Giá trị của nho giáo trong xây dựng gia đình ở việt nam hiện nay

Gia đình là tế bào của xã hội, là cơ sở, nền tảng vững chắc nhất cho sự phát triển của xã hội. Muốn xã hội phồn vinh trước hết phải quan tâm đến việc xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, gia đình Việt Nam cần thiết phải bổ sung nhiều chuẩn mực, giá trị mới, đồng thời kế thừa và phát huy nhiều giá trị từ trong truyền thống, trong đó có Nho giáo.

         

 

         Nho giáo rất
quan tâm đến gia đình vì cho rằng gia đình chính là nền tảng của xã hội: “Gốc
của thiên hạ là quốc gia, gốc của quốc gia là gia tộc và nhà cửa, gốc của gia
tộc và nhà cửa chính là bản thân mình vậy (thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi
bản tại gia, gia chi bản tại thân” (1). Theo các nhà nho, muốn xã hội
thịnh trị thì gia đình phải yên ấm, muốn trị quốc, bình thiên hạ thì trước hết
phải tề gia. Chính vì vậy, Nho giáo đặc biệt chú ý đến việc thực hiện chuẩn mực
đạo đức ngay trong gia đình vì đó là cơ sở để có một xã hội vận động trong vòng
trật tự, có quy củ: “Một nhà nhân thì cả nước dấy lên đức nhân, một nhà lễ
nhượng thì cả nước dấy lên lễ nhượng” (2). Nho giáo là hệ tư tưởng có ảnh
hưởng sâu rộng đối với xã hội, vì vậy tư tưởng của Nho giáo về gia đình đã trở
thành những chuẩn mực đạo đức cho gia đình Việt Nam truyền thống, trong đó vẫn
có nhiều giá trị tích cực đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay.

         1. Nho giáo với chuẩn mực đạo đức gia đình Việt Nam hiện nay

         Với mục đích chuyển từ xã hội thời xuân thu, chiến quốc từ loạn sang bình, Nho giáo đưa ra những quy tắc, chuẩn mực ứng xử của 5 mối quan hệ cơ bản nhất trong xã hội là vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè. Những mối quan hệ trong gia đình (cha con, chồng vợ, anh em) đều được Nho giáo đưa ra những luân thường, đạo lý, lễ tắc để thực hiện. Trong đó, có nhiều chuẩn mực đạo đức có giá trị cần được phát huy trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay.

         Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, theo Nho giáo có 2 chuẩn mực cơ bản là từ và hiếu. Từ đòi hỏi và thể hiện tình thương cũng như trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Nho giáo đòi hỏi bậc cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi nấng, giáo dục con cái. Khi con còn nhỏ, cha mẹ phải lo lắng chăm sóc, khi lớn, trưởng thành phải dạy dỗ và làm gương cho con cái đạo làm người. Nỗi lo lớn nhất của cha mẹ, theo Khổng Tử, là “lo con đau ốm”. Bậc làm cha mẹ phải lấy nhân từ để đối xử với con. Quan hệ của con đối với cha mẹ được thực hiện bằng chữ hiếu. Hiếu theo Nho giáo được coi là chuẩn mực đạo đức đồng thời là phẩm chất đạo đức trung tâm, bậc nhất của con người trong quan hệ gia đình. Đạo hiếu trước hết là “lập thân hành đạo, nêu cao thanh danh để làm vinh hiển cho cha mẹ sau này”, nghĩa là phải tu dưỡng, rèn luyện để trở nên thành đạt, làm rạng rỡ tổ tông. Để báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, con cái phải tự giác có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm nom, săn sóc, nuôi nấng phụng dưỡng cha mẹ, thuốc men khi đau ốm. Theo Nho giáo, người con có hiếu phải nuôi dưỡng cha mẹ với lòng kính trọng, biết ơn vô hạn. Khổng Tử nói: “Người nay được gọi là hiếu là người có thể nuôi cha mẹ. Nhưng nuôi chó ngựa cũng có thể gọi là nuôi, nếu nuôi cha mẹ mà không kính thì khác gì nuôi chó ngựa nhỉ?” (3). Nho giáo đòi hỏi phận làm con phải có trách nhiệm với cha mẹ không chỉ khi còn sống mà cả khi cha mẹ đã mất, Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải đúng lễ” (4) .

         Trong mối quan hệ vợ chồng, Nho giáo yêu cầu người phụ nữ phải có tứ đức công, dung, ngôn, hạnh, phải biết phu xướng, phụ tùy, biết yêu thương, chăm sóc chồng con, biết nghe lời chồng để gia đình yên ấm, hạnh phúc. Như vậy, theo Nho giáo, trong quan hệ vợ chồng thì tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận là những yêu cầu tiêu biểu.

         Nho giáo xác định chữ đễ để điều chỉnh mối quan hệ anh em. Đễ là yêu cầu và chuẩn mực đạo đức điều chỉnh cả anh và em. Một người anh có đễ là một người anh biết yêu thương và có trách nhiệm đối với các em. Trách nhiệm ấy càng trở nên nặng nề hơn khi cha mẹ mất sớm và các em chưa trưởng thành. Cũng như vậy, người em có đễ là người em biết kính trọng, yêu thương và biết vâng lời anh.

         Như vậy, Nho giáo yêu cầu mỗi thành viên phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em. Nho giáo đã định ra những đức cho từng mối quan hệ: cha từ, con hiếu, anh lành, em đễ, chồng có nghĩa, vợ vâng lời. Thực hiện đúng chuẩn mực đạo đức đó thì gia đình hòa thuận, êm ấm. Việc đề cao trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình với nhau theo tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia nhằm gìn giữ nền nếp gia phong, gia huấn tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc là những giá trị cần thiết trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, tính nghĩa, thủy chung hiện nay. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, xây dựng kinh tế thị trường, mặt tiêu cực của nó là sự lan tràn của việc đề cao chủ nghĩa cá nhân lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, quá đề cao lợi ích vật chất đã tác động đến một bộ phận dân cư, thậm chí len lỏi vào trong cuộc sống gia đình làm cho những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống đang bị phá bỏ. Khi chủ nghĩa cá nhân phát triển, không ít gia đình, bố mẹ mải mê kiếm tiền hay theo đuổi ham muốn cá nhân mà bỏ rơi con cái. Họ chỉ biết đem tiền về cho ôsin, vú nuôi, hay phó mặc con cho nhà trường và xã hội. Những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình yêu và sự dạy bảo, chăm sóc của cha mẹ. Mặt khác, hiện tượng con cái bỏ rơi cha mẹ lúc tuổi già, không chăm nom, tính toán tiền bạc, chia ngày tính tháng nuôi cha mẹ không phải là chuyện lạ trong xã hội. Cũng do tác động tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm nảy sinh tư tưởng thực dụng, coi vật chất cao hơn nghĩa tình. Có không ít gia đình lâm vào cảnh anh chị em mâu thuẫn dẫn đến cãi vã, đánh đập lẫn nhau vì quyền lợi kinh tế như tranh chấp đất đai, quyền thừa kế tài sản, nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ… Sự thiếu trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình dẫn đến các hiện tượng con cái ngược đãi ông bà, cha mẹ, sự vô trách nhiệm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, anh em ẩu đả, chém giết nhau vì tài sản… có chiều hướng gia tăng, khiến cho xã hội bất ổn, càng chứng tỏ việc đề cao trách nhiệm đạo đức, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình của Nho giáo vẫn có giá trị tích cực. Chính vì vậy, cần phải giáo dục tình yêu thương sâu nặng và bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với những người thân trong gia đình cho mọi người Việt Nam nhằm xây dựng kỷ cương, nền nếp gia đình, xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người” (5). Nếu gia đình mà không còn tôn ti, trật tự, lễ giáo thì sẽ dẫn đến loạn xã hội, nhưng quá khuôn phép đến mức hạn chế việc tự do thể hiện sự sáng tạo của con người thì cần phê phán. Do đó, bên cạnh những mặt tích cực cần phải phát huy trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, Nho giáo vẫn chứa đựng những mặt tiêu cực cần phải loại bỏ.

         2. Một số hạn chế của Nho giáo cần phải loại bỏ trong quá trình xây dựng gia đình ở Việt Nam hiện nay

         Xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện nay là quan hệ có trách nhiệm, tình nghĩa, song phải hòa đồng, tin cậy, tôn trọng nhau, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ chứ không phải là trên cơ sở sự nhẫn nhục, chịu đựng một chiều như Nho giáo cổ xúy. Nho giáo góp phần vào việc xây dựng một gia đình tình nghĩa, hòa thuận nhưng chưa thực sự tiến bộ vì nó chứa đựng tư tưởng trọng nam khinh nữ, đảm bảo quyền gia trưởng của người đàn ông, đề cao sự phục tùng một chiều của người dưới đối với người trên, của con đối với cha mẹ, vợ với chồng, em với anh… dẫn tới bất bình đẳng giới, cản trở quá trình xây dựng quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên. Nói như tác giả Trần Ngọc Thêm, Nho giáo đã “loại bỏ hạt nhân dân chủ” (6) trong gia đình. Điều đó thể hiện ở chỗ, trong mối quan hệ vợ chồng, Nho giáo cho rằng người phụ nữ luôn phải khuôn mình theo đạo tam tòng. Trong gia đình, địa vị vợ chồng được phân định rõ ràng: “chồng chúa vợ tôi” hay “phu vi thê cương”, “phu xướng phụ tùy”, và người phụ nữ mặc nhiên chấp nhận, chỉ biết suốt đời bó mình trong ngôi nhà với những công việc bếp núc, nữ công gia chánh, không được học hành, giao lưu hay tham gia các công tác xã hội… Trong quan hệ cha mẹ với con cái, Nho giáo đòi hỏi có con trai để nối dõi tông đường, không được như vậy đó là nhà vô phúc, con bất hiếu. Thậm chí đạo hiếu còn được đẩy lên mức khắc nghiệt đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với bố mẹ, ngay cả lĩnh vực đáng được quyền tự do nhất là tình yêu, hôn nhân. Cực đoan hơn có quan niệm cha bảo con chết mà con không chết là con bất hiếu. Hiện nay, chúng ta đang hướng tới việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cần dựa trên sự tự giác, trách nhiệm và tình nghĩa nhưng vẫn đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng. Vợ chồng phải bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, thực sự là những người bạn đời, có thể cùng nhau cảm thông, chia sẻ, cùng chung tay xây đắp mái ấm gia đình. Cha mẹ và con cái là những người bạn vong niên. Cha mẹ có thể lắng nghe, chia sẻ với con cái mọi niềm vui nỗi buồn, đặc biệt các bậc phụ huynh luôn tôn trọng ý kiến, lập trường, ước mơ, hoài bão chính đáng của con cái… Tuy nhiên, sự dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình không phải là phỉ báng khuôn giáo, lễ phép, phủ nhận truyền thống, cội nguồn, mà vẫn phải đảm bảo tôn ti trật tự, nền nếp gia phong, những chuẩn mực đạo đức tích cực mà Nho giáo đề xướng.

         Nho giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam, trong đó có gia đình, trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay vẫn phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực mà Nho giáo đã xây dựng và định hình trong gia đình Việt Nam truyền thống, đó là việc đề cao trách nhiệm, tình nghĩa của các thành viên với nhau để xây dựng một gia đình hòa thuận. Tuy nhiên, cũng cần phải lọc bỏ tác động tiêu cực của Nho giáo tới đời sống gia đình, đó là sự thiếu dân chủ. Cùng với đó, phải bổ sung những giá trị, chuẩn mực mới là tinh thần bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên nhằm xây dựng một gia đình tiến bộ trong thời đại mới. Như vậy, việc phủ nhận hoàn toàn Nho giáo hay nhất nhất tuân theo một cách cứng nhắc mọi quy định của Nho giáo đối với gia đình Việt Nam đều là sai lầm. Xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay cần phải vừa biết kế thừa, phát huy mặt tích cực, vừa biết lọc bỏ những mặt tiêu cực của Nho giáo trong lĩnh vực gia đình. Chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc mà Đảng ta đưa ra đã thể hiện rất rõ tinh thần đó.

         _______________

         1. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (chú dịch), Tứ thư, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.661.

        2. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.44.

        3 . Phạm Văn Khoái, Khổng phu tử và Luận ngữ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.192.

        4. Trần Lê Sáng, Ngữ văn Hán Nôm, tập 1: Tứ thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.245.

        5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.15.

         6. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, tr.514., Nxb TP.HCM

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *