Cuộc tiếp xúc đông tây và sự xuất hiện tiểu thuyết phóng sự việt nam


 

Tiểu thuyết phóng sự có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của văn xuôi Việt Nam TK XX. Bên cạnh chất phóng sự và tính hiện thực, sắc màu lung linh, huyền ảo thẫm đẫm văn chương trong các tác phẩm mang đến cho văn xuôi Việt Nam sự thành công trên con đường nghệ thuật và có vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

Hiện thực đen tối và nhức nhối của xã hội Việt Nam những năm đầu TK XX không thể trở thành tư liệu cho phóng sự nếu không được tiếp nhận những nhân tố văn hóa từ nước ngoài. Vì “so với tất cả các thể loại văn học và báo chí, thể văn phóng sự có bước hình thành và phát triển độc đáo riêng biệt. Đây là thể loại hoàn toàn được nhu nhập từ phương Tây” (1). Trí thức Tây học bấy giờ đã tìm đọc các phóng sự nước ngoài: Khói lửa của Hăngry Bacbuyt, Viết dưới giá treo cổ của Julius Fucik, Vượt qua dãy núi Anpes của Richard Halliburton, Sự buôn người đàn bà da trắng của Albert Londes, đặc biệt là Mười ngày rung chuyển thế giới của John Reed và Đông Dương cấp cứu của André Vollis… Khi có mặt ở nước Nga, trực tiếp chứng kiến cuộc sống đầy gian khổ nhưng rất tự hào của nhân dân Xô Viết, John Reed đã dựng lên bức tranh chân thực, sống động về cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại. Cuốn phóng sự này có giá trị lớn đến nỗi khi tác giả mất, nhân dân Nga làm lễ quốc tang chôn ở chân điện Cremlin, bên cạnh lăng Lênin. Sự hấp dẫn của tác phẩm không chỉ ở nội dung hiện thực được phản ánh một cách chân thực, chính xác mà còn ở hình thức trình bày phong phú, linh hoạt, ngôn ngữ giàu chất văn chương.

Phóng sự Đông Dương cấp cứu Andres Violls đã gây được tiếng vang lớn trong lòng bạn đọc xa gần, trở thành nguồn tư liệu quý báu và chân thực về cuộc sống đáng cấp cứu của nhân dân ở Đông Dương những năm 1930 – 1932. Với người Việt Nam thì họ học tập ở đó những thao tác cơ bản trong việc tiếp cận hiện thực – một hiện thực nóng bỏng đầy bức xúc theo đặc trưng loại thể… Nội dung chính, cốt lõi đã được thâu tóm gọn ghẽ nhưng hết sức rõ ràng, cụ thể. Còn những con số mà tác giả đưa ra không phải là con số thống kê, khô cứng, vô hồn mà chúng là những con số biết nói đã lên tiếng tố cáo tội ác của bọn thực dân và ẩn chứa trong thái độ phản đối thực dân Pháp, đứng về phía nhân dân Đông Dương.

Cùng với nhiều phóng sự khác, Đông Dương cấp cứu là tác phẩm có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến các nhà văn, nhà báo nước ta, đánh thức ở họ ý thức trách nhiệm và thiên chức, sứ mệnh cao cả người cầm bút, mang đến cho phóng sự Việt Nam một sắc màu mới: phóng sự tiểu thuyết.

Những năm 20 TK XX được coi là giai đoạn bản lề, có tính quá độ của văn học Việt Nam. Các thể loại văn học ra đời, định hình và phát triển, rõ nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết. Năm 1918, Phạm Duy Tốn đã viết truyện ngắn Sống chết mặc bay tiếp đó là Giọt lệ hồng lâu. Năm 1921 cũng bắt đầu thời kỳ xuất hiện của tiểu thuyết Việt Nam theo khuynh hướng hiện đại. Thời kỳ này do ảnh hưởng của văn minh phương Tây nên văn xuôi quốc ngữ và tiểu thuyết hiện đại Việt Nam được bắt đầu từ Nam Bộ với các tên tuổi Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Trần Thiện Chung. Đặc biệt Hồ Biểu Chánh trước năm 1930 đã sáng tác và cho ra đời hơn chục cuốn tiểu thuyết, được mệnh danh là nhà tiểu thuyết lớn nhất bấy giờ. Mặc dù ra đời sớm và phát triển với tên tuổi của Hồ Biểu Chánh nhưng thiếu nền tảng sâu sắc của truyền thống văn học dân tộc nên tiểu thuyết Nam Bộ không đủ sức tiến lên trên con đường cách tân văn học dân tộc và đạt tới những giá trị nghệ thuật cao có ảnh hưởng rộng rãi trong cả nước. Trong suốt mấy chục năm của nửa cuối TK XIX và năm đầu TK XX văn học vẫn hầu như dậm chân tại chỗ. Trong khi ấy, cái nôi văn hóa xứ Bắc đang chuyển động ầm ầm và tăng tốc tới mức chóng mặt trên con đường hiện đại hóa văn học. Đến giữa thập kỷ thứ 2 TK XX đã xuất hiện một số cây bút có tên tuổi nổi bật trên văn đàn cả nước: Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trọng Khiêm, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Trọng Thuật… một số tác phẩm đã ra đời gây được ấn tượng trong lòng độc giả: năm 1924 – tiểu thuyết Kim Anh lệ sử – Trọng Khiêm do Đông Kinh ấn hành ra đời, 1925: tiểu thuyết Tố Tâm – Hoàng Ngọc Phách, 1926: tiểu thuyết Nho phong – Nguyễn Tường Tam… Sự xuất hiện của các tác giả và tác phẩm trên bầu trời văn học Việt Nam khi đó như cắm mốc quyết định tạo ra bước ngoặt cho văn chương chuyển từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại.

Là con đẻ của hoàn cảnh, lại trong thời kỳ phôi thai nên phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 luôn có sự kết hợp giao thoa với các hình thức, thể loại khác trong cả hai lĩnh vực báo chí và văn học như: ký sự, hồi ký, tùy bút, bút ký, tiểu thuyết. Bởi vậy các tác giả cuốn Lý luận văn học đã nhận xét: “Về cơ bản phóng sự cũng có đặc tính của một thiên ký sự: chú trọng sự kiện khách quan, tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả”(2). Vũ Ngọc Phan coi “phóng sự và ký sự là anh em đồng bào song sinh” (3). Hà Minh Đức lại thấy “phóng sự cũng gần gũi với ký sự, cả 2 thể loại đều quan tâm đến vực ghi chép, phản ánh đến mức thể hiện trọn vẹn một sự kiện lớn trong xã hội” (4). Khi đọc các phóng sự của Tô Hoài, Vũ Bằng người đọc thấy giống như những cuốn hồi ký, phóng sự của Nguyễn Tuân tựa bút ký, phóng sự của Vũ Trọng Phụng mang dáng dấp tiểu thuyết từ kết cấu tác phẩm đến nghệ thuật miêu tả, xây dựng chân dung nhân vật và dung lượng phản ánh. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng là những “tiểu thuyết phóng sự” bởi vì dạng tiểu thuyết hiện thực viết theo bút pháp tả chân mà ở đó chất phóng sự tương đối đậm đặc, được nhà văn xây dựng, chế tác khiến chúng hòa nhập tự nhiên vào thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết” (5). Và các phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, Lục xì,… chứa đầy các yếu tố tiểu thuyết. Phóng sự của Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng xuất hiện nhân vật tôi – chứng kiến mọi hoạt động. Nhân vật tôi có khi còn trực tiếp tham gia vào các hành động, biến cố trở thành kẻ trong cuộc chứ không đơn thuần là người chứng kiến, kể lại. Vũ Trọng Phụng mặt khác còn xây dựng được những nhân vật điển hình theo kiểu tiểu thuyết chứ không phải là những nhân vật thoáng qua, không có sự phát triển tính cách. Tác phẩm Bút nghiên của Chu Thiên cũng như thế. Bản thân tác giả gọi nó là tiểu thuyết nhưng nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan lại cho rằng: “Tuy đề là tiểu thuyết trơn nhưng có thể coi như một tập ký sự về cái lối đi học, đi thi của cha ông chúng ta thuở xưa, hay đặt cho nó vào loại tiểu thuyết phóng sự cũng được” (6). Đặc biệt là: phóng sự Ngõ hẻmNgoại ô của Nguyễn Đình Lạp, hai tác phẩm này được tác giả kết cấu như hai cuốn tiểu thuyết, vì nó có hệ thống nhân vật xuyên suốt tác phẩm, có cốt truyện hoàn chỉnh. Đặc biệt, ta không thấy có sự xuất hiện trực tiếp của cái tôi – tác giả, một điều thường thấy ở các phóng sự khác.

Đến cuối những năm 20, đầu những năm 30 TK XX nền văn học dân tộc đã có bước chuyển biến. Thể loại tiểu thuyết hình thành ở Nam Bộ và phát triển rực rỡ tại Bắc Bộ, từ đó các khuynh hướng văn học từng bước được hình thành. Trong buổi giao thời ấy, trung tâm báo đã kiêm luôn cả vai trò xuất bản, có lúc lại là phương tiện truyền thông duy nhất để chuyển tải văn chương. Các tòa soạn, trung tâm báo chí trong thời kỳ quá độ vừa là nơi hội tụ, đào tạo các bậc anh tài văn học, vừa là nơi in ấn và quảng bá các tác phẩm của họ đồng thời cũng là người tổ chức, xây dựng mạng lưới độc giả trong cả nước. Nhiều thể loại báo chí ra đời và phát triển với một tốc độ nhanh, mạnh: phóng sự, ký sự, hồi ký, bút ký, nhật ký, tùy bút, chính luận… Các thể loại trên vẫn còn hiện tượng đan xen, thậm chí còn chưa tách bạch trong thực tế sáng tác. Văn học Việt Nam thời kỳ này tồn tại một thực trạng: miền Bắc có cây bút viết báo như văn, còn miền Nam nhiều nhà văn viết văn như làm báo. Nhà văn, nhà báo còn mơ hồ khi sáng tác hai thể loại này và người đọc không phân định được giữa hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của thể loại tiểu thuyết phóng sự.

Sự phát triển của in ấn báo chí hiện đại là điều kiện không thể thiếu vắng cho sự ra đời và phát triển của báo chí, phóng sự. Văn học Việt Nam hiện đại, xét cho cùng đó chính là văn học của báo chí. Báo chí là nơi đăng tải đầu tiên những câu chuyện thời sự, diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nó chính là môi trường trực tiếp cho sự ra đời của những phóng sự, bên cạnh những kim thời tiểu thuyết. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Lối văn này thật hoàn toàn mới ở nước ta. Nó là đứa con đầu lòng của nghề báo” (7). Báo chí là nơi phản ánh hiện thực đa dạng, phức tạp của xã hội Việt Nam khi đó mà phóng sự là một thể loại có tính đắc lực, xung kích.

Báo chí được coi là chiếc nôi cho sự hình thành phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Khi chữ quốc ngữ mới còn manh nha, những câu văn viết trên sách báo theo lối cũ còn diễn đạt nặng nề, khuôn sáo bằng văn biền ngẫu, những câu văn mới cố gắng diễn đạt đời sống hiện thực của con người một cách gần gũi thân thiện lại non nớt, lủng củng, nhiều sự cách tân thì báo chí trở thành nơi đào luyện cho văn xuôi quốc ngữ: “Văn báo chí dựa vào thành tựu của xã hội mà trau chuốt ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong các thể loại đặc trưng của mình, nâng cao tính hấp dẫn, tính thẩm mỹ” (8). Nhận xét này, một lần nữa, chỉ ra sự giao thoa, gặp gỡ giữa văn học và báo chí mà tiểu thuyết phóng sự thể hiện rất rõ. Trong dòng văn học hiện thực phê phán, chúng ta nhận thấy có một bộ phận phát triển lên từ báo chí. Thời kỳ đầu (1927 – 1935) sau hiện tượng Nguyễn Công Hoan, hàng loạt tác phẩm phóng sự giàu chất hiện thực có tính nghệ thuật ra đời. Song song với truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự ngày càng phát triển với những cây bút nổi tiếng và những tác phẩm có dư âm lớn.

Nói đến tiểu thuyết là nói đến cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư, miêu tả cuộc sống như một thực tại đang sinh thành với vô vàn yếu tố ngổn ngang bề bộn là nói tới các hình tượng nhân vật độc đáo – những con người nếm trải khổ đau dằn vặt của cuộc đời… một cách khái quát nhất. Ở châu Âu, tiểu thuyết là thể loại phát triển khá sớm, ngay từ thời kỳ xã hội cổ đại tan rã và văn học cổ suy tàn. Ở Việt Nam tiểu thuyết xuất hiện muộn hơn, mãi tới đầu TK IX với Hoàng Lê nhất thống chí nước ta mới có tác phẩm có quy mô tiểu thuyết nhưng đó chưa được xem là tiểu thuyết hiện đại, mà vẫn thuộc phạm trù tiểu thuyết cổ điển phương Đông. Phải đến đầu TK XX, chúng ta mới được chứng kiến một giai đoạn phát triển mạnh của tiểu thuyết hiện đại gắn liền với chữ quốc ngữ và nghề xuất bản.

Do sớm có điều kiện tiếp xúc với phương Tây nên tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được bắt đầu nhóm lên ở Nam Bộ: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Trần Thiện Chung là những cây bút đi tiên phong. Riêng Hồ Biểu Chánh có nhiều đóng góp nhất, trước năm 1930 ông đã cho ra đời hơn chục cuốn tiểu thuyết, trong đó có nhiều cuốn được phóng tác theo một số tác phẩm của văn học nước ngoài. Tuy khởi phát từ Nam Bộ nhưng tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ ở đây hầu như dậm chân tại chỗ. Ở miền Bắc mặc dù muộn hơn nhưng cuộc cách tân văn học, đặc biệt là tiểu thuyết lại có sự vận động nhanh chóng với một số nhà văn mở đầu như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trọng Khiêm, Hoàng Ngọc Khách, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Trọng Thuật… Từ những năm 30 TK XX trở đi, tiểu thuyết quốc ngữ của ta mới thực sự phát triển, đạt được thành tựu cả về số lượng chất lượng trên cả hai khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa và hầu hết các thể loại. Tiểu thuyết hiện thực phê phán có Nguyễn Công Hoan, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Bùi Hiển, Kim Lân, Nam Cao,… Tiểu thuyết lãng mạn: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam,… Tiểu thuyết quốc ngữ Việt Nam từ đầu TK XX cho đến năm 1945 phát triển theo quy luật từ dịch một số tác phẩm văn học nước ngoài, phóng tác đến sáng tạo hoàn toàn. Quá trình đó diễn ra hết sức nhanh chóng, chỉ trong vài chục năm mà ta đã có một nền văn xuôi thật sự hiện đại. Trong hoàn cảnh mới đó, một nhiện tượng khá đặc biệt nảy sinh. Đó là tình chuyện văn báo bất phân. Trong buổi giao thời, khi báo chí mới xuất hiện, nó không chỉ đăng tải thông tin thời sự mà còn chuyển tải những tác phẩm văn chương mới ra đời. Các tòa soạn báo cũng là nơi hội tụ của các anh tài văn học. Trong tình hình ấy, nhiều thể loại báo chí hình thành và phát triển với tốc độ chóng mặt như phóng sự, ký sự, hồi ký, bút ký, nhật ký, tùy bút,… Hiện tượng đột ngột phát sinh và chói sáng của phóng sự trong những năm này có nhiều nguyên nhân song quan trọng và trước hết là do “trong phóng sự mọi khoảng cách từ thông tin sự kiện tới công chúng đều được rút ngắn tới mức tối đa, cuộc sống được tái hiện trong tầm nhìn cận kề, trở nên sát thực, sinh động, cập nhật và đa sắc màu hơn” (9). Tình hình đó dẫn đến việc nhiều cây bút viết văn na ná như làm báo và viết báo tương tự như viết văn. Vậy nên mới có hiện tượng song sinh thể loại; tiểu thuyết – phóng sự và phóng sự – tiểu thuyết thể hiện đậm nét trong các sáng tác của Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp, Vũ Trọng Phụng…

Có nhiều nhà văn hiện thực phê phán đồng thời là những nhà viết phóng sự xuất sắc. Bởi vậy, một thể loại lai ghép giữa văn học và báo chí ra đời chính là tiểu thuyết phóng sự mà tiêu biểu là Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… Vũ Trọng Phụng ngay từ những tác phẩm đầu tay đã khẳng định được tài năng phóng sự và cho đến một số tiểu thuyết Giông Tố, Số Đỏ, Vỡ Đê thì khuynh hướng phóng sự đã quá rõ trong tiểu thuyết.

Ngô Tất Tố là một nhà văn am hiểu sâu sắc đời sống thôn quê qua hai thiên phóng sự. Tập án cái đình 1939 và Việc làng 1941 đây là những thiên phóng sự giàu giá trị, nhất là phương diện nội dung hiện thực phong phú, đa dạng được phản ánh trong đó. Qua những tác phẩm của Ngô Tất Tố, độc giả, người nghiên cứu văn học, lịch sử, xã hội học có thể tìm thấy những tư liệu quý giá về xã hội Việt Nam, nông thôn Việt Nam.

Ngoài Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố còn có nhiều nhà phóng sự đã bước vào hiện thực xã hội Việt Nam như Làm dân – Trọng Lang, Cường hào – Nguyễn Đình Lạp, Hối lộ – Phan Ngọc Thọ, Bùn lầy nước đọng – Hoàng Đạo với đầy chất phóng sự và tính hiện thực. Phóng sự có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tiểu thuyết cho nên một số nhà văn xem viết phóng sự như là “một bước quá độ để chuẩn bị cho một trình độ mới của tư duy tiểu thuyết”. Sự hòa trộn, tương tác lẫn nhau giữa những phóng sự với tiểu thuyết đã tạo ra một lớp nhà văn đặc biệt làm cả hai sứ mệnh mà lịch sử giao phó đó là cầm bút để phanh phui những vấn đề bức xúc của cuộc đời nhưng lại mang cái duyên dáng, mềm mại của sự tả cảnh, tả tình cái lắng đọng của những tính cách số phận của con người.

Tóm lại, ở Việt Nam những năm 1930 – 1945 không có sự tách bạch giữa văn học và báo chí, càng không có sự tách bạch giữa báo chí trong làng văn. Nhà báo là nhà văn, nhà văn là nhà báo. Báo chí lấy tư liệu từ văn chương, văn chương được chuyển tải hoàn toàn trên báo chí. Giữa báo chí và văn chương đã nảy sinh một mối quan hệ tình cảm gắn bó khăng khít tạo lên một thể loại mới: tiểu thuyết phóng sự. Đây là cuộc hôn nhân tự nhiên giữa báo chí và văn học trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, góp phần vào quá trình vận động và phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại TK XX.

_______________

1. Lê Dục Tú, Trọng Lang – một cây bút phóng sự xuất sắc, Nghiên cứu Văn học số 2-2006.

2. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.

3, 6, 7. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện tại, Nxb Văn nghệ, TP.HCM, 1994.

4, 5, 8. Hà Minh Đức (chỉ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn, 2 tập, Nxb Giáo dục, 1996.

9. Trịnh Bích Liên, Những biến thiên của phóng sự Việt Nam từ 1930 đến trước thời kỳ đổi mới, Viện Văn học, vienvanhoc.org.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Nguyễn Thanh Xuân

3/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *