Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trong thơ việt nam trung đại.


 

Văn học Việt Nam nửa cuối TK XVIII, đầu TK XIX là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nền văn học dân tộc Việt Nam bấy giờ lấy Nho giáo làm ý thức hệ chính thống. Trong mấy thế kỷ, khi chế độ Phong Kiến đang lên thì Nho giáo cũng có được một vị trí và uy lực nhất định của nó. Nhưng khi khủng hoảng thì Nho giáo đã bị đả kích, những lý thuyết tam cương, ngũ thường, ngũ luân của Nho giáo bắt đầu bị đả phá – đây chính là tiền đề, cơ sở cho sự xuất hiện trào lưu tư tưởng nhân văn, đề cao con người và cuộc sống trần tục. Ngoài lý do chống lại ý thức hệ Nho giáo, các nhà thơ TK XVIII và XIX nói nhiều đến chủ đề tình – dục, vì theo họ, điểm khác biệt chính yếu của con người với con vật là ở chỗ con người là “giống hữu tình”: “ấy loài vật tình duyên là thế, Sao kiếp người nỡ để đấy đây” (Chinh phụ ngâm); “Đá kia còn biết xuân già dặn, Chả trách người ta lúc trẻ trung” (Hồ Xuân Hương); còn Nguyễn Du thì viết “Cho hay là giống hữu tình/ đố ai dứt mối tơ mành cho xong”. Con người là giống hữu tình thì khát vọng tình dục, tình cảm nam – nữ, chuyện tương tư, tình ái là một tất yếu, không lấy gì làm lạ và xấu xa cả. Thêm nữa, vì trực diện với hiện thực xã hội phong kiến, các nhà thơ bắt đầu hoài nghi về những giá trị luân lý mà chế độ đó tôn thờ và bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Họ mất dần niềm tin vào những chuẩn mực của đạo đức Nho giáo. Từ đó, trong thơ, hình ảnh người quân tử, công thần, người xả thân vì nghĩa, tinh thần hướng thượng, coi trọng những giá trị cộng đồng, những phẩm chất chung, không chấp nhận những cá tính tự do, phụ nữ thì phải soi mình vào công, dung, ngôn, hạnh… dần dần mờ nhạt, nhường chỗ cho hình ảnh con người cá nhân với sự trỗi dậy mãnh liệt về bản năng, bản ngã, ham muốn… Văn học giai đoạn này đã lấy hình ảnh người phụ nữ làm đối tượng phản ánh và lấy chủ tình làm đề tài chính yếu. Chính vì vậy, dấu ấn phồn thực trong văn học, đặc biệt là trong thi ca giai đoạn này rất đậm nét, bất chấp sự đàm tiếu của thế tục, sự chê bai của chính trị, vượt lên trên sự e ngại vi phạm chuẩn mực lễ giáo chính thống Nho gia để cho ra đời những áng văn bất hủ về đề tài tình yêu, tình dục. Hơn thế, những tuyệt tác ấy còn ẩn chứa lời kêu gọi giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào việc phân tích khát vọng Phồn thực được thấy trong một số tác phẩm thi ca Việt cuối TK XVIII đầu TK XIX và ý nghĩa của nó ở góc độ văn hóa tâm linh.

Đọc Chinh phụ ngâm, chúng ta đều thấy đó là khúc ngâm từ tiếng lòng, là nỗi nhớ khát khao của người phụ nữ khi phải xa chồng “đưa chàng lòng dặc dặc buồn”, để rồi sự đợi chờ mòn mỏi đó được ví như “ngồi trong bóng rèm”, người chinh phụ ngóng đợi tin chồng nhưng chẳng thấy đâu. Hình ảnh “trong rèm” ấy chính là miêu tả cuộc đời con người bị trói buộc trong một không gian chật hẹp, tù đọng của sự không thỏa mãn dục tính, khiến người chinh phụ đã thốt lên thứ triết lý sống, triết lý hạnh phúc, xét cho đến cùng chỉ còn là ở đây và bây giờ “Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy/ Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau/ Thiếp xin chàng chớ bạc đầu/ Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung”. Mạnh mẽ hơn, người chinh phụ đã đặt tình yêu đứng trên tất cả mọi thứ, kể cả vương quyền, bổng lộc “Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu/ Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”.

Cuộc đời người chinh phụ thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng chồng, sự đợi chờ mòn mỏi: “Khắc chờ đằng đẵng như niên/ Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”, tâm trạng đơn côi khiến người chinh phụ như mất hết hồn xuân, sức sống, trở thành vật hóa, chỉ còn lại sự trống trải, nỗi chán chường, buông xuôi, vui gượng: “hương gượng đốt, gương gượng soi, dắt cầm gượng gảy”. Ngay đến cảnh vật và sự sống bên ngoài trong con mắt người chinh phụ khi đó cũng nhuốm vẻ vô cảm, chập chờn bất định “hồn đà mê mải, lệ lại châu chan/ Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”…

Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều lại mượn kiếp người cung nữ mà suy tư đất trời, phê phán thời thế: “Phong trần đến cả sơn khê/Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”, “Chống tay ngồi ngẫm sự đời/ Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm”. Với thứ ngôn ngữ vừa nôm na, dung dị: “Lau nhau ríu rít cò con cũng tình”, vừa thâm sâu thông tuệ: “Trải vách quế gió vàng hiu hắt/ Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng/ Oán chi những khách tiêu phòng/ Mà xui phận bạc nằm trong má đào”, Cung oán ngâm khúc đã diễn tả nỗi lòng ai oán của người cung nữ khi thiếu thốn và khao khát tình – dục “Cười nên tiếng khóc hát nên giọng sầu”, “Một mình đứng tủi ngồi sầu/ Đã than với nguyệt lại rầu với hoa”, “Hoa này bướm nỡ thờ ơ/ Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng…”.

Khát vọng lứa đôi của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc bị dồn nén đến cùng cực, nâng lên thành thứ triết lý và quy luật của vũ trụ, trời đất, con người, xét cho tận cùng chỉ còn là âm – dương giao hòa: “Kìa điểu thú là loài vạn vật/ Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng/ Có âm dương có vợ chồng/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”.

 Vượt qua mọi cấm đoán của lễ giáo Phong Kiến, vượt lên trên những công thức, những khuôn mẫu mang tính qui phạm dành cho người phụ nữ, Cung oán ngâm khúc phản ánh tâm trạng của người cung nữ khao khát được ân ái, được thỏa mãn bản năng bằng những dòng thơ mang sắc thái nội tâm, giàu cảm xúc, khêu gợi: “Chốn phòng không như giục mây mưa”.

Cung oán ngâm khúc đề cao dục tính, đưa con người đến với cõi dục để chia tay với thứ tâm thức mực thước trốn cung đình giả dối, bước ra bầu trời tự do, phóng khoáng, giải phóng phụ nữ, giải phóng tình dục một cách mạnh mẽ: “Bóng gương lấp loáng dưới mành/ Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa”, “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng dương lồng bóng đồ my chập chùng”, “Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn/ Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”.

Với nghệ thuật thơ trác việt, mang tính tư tưởng và thẩm mỹ cao sang, sâu sắc, mỹ lệ có một không hai trong thi ca Việt Nam cuối TK XVIII đầu TK XIX, Cung oán ngâm khúc đã miêu tả cái đẹp của dục tính: “Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ/ Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu/ Cành xuân hoa chúm chím chào/ Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai”, và nâng hành vi dục tính lên trên thứ nhục dục tầm thường. Nó là sự thăng hoa, sự lãng mạn của tâm hồn và bản năng con người: “Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió/ Áo vũ kia lấp ló trong trăng”, Mây mưa mấy giọt chung tình/ Đình Trầm hương khóa một cành mẫu đơn”, “Tiếng thánh thót cung đàn thúy dịch/ Giọng nỉ non ngón địch đan trì/ Càng đàn, càng địch, càng mê/ Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng”…

Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã cho thấy nhiều suy tư đến chủ đề tình – dục, mặc dù xã hội mà ông đang sống, đạo lý của Khổng giáo đã ngự trị hàng nghìn năm, hình thành nên những quy tắc ứng xử rất khắc nghiệt với người phụ nữ. Thế mà, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mấy lần đề cập đến cái chuyện tày đình ấy trong khung cảnh: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”, “Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng”, “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Cho đến những đoạn thơ Nguyễn Du miêu tả bước chân của Kiều trong đêm, táo bạo, phá rào, không che giấu xúc cảm, không cam chịu theo giáo lý chính thống, sang nhà Kim Trọng tự tình, “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, “Băng mình lên trước đài trang tự tình”. Những vần thơ này đã phản ánh nỗi khát khao cháy bỏng về tình yêu, về hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ, bất chấp những lễ giáo khắt khe trói buộc thể xác, tâm hồn con người, vượt lên trên sự e ngại vi phạm chuẩn mực lễ giáo Nho gia nam nữ thụ thụ bất thân. Hình ảnh người phụ nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên xa lạ với tính chất mực thước về phẩm hạnh của người đàn bà dưới xã hội Phong Kiến: “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai”.

Hơn thế, Nguyễn Du còn tả rất thực chuyện Kiều vào lầu xanh được Tú Bà dạy cho thuật chăn gối làm thỏa mãn khách làng chơi: “Này con thuộc lấy nằm lòng/ Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, “Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”, “Khi khóe hạnh khi nét ngài/ Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa/ Đều là nghề nghiệp trong nhà/ Đủ ngần ấy nết mới là người soi…”.

Với bút pháp tài tình có một không hai, Nguyễn Du dù có gói ghém, che đậy bằng những ngôn từ hoa mỹ đến mấy thì người đọc vẫn phát hiện ra khi ông miêu tả tấm thân ngọc ngà cháy bỏng, gợi cảm dục tính của nàng Kiều: “Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa/ Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”…

Đến Hồ Xuân Hương, chúng ta thấy một phong cách rất riêng, rất độc đáo khi bàn về đề tài phụ nữ và tình dục. Có thể nói, đó là một phong cách táo bạo, thách thức, nổi loạn, ngạo ngôn, ngạo đời đến sửng sốt nhưng đằng sau đó là nỗi niềm khát khao giao cảm với đời, chia sẻ với nỗi khổ của thân phận người đàn bà cô đơn. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ý tả cảnh làm tình hoặc mô tả bộ phận sinh thực khí của nữ hoặc nam (1). Biểu tượng của sinh thực khí và hình ảnh giao hoan nam – nữ hiển hiện trong thơ của bà như muốn phá tung, muốn giải tỏa những gì là bản năng do bị kìm nén, bị trói buộc bởi những lề thói khắc nghiệt của lễ giáo Phong Kiến. Vì chứng kiến những cảnh tượng dâm – tục của giai cấp thống trị và tầng lớp quan lại tha hóa nhưng lại dở thói đạo đức giả, nên hình ảnh sinh thực khí của người phụ nữ: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” đã được Hồ Xuân Hương đặt ngang với khuôn mặt của lớp người được coi là hiền nhân quân tử: “Mát mặt quân tử khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa”.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương, người đọc cảm thấy rạo rực một thứ bản năng thôi thúc rất tự nhiên mà xưa nay họ cứ phải giấu diếm, che đậy, nay được Hồ Xuân Hương giãi bày hộ. Cái bản năng tự nhiên, trần tục vốn xa lạ trong sáng tác văn học – thi ca trung đại, thì giờ đây trở thành hình tượng nghệ thuật trong thơ bà và biểu lộ sự tự ý thức về bản ngã, về vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, về dục vọng lành mạnh. Nó là báu vật của đời khiến cả tầng lớp được coi là hiền nhân quân tử dù “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”, thậm chí đến vua, chúa cũng “chúa dấu vua yêu một cái này”, “cho ta yêu dấu chẳng rời tay”, “yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”. Tình dục chỉ trở thành bệnh thái hay dâm tục khi nó được chứa trong một tâm hồn dâm đãng và một thành kiến luân lý giả tạo. Chưa nói đến chuyện, cái dục trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là cái dục hạ đẳng, mà là cái dục rất thanh tao, đẹp đẽ vì nó hướng đến một mục tiêu rõ rệt là nhằm tôn vinh vai trò và vị trí của phái nữ trong xã hội và trong gia đình. Với xã hội, người phụ nữ làm gia tăng vẻ đẹp, sự bất tử của khát vọng khôn cùng, là chiếc chìa khóa của sự sinh sôi, nảy nở. Còn trong gia đình, người phụ nữ tạo nên sự hòa hợp âm – dương, giúp cho con người được thăng hoa, được đạt đến cõi cực lạc ngay trốn trần gian này: “Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn/ Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi/ Nào nào cực lạc là đâu tá/ Cực lạc là đây chín rõ mười”…

Tình yêu – tình dục, với nhiều cung bậc khác nhau, đều được Hồ Xuân Hương ngợi ca, mặc dù tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương đều có kết cục bi thương, người phụ nữ luôn phải chịu cảnh đơn côi, đau khổ, nhớ nhung ân ái trong những mối tình không trọn vẹn. Thơ Hồ Xuân Hương phản ánh những nỗi niềm riêng tư của chính cuộc đời và thân phận bà, ước muốn có được một cuộc sống hạnh phúc lứa đôi với mặn nồng ái ân, nhưng xã hội thời bà đang sống nghiệt ngã đến mức không thể thực hiện nổi những ước mơ bình dị, đời thường ấy – đó là nguyên nhân của nỗi buồn sâu thẳm và khát vọng phồn thực mang tầm vũ trụ của kiếp người được khái quát hóa bằng những hình tượng văn học trong thi ca TK XVIII, XIX nói chung và trong thơ Hồ Xuân Hương nói riêng.

Với những phân tích trên, dấu ấn Phồn thực hiển hiện trong thi ca cuối TK XVIII đầu TK XIX không phải là một sự gán ghép vu vơ, không cơ sở mà là sự phân tích muốn thoát khỏi lối mòn của sự cảm thụ an toàn quen thuộc, thoát khỏi ý thức muốn quên đi, xóa đi, bỏ qua cái ấy khi hình dung hay miêu tả về con người. Trong sự nhận biết này, chúng ta cần một sự cảm thụ cái hay, cái đẹp, cái cao cả của tín ngưỡng Phồn thực trong thi ca TK XVIII-XIX và qua đó cũng để thấy, đừng quá nặng về ý thức tục lụy khi nghiên cứu phồn thực.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, xu hướng chủ tình trong văn học giai đoạn này vẫn là đơn độc so với lịch sử văn học Việt Nam. Mặc dù, lùi lại xa hơn về thời gian, rộng hơn về không gian, chủ đề tình – dục trong thi ca Việt chẳng hề lẻ loi, cá biệt, lại càng không phải là cuộc cách mạng khi đưa cái ấy, chuyện ấy vào trong văn chương, nghệ thuật…

Tóm lại, sinh thực khí và hành vi giao cấu là đầu mối của mọi sinh thành vũ trụ, vạn vật, là một sinh hoạt cơ bản nhất của con người đã được nâng lên thành thứ tôn giáo, thần linh hay ít ra thành một thứ tín ngưỡng sâu đậm trong tâm hồn người Việt với những vật chứng không thể bác bỏ. Nói khác đi, tín ngưỡng phồn thực bao phủ gần như toàn bộ đời sống văn hóa – tâm linh của người Việt.

Việc phân tích dấu ấn của tín ngưỡng Phồn thực trong thi ca Việt Nam cuối TK XVIII, đầu TK XIX cũng là để khẳng định rằng, tín ngưỡng phồn thực đã hình thành từ rất lâu trong đời sống người Việt và có sức sống bền vững trong đời sống dân gian. Nhưng quả thật là khó để thâm nhập vào văn học thành văn và bác học, bởi văn học của người Việt ngay từ buổi đầu hình thành và trải qua nhiều thế kỷ đều được xây dựng trên những phương thức, chất liệu, mỹ cảm đậm màu khắc dục, hướng đến vẻ đẹp siêu thoát, thanh khiết. Tuy nhiên cuối cùng, khát vọng tình yêu, tình dục chân chính, cái đẹp của dục tính là không thể chối bỏ mà phải thừa nhận nó là ngọn nguồn khởi thủy, là bản năng sống còn của loài người, là cái đẹp không thể thiếu được trong cuộc sống. Vì thế, văn học – thi ca của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng đã lấy chủ đề đó làm nguồn cảm hứng sáng tạo và là đề tài chính yếu.

_______________

1. Thống kê 45 bài thơ của Hồ Xuân Hương, trong đó, miêu tả vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ: 15 bài (31,11%), cảnh sinh hoạt phòng the: 7 bài (15,55%), nỗi niềm khao khát bản năng: 20 bài ( 44,44%).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Đỗ Lan Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *