Trong tác phẩm văn học, nhân vật chuyên chở chủ đề tư tưởng là nơi nhà văn ký thác quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng sáng tác. Với truyện ngắn vì hạn chế về dung lượng, nhân vật được dồn nén trong lát cắt cuộc đời nên càng có vị trí quan trọng, quyết định sự thành công của truyện. Truyện ngắn Việt Nam đương đại về chiến tranh đã có những bước chuyển mình trên mọi phương diện. Nhân vật cũng dần được bổ sung thêm những kiểu loại khác, mang những suy tư, trăn trở, thể nghiệm của nhà văn sau chiến tranh. Bài viết phác thảo một số loại hình nhân vật người lính, xuất hiện nhiều trong truyện ngắn chiến tranh gắn với sự thay đổi về tư duy nghệ thuật từ sau giải phóng đến nay.
Kiểu nhân vật người lính đa diện
Trong văn học 1945 – 1975, hình tượng nhân vật được xây dựng theo định hướng quan niệm nghệ thuật đặc thù của thời chiến với khuynh hướng sử thi, nguyên tắc phân tuyến rõ rệt. Là nhân vật trung tâm của mảng đề tài này, người lính được khắc họa với vẻ đẹp hào hùng, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quên mình. Trái ngược hoàn toàn với họ là nhân vật bên kia chiến tuyến, biểu trưng cho lực lượng phi nghĩa, xấu xa.
Sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, những thay đổi trong tư duy nghệ thuật định hình ngày càng rõ nét, mở ra khuynh hướng sáng tác khác với giai đoạn trước trên mọi thể loại văn học. Nhân vật là nơi thể hiện tập trung, rõ nét nhất thay đổi quan điểm nghệ thuật về con người. Theo nhà văn Batsarop, mô tả chiến tranh mà chỉ giữ lại cái anh hùng, vứt bỏ tất cả những cái khác có nghĩa là bỏ rơi rất nhiều bài học chiến tranh. Nhà văn Việt Nam sau chiến tranh đã có những nỗ lực vượt qua lối viết còn nhiều phiến diện của giai đoạn trước. Trong truyện ngắn chiến tranh đương đại, con người trở thành tâm điểm của cuộc sống thay cho sự kiện. Người lính được khắc họa đa chiều hơn với cá tính riêng, số phận đời tư, những khiếm khuyết. Nhân vật xuất hiện không còn đơn phiến mà đa diện với nhiều gương mặt bên trong một con người ở những thời điểm khác nhau. Đằng sau khuôn mặt anh hùng là chân dung con người đời thường với hỷ, nộ, ái, ố… Cùng với việc đổi mới tư duy, nhu cầu nói thật, hình tượng người lính bị tha hóa đã xuất hiện nhiều trong văn học nói chung, truyện ngắn chiến tranh nói riêng, điều ít thấy trong giai đoạn trước.
Ngay sau khi chiến tranh kết thúc đã xuất hiện những nhân vật mặt nạ, mang nhiều gương mặt, khó phân định, đoán biết như: Trí (Hai người trở lại trung đoàn – Thái Bá Lợi). Bản chất là kẻ trí trá, xảo quyệt, cơ hội nhưng che giấu quá khứ, tạo vỏ bọc tử tế, ngoi lên vị trí trung đoàn trưởng. Họa sĩ (Bức tranh – Nguyễn Minh Châu) trong chiến trường thì hứa thực hiện việc người chiến sĩ nhờ nhưng ra khỏi vùng bom đạn, tự viện mọi lý do để không thực hiện. Anh ta tự thấy trong mình có cả rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Sau giải phóng, đây là nhân vật đầu tiên có sự phân thân, đấu tranh nội tâm giữa hai phần sáng, tối. Long (Thời gian – Cao Duy Thảo) là người lính trung thành trong mắt gia đình, đồng đội nhưng vào thời khắc có thể, đã trở thành người phía bên kia… Càng về sau, truyện ngắn càng bổ sung thêm nhiều nhân vật kiểu dạng này. Họ có mặt tốt, có thời gian là người tốt hoặc khéo ngụy trang để tỏ vẻ tốt nhưng họ cũng có những mặt xấu, cực đoan hoặc bị thời gian biến đổi theo hướng tiêu cực. Điều này kiến tạo nên hệ thống nhân vật phức tạp, chân thực hơn, đồng thời làm nên sự khác biệt với nhân vật trong truyện ngắn thời chiến. Có thể kể đến Hòa (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành), Lực (Cỏ lau), Toàn (Mùa trái cóc ở miền Nam) của Nguyễn Minh Châu; Lâm (Truyền thuyết về Quán Tiên – Xuân Thiều); hắn (Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến)… Kiểu nhân vật này không hoàn toàn xấu, phần khuất tối trong họ chỉ thể hiện ở một vài cảnh nào đó của sân khấu cuộc đời. Vì vậy, không đem lại cảm nhận u tối về người lính mà mở rộng trường phản ánh về con người trong chiến tranh. Không còn là sản phẩm của tinh thần lý tưởng hóa cao độ, họ hiện lên với trạng thái đời thường nhất của con người, có sai lầm, khiếm khuyết, thiên kiến cá nhân, bản năng lấn át lý trí… Những con người đầy bí ẩn, nhiều khi không trùng khít với phận vị xã hội của mình.
Cái nhìn mở về con người đã đưa vào truyện ngắn nhiều nhân vật người lính bên kia chiến tuyến những điều mới mẻ. Nhân vật hiện thân cho việc thực thi nhiệm vụ tàn ác, man rợ không còn xuất hiện nhiều. Dường như, khi người viết vượt qua tư duy phân tuyến, cùng với sự lùi xa của không khí chiến trận, nhân vật kiểu này dần chìm vào đám đông, khuất sau bom đạn. Thay vào đó, nhiều nhân vật xuất hiện với sự thấu hiểu, cảm thông. Họ hiểu mình làm việc phi lý nhưng có người tìm được ngã rẽ tốt đẹp, có người không bao giờ còn cơ hội đó nữa, nhiều người bị xô đẩy vào cuộc chiến, rơi vào bi kịch. Họ cũng chỉ là công cụ của kẻ xâm lược trong cuộc chiến, có thể bị hủy diệt bất cứ lúc nào vì toan tính của nhà cầm quyền. Đó là tên lính da trắng (Sám hối – Phùng Văn Khai) lạnh lùng, tàn nhẫn trong chiến tranh nhưng sau đó luôn tự giày vò vì hành động vô nhân đạo của mình, vì những đứa con không lành lặn do hắn nhiễm độc. Phúc (Thời tiết của ký ức – Bảo Ninh) sau khi lĩnh án tù vì làm việc cho Mỹ thì sống cuộc đời cô độc, biết vẫn còn con gái nhưng cũng không đủ can đảm gặp lại con; John Smith (Chú lùn thứ bảy – Lưu Sơn Minh) là kẻ trực tiếp thực hiện mệnh lệnh chiến tranh nhưng luôn hoang mang về lý do chiến đấu, ám ảnh về sự man rợ của cuộc chiến, những mất mát, chấn thương của bạn bè… Còn phải kể đến anh em Huỳnh và Phấn (Đất ấm – Đỗ Văn Nhâm), Thái (Giấc mơ ký ức – Phan Đức Nam), hắn (Hoài vọng – Văn Xương), Hai Hiền (Những đứa con của mẹ – Thiên Di)… Những nhân vật này dẫn dắt độc giả đến với tư tưởng sâu sắc về chiến tranh: không phải ai ở hàng ngũ địch cũng hiếu chiến, khát máu, tàn ác, dù ở chiến tuyến nào cũng là con người, cũng chịu tổn thương mất mát, bi kịch, nhiều khi không được phép lựa chọn. Ra khỏi chiến tranh, hầu hết họ sống trong cảm thức giằng xé, bất an, trạng thái tinh thần của con người còn có lương tri.
Nhân vật người lính bên kia còn được phác họa với vẻ đẹp nhân bản. Dù phải làm nhiệm vụ trong hàng ngũ địch nhưng họ cũng có cảm xúc, tình cảm, lòng trắc ẩn… như mọi người bình thường. Đây là vùng khuất mà trong truyện ngắn giai đoạn trước không soi rọi đến. Đó là Duy (Lá thư từ Quý Sửu – Bảo Ninh) viết thư cho người Việt cộng trước trận đánh, mong cẩn trọng, thông cảm như một người anh em. Đó là Smith khóc khi đưa tang anh lính tên Hòa chết trận, cứu Kiệt dù biết anh là Việt cộng ngầm (Xóm sở Mỹ – Thu Trân), là Xơn bị đẩy sang Việt Nam tham chiến vẫn giữ đam mê nhiếp ảnh. Sau chiến tranh, đã có những hành động đầy tình nghĩa: tặng lại tấm ảnh ông Ba, dựng lại ngôi nhà gỗ của gia đình bị chiến tranh tàn phá (Ông Ba Rạch Đùng – Dương Đức Khánh). Truyện xuất hiện gần đây nhất là Đỉnh khói (Nguyễn Thị Kim Hòa) với Philip, viên lính Mỹ dành tình yêu thương cho bà mẹ đơn thân Năm Thúy. Trong những ngày cuối chiến tranh hỗn loạn, vẫn có người trọng lời hứa khi về đón mẹ con cô đi cùng. Đó là Paul de’ Alzon, người lính Pháp mơ mộng, luôn đầy tâm trạng khi ngắm hoa bèo trên sông (Hoa oải hương ven sông Sương – Nguyễn Thu Hằng)… Hệ thống nhân vật này phản chiếu tư duy nhận thức lại lịch sử một cách khách quan, bao dung, nhân văn khi tiếp cận đề tài chiến tranh. Vì vậy, họ đã điền vào khoảng trống mà giai đoạn trước truyện ngắn còn để ngỏ. Điều đó cũng khơi gợi cho độc giả cái nhìn lạc quan, vị tha, cởi mở hơn về người lính bên kia chiến tuyến.
2. Kiểu nhân vật người lính chịu dư chấn chiến tranh
Gắn với cảm quan mới về chiến tranh, sự hy sinh, đau thương là một mặt khác của những chiến công, anh hùng. Vì thế, truyện ngắn thời kỳ này viết về người lính với nhiều mất mát, hy sinh và những nỗi đau hết sức con người. Đó là Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Nguyễn Minh Châu) bước ra khỏi chiến tranh với những vết hằn trong ký ức, mộng du triền miên. Kết thúc chiến tranh mở ra hành trình vô định của cô trong thời bình. Đó là tôi (Chiều vô danh – Hoàng Dân) lên cơn mê sảng khi bắt gặp hình ảnh gợi về sự hy sinh của đồng đội, dù đã cố quên. Quang và đồng đội (Rửa tay gác kiếm – Bảo Ninh) sống trong trại an dưỡng sau hòa bình với những cơn ác mộng chiến tranh để lại, chuẩn bị về quê với tin vợ đã bỏ đi theo trai. Người lính sau 10 năm chiến tranh, đối diện với vết thương mới, tương lai không hứa hẹn.
Cuộc sống hòa bình tưởng chừng sẽ mở ra trang đời mới mà họ hằng mong ước nhưng không phải vậy. Khác với nhân vật của cảm hứng lãng mạn thời chiến, kiểu nhân vật này gắn với cảm hứng hiện thực, nhân bản khi tái hiện chiến tranh. Thay vì hướng tới vận mệnh của cộng đồng, muôn vàn nỗi niềm, cung bậc, cảnh ngộ éo le, thương tổn của con người cá nhân trải qua chiến tranh trở thành đối tượng hàng đầu của văn học. Người lính gắn với những chấn thương, bi kịch là một phương diện văn học giai đoạn trước đây hạn chế đề cập.
Với hướng khám phá con người đầy trắc ẩn này, người lính không còn trở về trong hào quang chiến thắng mà xuất hiện kiểu nhân vật siêu thực, kỳ ảo, linh hồn người lính trở về vì còn nhiều khắc khoải, lưu luyến trần gian. Đó là huyền thoại mới được sáng tạo về oan hồn người lính hóa thành chim vạc sành kêu ròng rã suốt đêm, vì nỗi bi ai do chiến tranh gây ra (Tiếng vạc sành – Phạm Trung Khâu). Là hành trình của hồn ma anh lính tên Lăng, phiêu dạt thời gian dài tìm về quê nhưng âm dương cách biệt (Bến trần gian – Lưu Sơn Minh). Còn nhân vật anh (Tiếng rừng – Hiền Phương) trở về bên khung cửa sổ như tan vào trong mưa để được thấy người yêu. Người liệt sĩ (Thanh minh trời trong sáng – Ma Văn Kháng) hiện lên giữa khói hương với bộ dạng thương tích, rách rưới khi vợ con đến viếng mộ… Những nhân vật này xuất hiện cùng với xu hướng khám phá chiều sâu đời sống con người với cả cõi tâm linh u uẩn. Đây cũng là chân dung khác của người lính, trên hành trình nhà văn tìm kiếm con người khác nhau bên trong mỗi người, tái hiện những điều ẩn khuất, vô hình, khó lý giải vẫn đang hiện tồn.
3. Kiểu nhân vật đấu tranh vượt lên bi kịch hậu chiến
Là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh, hòa bình lập lại, người lính phải đối diện với chiến trường mới bởi những tổn thương chiến tranh để lại. Người lính hào hùng, say mê lý tưởng năm xưa nay rơi vào bi kịch, bế tắc… Dù gặp những mất mát, thiệt thòi, nghịch cảnh nhưng hình tượng người lính vẫn đem đến cho người đọc sự khâm phục, cảm động, khi họ âm thầm vượt lên hoàn cảnh để khẳng định phẩm chất cao đẹp của mình. Đó là Lực (Cỏ lau – Nguyễn Minh Châu) đã bị báo tử, vợ con, cha già ở cùng người chồng mới. Sự trở về của anh đặt ra tình huống khó xử. Anh chọn cách chấp nhận thực trạng, sống với việc tìm hài cốt đồng đội và chăm sóc cha già. Người lính ấy một lần nữa hy sinh hạnh phúc cá nhân trong hòa bình vì mọi người, quyết đoán và bao dung. Mây (Người ở bến Sông Châu – Sương Nguyệt Minh) trở về với thương tật, người yêu đi lấy vợ. Cô cũng chọn cách nhận phần thiệt về mình. Thử thách với người lính trở về có lúc như sóng ngầm, lúc lại như lũ quét mà chỉ có bản lĩnh, sự cao thượng cùng với những phẩm chất đã tôi luyện qua chiến tranh mới giúp họ vượt qua, tìm lại sự cân bằng cuộc sống.
Đối lập với kiểu nhân vật này là một số nhân vật không dung hòa được với cuộc sống sau chiến tranh như: Thảo (Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo) bỏ đi biệt tích khi nhận thấy hạnh phúc không ở lại với mình; Tướng Thuấn (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp) bị chiến tranh định hình nếp tư duy, ứng xử khiến ông không thể sống hòa hợp với cuộc sống kinh tế thị trường; Mộc (Trại bảy chú lùn – Bảo Ninh) không còn người thân, vẫn sống cô độc trong rừng già dù hòa bình đã lâu… Họ dường như rơi vào bi kịch lạc thời dù hòa bình vốn là lý tưởng để họ chiến đấu. Đặt trong mối tương quan so sánh với kiểu nhân vật trên, cho thấy một thực tế rất đời thường: con người cũng có những giới hạn, không phải ai cũng bước qua được. Bài toán chiến tranh đặt ra nhiều khi không có lời giải đáp.
4. Kiểu nhân vật người lính tự thú, sám hối
Truyện ngắn chiến tranh đương đại còn xuất hiện kiểu nhân vật người lính tự thú, xám hối. Chiến tranh mang gương mặt ác quỷ, nhiều con người phải đóng vai trò làm công cụ thực thi tội ác. Cảm thức tự thú, sám hối thường xuất hiện ở những người từng mắc sai lầm, tội lỗi, điều mà trong chiến tranh gieo rắc ở khắp nơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm để tự nhận thức, mong muốn tìm sự giải thoát, thanh thản sau hành vi sai trái của mình. Những nhân vật này thể hiện con người có tính hướng thiện nên có sự cắn rứt lương tâm. Việc tự thú, sám hối có thể diễn ra trong chính tâm hồn họ hoặc biến thành hành động, lời nói bên ngoài. Phần lớn, họ là người lính bên kia chiến tuyến như: tôi (Con gà rừng – Đoàn Lê) luôn phải đối diện với phiên tòa vô hình, khi bị xô đẩy sang phía cộng hòa rồi di cư sau giải phóng. Sống đơn độc nơi đất khách, cuối đời, ông mới đủ dũng cảm thực hiện việc trở về để nhận tội với vợ con. Sám hối đối với Phùng Văn Khai là dòng tâm trạng, ký ức về hành động tàn độc trong chiến tranh của tên lính da trắng luôn giày vò, bóp nghẹt phần đời còn lại của hắn. Càng sống, trải nghiệm, hắn càng phải chịu đựng sự cắn rứt lương tâm, phải đối diện với bao câu hỏi không có lời đáp, bế tắc đến mức muốn tự vẫn. Đó là trạng thái chấn thương tinh thần của nhiều lính Mỹ sau chiến tranh Việt Nam.
Bên cạnh đó, có cả nhân vật tự thú là người lính cách mạng như người khách (Hồn cát – Nguyễn Hiệp), anh lính năm xưa trở về với sự day dứt, hổ thẹn, tự nhận mình không phải là người cao thượng, vì sự an toàn mà bỏ lại xác người yêu. Lực (Cỏ lau) tự thú về chút tư thù nhỏ nhen đã đẩy chiến sĩ của mình vào cái chết vô lý… Có thể bắt gặp kiểu nhân vật này trong nhiều truyện khác như: tên lính biệt động (Tiếng chuông chiều – Lê Hoài Lương); Thái (Giấc mơ ký ức – Phan Đức Nam); John (Chú lùn thứ bảy – Lưu Sơn Minh)… Các nhân vật đều có chung đặc điểm là sự chiêm nghiệm về quá khứ, muốn phơi bày ra ánh sáng những bí mật xấu xa để hóa giải ám ảnh chiến tranh. Sám hối cũng là trạng thái nhân vật hướng đến cởi trói tâm hồn mình để sống đẹp hơn. Cảm thức này trở nên quan thiết hơn với con người trong và sau chiến tranh.
Việc khu biệt thành các loại hình nhân vật trên có thể chưa bao chứa hết mọi nhân vật người lính trong truyện ngắn chiến tranh đương đại nhưng cũng cho thấy thế giới nhân vật này ngày càng phong phú, đầy đủ, đa chiều. Qua đó, có thể hình dung về người lính trong và sau chiến tranh một cách chân thực hơn. Mỗi kiểu nhân vật góp phần vào nỗ lực của truyện ngắn chuyển tải những thông điệp nhân văn sâu sắc về con người trong cuộc kháng chiến bi hùng của dân tộc Việt Nam. Truyện ngắn Việt Nam đương đại cùng với những tiểu thuyết viết về người lính vừa góp phần khắc họa chân thực, sinh động chân dung người lính, vừa là lời đanh thép lên án chiến tranh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài