Tập quán hôn nhân của người dao quần chẹt ở ba vì

Ba Vì, Hà Nội là nơi cư trú tập trung của hơn 2000 người Dao Quần Chẹt. Mặc dù có điều kiện sinh sống đặc biệt hơn so với đồng tộc ở những địa phương khác nhưng họ vẫn giữ cho mình những nét văn hóa độc đáo, trong đó có hôn nhân. Đây là một bước ngoặt quan trọng, là sự chuyển đổi sâu sắc trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Trong hôn nhân, những nghi lễ được thực hiện nhằm mục đích công nhận cuộc sống vợ chồng, để đôi nam nữ bắt đầu một cuộc sống mới. Vì vậy, nó được quy định nghiêm ngặt bởi những nguyên tắc, chuẩn mực của cộng đồng. Qua những phong tục, tập quán đó, bản sắc văn hóa của người Dao được thể hiện đậm nét.

Quan niệm về hôn nhân

Người Dao Quần Chẹt coi hôn nhân, tạo lập gia đình hạnh phúc cho con cháu là việc quan trọng trong đời sống xã hội. Truyền thống hôn nhân là lấy vợ để có thêm người lao động, sinh con để có người nối dõi tông đường. Theo quan niệm chung, một người khi đến một độ tuổi nhất định phải lấy vợ, lấy chồng, lập gia đình riêng. Những người đàn bà không có chồng, người đàn ông không có vợ bị nhìn nhận là những người không bình thường. Hôn nhân còn là sự khẳng định vị thế của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Người muốn được cộng đồng tôn trọng thì trước hết họ phải là người thuộc gia đình khá giả, đông con, nhất là con trai.

Người Dao chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đề cao vai trò của nam giới, đặc biệt là người chủ gia đình. Vì vậy, hôn nhân trong truyền thống bị chi phối nặng nề bởi chế độ phụ quyền. Hôn nhân của con cái là do cha mẹ quyết định. Nam, nữ có thể tìm hiểu nhưng đi đến hôn nhân hay không thì tùy thuộc vào cha mẹ. Do vậy yếu tố môn đăng hộ đối được coi trọng. Có những trường hợp cha mẹ đã hứa hôn ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra.

Việc người con gái với người con trai có quan hệ tình dục trước khi cưới bị lên án nặng nề. Trường hợp này, nhà gái bị phạt nặng hơn nhà trai. Nếu người con gái chửa hoang còn bị khinh ghét hơn, họ sẽ bị đưa ra ở riêng tại một nơi vắng vẻ, ở ngoài làng cho đến sau khi sinh xong. Khi sinh con người đỡ cũng phải là người nhà chứ không được nhờ người ngoài, đẻ xong phải giấu đi, không cho người khác biết. Người Dao Quần Chẹt quan niệm những người con gái như vậy là nguyên nhân đem đến cho làng những điều xấu như hỏa  hoạn, dịch bệnh, mất mùa… làm uế tạp đến các thần linh bảo trợ cho làng, nếu để các vị này biết thì cả làng sẽ bị phạt. Trường hợp này, gia đình đôi nam nữ sẽ bị phạt vạ, sắp cơm mời cả làng, đôi nam nữ phải quỳ gối, bốc thịt mỡ trộn ớt trên thớt để ăn. Điều này mang tính chất răn đe với cộng đồng.

Do nhận thức được vai trò quan trọng của hôn nhân trong cuộc sống nên các bậc cha mẹ trước đây đều có ý thức lo việc dựng vợ, gả chồng cho con cái của họ ngay từ khi 13 – 14 tuổi. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, quan niệm lấy vợ, lấy chồng để có thêm người lao động. Hôn nhân là do số mệnh nên người vợ có thể hơn chồng đến 4, 5 tuổi là chuyện bình thường.

Xưa kia bản làng người Dao Quần Chẹt là một đơn vị khép kín, ít có sự giao lưu với các tộc người khác, do vậy các cuộc hôn nhân chủ yếu diễn ra giữa các dòng họ trong làng, người cùng dân tộc. Họ quan niệm những người tốt nết thì chẳng phải đi sang tận nơi khác để tìm vợ, tìm chồng mà chỉ cần lấy ngay ở trong làng.

Nghi lễ cưới xin

Đi hỏi: Sau thời gian tìm hiểu, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ. Nếu đồng ý, bố mẹ chàng trai cử người làm mối sang nhà gái đặt vấn đề. Người được chọn làm mối không phân biệt nam hay nữ nhưng phải có uy tín, hiểu biết, được nhiều người kính nể, đông con, hạnh phúc, có tài ăn nói, ứng xử khéo léo. Cũng có khi không cần nhờ tới người làm mối mà bố mẹ hoặc bà con của chàng trai trực tiếp thực hiện.

Đầu tiên, khi đi hỏi, nhà trai chỉ mang theo chút quà nhỏ như bao thuốc, gói kẹo để, giữ phép lịch sự. Khi đi hỏi vợ cho con, họ không chọn ngày mà cứ khi nào rảnh rỗi thì đi. Nhà trai trình bày về mối quan hệ của đôi nam nữ, như một lời đánh tiếng mà chưa đề cập đến chuyện cưới xin. Nhà trai xin nhà gái cho biết tuổi, ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô gái. Sau đó, nhà trai mời thày cúng đến nhà xem tuổi của cô gái có hợp với tuổi của chàng trai, của bố mẹ của anh ta không. Nếu không hợp tuổi thì nhà trai sẽ nhờ người báo tin cho nhà gái biết, coi như từ bỏ ý định kết hôn.

Nếu hai người đã hợp tuổi thì nhà trai chuẩn bị sang nhà gái lần thứ hai để thông báo cho nhà gái biết, đặt vấn đề cưới xin. Trên đường sang nhà gái, nếu gặp người đang gội đầu, đang tắm, người đẻ, người chết hay các con thú như hươu, nai, hổ, rắn, chim sa…, là điểm xấu, thì sẽ quay về, chọn ngày khác.

Thách cưới: đến hẹn, nhà trai đến nhà gái để hỏi về đồ thách cưới. Việc này có thể do bố chàng trai, ông mối, cũng có thể do chàng trai cùng bố mình đi, nhưng chỉ đi 2 người. Đến nơi, nhà trai sẽ hỏi nhà gái về đồ thách cưới. Hai bên sẽ thỏa thuận xem như vậy đã phù hợp chưa. Trường hợp gia đình nhà trai quá khó khăn, số lễ vật thách cưới lại nhiều thì hai bên có thể giảm bớt. Trong trường hợp nhà gái thách cưới quá cao, nhà trai không có khả năng đáp ứng thì đám cưới không diễn ra.

Thông thường nếu cô gái về làm dâu thì nhà trai sẽ phải tặng nhà gái 3 nén bạc, chàng trai về làm rể thì tiền thách cưới chỉ là 1 nén. Ngoài ra, lượng thịt, rượu, gạo sẽ tùy thuộc vào khả năng của nhà trai, thông thường là 60 kg thịt lợn, 30 lít rượu, 50kg gạo. Ngoài lễ vật thách cưới còn có 2 con gà, dùng để cúng bên nhà gái.

Xưa kia, lễ vật thách cưới trên đã bao gồm cả thực phẩm dùng trong lễ cưới chính thức. Do đó, trong đoàn đón dâu bao giờ cũng có bộ phận gánh các thực phẩm, thịt, gạo, rượu, sang nhà gái làm cỗ cưới.

Xem ngày: sau khi đã chuẩn bị lễ vật thách cưới, nhà trai chọn ngày để tổ chức đám cưới không trùng với những kiêng kỵ của nhà gái, nhà trai, cô dâu, chú rể. Thông thường, họ tổ chức cưới vào tháng 9 đến tháng 2 âm lịch. Đây là những tháng nông nhàn của đồng bào, là vụ mới thu hoạch xong.

Báo ngày cưới cho nhà gái: Chọn được ngày, nhà trai lại sang nhà gái chính thức thông báo về ngày cưới, mang theo một đôi thắt lưng bằng lụa tơ tằm (một xanh, một đỏ) là vật đính ước của nhà trai với nhà gái. Nhà trai cũng thông báo cho nhà gái biết những người đại diện trong hôn lễ. Nếu nhà gái không có anh em trai hoặc neo người thì chàng rể sẽ tận tình giúp đỡ.

Nhà trai được thông tin về số lượng người đưa dâu để chuẩn bị đón tiếp. Hai bên ấn định ngày nhà trai sẽ mang vải, chỉ thêu sang cho cô gái may trang phục cưới. Cô gái phải tự tay cắt may khoảng từ 6 – 8 tháng để có thể hoàn thành trang phục cưới cho cả hai người.

Lễ cưới chính thức là nghi lễ quan trọng nhất trong tất cả các nghi thức hôn nhân của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì, được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận.

Trang phục cưới truyền thống do chính tay cô dâu chuẩn bị, có thêu nhiều hoa văn, áo, yếm, thắt lưng đều mỗi thứ có hai cái. Theo quan niệm của họ thì mặc như vậy thể hiện sự có đôi. Trong dịp này, các đồ trang sức đẹp đều được sử dụng. Nếu bộ trang phục hàng ngày của phụ nữ phần gấu áo phía dưới được vắt chéo, giắt lên phía thắt lưng thì bộ trang phục ngày cưới áo dài được buông xuống. Khăn đội đầu trang trí thêm nhiều hạt cườm, len màu. Cách đội khăn cũng khác ngày thường, đặc biệt là tấm vải đỏ đội lên đầu, che kín mặt của cô dâu. Theo người Dao, đội khăn như vậy không ai nhìn thấy mặt cô dâu, tránh những điều xấu làm hại, cũng là để cô dâu không ngại. Hơn nữa, màu đỏ là màu tốt lành, may mắn. Chiếc khăn che mặt này chỉ dùng 1 lần, những người lấy chồng lần 2 không được dùng. Bộ trang phục cưới không có xà cạp quấn chân.

Các nghi thức trong đám cưới: lễ cưới truyền thống của người Dao Quần Chẹt diễn ra trong 3 ngày, một ngày bên nhà gái, hai ngày bên nhà trai.

Trước khi đi đón dâu một ngày, nhà trai mổ lợn làm lễ cúng tổ tiên. Mâm cúng phải đầy đủ các bộ phận của con lợn để thể hiện lòng thành, nếu thiếu thì tổ tiên sẽ không chứng nhận. Ngoài thịt lợn còn có rượu, tiền âm phủ. Thày cúng làm lễ xin tổ tiên thịt, rượu, gạo, tiền để đi đón dâu. Sau khi cúng xong, nhà trai tổ chức ăn uống, chuẩn bị sang nhà gái.

Lễ vật đã được hai bên gia đình thỏa thuận, tùy vào mỗi đám có số lượng khác nhau, nhưng nhất thiết phải có: bạc, rượu, thịt, gạo, muối, 2 con gà, trầu cau, thịt nạc, một ít tim gan.

Lễ chuyển gánh là một nghi lễ rất quan trọng, do đó nhà trai phải chọn người, xem ngày, giờ kỹ lưỡng. Đại diện cho nhà trai là hành mùi, đại diện bên nhà gái là mùi te. Người được chọn làm hành mùi phải là người đàn ông tính tình mềm dẻo, hiểu biết phong tục tập quán, khéo ăn nói, được mọi người quý mến. Trong trường hợp lấy rể thì cả mùi te, hành mùi đều do nhà gái chọn. Ngoài hành mùi còn có 6 người được nhà trai lựa chọn sẵn để sang giúp việc cho nhà gái. Trách nhiệm của họ rất nặng nề vì phải lo toàn bộ cỗ cưới cho nhà gái. Nếu không làm khéo, nhà trai sẽ bị chê cười.

Nhà trai mang những lễ vật đến để làm cỗ mời họ hàng gia đình bên gái. Khi sang nhà gái, hành mùi sẽ ngồi nói chuyện với mùi te bên nhà gái về những lễ vật mà nhà trai mang sang. Mùi te có trách nhiệm kiểm tra lễ vật. Nếu lễ vật chưa đầy đủ, nhà gái sẽ không đồng ý cho nhà trai đón dâu. Mùi te được chọn là người trong họ.

Trong 2 con gà nhà trai mang sang, 1 con để cúng tổ tiên ngay hôm ấy, thông báo việc cô gái đi lấy chồng, cắt khẩu sang nhà chồng, 1 con để lại cho bố mẹ cô dâu. Nếu cô dâu còn cả bố mẹ thì chỉ thịt một con gà để cúng tổ tiên, nếu bố hoặc mẹ hay cả bố mẹ cô dâu đều đã mất sẽ thịt cả 2 con, 1 con để cúng bố mẹ cô dâu đã mất. Việc cúng lễ do thày cúng được nhà gái mời đảm nhiệm.

Sáng hôm sau, khi chọn được giờ tốt, những người được phân công chuẩn bị đưa dâu về nhà chồng. Người mặc quần áo cho cô dâu là vợ của mùi te. Trước khi ra khỏi nhà, cô dâu cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên. Mùi te làm phép vòng quanh cô dâu để tránh tà ma khi đi trên đường. Cô dâu phủ mảnh vải đỏ che kín mặt, người dẫn đường cho cô dâu là mùi te. Đoàn đưa dâu còn có 2 phù dâu là bạn gái của cô dâu, có trách nhiệm đi theo mang những đồ tư trang, che ô cho cô dâu. Ngoài ra còn có người mang của hồi môn, bạn bè cùng những người thân của cô dâu. Của hồi môn của cô dâu tuỳ theo từng hoàn cảnh gia đình mà nhiều hay ít, thường có: 1 đến 2 đôi vòng tay, 1 cái hoặc 1 đôi vòng cổ, vài bộ quần áo, 1hòm gỗ, 1chăn chiên, 1 đôi chiếu, 1 cái chậu…

Dẫn đầu đoàn đưa dâu là hành mùi, mùi te, những người bên nhà trai sang nhà gái làm giúp, bố, bác, chú cô dâu, tiếp đến là họ hàng, chị em gái, bạn bè nữ của cô dâu. Thứ tự của đoàn đưa dâu phải tuân theo giới, thứ bậc là nam giới đi trước, nữ giới đi sau, cô dâu đi giữa tốp phụ nữ.

Đoàn đưa dâu đến, nhà trai cử người ra cổng đón, mang theo rượu, nước, thuốc mời đoàn. Nhà gái phải đợi ở ngoài chờ giờ tốt mới được vào nhà, cô dâu quay lưng về phía cửa chính. Khi cô dâu đến, bố mẹ chú rể phải lánh mặt sang nhà bên cạnh vì sợ sau này sẽ hay đấu khẩu với nhau. Khi đoàn đưa dâu, cô dâu đã vào nhà thì họ mới xuất hiện để đón tiếp đoàn nhà gái.

Lễ tơ hồng: nhà trai đã chuẩn bị sẵn đồ lễ gồm: 1 thủ lợn, rượu, giấy tiền, nhang. Giờ tốt đến, cô dâu được đưa ra ngoài để làm lễ tơ hồng. Cô dâu, chú rể đứng trong một chiếc chiếu được trải ngay trước bàn thờ, làm lễ, mùi te đứng bên cạnh cô dâu, hành mùi đứng bên chú rể nhưng không được chạm vào chiếu vì sợ vợ chồng sau này sẽ không hòa thuận. Đây là nghi lễ thông báo với tổ tiên rằng từ nay cô dâu đã trở thành con trong nhà. Thày cúng làm lễ yểm bùa vào hai chén rượu để hành mùi, mùi te đưa vào miệng cho cô dâu, chú rể uống. Nghi lễ này được làm liên tục 3 lần với ý nghĩa cặp vợ chồng mãi mãi bên nhau. Cuối cùng, đôi vợ chồng trẻ vái trước bàn thờ tổ tiên 12 vái. Kết thúc nghi lễ tơ hồng, cô dâu lại được đưa vào buồng, tấm chiếu trải khi làm lễ sẽ được trải lên giường cưới.

Sau đó, đoàn đưa dâu dự cỗ cưới đã được chuẩn bị sẵn. Khi ăn, những người quan trọng như già làng, thày cúng, hành mùi, mùi te, những người cao tuổi được xếp ngồi mâm riêng trong nhà, còn phía ngoài là khách của họ hàng hai bên. Khi mâm người lớn tuổi bắt đầu ăn thì những mâm bên ngoài mới được ăn. Cô dâu đứng bên cạnh, chú rể có trách nhiệm rót rượu cho mâm cơm các cụ cao tuổi, luôn trong tư thế ngồi xổm để tiện lợi trong quá trình di chuyển.

Trong bữa cơm, có một nghi thức nhất thiết phải tiến hành, đó là lễ dạy bảo đôi vợ chồng trẻ. Cô dâu, chú rể nhận được những lời căn dặn của mọi người trước tiên là mùi te, hành mùi. Hai ông này mỗi người cầm một chén rượu đưa cho cô dâu, chú rể đồng thời căn dặn vợ chồng có xảy ra chuyện gì thì phải nhớ đến chén rượu này mà cư xử cho phải. Đến lúc này cô dâu mới chính thức là con dâu trong nhà, cô dâu phải quấn áo lên, bắt tay vào công việc tiếp khách. Khi những người cao tuổi, bố chồng ăn xong, cô dâu phải mang nước rửa tay, khăn lau đến cho mọi người, dọn mâm bát đi rửa.

Trong truyền thống, cỗ cưới của người Dao Quần Chẹt chỉ có món duy nhất là thịt lợn luộc chấm muối. Họ quan niệm có thịt mà không có lá như người không áo. Vì vậy, thịt bao giờ cũng được để trên lá. Sau khi ăn xong, họ hàng hai bên gia đình tổ chức hát những bài hát dân ca truyền thống thâu đêm suốt sáng để chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ.

Sáng sớm hôm sau thức dậy, cô dâu phải lấy nước, khăn mặt đã được chuẩn bị sẵn mang cho bố mẹ chồng cùng những người lớn tuổi trong gia đình. Nhà trai cũng chuẩn bị sẵn cỗ bàn để thết đãi nhà gái.

Lễ tiễn nhà gái

Đây là nghi lễ mà gia đình nhà gái, bạn bè của cô dâu, chú rể sẽ tặng quà mừng, chúc phúc, dặn dò cô dâu chú rể trước khi ra về. Những quà mừng là sự chuẩn bị cho cuộc sống tự lập của đôi vợ chồng trẻ. Đại diện nhà gái từng người căn dặn cô dâu, chú rể cách ứng xử với bố mẹ, vợ chồng trong cuộc sống.

Lúc này, mùi te cắt 1 miếng thịt lợn đưa cho cô dâu, căn dặn rằng vừa mới về chưa có canh rau gì nên đưa để có cái tiếp đãi bố mẹ chồng, hãy để riêng miếng thịt này nấu cho bố mẹ chồng ăn.

Nghi lễ kết thúc, nhà gái xin phép ra về. Nhà trai biếu hành mùi, mùi te mỗi người khoảng 5 đến 6 kg thịt lợn vì đã giúp cho đôi trẻ nên duyên. Ngoài ra, nhà trai phải có lễ cảm ơn thày cúng đã làm lễ kết tơ hồng cho đôi trẻ là 7 giẻ sườn, đùi trước bên trái của con lợn.

Lễ lại mặt: Sau khi cưới, nếu chưa làm lễ lại mặt thì cô dâu phải kiêng ra ngoài, chỉ làm những việc trong nhà. Người Dao Quần Chẹt chỉ tổ chức lễ lại mặt sau đám cưới từ 3 ngày trở lên, tùy vào sự sắp xếp của nhà trai, nhưng nhất thiết phải chọn ngày chẵn, số người trong đoàn đi lại mặt cũng phải là số chẵn. Đoàn lại mặt bao gồm: bố mẹ của chú rể, cô dâu, chú rể, 1 nam, 1 nữ chưa lập gia đình để giúp gánh đồ lễ.

Lễ vật lại mặt gồm: 120 đôi bánh rán (không có nhân), rượu, thịt để sắp cơm mời anh em, họ hàng, một đôi gà (1 trống, 1 mái). Nhà gái sẽ gói bánh chưng dài để tặng lại nhà trai khi ra về. Trong buổi này, bố mẹ cô dâu cùng đoàn lại mặt nhà trai sẽ đi chào hỏi họ hàng bên nhà gái, coi như để chính thức nhận thông gia với nhau. Khi ra về, cô dâu chú rể được gia đình bố mẹ vợ tặng lại 1 đôi gà để làm giống, xây dựng cuộc sống mới.

Cư trú sau đám cưới: Sau khi cưới, người vợ sẽ ở bên nhà chồng. Tuy nhiên, trường hợp theo thỏa  thuận của hai bên gia đình mà người chồng có thể cư trú bên vợ một, hai năm (ở rể tạm thời) hay ở hẳn bên nhà vợ (ở rể đời).

Trường hợp ở rể tạm thời thường xảy ra đối với những gia đình nhà gái có con trai nhưng con trai còn nhỏ, nhà gái yêu cầu cho ở rể một vài năm để đỡ đần cha mẹ, chăm sóc các em, khi các em trưởng thành thì mới về nhà. Tuy nhiên khi hết thời hạn ở rể tạm thời thì chàng rể được chia một số tài sản như thóc lúa, gia súc, chăn màn, dụng cụ gia đình… Những thứ này sẽ góp phần giúp cho đôi vợ chồng trẻ xây dựng cuộc sống mới.

Trường hợp ở rể đời thường diễn ra với những gia đình không có con trai. Người con trai có thể đổi sang họ vợ hoặc không, con cái cũng theo họ mẹ nhưng vẫn có thể một nửa theo họ mẹ, một nửa theo họ cha. Con cái thờ tổ tiên của mẹ, có một người con thờ tổ tiên của cha. Chàng trai đi ở rể đời được thừa hưởng toàn bộ tài sản, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên gia đình bên vợ.

Trong truyền thống, người Dao lập gia đình sớm nên sau khi cưới, đôi vợ chồng sẽ sống chung với bố mẹ đến khi có đủ điều kiện, thời gian lo sắm vốn liếng tự lập thì mới tách ra ở riêng. Khi tách ra ở riêng, đôi vợ chồng vẫn phải có nghĩa vụ qua lại chăm sóc bố mẹ hai bên, dạy dỗ các em. Gia đình nhà chồng vẫn được chú ý hơn.

Một số biến đổi trong hôn nhân của người Dao Quần Chẹt hiện nay

Hiện nay, hôn nhân của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì hoàn toàn xây dựng trên cơ sở tình yêu tự nguyện của đôi nam nữ, việc bố mẹ sắp đặt chuyện hôn nhân hầu như không còn; cách thức tổ chức cũng có những biến đổi.

Sau quá trình tìm hiểu, đôi nam nữ sẽ thông báo với bố mẹ để tính chuyện cưới hỏi. Do vậy, những nghi lễ như lễ đánh tiếng, xin lá số, so tuổi, được thu hẹp chỉ còn lễ ăn hỏi, sau đó hai gia đình sẽ thống nhất ngày cưới ngay hôm đó. Đặc biệt với những đám cưới mà gia đình cô dâu, chú rể ở xa nhau thì việc thu gọn những nghi lễ thành một lễ ăn hỏi càng rõ rệt hơn. Việc so tuổi nay không còn quá coi trọng. Nếu đôi nam nữ không hợp tuổi vẫn có thể hóa giải bằng các nghi lễ.

Thời gian từ ăn hỏi đến lễ cưới được rút ngắn. Hầu như các lễ cưới chỉ diễn ra trước lễ hỏi khoảng 1 đến 2 tháng, có khi chỉ 1 đến 2 tuần.

Hình thức tổ chức lễ cưới cũng rất đa dạng, có thể là tiệc mặn, tiệc ngọt hay kết hợp cả mặn, ngọt. Đám cưới có sử dụng những trang thiết bị hiện đại như phông, bạt, loa đài, băng đĩa, MC dẫn chương trình…; địa điểm tổ chức lễ cưới có thể tại nhà hàng, phòng cưới hay hội trường nhà văn hóa, cơ quan, đơn vị, nơi làm việc của hai người.

Phương tiện được sử dụng khi đưa đón dâu, nếu hai gia đình ở cách xa nhau thì dùng xe máy hay xe hoa. Hình thức đi bộ chỉ diễn ra đối với các lễ cưới là những người cùng làng, hai nhà rất gần nhau.

Thời gian tổ chức lễ cưới được rút ngắn trong vòng 1 hoặc 1,5 ngày. Trong khi bên nhà gái mời họ hàng, bà con làng xóm đến chia vui thì bên nhà trai cũng tổ chức ăn uống. Các lễ cưới mà cô dâu không phải là người Dao thì chú rể sẽ cùng đoàn nhà trai đi đón dâu. Các lễ cưới tổ chức tại nhà hàng, phòng cưới hay tại cơ quan đơn vị chỉ trong vòng nửa ngày.

Nghi thức chuyển gánh không còn như trước. Số lễ vật thách cưới được quy ra tiền mặt (không quá 10 triệu đồng/ lễ). Vì vậy, hiện nay chỉ những người đi đón dâu không phải chịu trách nhiệm lo cơm nước bên nhà gái mà chỉ mang tính chất phụ giúp, thậm chí họ còn giống như khách quý. Việc cơm nước, cỗ bàn bên nhà gái tự bố trí, lo liệu.

Trên đường đoàn đón dâu về nhà trai cũng không phải theo thứ tự nam đi trước, nữ đi sau mà có thể đi xen kẽ. Bà mùi te là người có trách nhiệm dắt cô dâu có thể thay bằng bạn cô dâu (cô dâu không che mặt nên không cần thiết phải có người dẫn đường). Của hồi môn cô dâu mang về nhà chồng cũng thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, do cô dâu, chú rể mua trước đám cưới.

Trên đường đi từ nhà cô dâu sang nhà chú rể không còn phải ăn cơm ở giữa đường. Nếu có đi qua nhà ở bên đường cũng không nhất thiết phải đi phía trước mà đi theo đường thẳng. Các nghi lễ giải hạn trên đường hầu như không được thực hiện, nếu cô dâu có hạn thì cũng tìm cách giải hạn trước hoặc sau lễ cưới. Nghi lễ tơ hồng vẫn được diễn ra nhưng thực hiện đơn giản, không mang nhiều tính thiêng.

Hình thức hát dân ca dân tộc, hát giao duyên trong đám cưới không được diễn ra. Thay vào đó là mở băng đĩa, nam nữ thanh niên hát những bài hát nhạc trẻ hiện đại, có MC dẫn chương trình.

Lễ lại mặt được diễn ra sau lễ cưới ba ngày. Trong thời gian trước lễ lại mặt cô dâu vẫn có thể ra ngoài khi có công việc. Những cô dâu là người dân tộc khác không phải tuân theo nghi thức này. Lễ vật lại mặt hầu hết là mẹ chú rể chuẩn bị hoặc cô dâu có thể phụ giúp. Điều này chứng tỏ người con dâu mới trong gia đình được đối xử bình đẳng hơn. Những lễ vật trong lễ lại mặt cũng thay đổi. Có nhiều đám cưới không dùng lễ vật truyền thống là bánh rán hoặc bánh rán chỉ là hình thức, không đủ 120 đôi. Đặc biệt với những đám cưới hỗn hợp dân tộc không dùng bánh rán. Ngoài ra những lễ vật mang sang còn có những sản phẩm của nền kinh tế hiện đại như các loại rượu, bia, bánh kẹo…

Nếu nhà trai, nhà gái cách nhau quá xa có thể bỏ qua lễ lại mặt, sau một thời gian đôi vợ chồng trẻ về bên nhà bố mẹ vợ để thăm hỏi, nhận họ hàng. Trong những trường hợp cô dâu chú rể không tổ chức cưới ở gia đình mà tổ chức tại cơ quan hay nhà hàng, phòng cưới, nghi lễ lại mặt cũng không được tổ chức. Cô dâu, chú rể thường nhận họ hàng vào các dịp lễ tết của gia đình, dòng họ.

Hình thức cư trú sau khi cưới cũng có những biến đổi. Nếu chàng rể đồng ý ở rể bên nhà gái thì nhà gái cũng không phải lo mọi chi phí. Các đôi vợ chồng có xu hướng tách ra ở riêng sau khi cưới. Nhiều cặp vợ chồng trước, sau khi cưới đều lên các thành phố lớn để làm việc, do vậy sau kết hôn hầu hết họ quay trở lại với công việc của mình đồng thời cũng tách khỏi cuộc sống chung với bố mẹ.

Lễ cưới không chỉ là ngày vui của đôi nam nữ, gia đình mà còn là ngày vui chung của cả cộng đồng. Nó tạo dựng những mối quan hệ giữa hai gia đình, dòng họ. Chính vì vậy mà việc cưới xin không chỉ là việc trọng đại của đôi nam nữ mà còn được sự quan tâm của cả cộng đồng. Xuyên suốt lễ cưới là các nghi lễ, kiêng kỵ nhằm mong cho đôi vợ chồng trẻ sẽ gặp may mắn, có cuộc sống hạnh phúc. Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : VŨ THỊ UYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *