dựng 1 trấn với 1 xã, 2 thôn và đều có đình tự”. Hồng Thuận là niên hiệu của vua Lê Tương Dực thời Hậu Lê của Việt Nam, Hồng Thuận năm thứ 3 cũng chính là Chính Đức năm thứ 6 thời Minh (tức năm 1511). Qua đó, có thể thấy, người Kinh đã định cư tại khu vực Tam Đảo thuộc thành phố cảng Phòng Thành, Quảng Tây, được gần 500 năm.
Nhánh của lễ hội hát cửa đình của người Kinh Trung Quốc chủ yếu tập trung ở Tam Đảo, Đông Hưng, cảng Phòng Thành, Quảng Tây. Theo những gì mà người Kinh Vạn Vỹ Tam Đảo và thôn Sơn Tâm cho biết, những vị thần họ thờ phụng chính là những hoàng đế trước kia của Việt Nam. Các vị vua rất thích nghe hát, vì vậy hàng năm cứ vào dịp tế lễ, họ đều tổ chức lễ hội hát cửa đình. Theo truyền thuyết, vào thời Trần Việt Nam, có một vị tiên ca đã đến khu vực người Kinh, lấy danh nghĩa truyền bá ca hát nhảy múa để cổ động nhân dân dân tộc Kinh đứng lên chống lại sự thống trị của nhà Trần, từ đó nhận được sự kính trọng của người Kinh. Người đời sau đã lập thần vị tại Ha đình để tưởng nhớ vị thần này. Vì giọng hát của vị thần này du dương cảm động lòng người nên đã nhận được sự yêu thích của nhân dân, người đời sau đã dùng tiếng hát để ca tụng vị tiên ca này và sau này hình thành nên lễ hội hát cửa đình. Người Kinh căn cứ theo tình hình thu hoạch hàng năm để tổ chức lễ hội hát cửa đình. Vu Đầu, Vạn Vỹ tổ chức vào mùng 10-6 âm lịch, còn ở Sơn Tâm thì được tổ chức vào mùng 10- 8. Những nội dung chủ yếu trong lễ hội hát cửa đình thường là: rước thần, tế bái, lễ hội hát cửa đình, uống rượu tế, tiễn thần. Tế lễ sẽ do trưởng lão trong tộc chủ trì và toàn bộ quá trình đều có ca hát và đánh trống và người ta gọi đó là lễ hội hát cửa đình. Bài hát có rất nhiều chủ đề khác nhau, không chỉ có cầu chúc mà còn có cả phong tục truyền thống, lao động của nông dân, ngư dân, thiên văn địa lý.
2. Nội dung và diễn trình lễ hội hát cửa đình của người Kinh
Vào mỗi dịp lễ hội hát cửa đình, người Kinh Tam Đảo không phân biệt trai gái già trẻ đều mặc trang phục lộng lẫy như ngày tết và tập trung trước Ha đình để cầu nguyện mùa màng bội thu, gia súc và con người đều khỏe mạnh. Có thể phân lễ hội hát cửa đình thành 5 phần:
Rước thần: ngày trước khi diễn ra lễ hội hát cửa đình, mọi người phải đón các vị thần mà thôn mình kính trọng tôn thờ như Thượng tướng thời Trần của Sơn Tâm, Trấn hải Đại vương của Vạn Vỹ, Cao Sơn đại vương vào đình Ha. Theo thông lệ, khi đi đón rước thần, 8 thanh niên người Kinh khiêng Long Giá, mọi người đều mặc trang phục dân tộc và xếp thành hai hàng, từ từ đi đến phía sau trưởng lão của thôn. Khi đến bên bờ biển, trưởng lão bắt đầu lễ hội, kính mời Trấn Hải Đại vương ngồi lên bảo tọa trở về thôn để ban phúc cho người Kinh. Sau khi mời xong Trấn Hải Đại vương thì lập tức xuất phát lên miếu Cao Sơn để đón rước Cao Sơn Đại vương.
Tế lễ: sau khi đón rước thần về, thì khoảng 3 giờ chiều cùng ngày sẽ tiến hành tế thần. Đầu tiên là chém tượng (lợn), sau khi tế tổ xong sẽ lấy 4kg thịt cho người tham dự lễ hội hát cửa đình ăn, còn lại sẽ do người chủ phân chia. Sau đó sẽ tổ chức hoạt động tế thần, được tổ chức hàng ngày trong suốt thời gian diễn ra lễ hội hát cửa đình, chia thành tiểu tế và đại tế. Các thành viên chính trong hoạt động tế lễ bao gồm: Hương Công, Thông Ca, Vạn Bái, Quan Viên, Đả Thủ, trợ thủ Thông Ca, người hát tế, Ha muội (đào nương). Khi bắt đầu nghi lễ tế thần, chủ tế sẽ chỉ đạo mọi người rước các vị thần linh trên biển, thiên cung và tổ tiên nhập vị, sau đó sẽ hiến rượu và các lễ vật tới các vị thần. Lúc này, bốn cô gái người Kinh – Ha muội – mặc áo dài nam màu hồng, quần dài màu đen, đầu cài nơ màu tím sẽ nhảy theo tiếng trống tế lễ, múa tiến tửu mời các vị thần linh uống rượu, bước ba bước nhỏ đến trước bàn thờ, hai tay đặt trước ngực biểu diễn các tư thế uyển chuyển để bày tỏ sự yêu quý kính trọng và sùng bái của họ đối với các vị thần. Múa dâng hương chủ yếu là để kính thần linh. Năm Ha muội tay trái cầm ba cây hương đang cháy, tay phải biểu diễn luân chỉ thủ hoa, chuyển thủ phan hoa, trong tiếng hát nhẹ nhàng tiến hương chúc phúc các vị thần linh. Múa dâng hoa gồm bốn Ha muội nhảy theo tiết tấu múa dâng hương, tay cầm hoa tươi để cảm ơn, đón rước thần linh về Ha đình dự lễ hội, cảm tạ ơn dưỡng dục của tổ tiên, sự giúp đỡ của thần linh. Múa thiên đăng do bốn, sáu hoặc tám cô gái biểu diễn, mặc áo dài nam màu trắng, quần dài đen, khi múa trên đầu có đội 1 cái đĩa, trong đĩa có châm 3 cây nến, hai tay mỗi tay cầm 1 cái ly, trong ly cũng để nến đang cháy. Họ nhảy điệu nhảy uyển chuyển cùng tiết tấu của trống, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, ánh nến và màu trắng của áo hòa quyện vào nhau vô cùng đẹp và nho nhã.
Nhập tịch (uống rượu): sau khi kết thúc tế lễ, các thanh niên bản địa khi đến một độ tuổi nhất định (Vu Đầu 18 tuổi, Sơn Tâm 19 tuổi, Vạn Vỹ 12 tuổi) thì sẽ có tư cách nhập tịch tham gia lễ hội hát cửa đình. Nhưng khi nhập tịch phải căn cứ theo đẳng cấp của từng người, lần lượt ngồi ở các bậc thềm hai bên phía đông chính đường Ha đình. Khi nhập tịch xong thì vừa uống rượu vừa ca hát nhảy múa. Thời gian nhập tịch thường bắt đầu từ 12 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều mới kết thúc. Vào thời gian này, họ ngồi cùng nhau, vừa ăn uống vừa thưởng thức những giai điệu nhẹ nhàng sảng khoái, cùng bàn luận những chuyện vui buồn trong cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện tình đoàn kết hòa thuận giữa hàng xóm láng giềng của người Kinh. Khi uống rượu, phụ nữ trong tộc không thể vào nhập tịch (trừ những người ngoại tộc) mà chỉ có thể ngồi bên rót rượu và nghe hát mà thôi. Những món ăn được dùng để uống rượu gồm có: thịt khấu, trứng vịt muối, ốc tuyết, nộm sứa, nem, giun đất, sườn, ngư liễu, màn thầu và các loại nước uống.
Lễ hội hát cửa đình: trước đây thường do ba người (1 nam và 2 nữ), người nam được gọi là Ha ca, diễn tấu tư cầm, người nữ được gọi là Ha muội, chính là người hát; ba người này đều được mời từ Việt Nam đến. Khi hát, người hát chính sẽ đứng, vừa hát vừa gõ phách trúc, một Ha muội khác sẽ ngồi bên cạnh, gõ phách trúc cùng hòa tấu. Khi hát xong một câu, Ha ca sẽ đáp 1 tiết đàn 3 dây theo khúc điệu, sau đó Ha muội tiếp tục hát. Cứ như vậy một người hát một người hòa cho đến khi mệt nhoài thì mới đổi cho Ha muội tay cầm phách trúc tiếp tục. Lễ hội hát cửa đình kéo dài liên tục 3 ngày 3 đêm. Hiện nay, người Kinh Tam Đảo đã bồi dưỡng được Ha muội và Ha ca, và còn lập thành đoàn nghệ thuật Thiên Lại dân tộc Kinh, nhưng các nhạc cụ diễn tấu cùng lễ hội hát cửa đình của Ha muội như đàn 3 dây và độc huyền cầm đã không còn thấy nữa, mà thay vào đó là hợp tấu của phách trúc, trống và chiêng.
Lễ hội hát cửa đình có một tập nhạc phổ nhất định, được viết bằng chữ Nôm. Về cơ bản đều được lưu truyền lại, bao gồm sáu loại lớn: thứ nhất là tín ngưỡng tôn giáo dân gian, ví dụ như Đức Thánh Ông; thứ hai là thơ cổ điển chữ Hán, ví dụ như Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị và Xích Bích hoài cổ của Tô Thức; thứ ba là thể loại triết lý, ví dụ như Bài hát kết nghĩa dân tộc Hán và dân tộc Kinh; thứ tư là tình ca, ví dụ như Nỗi nhớ nghìn dặm; thứ năm là thơ tự sự dân gian, ví dụ như Tiên cầm, Lưu Bình Dương Lễ; thứ sáu là bài hát nhảy múa, ví dụ như Đèn ai dưới ánh trăng. Trong đó người Kinh coi trọng loại thứ năm, không chỉ có cốt truyện và nhân vật sinh động mà còn có thể nghe lâu dài, Ha muội phải thay phiên nhau hát, nếu không sẽ mệt tới mức không thể hát tiếp được.
Tiễn thần: thời gian tiễn thần của người Kinh Tam Đảo ở từng nơi cũng khác nhau. Ở đảo Vạn Vĩ phải chọn ngày tiễn thần, còn ở đảo Sơn Tâm thì không cần chọn ngày mà tiễn thần ngay sau khi lễ hội hát cửa đình kết thúc. Khi tiễn thần bắt buộc phải đọc điệu tiễn thần, còn phải múa điệu múa bá vương tiên. Điệu múa bá vương tiên có ý nghĩa xóa bỏ tất cả mọi điều xui xẻo, loại bỏ những thứ không tốt lành ở bên ngoài Ha đình. Điệu múa bá vương tiên được biểu diễn bởi một hoặc hai Ha muội, gióng trống vang trời pháo nổ tưng bừng khắp nơi. Người ta vác cây gỗ lim vốn vắt ngang trên rầm đỡ của Ha đình ra đến cửa, mọi người cùng nhau hợp lực vứt ra ngoài, đồng thời giặt sạch quần áo, quét tước cẩn thận, mong muốn dọn sạch đi tất cả những điều không may mắn. Sau đó, Ha muội hát một ca khúc cầu mong hạnh phúc, đánh dấu lễ hội hát cửa đình chính thức kết thúc.
3. Biến đổi văn hóa trong lễ hội hát cửa đình của người Kinh ở Trung Quốc
Thay đổi về quan điểm nghệ thuật và tư tưởng
Hiện tại, tư tưởng, giá trị quan, nhân sinh quan, quan điểm thẩm mỹ và nghệ thuật của người Kinh Tam Đảo có sự thay đổi. Hiện nay, cơ bản mỗi nhà đều có tivi và điện thoại, mỗi người đều có điện thoại di động. Những thứ này đều trở thành vật dụng thiết yếu trong cuộc sống của người dân. Không biết từ khi nào đã làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây về thế giới và xã hội. Trong quá trình biến đổi văn hóa, người Kinh đã từng bước từ bỏ truyền thống văn hóa vốn có, từ bỏ đặc điểm văn hóa phát sinh vì sự khác biệt về khu vực.
Cải thiện về điều kiện vật chất
Thanh niên Kinh Tam Đảo đến thành phố lớn, dựa vào sự chăm chỉ của bản thân khiến cho cuộc sống của người dân quê hương có nhiều thay đổi, rõ ràng nhất là về vật chất và cuộc sống. Trước đây người dân đều dùng nến, đèn dầu để chiếu sáng; ngày nay đã đổi sang dùng điện. Người Kinh Tam Đảo có nhiều ngôn ngữ thông dụng, về cơ bản người trẻ tuổi không biết nói tiếng Kinh. Khi họ nói chuyện với người nhà đều phối hợp rất nhiều ngôn ngữ. Do tiếng phổ thông và tiếng Quảng Đông trở thành ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu nên người Kinh ở Trung Quốc dần dần từ bỏ việc nhận biết và học tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó là sự thay đổi về trang phục. Người Kinh Tam Đảo bây giờ ngoài số ít phụ nữ lớn tuổi vẫn mặc trang phục dân tộc ra thì phần còn lại bao gồm cả nam và nữ thường mặc trang phục của người Hán. Hiện nay chỉ có số ít những cô gái Việt Nam được gả cho người Kinh Tam Đảo mới giữ gìn một số phục sức ban đầu, nhưng cũng rất ít khi mặc. Sự thay đổi về văn hóa tinh thần vẫn chậm hơn một chút so với sự thay đổi về văn hóa vật chất.
Tiếp biến văn hóa tộc người
Giao lưu văn hóa ở khu vực dân tộc Kinh được thể hiện ở ba phương diện: giao lưu Kinh, Hán và các tộc khác của Trung Quốc; giao lưu giữa người Kinh Trung Quốc, người Kinh Việt Nam cùng các dân tộc thiểu số khác; giao lưu của người Kinh Trung Quốc và các quốc gia khác. Người Kinh Tam Đảo chủ yếu sinh sống tại xung quanh khu vực biên giới tây nam tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, chung sống cùng dân tộc Hán, Choang, Mèo… nhưng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ văn hóa Hán.
Lễ hội hát cửa đình của người Kinh được khôi phục từ năm 1983 đến nay, được chính phủ, các công ty, các nhà tài trợ hỗ trợ một cách thích hợp. Đội ngũ đón thần có thêm đội cầm cờ, đội trống cơm, đội chữ Nôm, đội đàn bầu; hoạt động vui chơi giải trí trong ngày lễ hội có thêm phần biểu diễn trăm người diễn tấu đàn bầu, trăm người nhảy sạp, trăm người biểu diễn thổi tù và ốc cùng đàn bầu. Trong thời gian tổ chức lễ hội, đoàn nghệ thuật dân gian Quảng Ninh Việt Nam được mời đến biểu diễn các bài hát đối đáp của các thanh niên nam nữ. Khi lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam) diễn ra, các nghệ sĩ dân gian của người Kinh Tam Đảo cũng được mời đến Việt Nam tham gia lễ hội. Lễ hội hát cửa đình của dân tộc Kinh sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2006 cũng liên tục nhận được lời mời giao lưu văn hóa với nước ngoài. Các nghệ sĩ dân gian đến các quốc gia khác biểu diễn, đồng thời cũng thưởng thức nghệ thuật văn hóa dân gian của các quốc gia khác. Điều này giúp cho việc giao lưu văn hóa nghệ thuật gặt hái được nhiều thành tựu.
Du khách đến tham quan du lịch
Lễ hội hát cửa đình là ngày lễ truyền thống long trọng, náo nhiệt nhất của người Kinh ở Trung Quốc, thu hút người dân ở các vùng xung quanh, thậm chí khắp mọi nơi trên toàn quốc đến tham gia. Trong quá trình giao lưu, cả hai bên được tiếp xúc với văn hóa của nhau. Người Kinh bản địa có thể sẽ cảm thấy tò mò với văn hóa mới mẻ của người ở nơi khác, áp dụng văn hóa đó vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lâu dần sẽ trở thành thói quen sinh hoạt của họ. Có một số du khách cảm thấy rất có hứng thú với lễ hội truyền thống này của người Kinh. Trong thời gian diễn ra lễ hội hát cửa đình còn có một số chuyên gia, học giả, học sinh cũng đến nơi này, ở lại nơi đây hơn một tuần để nghiên cứu về lễ hội hát cửa đình và các loại phong thổ nhân tình xuất hiện trong lễ hội này.
Sự thịnh vượng của thương mại biên giới
Từ xưa đến nay, khu vực biên giới cũng là khu vực biên thùy, giao thông không thuận lợi, xa xôi hẻo lánh, rất ít khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thậm chí có những nơi còn hoàn toàn khép kín, từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nhưng khu vực biên giới lại là nơi có vật chất phong phú. Giao thông biên giới Việt Trung thuận tiện, thúc đẩy thương mại biên giới đạt được kỹ thuật mới, việc buôn bán phát triển thịnh vượng. Sự phát triển thịnh vượng của thương mại đã thúc đẩy kinh tế xã hội ở vùng biên giới phát triển mạnh mẽ; cải thiện mức sống của nhân dân, tiếp tục củng cố biên phòng và đoàn kết dân tộc; tăng cường hơn nữa sự gắn kết các dân tộc vùng biên. Thịnh vượng của thương mại vùng biên cũng thúc đẩy mở cửa cửa khẩu, tăng cường giao lưu láng giềng hữu nghị Việt Trung, thúc đẩy giao lưu văn hóa song phương.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : BÙI LONG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai