Tính dân tộc là một thuộc tính của văn hóa, bởi nền văn hóa nào cũng thoát thai từ dân tộc. Trong quá trình lịch sử, sự hình thành dân tộc và văn hóa được quy định bởi phương thức sản xuất, các điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử. Có thể nói dân tộc nào thì văn hóa ấy. Tính dân tộc thể hiện bản sắc của mỗi nền văn hóa, bộc lộ qua các lĩnh vực văn hóa, trong đó có kiến trúc – một thành tố của mỹ thuật. Tính dân tộc trong kiến trúc là hệ quả của mối quan hệ ứng xử giữa con người và môi trường.
1. Tính dân tộc trong kiến trúc
Kiến trúc truyền thống Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm và mang đậm tính dân tộc. Với bàn tay và khối óc, nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nên các công trình kiến trúc như đình, chùa, cung điện, tháp… mang hồn dân tộc rất rõ nét. Tính dân tộc trong kiến trúc được biểu hiện với các hình thái khác nhau: từ cái toàn thể (môi trường cảnh quan và kiến trúc, quy hoạch mặt bằng…) đến cụ thể (hệ mái, vì kèo, khung cột, trang trí…); từ cái hiện hữu đến cái vô hình toát lên từ tổng thể kiến trúc của mối quan hệ giữa kiến trúc, con người và môi trường.
Kiến trúc truyền thống Việt Nam có một đặc điểm chung là kiến trúc dân gian. Các công trình kiến trúc đều khuyết danh, nghệ nhân dân gian không có tên trong các công trình sáng tạo của mình, cho đến khi kiến trúc Việt Nam có sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây.
Kiến trúc Việt Nam hiện đại bắt đầu từ những năm 30 của TK XX, thời thuộc Pháp. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925) chỉ tuyển 5 sinh viên cho khoa kiến trúc, nhằm đào tạo kiến trúc sư (KTS) cho chính quyền thuộc địa. Nhưng số sinh viên tốt nghiệp rất ít ỏi, chỉ 2,3 người. Trong quá trình đào tạo, sinh viên không được học về kiến trúc truyền thống dân tộc. Họ chỉ được tham khảo kiến trúc Trung Hoa qua một vài cuốn sách do Đức xuất bản.
Khi làm việc tại Sở Công chính Hà Nội, những KTS người Việt chỉ là người giúp việc cho KTS người Pháp. Họ không được ghi danh trong những công trình được thiết kế và xây dựng.
Trong bối cảnh đó, một số KTS người Việt đã lập văn phòng KTS cho riêng mình. “ Phải kiên nhẫn, có thể nói phải dũng cảm lắm mới duy trì được các cơ sở thiết kế kiến trúc mang tên bộ ba Luyện – Tiếp – Đức hay Võ Đức Diên”(1). Tuy những công trình của họ để lại không nhiều, đến nay không còn giữ được dáng vẻ như ban đầu, nhưng trong những thiết kế của họ đã thể hiện một xu hướng nhất quán là trở về với truyền thống dân tộc. Tạp chí Đông Dương nhận xét: “Các KTS Luyện – Tiếp – Đức, nhóm trẻ tuổi này mỗi khi điều kiện cho phép, kiên quyết cố gắng tìm nguồn cảm hứng trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc họ”(2).
Chẳng hạn, thiết kế biệt thự L.Đ.H ở phố Hàng Đẫy (1943) của KTS Nguyễn Gia Đức, mà chúng ta được biết qua bản vẽ nhớ lại của tác giả, thể hiện rất rõ phong cách kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Nhà một tầng, mái dốc lợp ngói, đầu hồi bít đốc. Không gian cây xanh với hàng cau trữ tình, hòn non bộ, mặt nước trước nhà làm mặt gương soi bóng công trình. Biệt thự 17 phố Thiền Quang, do bộ ba KTS Luyện – Tiếp – Đức thiết kế, mang đậm những nét đặc sắc của kiến trúc dân gian trong thiết kế. Bộ mái dốc lợp ngói truyền thống, ô văng che cửa sổ giống như mái đình thu nhỏ, cửa cuốn tròn ở hai đầu lô gia, con sơn, lan can gỗ… Biệt thự là kiến trúc hiện đại nhưng toát lên tính dân tộc.
Trong xu hướng trở về văn hóa phương Đông có công trình nhà Thủy Tạ, do KTS Võ Đức Diên và Nguyễn Xuân Tùng thiết kế. Nhà Thủy Tạ có quy hoạch mặt bằng hình vòng cung, ôm lấy mặt hồ, hòa nhập với khung cảnh nên thơ của hồ Hoàn Kiếm, với lầu vuông tám mái gợi lên nhà tiền tế của đình làng. Nhà Thủy Tạ gây được ấn tượng là công trình kiến trúc phương Đông hiếm hoi, đối lập với những phố Tây đang dần chiếm ưu thế ở Hà Nội thời đó.
Trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, người Pháp đã để lại không ít những di sản kiến trúc có giá trị, tập trung ở Sài Gòn, Hà Nội. Giai đoạn đầu từ những năm cuối TK XIX đến 1923, Pháp xây “những cái gì chắc chắn, to lớn, lâu bền”(3), như Phủ toàn quyền (nay là Văn phòng Chính phủ), Phủ thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ và Bộ Lao động và Thương binh Xã hội), tòa án, bưu điện… Các công trình này có hình thức kiến trúc cổ điển châu Âu, có tầng đế vững chắc, hệ thống cột to, mập tròn… thể hiện quyền lực thế tục. Tuy có bề thế, nặng nề, nhưng các công trình đó vẫn bảo đảm tính thẩm mỹ và công năng, mang đặc trưng kiến trúc phương Tây.
Nhưng từ năm 1923 đến 1945, các KTS người Pháp tiêu biểu là KTS Ernest Hebrard và Artar Kuze, có sự kết hợp với một số KTS Việt Nam đã đưa nhiều yếu tố kiến trúc phương Đông và Việt Nam vào công trình, làm nên dáng vẻ độc đáo của kiến trúc Pháp trên đất thuộc địa, đến nay vẫn có giá trị và có ảnh hưởng không nhỏ đời sống kiến trúc đô thị. Chúng ta có thể kể đến một số công trình ở Hà Nội còn được bảo tồn khá nguyên vẹn như: Bảo tàng Lịch sử, Bộ Ngoại giao, nhà thờ Cửa Bắc, Ủy ban TDTT, Viện Vệ sinh dịch tễ, nhiều biệt thự ẩn mình trong vườn cây như: 46 Trần Hưng Đạo, 84 Nguyễn Du, 17 Thuyền Quang, 27 Nguyễn Đình Chiểu… ở Sài Gòn có thể kể đến Trường Lê Hồng Phong (Trường Petrus Ký) được xây năm 1927…
Trên những công trình kiến trúc đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự kết hợp kiến trúc phương Tây với yếu tố kiến trúc phương Đông và kiến trúc truyền thống như: con sơn, đấu củng, vì kèo, họa tiết hình con triện…
Nét độc đáo của kiến trúc đô thị ở Hà Nội và Sài Gòn được tạo nên dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa văn hóa trong quy hoạch đô thị kiểu phương Tây. Chủ nghĩa văn hóa làm cho các công trình kiến trúc tìm thấy lối ứng xử hài hòa với thiên nhiên và không tách cá nhân ra khỏi cộng đồng. Việc kết hợp thành công kiến trúc phương Tây với những yếu tố văn hóa phương Đông và Việt Nam đã hình thành nên phong cách kiến trúc Đông Dương nổi tiếng. Phong cách kiến trúc đó đã tạo được sự phù hợp với khí hậu, thẩm mỹ, tâm lý người Việt và còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay.
Như vậy, trong bối cảnh mất quyền tự chủ dân tộc thì các sáng tạo của các KTS Việt Nam vẫn thể hiện tính dân tộc đậm nét. Điều đó có thể là do lý trí, tình cảm và ý thức công dân của người kiến trúc sư trỗi dậy trong môi cảnh bị áp chế văn hóa, cũng có thể với tư cách là chủ thể sáng tạo mang sẵn dòng máu của dân tộc và truyền thống nên tính dân tộc hiện vào trong các sáng tạo của các KTS một cách tự nhiên như một thuộc tính.
Trong quá trình làm việc lâu dài tại Việt Nam, các KTS Pháp cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa lý tự nhiên, khí hậu và tâm lý con người bản địa, nên đã đưa các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông và Việt Nam vào các công trình kiến trúc phương Tây. Sự kết hợp hài hòa này đã tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của phong cách kiến trúc Đông Dương. Trong đó có một số yếu tố đặc sắc của kiến trúc như: tường gạch dày (từ 30-40cm), tầng hầm là một giải pháp điều hòa vi khí hậu cho công trình như chống ẩm, chống nồm, hệ thống 2 lần cửa (cửa chớp và cửa kính), trong đó cửa chớp là một sáng tạo của KTS Pháp để đối phó với môi trường nhiệt đới nóng ẩm. Các yếu tố trên là các giải pháp kiến trúc để các ngôi nhà kiểu này luôn ấm về mùa đông, mát về mùa hè, có khả năng thích ứng tối đa với môi trường tự nhiên.
2. Một số xu hướng kế thừa di sản kiến trúc truyền thống
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), nền kiến trúc hiện đại Việt Nam được hình thành và nhanh chóng lớn mạnh. Giới KTS vẫn trên con đường tìm tòi sáng tạo, nhằm trả lời câu hỏi về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, về việc khai thác, phát huy các giá trị của truyền thống trong kiến trúc hiện đại.
Với lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 80 năm qua, kiến trúc Việt Nam trong việc kế thừa di sản kiến trúc truyền thống đã thể hiện các xu hướng khác nhau.
Xu hướng phục cổ
Đặc điểm nổi bật của xu hướng này là phục hồi, trở về với kiến trúc truyền thống. Phục hồi bằng cách tái tạo, sử dụng kiến trúc truyền thống cho công trình hiện đại, từ quy hoạch mặt bằng đến toàn bộ kiến trúc cổ với mái cong, đầu đao, hệ cột, vì kèo, hoa tiết trang trí… Những công trình của xu hướng này có thể kể ra như: đền tưởng niệm Bến Dược (huyện Củ Chi, TP.HCM), đền thờ liệt sĩ (huyện Hải Hậu, Nam Định), đài tưởng niệm Kim Môn (Hải Dương)… Các khu đền tượng niệm này đều có mô thức kiến trúc của đình, chùa từ hệ mái cong, đầu đao, hệ cột, vì kèo… đến các đồ án trang trí kiến trúc như: lưỡng long chầu nguyệt, phượng, rồng…
Những công trình vừa kể trên đều là những công trình văn hóa có tính tưởng niệm. Ưu điểm của xu hướng này là đã tạo được không gian kiến trúc truyền thống, gây ấn tượng, tình cảm về truyền thống, cội nguồn, nên công năng kiến trúc được phát huy, chức năng của công trình được đáp ứng.
Có thể kể đến nhiều công trình như khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… đã phục hồi, tái tạo kiến trúc truyền thống phục vụ chức năng dịch vụ. Có nhiều công trình được thiết kế, xây dựng theo mô thức kiến trúc truyền thống nhưng cũng có những ngôi kiến trúc cổ được tháo dỡ từ nơi khác và tái dựng lại trong quần thể và không gian phục vụ cho du lịch, giải trí. Không gian truyền thống của kiến trúc đã tạo nên hứng thú đối với khách hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Xu hướng phục cổ có phần phù hợp và hiệu quả với dạng các công trình kể trên.
Tuy nhiên, tính sáng tạo của xu hướng này bị hạn chế và nhất là khi nhiều công trình của xu hướng này được xây dựng đã tạo ra sự lặp lại, thiếu sáng tạo. Trong một số công trình, sự phục cổ thiếu chắt lọc tạo ra sự khập khiễng như: mô thức kiến trúc cổ nhưng vật liệu thì hiện đại (bê tông cốt thép, kính, khung nhôm, gạch men…). Một số công trình không tuân theo luật đối xứng, đường thần đạo vốn là đặc trưng của quy hoạch mặt bằng truyền thống, hoặc phục cổ không đúng chỗ cũng gây phản cảm, như gần đây dư luận nêu việc sao chép cổng chùa Láng đặt vào đình Kim Liên và một số công trình tín ngưỡng khác, đã phá vỡ bố cục không gian và tổng thể công trình, gây phản ứng gay gắt của giới chuyên môn và người dân. Đó là xu hướng được gọi là nệ cổ, nhại cổ, copy máy móc.
Từ sau đổi mới, khoảng hơn 15 năm gần đây, có một xu hướng bắt chước, mô phỏng kiến trúc Pháp, với thực trạng như KTS Ngô Huy Giao nhận định: “sao chép, bắt chước lố lăng như một con vẹt”, “lai căng, không thuộc trường phái nào cả”(4). Hội chứng kiến trúc Pháp ở các công sở, nhà ở và đình chùa hóa các công trình tưởng niệm có xu hướng phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước, thể hiện sự tùy tiện, dễ dãi trong sáng tạo, cần phải có định hướng để hạn chế và điều chỉnh.
Xu hướng chiết trung
Trong triết học, khái niệm chiết trung chỉ sự trung hòa một cách máy móc những quan điểm khác hẳn nhau (5). Ở đây, khái niệm chiết trung được hiểu là sự kết hợp, lắp ghép các yếu tố, bộ phận của kiến trúc truyền thống vào kiến trúc hiện đại để tạo ra hiệu quả mới. Xu hướng này tạo cho công trình kiến trúc vừa có tính hiện đại, vừa có tính truyền thống. Các bộ phận của kiến trúc cổ như hệ mái, hệ cột, vì kèo, hoa văn, họa tiết trang trí… được đưa vào kiến trúc hiện đại. Truyền thống và hiện đại cùng tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau trong một kết hợp mới. Sự kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống đạt được độ hợp lý, thì sẽ tạo hiệu quả thẩm mỹ cho công trình.
Có thể kể đến công trình Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tọa lạc tại 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Ngôi nhà được người Pháp xây dựng vào những năm 30 TK XX, có công năng là chỗ ở cho nữ sinh là con cái của quan chức người Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Năm 1962, ngôi nhà được cải tạo thành Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều chi tiết của kiến trúc đình làng được đưa vào thiết kế. Một số bộ phận của mái nhà được cải tạo thành các đầu kìm, đầu đao, bờ guột của kiến trúc đình làng với hình khối đơn giản. ở tầng một có một cái lầu với bộ cột tròn theo kiểu đầu cán cân, chân quân cờ, có bệ hình hoa sen có kết hợp thắt quả bồng. Nhiều họa tiết trang trí dân gian như hoa sen, hình con triện, trang trí phù điêu trong ô hộc… đã được đưa vào thiết kế. Phía trước công trình là vườn cảnh, cây cổ thụ, đặc biệt có hai hàng cau dọc theo lối đi, gợi không gian làng quê Bắc Bộ. Cây cối làm cho ngôi kiến trúc dường như giảm chiều cao và như hòa vào thiên nhiên. Đây là một công trình kiến trúc khá tiêu biểu cho xu hướng này: tổng thể vẫn là kiến trúc phương Tây hiện đại, nhưng dấu ấn truyền thống vẫn rõ nét. Hai yếu tố truyền thống và hiện đại được kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý tạo ra hiệu quả cao cho công trình.
Trong thiết kế Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, các KTS Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh dùng con sơn nhô ra đỡ mái, ở đầu hồi đắp phù điêu phượng bay – một mô típ trang trí truyền thống. Như vậy, các yếu tố, bộ phận của kiến trúc truyền thống làm nhiệm vụ tô điểm cho kiến trúc hiện đại.
Cũng trong xu hướng này, chúng ta có thể kể thêm một số công trình như Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) do KTS Hà Đức Lịnh thiết kế, Nhà triển lãm Vân Hồ với thiết kế của KTS Nguyễn Xuân Đoàn… Tác giả của những công trình này chỉ đưa một vài chi tiết của kiến trúc truyền thống vào thiết kế như con sơn đỡ mái dốc, đầu đao, ô thoáng hình âm dương…
Ở Trung Quốc, nhà ga xe lửa phía Đông Bắc Kinh là công trình nhà ga lớn nhất châu Á được xây dựng năm 1996. Phía trên nhà ga, KTS đã thiết kế những công trình kiến trúc cổ của Trung Hoa một cách hoàn chỉnh và đặt lên trên công trình hiện đại là nhà ga bên dưới. Công trình hiện đại làm bệ đỡ cho kiến trúc truyền thống, tạo ra sự kết hợp vừa truyền thống, vừa hiện đại khá ấn tượng và thú vị.
Vấn đề quan trọng của xu hướng này là các yếu tố của kiến trúc truyền thống phải được kết hợp với kiến trúc hiện đại một cách hợp lý và hiệu quả. Nếu không hai yếu tố này sẽ loại trừ nhau, làm giảm tính thẩm mỹ của kiến trúc. Chẳng hạn, ở một số công trình kiến trúc, việc sử dụng họa tiết, hoa văn dân tộc một cách thiếu chọn lọc hoặc lạm dụng đã làm giảm tính thẩm mỹ của công trình.
Xu hướng tích hợp
Xu hướng này đòi hỏi sự sáng tạo của kiến trúc sư. Chính sự sáng tạo đã tích hợp truyền thống với hiện đại để tạo ra một kết hợp mới, có hiệu quả vượt bậc. KTS Kenzo Tange (Nhật Bản), một KTS lỗi lạc của thế giới, đã nhận định: “Cần phải thấu hiểu một cách tường tận, sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống. ở bất kỳ nơi nào, kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện tự nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống cần nắm bắt và khai thác”(6). Ông phát biểu tiếp: “Truyền thống dân tộc là cái vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải biết phá vỡ chúng thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới những dạng mới”(7).
Ở Việt Nam, chúng ta có thể kể đến công trình Bảo tàng Việt Bắc (Thái Nguyên) do KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế. Mặt trước công trình cho ta ấn tượng gần gũi, ấm cúng và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Công trình có bố cục đối xứng, dãy hành lang với hàng cột thoáng, chạy hai bên sân trong, có nhiều cây cảnh đẹp. Thiên nhiên và nội thất có sự liên thông, tạo ra không gian mở. Nhiều họa tiết trang trí của các dân tộc Việt Bắc được sử dụng trên trần nhà, ô thoáng, chấn song sắt cửa sổ…
Công trình Hội trường Thống Nhất TP.HCM (trước 1975 là Dinh Độc Lập), do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế, được hoàn thành năm 1965. Mặt bằng quy hoạch của công trình theo kiểu chữ công, lối mặt bằng truyền thống của đình, chùa Việt Nam. Công trình không phát triển chiều cao, mà dàn theo chiều ngang, theo tư duy kiến trúc truyền thống. Các hình khối kiến trúc được bố cục cân xứng, nhưng đường nét kiến trúc mang tính hiện đại. Mặt trước công trình có những tấm trang trí hình đốt tre, gợi một hình ảnh thiên nhiên đặc trưng Việt Nam, có hiệu quả nhất định về thẩm mỹ và công năng cho công trình.
Một công trình kiến trúc thành công của xu hướng này là Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở đường Bắc Sơn (Hà Nội), do KTS Lê Hiệp thiết kế. Sự sáng tạo làm nên vẻ độc đáo của công trình là ở chỗ tác giả đã sử lý thành công sự kết hợp giữa yếu tố hiện đại (khối vuông của đài tưởng niệm, vật liệu đá ốp) và yếu tố truyền thống (hình tượng mái đình khắc lõm, thếp vàng, tạo khối rỗng). Vật liệu đá, lư hương bằng đồng, hào nước, cây cỏ xung quanh tạo không khí thanh tịnh, tinh khiết, thiêng liêng cho đài tưởng niệm.
Công trình Quán cà phê Gió và Nước (Bình Dương) do KTS Võ Trọng Nghĩa và cộng sự thiết kế cũng là một ví dụ sinh động cho xu hướng này. Công trình thể hiện sự sáng tạo trong kết cấu, sử dụng vật liệu, tạo ra sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Quán cà phê được làm bằng tre – vật liệu tự nhiên, mặt nước bao quanh vừa có tác dụng điều hòa vi khí hậu, vừa là mặt gương phản chiếu nhân đôi công trình, tạo ra sự huyền ảo, lung linh. Kết cấu chịu lực của mái từ thân cây tre uốn tạo tính thẩm mỹ công trình, đã tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường. Toàn bộ công trình toát lên tính dân tộc mà rất hiện đại. Đề án đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế và Việt Nam.
3. Vài nhận xét
Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại, kế thừa và phát huy di sản kiến trúc truyền thống… đang là những vấn đề được thảo luận sôi nổi nhiều năm qua. Câu trả lời cuối cùng cho các vấn đề vẫn đang ở phía trước.
Về cơ bản, nhiều ý kiến đã thể hiện sự thống nhất trong một số vấn đề sau.
Tính dân tộc của kiến trúc truyền thống được hình thành và quy định bởi những yếu tố: thiên nhiên, khí hậu, địa lý, phương thức sản xuất, điều kiện kinh tế xã hội, phong tục, tập quán, tâm lý dân tộc… Bản sắc dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện qua mối quan hệ giữa kiến trúc với cảnh quan môi trường, kết tinh thành thức kiến trúc.
Trong kiến trúc truyền thống, kiến trúc đình làng là một biểu hiện tập trung có tính chất điển hình của kiến trúc cổ Việt Nam, nơi chứa đựng nhiều yếu tố thuần Việt rất đặc sắc. Kiến trúc đình làng có những đặc trưng rất nổi bật sau: bộ mái, làm nên cái đẹp của kiến trúc truyền thống; cấu trúc hệ cột, là kết cấu chịu lực chính; hàng hiên, mái đua, vừa có tác dụng che nắng mưa, cản ánh nắng trực xạ, vừa tạo chiều sâu cho công trình; hài hòa với thiên nhiên, thể hiện ở sự hòa hợp của con người với công trình và thiên nhiên; màu sắc tự nhiên, không rực rỡ, gần với màu tự nhiên. Khi kế thừa và phát huy di sản kiến trúc cổ cần chú ý những đặc điểm trên. Kiến trúc đình làng để lại nhiều bài học quý giá về tính nghệ thuật và khoa học cho các thế hệ kiến trúc sư hôm nay. Việc kế thừa và phát huy di sản kiến trúc truyền thống đòi hỏi phải nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về những đặc sắc của kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn cần xác định một cách rõ ràng: kiến trúc truyền thống là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp. Các công trình kiến trúc truyền thống bị quy định bởi nền kinh tế nông nghiệp và giới hạn cho phép của vật liệu xây dựng (chủ yếu là gỗ) nên có quy mô và kích thức hạn chế. Hiện nay, trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì nhiều yếu tố, đặc điểm của kiến trúc truyền thống không còn phù hợp. Người Việt Nam trong thời kỳ mới thì tâm lý, nhu cầu cũng có nhiều thay đổi, khác với thời quá khứ. Kế thừa, phát huy không có nghĩa là sao chép, mô phỏng giản đơn hình thức bên ngoài của di sản, mà cần xác định mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại, để sáng tạo ra các công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu của con người ngày hôm nay.
_______________
1. Ngô Huy Quỳnh, Một số công trình ở Hà Nội do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế trước 1945, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 2-2000.
2. Nhiều tác giả, Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1999, tr.84.
3, 4. Dẫn theo Ngô Huy Giao, Kiến trúc Pháp nên chăng?, Diễn đàn văn nghệ VN, www.nhandan.org.vn
5. Tóm góp cả thảy những học thuyết lý luận hay phương pháp của bấy nhiêu người mà chiết đoán lấy một cách cho chính đáng không trái với mục đích cũng không chếch lệch về phía nào gọi là chiết trung, Đào Duy Anh, Từ điển Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,1964, tr.168.
6, 7. Dẫn theo Ngô Doãn Đức, Khai thác kiến trúc truyền thống vào kiến trúc mới ở Việt Nam – tìm kiếm và thử nghiệm, Tạp chí Kiến trúc, số 3-1999, tr.25.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010
Tác giả : Nguyễn Văn Cương
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam