Đôi nét về khái niệm tri thức bản địa

Khái niệm tri thức bản địa được sử dụng rộng rãi vào đầu những năm 90 của TK XX. Sau nhiều thế kỷ hồ hởi chinh phục thiên nhiên và coi nhẹ những kinh nghiệm sống hàng ngày của người dân ở nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học chợt nhận ra tầm quan trọng của tri thức bản địa trong mọi lĩnh vực của đời sống…

 

Trước đây, vì nhiều lý do, con người luôn cho rằng nhiệm vụ cao cả của mình là cải tạo và chinh phục tự nhiên. Khoa học phương Tây, được coi là chuẩn mực và khuôn mẫu cho cả thế giới noi theo trong suốt một thời gian dài, luôn cố gắng tìm cách cải biến tự nhiên, tìm hiểu quy luật khách quan, có thể đo đếm và dự báo được, để phục vụ lợi ích con người. Trên thực tế, loài người đã làm được rất nhiều điều để thực hiện nhiệm vụ này. Đời sống của con người trở nên thuận tiện hơn từ những phát minh, sáng chế khoa học; các quy luật dần lộ diện, khiến con người không gặp quá nhiều bất ngờ trước những thay đổi trong tự nhiên cũng như xã hội.

Nhưng các giới hạn bắt đầu xuất hiện khi nhiều chương trình phát triển, áp dụng mô hình khoa học phương Tây, đã bắt đầu gặp khó khăn trong khi triển khai ở các xã hội ngoài phương Tây. Từ đấy, người ta xuất phát nhu cầu tìm kiếm giải pháp khác. Khai thác tri thức bản địa trở thành một trào lưu được ưa thích trên toàn cầu, đặc biệt cho các dự án tại các nước đang phát triển.

1. Sự phát triển khái niệm tri thức bản địa

Nói đến tri thức bản địa, đầu tiên, cần thiết phải xác định khái niệm về dân tộc bản địa. Trên thực tế, đây là khái niệm được hiểu theo nhiều nghĩa và mang tính tương đối. Công ước 169 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) định nghĩa về người dân và bộ tộc bản địa là “những người có các điều kiện xã hội, văn hóa và kinh tế phân biệt họ với các bộ phận khác của một cộng đồng quốc gia, và địa vị của họ được quy định toàn bộ hoặc một phần bởi phong tục hay truyền thống, hoặc bởi những luật lệ đặc biệt hay quy định của riêng họ”. Tuy nhiên cũng có những cách hiểu khác, ví dụ, trong một quốc gia, nhiều khi những tộc người thiểu số được gọi là bản địa. Trên phạm vi toàn cầu, đôi khi người ta gọi những dân tộc có lịch sử sinh sống lâu đời trên một vùng đất là dân tộc bản địa. Như vậy, người Việt có thể được coi là dân bản địa ở phương diện thế giới, nhưng không được coi là dân tộc bản địa trong phạm vi quốc gia…

Dễ dàng đồng ý với nhau rằng, khi nói đến người bản địa hay tri thức bản địa, chúng ta ngụ ý đến quá trình lịch sử cộng cư, chia sẻ văn hóa và những kinh nghiệm đi kèm với nó, mang tính đặc thù địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, bản thân văn hóa là một tiến trình tiếp nhận, tích hợp và biến đổi, cả văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại. Người bản địa ngày nay cũng vậy, họ không còn là người bản địa của 50 năm về trước. Văn hóa của họ cũng không còn là văn hóa thuần chất truyền thống. Và tất nhiên, không phải bất kỳ tri thức nào của họ ngày hôm nay cũng được xem như tri thức bản địa. Theo chúng tôi, tri thức bản địa là một dạng tri thức truyền thống, gắn liền với kinh nghiệm trong sinh hoạt và ứng xử với môi trường của người dân địa phương. Trong quá khứ, các cộng đồng dân tộc bản địa sống phụ thuộc rất nhiều vào môi trường trực tiếp để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ. Chính vì lẽ đó, họ có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường ở địa phương và thu nhận được nhiều kiến thức và hiểu biết hợp lý về môi trường ấy. Kiến thức bản địa được hình thành qua hoạt động, sinh hoạt hàng ngày và cách sinh sống của họ…

Tuy có tầm quan trọng về mặt thực tế như vậy, nhưng trước đây, tri thức bản địa chỉ được coi là những tri thức nông cạn, hời hợt, không khách quan, không mang tính khoa học, không thể kiểm nghiệm được tính đúng đắn trên thực tế, vì vậy, khả năng áp dụng của nó trong các lĩnh vực khoa học hạn chế. Không những thế, kể từ khi chủ nghĩa thực chứng của A. Comte ra đời, khi chỉ những gì có thể kiểm nghiệm được mới trở thành khoa học, tri thức bản địa trở thành những kiến thức “phi khoa học”, và ít được các nhà khoa học để ý đến. Hơn thế, sự phát triển áp đảo của nền kinh tế, chính trị phương Tây đã khiến mô hình phương Tây trở thành chuẩn mực cho toàn thế giới; mọi lĩnh vực của đời sống con người bị quy chiếu theo những tiêu chuẩn phương Tây.

Dù vậy, tri thức bản địa ngày càng được nhìn nhận đúng vai trò quan trọng của nó. Tuy nhiên, không phải vì những hạn chế mà khoa học phương Tây đang gặp phải và vị thế đang lên của tri thức bản địa mà chúng ta phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực và thành tựu của khoa học phương Tây từ trước tới nay. Hai dạng tri thức này có thể bổ sung cho nhau, vì lợi ích con người.

Theo chúng tôi, sự nổi lên của tri thức bản địa trên bản đồ khoa học thế giới bởi 4 lý do chính:

Sự nổi lên của thế giới thứ ba: Rõ ràng, với quá trình giành độc lập cho các quốc gia từ sau thế chiến lần 2, các nước ngoài phương Tây đã ngày càng có vai trò lớn hơn trên bản đồ kinh tế, chính trị và cả khoa học quốc tế. Từ vai trò bị lệ thuộc vào thế giới phương Tây trên mọi lĩnh vực, giờ đây, tiếng nói của các nước nhỏ ngày càng có trọng lượng hơn và được thế giới phương Tây lắng nghe nhiều hơn. Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và rất nhiều các nước khác đã trở thành những cán cân quyền lực mới buộc các nước phương Tây phải thay đổi quan niệm về cách tư duy ngoài phương Tây. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của đội ngũ các nhà khoa học ngoài phương Tây với sự độc lập tương đối của nó đã khiến cho những tri thức khác phương Tây giờ không bị coi là phi khoa học nữa.

Sự bế tắc của khoa học phương Tây: Ngoài lý do của sự nổi lên của các nước, sự bế tắc thực sự của khoa học phương Tây trong nhiều trường hợp đã khiến nền khoa học này đi tìm những cách lý giải khác với nó. Chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm tới các chủ nghĩa thực chứng, phản thực chứng đã bế tắc trong nhiều câu hỏi liên quan đến lý thuyết và thực tế, đặc biệt là những thực tế ngoài Âu châu. Ví dụ, sự tranh cãi về vật chất và ý thức trở nên không có lời giải và vô bổ giống như câu chuyện về con gà và quả trứng hay y học phương Tây, chủ yếu nhấn mạnh đến phương pháp đau đâu chữa đấy, ban đầu đã không thể hiểu được cách chữa bệnh của Đông y. Kết quả là, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về những mô hình khoa học phương Tây áp dụng cho phương Đông liệu có còn thích hợp nữa hay không. Đi kèm với nó, việc áp dụng những kinh nghiệm thực tế ở các địa phương khác nhau đã tìm ra những câu trả lời thực tế cho những bế tắc này. Tất cả những điều này dẫn đến việc khoa học phương Tây tự nhìn lại mình và tìm đến các tri thức bản địa như một dạng tri thức so sánh và kiểm nghiệm tính đúng đắn trong các xác nhận khoa học của mình.

Việc phổ biến của tri thức nhân học: Nhân học là một ngành khoa học còn tương đối mới mẻ so với các ngành khoa học khác. Một trong những hạt nhân tư duy của ngành học này là xem xét sự vật như nó vốn có, từ con mắt của chủ thể, người trong cuộc, chứ không tìm cách áp đặt những đánh giá “khách quan” của các nhà khoa học. Nhân học thực sự phát triển vào nửa sau của TK XX và đóng góp một phần quan trọng, không chỉ trong khoa học, mà trong cách quan niệm của xã hội về mọi sự vật, hiện tượng. Mọi người, hiện tượng hay sự kiện xã hội được trao quyền và tiếng nói để nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Đó chính là một trong những lý do căn bản để người dân tộc thiểu số, các nhóm nhỏ trong xã hội được lên tiếng và xã hội toàn thể lắng nghe họ. Tri thức bản địa cũng là một trong những lĩnh vực được lợi từ những quan điểm nhân học này.

Lý thuyết hậu hiện đại: cũng giống như nhân học, một trong những trọng tâm lý thuyết của lý thuyết hậu hiện đại khẳng định cái tôi, bản sắc của các chủ thể sáng tạo. Thay vì áp dụng những mô hình có sẵn cho toàn bộ, lý thuyết hậu hiện đại đề cao sáng tạo cá nhân và những giải thích đơn lẻ. Chính từ quan điểm rộng mở này, giới khoa học và cả xã hội đã đón nhận những tri thức “lạ” một cách dễ dàng hơn. Tri thức bản địa giờ đây được lý giải một cách khách quan hơn, và không còn bị coi là những tri thức không khoa học, thần bí, phi lôgíc…

Bốn tiền đề trên là những cơ sở cơ bản cho sự nổi lên của tri thức bản địa trong giai đoạn vừa qua. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một tiền đề để tri thức bản địa được biết đến rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, những áp dụng trong thực tiễn cũng đã giúp cho tri thức bản địa ngày càng củng cố vị trí khoa học của mình trong thời đại hiện nay.

Về mặt lịch sử, phải nhấn mạnh rằng, khái niệm tri thức bản địa được nhắc tới nhiều do sự ảnh hưởng của khoa học tự nhiên và các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Xuất phát từ kinh nghiệm trong việc trồng trọt và chăn nuôi ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, và khác xuất xứ của các cây trồng vật nuôi này, các nhà khoa học đã để ý đến kinh nghiệm của người dân bản địa trong việc xử lý những vấn đề khó khăn trong quá trình thích nghi. Vốn trải qua một quá trình thích nghi từ rất lâu đời, người dân ở từng địa phương đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định đối với cuộc sống diễn ra xung quanh họ. Người dân hiểu rất rõ mối quan hệ giữa vật nuôi, cây trồng của họ với các điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của động, thực vật. Khi các nhà khoa học biết cách phối hợp những tri thức bản địa này với những tri thức và phương pháp khoa học hiện đại, họ có thể giúp cây trồng và vật nuôi thích nghi tốt hơn với điều kiện địa phương.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 124 nước hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu tri thức bản địa nhằm tăng tính hiệu quả trong phát triển nông thôn và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cá biệt, nhiều nước chú trọng khai thác dạng tài nguyên này cho các mục đích thương mại có giá trị cao, ví dụ trong lĩnh vực dược học và mỹ phẩm. Ngoài ra, ở rất nhiều nơi kể cả các nước phát triển và đang phát triển, tri thức bản địa đang được nghiên cứu hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học, làm tăng nguồn tư liệu cơ sở về môi trường, được sử dụng để đánh giá tác động của quy trình phát triển, được sử dụng như một công cụ để lựa chọn, quyết định. Vì vậy, nên phát triển nghiên cứu tri thức bản địa nhằm thu thập, lưu trữ, nâng cao sự hiểu biết các tiến trình phát triển, ứng dụng và điều chỉnh kỹ thuật của các cộng đồng cư dân địa phương.

Các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các chính phủ sử dụng tri thức bản địa trong các kế hoạch phát triển của mình. Ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ chính là những cơ quan đầu tiên áp dụng việc sử dụng tri thức bản địa trong việc cải thiện khả năng canh tác trồng trọt, nâng cao chất lượng sống… ở các địa phương.

Khi môi trường ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng đối với nhân loại, tri thức bản địa cũng trở thành một giải pháp để các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu tìm cách cải thiện điều kiện môi trường tốt hơn bằng những biện pháp ít tốn kém và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương.

Như vậy, tri thức bản địa mang tính đặc thù cho mỗi khu vực, mỗi cộng đồng nhất định. Nó dựa trên những kinh nghiệm được tích lũy, thừa kế từ người này qua người khác, đời này qua đời khác. Tri thức bản địa được phản ánh trong những bài dân ca, câu chuyện, truyền thuyết, và những thực hành văn hóa của người bản địa. Đôi khi nó được bảo tồn dưới dạng trí nhớ, nghi thức, lễ thức hay điệu múa. Đôi khi nó được lưu giữ dưới dạng những vật dụng được lưu truyền từ đời cha sang đời con, hay từ mẹ cho con gái. Trong các hệ thống tri thức bản địa, thường không có sự cách biệt giữa kiến thức tôn giáo, thế tục và thực hành, chúng chỉ là một và giống nhau.

Do tri thức bản địa gắn bó với cuộc sống của người dân và được trải nghiệm trong lịch sử nên đa số tri thức bản địa là những tri thức liên quan đến môi trường, cách thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đó có thể là làm nhà hướng nam, dùng lá xoan khô đưa vào trong chậu vại cùng với đậu xanh, đậu đen, ngô để bảo quản, cách làm ruộng bậc thang san đất hay xếp đá, dùng “cày Mèo” rất phù hợp cho việc canh tác trên đất dốc…

Tri thức bản địa là những kinh nghiệm đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều năm sử dụng. Những điểm yếu dần được cải thiện cùng với thời gian, những tinh túy dần được chắt lọc và cuối cùng là hoàn thiện và phổ cập. Tri thức bản địa là những kinh nghiệm, nhưng nó lại phải phù hợp với môi trường, văn hóa từng vùng, từng cộng đồng và từng tộc người. Và, tri thức bản địa tuy là những kinh nghiệm sống, nhưng lại động và thay đổi phù hợp với những điều kiện mới, cơ cấu xã hội mới…

2. Mối quan hệ giữa tri thức bản địa và khoa học

Tri thức bản địa chỉ được hiểu một cách rõ ràng nhất khi chúng ta đem nó so sánh với kiến thức khoa học mà chúng ta quen thuộc. Đơn cử một so sánh tham khảo như sau (1):

Các lĩnh vực tri thức

Tri thức bản địa

Kiến thức khoa học

Phạm vi

Linh thiêng và thế tục cùng đồng hành, bao gồm cả siêu nhiên

Hội nhập toàn thể, dựa vào hệ thống

Được lưu giữ thông qua truyền miệng và trong các thực hành văn hóa

Chỉ tính tới thế tục, loại trừ siêu nhiên

Phân tích hay quy giản, dựa vào các tập hợp nhỏ của cái toàn thể

Được lưu giữ thông qua sách vở và máy tính

Mức độ chân lý

Được coi là chân lý (chủ quan)

Chân lý được thấy trong tự nhiên và trong niềm tin

Giải thích dựa vào ví dụ, kinh nghiệm và tục ngữ

Được coi là tiếp cận gần nhất đến chân lý

Chân lý được tìm thấy từ sự lý giải của con người

Giải thích dựa vào giả thuyết, lý thuyết và quy luật

Mục đích

Trí tuệ lâu dài

Thực tế cuộc sống và tồn tại

Có khả năng dự báo tốt ở địa phương (có giá trị về sinh thái)

Yếu hơn trong điều kiện ở các vùng xa, khác

Suy đoán ngắn hạn

Trừu tượng, trải qua kiểm tra

Có khả năng dự báo tốt trong điều kiện tự nhiên (có giá trị về duy lý)

Yếu trong việc sử dụng kiến thức địa phương

Cách dạy và học

Lĩnh hội mất nhiều thời gian (kiến thức chậm)

Học thông qua cách sống, trải nghiệm và làm

Dạy thông qua ví dụ, làm mẫu, tôn giáo và kể chuyện

Được kiểm nghiệm thông qua các tình huống thực tế

Lĩnh hội nhanh (kiến thức nhanh)

Học thông qua giáo dục chính thức

Dạy thông qua sách giáo khoa

Được kiểm nghiệm giả tạo trong các kiểm tra

 

Như vậy, chúng ta có thể có một vài nhận xét về mối quan hệ giữa tri thức bản địa và tri thức khoa học như sau:

Kiến thức khoa học được sinh ra bởi các nhà khoa học chuyên nghiệp thông qua những thí nghiệm và nghiên cứu khoa học một cách hệ thống trong khi tri thức bản địa được sinh ra bởi kinh nghiệm hàng ngày của họ khi chung sống với tự nhiên và xã hội. Người dân địa phương cũng thực hiện những thí nghiệm và nghiên cứu nhưng khác với các nhà khoa học chuyên nghiệp, họ nghiên cứu như một phần của nỗ lực để tồn tại trong khi làm việc để kiếm sống. Các nhà khoa học, mặt khác, thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay những cánh đồng thử nghiệm trong những điều kiện giả định, nhân tạo, trong khi người dân địa phương thực hiện nghiên cứu trong điều kiện tự nhiên ở các cánh đồng hay ở nơi nào đó mà họ thường làm việc.

Kiến thức khoa học được xuất phát từ các nhà khoa học chuyên nghiệp và thường được ghi chép lại trong khi kiến thức bản địa thường không được ghi chép. Bên cạnh đó, tri thức bản địa sinh ra trong một văn hóa ở những dạng khác nhau như các thực hành văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo và tín ngưỡng, nghi lễ, văn học dân gian, dân ca, truyền thuyết và tục ngữ. Không giống tri thức khoa học, tri thức bản địa ngầm ẩn và khó để cho người ngoài hiểu được. Tri thức khoa học được tiêu chuẩn hóa và được thể hiện bằng các thuật ngữ có tính toàn cầu, tri thức bản địa không mang tính tiêu chuẩn hóa và được thể hiện bằng ngôn ngữ địa phương. Ở phương diện này, tri thức bản địa nhìn chung không thể di chuyển được ra khỏi khu vực của mình trong khi tri thức khoa học có khả năng ứng dụng toàn cầu. Do vậy, khoa học được xem là một hệ thống tri thức toàn cầu trong khi tri thức bản địa mang tính đặc thù địa phương và được xem là ít có khả năng ứng dụng ở bên ngoài biên giới lãnh thổ của mình.

Tri thức bản địa là kiến thức sinh kế trong khi khoa học là kiến thức của kinh tế thị trường. Kiến thức bản địa là các kỹ thuật cho việc sản xuất theo quy mô nhỏ, đáp ứng nhu cầu của gia đình, trong khi khoa học dựa trên sản xuất quy mô lớn để cung cấp cho thị trường quốc gia, quốc tế. Những người sống trong nền kinh tế sinh kế, tự cung, tự cấp thường sản xuất ra đủ đáp ứng cho nhu cầu của gia đình mình mà không quá cố gắng chế ngự thiên nhiên hay khai thác nó một cách quá đáng. Họ phát triển những công nghệ hài hòa với tự nhiên.

Các nhà khoa học phương Tây khám phá tự nhiên và xã hội để tìm hiểu quy luật cho các hiện tượng khác nhau và tìm kiếm sự giải thích cho các quan hệ đã được xác định. Kết quả là họ xây dựng nên những lý thuyết để sử dụng cho những dự đoán và tạo nên những công nghệ ứng dụng thực tiễn của kiến thức. Người dân địa phương cũng giống như những nhà khoa học, khám phá tự nhiên và xã hội trong khung cảnh riêng của họ, nhưng không giống như các nhà khoa học, họ không tìm kiếm những giải thích chi tiết, bởi vậy, những mối quan hệ đã được xác định tồn tại dưới dạng các niềm tin. Niềm tin trở thành mong đợi của họ, khiến họ không quan tâm đến việc đi tìm câu giải thích chi tiết, bởi vậy, tri thức bản địa đầy rẫy những niềm tin mà không thể giải thích một cách duy lý được. Tri thức bản địa là không duy lý và mang tính mô tả trong khi khoa học phương Tây là duy lý và mang tính phân tích.

Ngày nay, tri thức bản địa đang được đề cao vì nhiều lý do. Tuy vậy, không phải vì thế mà chúng ta quá nghi ngờ những tri thức khoa học mà bao thế hệ các nhà khoa học đã sáng tạo ra cho thế giới. Hơn thế, không phải những kiến thức bản địa nào cũng được sử dụng như nhau và phát huy được hiệu quả trong bối cảnh mới. Một số tri thức bản địa rất có thể không có hiệu quả hoặc thậm chí lại có hại và kìm hãm sự phát triển. Điều kiện hình thành tri thức bản địa trước kia đã ít nhiều khác với bối cảnh xã hội hiện nay, chính vì vậy, tri thức bản địa được hình thành trong những điều kiện ấy khó thích hợp với điều kiện xã hội bây giờ. Do vậy, áp dụng tri thức bản địa không nên thực hiện một cách máy móc.

Tri thức bản địa đã được hình thành qua nhiều thế kỷ, nhiều thế hệ. Sự sản sinh ấy vẫn còn tiếp diễn trong các xã hội hiện nay ở trong các cộng đồng nhất định và trong một bối cảnh mới. Những tri thức ấy cũng đáng quý như những tri thức trước đây được sản sinh bởi cha ông người dân tộc bản địa. Thông qua sự kết hợp với khoa học hiện đại, những tri thức bản địa ấy sẽ ngày càng trở nên có giá trị hơn.

_______________

1. Alan, R. Emery and Associates, Guidelines for Environmental Assessments and Traditional Knowledge, A Report from the Centre for Traditional Knowledge of the World Council of Indigenous People (draft), Ottawa, 1997, tr.4, 5.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 308, tháng 2-2010

Tác giả : Bùi Hoài Sơn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *