Chi Lăng là một huyện cận biên ở khu vực miền núi phía Bắc thuộc tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây từ lâu đã là điểm đi và đến của không ít người từ nhiều địa phương trên khắp đất nước. Cho dù mục đích đến hoặc rời khỏi Chi Lăng khác nhau, sự dịch chuyển năng động của dân cư đã tạo điều kiện cho sự gặp gỡ cởi mở giữa nhiều thành phần dân cư, một trong những yếu tố dẫn đến hôn nhân hỗn hợp dân tộc. Thực tế cho thấy, hôn nhân hỗn hợp dân tộc tại Chi Lăng ngày càng phổ biến và vẫn đang góp phần vào sự ổn định xã hội ở địa phương.
1. Khái quát về thực trạng hôn nhân hỗn hợp dân tộc tại huyện Chi Lăng
Theo thống kê, hôn nhân hỗn hợp dân tộc đã xuất hiện tại đây từ nhiều thập kỷ nay, song với số lượng không nhiều. Từ những năm 1999 – 2000 trở lại đây, số lượng các cặp hôn nhân hỗn hợp dân tộc có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở những địa bàn có điều kiện giao lưu mạnh mẽ như thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng hay tại các xã có chợ họp phiên (xã Vạn Linh…). Tại xã Quang Lang, nơi có tuyến quốc lộ 1A Hà Nội – Đồng Đăng cũ và mới chạy qua, từ 2000 – 2015, có hơn 50% số cặp vợ chồng khác dân tộc trên tổng số các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn tại xã trong năm, những năm còn lại tỷ lệ này thường xấp xỉ 40-45% (1). Tại các xã cách xa khu vực trung tâm, kết hôn với người khác dân tộc cũng ngày càng trở nên phổ biến và chiếm khoảng 20% tổng số các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn.
Hôn nhân hỗn hợp dân tộc ở Chi Lăng không chỉ diễn ra giữa ba dân tộc có dân số lớn là Tày, Nùng, Kinh, sự kết đôi giữa nam và nữ của ba dân tộc này với các dân khác cũng góp phần làm phong phú thêm bức tranh hôn nhân hỗn hợp dân tộc ở đây. Do cư dân đến từ nhiều địa phương khác nhau, sự đa dạng về quê quán xuất thân của các cá nhân cũng mang đến Chi Lăng những sắc thái văn hóa nhiều vùng miền. Chẳng hạn, văn hóa của người Kinh ở Chi Lăng có gốc từ nhiều tỉnh, thành khác nhau ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…) và Bắc Bộ (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương). Sự đa dạng địa phương cũng góp phần tạo nên tính đa dạng về nghề nghiệp của các cặp vợ chồng khác dân tộc. Bên cạnh những nghề truyền thống như nông nghiệp, lâm nghiệp, người dân ở Chi Lăng ngày càng tham gia nhiều hơn vào các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh cũng như công việc trong các cơ quan sự nghiệp Nhà nước.
2. Những nhân tố tác động đến hôn nhân hỗn hợp dân tộc tại huyện Chi Lăng
Hôn nhân là kết quả của tình cảm giữa nam và nữ, cũng có thể là kết quả của sự thỏa thuận giữa cha mẹ hai gia đình. Khác với hôn nhân truyền thống thường do sự sắp đặt của cha mẹ, hôn nhân hỗn hợp dân tộc thường bắt nguồn từ sự gặp gỡ, tự tìm hiểu lẫn nhau giữa nam và nữ. Ở huyện Chi Lăng, nơi có sự giao thoa mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, những sự gặp gỡ đó được thúc đẩy bởi nhiều nhân tố khác nhau.
2.1. Nhân tố lịch sử, địa lý,
Nằm ở phía nam của tỉnh Lạng Sơn, phía đông giáp huyện Lộc Bình, phía tây giáp huyện Văn Quan, phía bắc giáp huyện Cao Lộc và phía nam giáp huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), huyện Chi Lăng được chia thành 19 xã và 2 thị trấn (2) phân bố ở 3 vùng: vùng trung tâm, vùng núi đá và vùng núi đất. Với 80% diện tích tự nhiên là đồi núi, có nhiều dãy núi đá cao thẳng đứng, Chi Lăng là nơi có địa thế hiểm trở, đường đi chật hẹp. Trong quá khứ, các đội quân lớn từ phương Bắc muốn tiến sâu xuống đồng bằng chỉ có thể sử dụng con đường độc đạo chạy qua đất Chi Lăng. Bởi thế, mảnh đất này trở thành nơi có vị trí quân sự chiến lược. Trong số nhiều cuộc giao tranh ác liệt với quân bành trướng phong kiến phương Bắc, chiến thắng lịch sử Chi Lăng của nghĩa quân Lam Sơn trước viện binh triều đình nhà Minh vào năm 1427 là minh chứng cho việc lợi dụng địa thế địa hình để bày binh bố trận, giành thế chủ động về quân sự.
Cuối TK XIX, quân Pháp bắt đầu tiến đánh Lạng Sơn. Do điều kiện giao thông khó khăn, chúng mở công trường làm đường bộ từ Hà Nội đi Lạng Sơn vào đầu năm 1885 nhằm đánh chiếm tỉnh lỵ này. Các địa phương dưới xuôi và những làng xã thuộc địa phận công trường bị buộc phải đưa dân phu đến đây làm việc. Sau khi nhanh chóng hoàn thành tuyến đường bộ này vào cuối năm 1885, tháng 5 – 1890, tuyến đường sắt Phủ Lạng Thương – Lạng Sơn tiếp tục được xây dựng và hoàn thành vào cuối tháng 12 – 1894. Thường xuyên có vài ngàn lao động bị điều đến túc trực làm việc tại công trường này.
Việc đưa quân ra miền biên ải để bảo vệ bờ cõi qua nhiều thời đại của lịch sử phong kiến nước ta hay việc đưa dân lên vùng đất cận biên này để xây dựng cơ sở hạ tầng dưới thời thuộc Pháp đều tạo ra những dòng chuyển cư đi và đến Chi Lăng. Trong số rất nhiều người từng đặt chân đến mảnh đất này, có những người ở lại đây sinh cư lập nghiệp. Ngay trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, “hàng vạn đồng bào các dân tộc Chi Lăng đã hăng hái tham gia tiêu thổ kháng chiến… hàng ngàn lượt thanh niên tòng quân đánh giặc và tham gia dân quân hỏa tuyến” (3). Họ không những chiến đấu tại đây mà còn theo đơn vị đi tới các địa phương khác. Trong khi đó, không ít bộ đội thuộc các đơn vị đóng quân tại Chi Lăng sau khi rút đi đã ở lại địa bàn này. Việc cư trú bên cạnh đồng bào thiểu số như người Tày, người Nùng ở địa phương đã tạo dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Những cuộc hôn nhân của nam nữ thuộc hai dân tộc khác nhau dần xuất hiện ngày càng nhiều. Ở xã Quang Lang và thị trấn Đồng Mỏ ngày nay, có thể thống kê không ít các cặp đôi có chồng là bộ đội người Kinh, quê quán dưới xuôi, lấy vợ người Tày hoặc Nùng.
2.2. Nhân tố kinh tế xã hội
Theo Trần Quốc Vượng, Chi Lăng “là một cung đoạn của một đường hành lang lớn, nối liền miền núi với miền xuôi, miền núi rừng Việt Bắc- Quảng Tây với miền châu thổ sông Hồng” (4). Trải qua quá trình sinh tụ và phát triển, khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng dần chịu những sức ép từ sự tăng dân số dẫn đến nhu cầu mở rộng canh tác và tăng năng suất trồng lúa. Sức ép này, bên cạnh thực tế của những cuộc đưa quân lên vùng biên ải để trấn giữ biên cương, đã dần tạo ra những dòng người từ đồng bằng, qua cung đường hành lang Chi Lăng, chuyển cư lên phía bắc. “Và người châu thổ lại trở lên non. Tày, Nùng đi xuống, Việt đi lên… Ngay trong một cộng đồng tộc người, con cháu cũng có lúc này đi xuống, lúc khác đi lên. Không chỉ đi, mà còn có những lúc và những tập đoàn dừng. Dừng chân ở cung đoạn Chi Lăng” (5).
Thời phong kiến, đất Chi Lăng thuộc Châu Ôn, tại đây có Phố Muội, hay còn gọi là Phố Tuần Muội, một đơn vị hành chính riêng được hình thành từ thời hậu Lê. Từ năm 1908, thực dân Pháp khai thác mỏ quặng sắt cách vị trí thị trấn Đồng Mỏ ngày nay 3km (hiện tại được gọi là Mỏ Ba thuộc xã Hòa Bình), công nhân là người tứ xứ từ Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương Thanh Hóa, những địa phương từ khu 4 trở ra làm việc tại mỏ sống tập trung tại Phố Muội. Dần dần phố thị hình thành và kéo theo các hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như chợ, phòng trọ, không chỉ phục vụ công nhân mà cả lính Pháp. Do gần biên giới với Trung Quốc, đây cũng là nơi nhiều người Hoa sinh sống với ngành nghề chủ yếu là buôn bán, mở hiệu thuốc, làm cao, làm phở. Do vậy, Phố Muội thời đó là trung tâm của huyện lỵ, nơi họp chợ của bà con các dân tộc ở Ôn Châu và các làng xã lân cận, vẫn thường được người dân quanh vùng gọi là chợ Muội. Đến năm 1917, trung tâm sinh hoạt này chuyển lên thị trấn Đồng Mỏ ngày nay.
Những công trường làm đường cũng như những khu mỏ khai thác khoáng sản dưới thời kỳ Pháp thuộc là một trong những nhân tố kinh tế thúc đẩy quá trình đa dạng hóa thành phần dân cư ở đây. Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục có những dự án khai thác khoáng sản được triển khai như dự án khai thác, chế biến quặng bauxit tại thôn Pá Tào, xã Bằng Hữu, công ty khai thác đá tại thôn Mỏ Đá, xã Quang Lang… Đây là những dự án thu hút người lao động không chỉ dân địa phương mà còn từ các nơi khác tiếp tục đổ về, càng làm đa dạng hơn tình trạng cộng cư của nhiều dân tộc. Tại xã Quang Lang, có hẳn một thôn Mỏ Đá bao gồm phần lớn người Kinh dưới xuôi lên làm công nhân hoặc theo chính sách kêu gọi khai hoang của Nhà nước từ những năm 60 TK XX. Tại đây, số cặp vợ chồng khác dân tộc cũng chiếm tỷ lệ khá lớn so với tổng số các cặp vợ chồng trong xã.
Ngoài hoạt động khai thác khoáng sản, buôn bán cũng khá phổ biến ở Chi Lăng. Chẳng hạn, tuy là một vùng trồng lúa, song từ lâu tại xã Bằng Mạc, người dân đã canh tác cả những cây công nghiệp như thuốc lá, hồi… Sản phẩm thu hoạch từ những cây trồng này được bán cho những người đầu mối thu gom hoặc người dân mang ra thị trấn tìm đầu ra, một số người dân còn đứng ra thu mua hàng và bán ra khi được giá để hưởng chênh lệch. Vì vậy, tuy ở xa trung tâm song sự phát triển kinh tế cũng tạo ra những mối giao lưu từ lâu cho người Tày, Nùng ở những nơi như Bằng Mạc. Không chỉ người dân địa phương đem bán sản phẩm tại khu vực trung tâm huyện, người Kinh từ các tỉnh khác cũng đến Chi Lăng vào mùa thu hoạch và đi khắp các xã trên địa bàn huyện để đóng thùng tôn lớn chứa thóc cho người dân tại đây; mỗi đội đóng thùng dao động trên dưới 5 nhân lực và thường ở lại vài tuần tại mỗi xã. Cũng giống như nghề đóng thùng, nghề thợ xây, thợ mộc cũng đòi hỏi người lao động ở từ 1 – 2 tháng tại mỗi công trình. Họ chủ yếu là người Kinh từ dưới xuôi đi tìm cơ hội việc làm, đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng lên và nhu cầu sửa sang, xây mới nhà cửa ngày càng nhiều. Quá trình sinh hoạt giữa không gian văn hóa của người Nùng, Tày tại đây đã đặt cơ sở cho nhiều cuộc gặp gỡ giữa nam nữ Kinh, Tày, Nùng. Họ tự do tìm hiểu và tình yêu là điều họ thường nhắc tới khi nói về các cuộc hôn nhân giữa những người khác dân tộc.
Chính sách đổi mới do Đảng chỉ đạo và phát động từ năm 1986 đã mở ra nhiều hướng làm ăn kinh tế, thúc đẩy giao thương phát triển, đặc biệt ở những địa bàn vùng biên. Mối quan hệ giao lưu giữa người dân thuộc các dân tộc khác nhau cũng vì thế được tăng lên. Các cuộc hôn nhân hỗn hợp dân tộc ở Chi Lăng không chỉ có khởi đầu tại ngay địa bàn này. Đôi khi, nam nữ người Tày, Nùng gặp gỡ thanh niên là người thuộc các dân tộc khác ở bên ngoài địa bàn huyện, khi họ đi làm công nhân tại các khu công nghiệp hiện được dựng lên ngày càng nhiều ở Bắc Giang hay Bắc Ninh. Và kết quả của mối quan hệ tốt đẹp mà họ xây dựng được là đám cưới của hai người khác dân tộc. Hôn nhân hỗn hợp dân tộc, dưới tác động của sự phát triển và rộng mở về kinh tế – xã hội, đã và đang diễn ra như thế.
2.3. Nhân tố văn hóa
Nằm ở vị trí địa lý nối liền miền núi với miền xuôi nên Chi Lăng trở thành mảnh đất của nhiều tộc người và nền văn hóa khác nhau. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, tổng dân số toàn huyện có 73.887 người, trong đó có 38.532 người Nùng chiếm 52,15%, 25.688 người Tày chiếm 34,77% và 9.429 người Kinh chiếm 12,76%. Ngoài ra, ở đây còn có dân tộc Thái, Mường, Hoa, Mông, Dao, Ê đê, Sán Chay, Sán Dìu, Thổ, Bru-Vân Kiều và Ngái, mỗi dân tộc chỉ có 1 – 2 người hoặc vài chục người, riêng dân tộc Hoa có 164 người (6).
Tuy là vùng đất vốn có nhiều núi, nhiều đoạn tạo thành sự khép kín về địa hình, song Chi Lăng lại là một “không gian xã hội mở” (7). Những phân tích về lịch sử, kinh tế, xã hội ở trên cho thấy dân cư tại địa bàn luôn có sự năng động nhất định, hay nói cách khác là “một vùng biến động về dân cư và văn hóa” (8) hay “vùng hỗn dung văn hóa” (9). Cư dân thuộc các tộc người khác nhau khi đến Chi Lăng đều mang theo vốn sống và gốc văn hóa từ nơi mình sinh ra. Trong khi đó, người dân ở đây được tiếp xúc với con người và văn hóa ở những vùng miền khác nhau nơi họ đến làm việc hoặc giao lưu cũng mang theo mình những hiểu biết về các nền văn hóa khác.
Có sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc cư trú tại Chi Lăng nhưng lại không gây chia rẽ trong cộng đồng. Trên thực tế, sự tiếp xúc giữa các cá nhân thuộc các nền văn hóa khác nhau đã ngày càng làm phong phú thêm bức tranh văn hóa ở đây. Sự cư trú đan xen giữa các dân tộc trên cùng một địa bàn đã khiến cho văn hóa của một dân tộc được thực hành, tôn trọng và chia sẻ trong cộng đồng. Chẳng hạn, người Tày và người Nùng ở thị trấn Đông Mỏ hay xã Quang Lang hàng năm vẫn tổ chức trung thu cho con em họ theo nếp của người Kinh với đèn lồng, bánh nướng, bánh dẻo và các đồ chơi trung thu khác… Hay người Kinh tại xã Vạn Linh lại học làm các loại bánh truyền thống của người Tày như bánh gio, xôi cẩm, bánh tét… để cúng vào các dịp lễ, tết. Nhiều người dân cho biết, việc tiếp thu một số thực hành văn hóa của dân tộc khác trong thôn, xã giúp họ hòa nhập tốt hơn với cộng đồng và phần nhiều tạo ra không khí vui vẻ, thân thiện nơi cư trú. Không chỉ thế, việc tìm hiểu lẫn nhau giữa nam nữ các dân tộc để đi đến hôn nhân tự nguyện là một trong những biểu hiện rõ nét hơn của sự hòa hợp dân tộc tại huyện Chi Lăng. Nói cách khác, giờ đây, các dân tộc khác nhau không chỉ sống gần nhau trong một thôn xóm mà còn cùng chung sống trong một gia đình. Chẳng hạn ở xã Quang Lang, có không ít những hộ gia đình bố hoặc mẹ là người Tày, mẹ hoặc bố là người Nùng, con dâu người Kinh. Sự gia tăng các cuộc hôn nhân hỗn hợp dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng cho thấy văn hóa không cản trở mà còn góp phần khẳng định xu hướng ngày càng phổ biến của loại hình hôn nhân này tại Chi Lăng.
Là một địa bàn vùng biên luôn có sự giao lưu mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa, huyện Chi Lăng đã trở thành mảnh đất gắn kết những con người đến từ những vùng miền, dân tộc khác. Những con người đi và đến nơi này, dù là bộ đội hay thường dân đi tìm kế sinh nhai, đã dần dần tạo ra mối quan hệ đa dạng giữa các tộc người. Trong thời đại mới, sự phát triển về kinh tế đã tạo nên tính năng động dân cư tại địa bàn này, từ đó thúc đẩy hơn nữa quá trình giao lưu, tiếp xúc của người dân thuộc nhiều dân tộc khác nhau, tạo cơ sở cho hôn nhân hỗn hợp dân tộc tác động tới quá trình tiếp biến văn hóa ở mỗi cá nhân trong gia đình. Ngoài ra, đây cũng là động lực thúc đẩy sự giao lưu và góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc
______________
1. Số liệu được tổng hợp từ thông tin đăng ký kết hôn tại Ban Tư pháp xã Quang Lang.
2. Ban Thường vụ huyện Chi Lăng, Lịch sử Đảng bộ huyện Chi Lăng (1930 – 1945), Lạng Sơn, 1993.
3. Nguyễn Trường Thanh, Ký ức Chi Lăng, trong Chi Lăng, mảnh đất anh hùng, Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng và Huyện ủy – UBND Chi Lăng xuất bản, Lạng Sơn, 2001, tr.19.
4, 5. Hội nghị khoa học kỷ niệm 555 năm ngày chiến thắng Chi Lăng (1427 – 1982), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn – Viện Sử học, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn, 1987, tr.85.
6. Tổng Cục thống kê – Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, Tổng điều tra dân số và nhà ở Lạng Sơn năm 2009: Kết quả toàn bộ, Lạng Sơn, 2011, tr.241-242.
7, 8, 9. Trần Quốc Vượng, Chi Lăng thăng hoa, trong Chi Lăng lịch sử (kỷ yếu hội nghị khoa học kỷ niệm 555 năm ngày chiến thắng Chi Lăng (1427 – 1982), Lạng Sơn, 1987, tr.86.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : VŨ PHƯƠNG NGA
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội