Truyện nôm, những vấn đề thể loại và phương thức biểu hiện


Truyện nôm, ngâm khúc, vãn, ca… là những thể loại của văn học chữ Nôm, được sáng tạo trong quá trình dân tộc hóa những thể loại của văn học dân gian. Quá trình ấy có thể bắt đầu từ TK XVI và đã đạt đến sự phát triển rực rỡ ở TK XVIII, XIX.

Truyện nôm là truyện thơ nôm. Có thể nói đây là tiểu thuyết bằng thơ, sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc, sử dụng thể thơ lục bát và có nhiều tác phẩm còn là khuyết danh. Truyện nôm có đến hàng trăm tác phẩm gồm truyện nôm bác học, truyện nôm bình dân, truyện nôm khuyết danh. Tính chất cơ bản của truyện nôm là mô tả, tả truyện hay nói một cách khác truyện nôm là thể loại mang tính tự sự. Có không ít những thí dụ nhỏ về tính tự sự của thể loại truyện nôm. Trong truyện cổ Phạm Tải – Ngọc Hoa ngay ở những câu đầu của tác phẩm, tác giả đã trình bày rõ thời gian, địa danh, lai lịch nhân vật của cốt truyện: 

Mở Chu kỷ thấy có đời Trang Vương

Hội quân Minh, họp thần lương

Trang vương ngự trị bốn phương thái thuần

Bát thiên thu, bát thiên xuân

Muôn dân cũng phục thánh quân trùng trùng

Tăm kình cáo thỏ sạch không

Có nhà Trần thị xứ Đông, Thanh – hà 

Tướng công quan đại phú gia 

Xuân thu đỉnh thịnh tên là Thúc Thông

Hoặc:

Phạm Tải rón rén thưa quỳ

Ngập ngừng mới rãi vây vi tỏ tường 

Sơn Tây, Ngọc tháp là làng, 

Hai thân sớm đã suối vàng chơi xa

Anh em chẳng có một ai

Cửa nhà thiếu thốn, hết nơi nương nhờ

Ở cùng cậu mợ sớm trưa

Dám nài cay đắng muối dưa cực lòng

Cách cụ thể hóa những chi tiết khi giới thiệu thời gian, địa danh, lai lịch nhân vật của cốt truyện như vậy cũng gặp ở các truyện nôm khác như: Lý Công, Châu phật bản hạnh, Tống Trân Cúc Hoa Khác hẳn với tính chất mô tả, tự sự của truyện nôm, ngâm khúc, vãn… lại mang tính chất trữ tình đậm nét. Chẳng hạn như trong tác phẩm Chinh phụ ngâm, nhân vật trữ tình là nàng chinh phụ luôn đi về giữa những hồi ức về dĩ vãng với những nhớ mong:

Lòng này gửi gió đông có tiện

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

hoặc với những tình cảm xót xa:

Giận thêm thiếp lại không bằng mộng

Được gần chàng bến Lũng thành Quan

         Khi mơ những tiếc khi tàn

Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không

Tuy nhiên trong truyện nôm có thể có những đoạn trữ tình khi mô tả cuộc sống, tình cảm và những biến động tâm lý của các nhân vật. Cũng như vậy, trong ngâm khúc, vãn… có thể có những đoạn mô tả, tả cảnh khi kể về những việc gì đó liên quan đến sinh hoạt của các nhân vật. Sự giao thoa giữa những yếu tố trữ tình và mô tả, tả cảnh như vậy trong truyện nôm cũng như trong ngâm khúc, vãn… không thể làm giảm đi tính loại biệt cơ bản của hai thể loại này.

Về hình thức nghệ thuật, truyện nôm sử dụng thể lục bát, còn ngâm khúc, vãn sử dụng thể song thất lục bát.

Truyện thơ nôm được tạo bởi những câu theo luật bằng trắc như sau:

B (hoặc T), B, B (hoặc T), T, B (hoặc T), B

B (hoặc T), B, B (hoặc T), T, B (hoặc T), B, T, B

Ví dụ:

 

 

Nhà vừa mở tiệc đoàn viên

Hoa soi ngọn đuốc hồng chen bức là

Trong các truyện dân gian bằng thơ, những câu thơ lục bát không theo vần luật và trình tự trắc bằng.

Ngâm khúc, vãn sử dụng thể thơ song thất lục bát. Thể vãn cũng là thể ngâm khúc. Bởi trong tiếng Việt, vãn cũng chính là ngâm. Tiêu biểu cho thể loại ngâm khúc, vãn này là: Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Tự tình khúc, Ai tư vãn, Hà Tiên thập cảnh vịnh khúc

Tất cả các khổ thơ tuân theo luật bằng trắc như sau:

O T T B B T T

O B B T T B B

B (hoặc T), B, B (hoặc T), T, B (hoặc T), B

B (hoặc T), B, B (hoặc T), T, B (hoặc T), B, T, B

Ở đây vần O là vần tự do

Nước có chảy lòng phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm, dạ nhớ nào khuây

Nhủ rồi nhủ lại cầm tay

         Bước đi một bước dây dây lại ngừng

Như vậy, truyện nôm và ngâm khúc, vãn không những chỉ khác nhau ở phương thức biểu hiện như truyện nôm với tính chất chủ yếu mô tả, tự sự, còn ngâm khúc, vãn với tính chất chủ yếu là trữ tình, không những chỉ khác nhau ở hình thức nghệ thuật thơ ca, với truyện nôm là thể lục bát còn ngâm khúc, vãn… là thể song thất lục bát, mà truyện nôm và ngâm khúc, vãn còn được phân biệt với tư cách một thể loại văn học.

Trong tiến trình phát triển của thể loại truyện nôm có thể đã có những sự biến đổi về hình thức nghệ thuật để phù hợp với loại hình kể chuyện của thể loại. Có thể nêu lên ví dụ sau đây minh chứng cho điều đó. Truyện nôm Nghĩa sĩ truyện, Lâm tuyền kỳ ngộ Bạch Viên – Tôn Các là những truyện nôm khuyết danh. Nghĩa sĩ truyện là câu chuyện kể về Nguyễn Biểu, một anh hùng dân tộc đầu TK XV. Lâm tuyền kỳ ngộ là truyện nôm có nguồn gốc từ văn học dân gian. Đó là câu chuyện tình giữa nàng Bạch Viên và chàng Tôn Các. Còn truyện nôm Bạch Viên – Tôn Các, cũng có cùng một nội dung như truyện nôm Lâm tuyền kỳ ngộ, với cùng những nhân vật, cùng cốt truyện, nhưng không phải vì thế mà chúng là những dị bản của cùng một tác phẩm. Truyện Bạch Viên – Tôn Các được viết bằng thể thơ lục bát quen thuộc, thường dùng để sáng tác những truyện nôm còn truyện Lâm tuyền kỳ ngộ lại không phải cùng thể thơ này.

Tác phẩm Lâm tuyền kỳ ngộ bao gồm một trăm bốn mươi sáu bài thơ tám câu, mỗi câu 7 âm tiết, một bài bốn câu mỗi câu 7 âm tiết và một bài gồm mười một câu thơ tự do. 148 bài thơ này độc lập với nhau về mặt vần luật nhưng lại được sắp xếp bên nhau như những hạt trong một chuỗi hạt được xây cùng vào một sợi dây, và sợi dây đó chính là cốt truyện của câu chuyện được kể.

Nghĩa sĩ truyện, cũng bao gồm một loạt những bài thơ tám câu, mỗi câu 7 âm tiết như Lâm tuyền kỳ ngộ nhưng ngắn hơn rất nhiều.

Cho đến tận bây giờ, các nhà nghiên cứu không thể làm gì hơn là đưa ra những giả định về các tác giả của những truyện nôm Nghĩa sĩ truyện, Lâm tuyền kỳ ngộ. Nhưng có khả năng là Nghĩa sĩ truyện đã xuất hiện vào đầu TK XVI còn Lâm tuyền kỳ ngộ thì muộn hơn vào TK XVII. Như vậy hai truyện trên rất có thể đã xuất hiện vào giai đoạn đầu của lịch sử truyện nôm.

Nhờ hai truyện nôm này, chúng ta có thể đưa ra một giả thuyết thú vị như sau: khi thể loại truyện nôm mới ra đời, có một xu hướng mạnh mẽ là dùng thơ tám câu mỗi câu 7 âm tiết và thơ bốn câu mỗi câu 7 âm tiết thành từng nhóm để kể những câu chuyện, hay nói cách khác là để sáng tác truyện nôm. Nhưng sau đó người ta thấy rằng thơ lục bát có hình thức uyển chuyển hơn, phù hợp với loại hình kể chuyện hơn, vậy là những bài thơ tám câu và bốn câu dần dần nhường chỗ cho thơ lục bát. Và thể loại truyện nôm với hình thức nghệ thuật là thơ lục bát đã được khai sinh. Vậy là không kể đến những giá trị khác, truyện nôm Nghĩa sĩ truyệnLâm tuyền kỳ ngộ xứng đáng được chú ý đặc biệt, bởi vì chúng đã tạo ra những chỉ dẫn quý báu trong những bước lần mò tìm kiếm đánh dấu việc nghiên cứu một hình thức nghệ thuật thơ phù hợp với truyện nôm.

Thể loại truyện nôm trong quá trình tiến diễn đã có sự phát triển từ Bắc vào Nam. Truyện nôm Song Tinh là một minh chứng cụ thể. Tác giả của truyện Song Tinh là Nguyễn Hữu Hào (ông là con vị danh tướng Đàng Trong Nguyễn Hữu Dật), vốn quê ở làng Gia Miền, huyện Tống Sơn nay thuộc Hà Trung, Thanh Hóa, sau di cư vào Thừa Thiên, năm 1672 được phong tước Hào Lương Hầu. Ông là người có học thức uyên bác, am hiểu cả Phật, Nho, Lão, đã giữ nhiều trọng trách trong chính quyền phong kiến Đàng Trong và được quan, dân yêu mến. Nguyễn Biểu mất năm 1713. Với tình hình tư liệu hiện nay, chúng ta chưa thể khẳng định chính xác thời điểm xuất hiện của tác phẩm Song Tinh, nhưng dù sao nó cũng phải có trước năm 1713. Vậy chúng ta hãy chấp nhận rằng truyện nôm Song Tinh là một tác phẩm ra đời vào khoảng cuối TK XVII hoặc đầu TK XVIII. Cần phải nhớ rằng, trong hơn hai thế kỷ, từ TK XVI đến cuối TK XVIII, nước Việt Nam bị chia làm hai miền: Đàng Ngoài (phía Bắc Đèo ngang) dưới sự thống trị của chúa Trịnh và Đàng Trong (phía Nam Đèo ngang) dưới sự thống trị của chúa Nguyễn. Sự chia cắt như vậy đã tạo nên quá trình đặc thù hóa trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là ngôn ngữ văn học. Được sáng tác ở vùng cai trị của chúa Nguyễn, Song Tinh có thể xem là bằng chứng cho những đặc tính riêng của ngôn ngữ văn học Đàng Trong. Nhưng cũng có thể lấy Song Tinh để chứng minh cho sự thống nhất cơ bản của ngôn ngữ văn học trong cả nước Việt Nam thời đó. Với sự ra đời của Song Tinh vào khoảng cuối TK XVII đầu TK XVIII, chúng ta thấy truyện nôm đã phát triển và có vị thế ở cả hai miền Nam Bắc của đất nước.

Trong số những truyện thơ viết bằng chữ nôm, những truyện lịch sử chiếm một vị trí quan trọng. Nghĩa sĩ truyện chắc chắn là một trong số những truyện lịch sử viết bằng chữ Nôm cổ nhất, nhưng có một số truyện khác nổi tiếng hơn và quan trọng hơn.

Ở Việt Nam, truyền thống chép sử ngược dòng quá khứ đã có từ TK XIII với Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu. Còn với những truyện ít nhiều mang tính huyền thoại của các nhân vật lịch sử thì lại được khởi thảo từ sớm hơn nữa.

Truyền thống đó đã được phản ánh trong văn học viết bằng chữ nôm về đề tài lịch sử người ta đã đặt cho những truyện thơ lịch sử sáng tác bằng chữ nôm một cái tên chung: Quốc sử diễn ca (tức là lịch sử dân tộc được kể lại dưới dạng diễn ca). Các tác phẩm này được sáng tác bằng thể thơ song thất lục bát, có khi được sáng tác bằng thơ lục bát.

Những truyện lịch sử bằng thơ này không chỉ phản ánh những sự kiện lịch sử của dân tộc theo thứ tự niên biểu ít nhiều đã được ghi trong biểu niên sử chính thống, mà chúng còn kể lại những huyền thoại, những truyện kể, những truyện ngụ ngôn. Và hư cấu chiếm một phần quan trọng trong sự hình thành những tác phẩm quốc sử diễn ca. Có thể nói mặc dù được thiết lập trên cơ sở lịch sử, chúng vẫn là những tác phẩm văn học tự thân. Nhiều nhà nghiên cứu đã nghiền ngẫm và khẳng định những giá trị văn học của những truyện thơ lịch sử như Việt sử diễn âm TK XVI, Thiên Nam minh giám TK XVII, Thiên Nam ngữ lục TK XVII, Đại Nam quốc sử diễn ca TK XIX.

Những truyện lịch sử bằng thơ, những tác phẩm quốc sử diễn ca thuộc thể loại sử ca nôm. Những tác phẩm quốc sử diễn ca đã góp phần đáng kể vào việc làm phong phú và vào chất lượng của kho tàng văn học viết bằng chữ nôm.

         Truyện nôm và ngâm khúc, vãn, ca là những thể loại có nhiều sáng tạo của dòng văn học chữ nôm. Việc nghiên cứu những thể loại văn học này giúp chúng ta hiểu biết thêm về những giá trị khoa học của nền văn học truyền thống sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Đinh Thị Minh Hằng

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *