Năm 1995, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, ra mắt. Chúng tôi đọc mục cồng chiêng củaTây Nguyên thấy định nghĩa không sáng rõ. Bởi lẽ, cồng chiêng là thuật ngữ của người Kinh đem áp đặt cho người Thượng. Với suy nghĩ này, có lần chúng tôi đã nêu vấn đề ra trao đổi với G.S Dương Viết Á, ông không nói gì nhưng cho biết thêm: Từ bé, ở quê (Quảng Bình), ông đã thấy làng bên cạnh có cái cồng ở nhà lý trưởng và GS Vũ Ngọc Khánh nói: Ở quê ông (Hà Tĩnh) cũng có cái mõ to như cái cột đình, nhưng không nhớ gọi tên gì.
Do đó, mỗi lần về thăm quê làng Bích La Trung (Quảng Trị), chúng tôi đều để ý dò tìm về chiếc cồng này thì được các cụ cao niên kể cho nghe về sự tích chiếc cồng. Còn ở Hà Nội, chúng tôi tìm hiểu qua các cụ cao niên ở Quảng Trị ra tập kết hiểu biết việc làng trước năm 1945. Ngoài ra, sách Nghệ thuật trống đồng Thanh Hóa tr.26 trích lời của V.Gloubew cũng nói người gõ cồng trên trống đồng Đông Sơn… Qua đó, ta biết thêm về từ cồng là của người Kinh.
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 297, tháng 3-2009 đăng bài Cồng chiêng có núm hay không có núm của Kiều Trung Sơn, đặt câu hỏi nhằm tìm ra chính xác đâu là cồng, đâu là chiêng trong sự lúng túng của các nhà khoa học mấy chục năm nay về dàn nhạc cồng chiêng của vùng Tây Nguyên đã được UNES CO công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Do đó, chúng tôi có bài viết này, ngõ hầu góp phần tìm bản chất của vấn đề.
Mở đầu bài báo trên, tác giả trích dẫn: Sách giáo khoa phổ thông tuy không viết rõ cồng có núm, chiêng không có núm, nhưng dưới hình ảnh chiếc có núm thì ghi chữ cồng, chiếc không có núm ghi chữ chiêng. Tất nhiên, các cô giáo sẽ dạy học sinh là cồng có núm và chiêng không có núm. Trích dẫn tiếp, PGS Tô Vũ vẫn băn khoăn “cồng chiêng là những thuật ngữ đẳng lập hay là loại nhạc khí đồng loại, cồng hay chiêng loại nào có núm?” Trích dẫn tiếp, có tác giả dù đã phân biệt rõ ràng cồng có núm, chiêng không có núm nhưng vẫn viết: “Bộ cồng chiêng Mường gồm 6-12 chiếc cồng, không có chiêng. Trích dẫn tiếp, người Kinh, người Mường dùng cả hai tên cồng và chiêng gọi loại nhạc khí nêu trên, nhưng phải có núm, nếu không có núm, họ gọi là lệnh hoặc thanh la (người Mường còn gọi là phèng la). Người Mường dùng tên chiêng làm cách gọi phổ biến nhất, tên cồng đôi khi cũng được dùng.
Qua phần trích dẫn của bài báo, có thể thấy, ở người Mường loại có núm thì gọi là chiêng, không có núm gọi là lệnh hoặc thanh la, hay phèng la còn cồng hầu như không có ở người Mường.
Tóm lại, bài báo của Kiều Trung Sơn mới đặt vấn đề, chứ chưa tìm được câu trả lời thế nào là cồng, thế nào là chiêng! Bởi lẽ, ở người Thượng chỉ có chiêng và loại không có núm gọi là chiêng bằng, không có cồng. Loại chiêng bằng của người Thượng, người Mường gọi theo người Kinh là lệnh hay pheng la. Theo chúng tôi chữ cồng là của người Kinh trong câu ca: Lệnh ông không bằng cồng bà, nhưng, những người đi sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian đem thuật ngữ của dân tộc Kinh áp đặt cho người Thượng, rồi đứng ở dân tộc ấy để tra tìm hiện vật cồng chiêng của thuật ngữ, cho nên không tìm được đâu là chiêng, đâu là cồng. Phán đoán của chúng tôi không phải vô căn cứ. Bài báo của Kiều Trung Sơn ghi: Trước hội thảo lần đầu tiên về cồng chiêng ở Tây Nguyên năm 1985 chưa có cách gọi chiêng bằng, tức là chưa phân biệt loại có núm và không có núm. Nhưng PGS Tô Vũ đã nhìn thấy cái vô lý cho nên đã băn khoăn: “Cồng chiêng là những thuật ngữ đẳng lập hay là loại nhạc khí đồng loại, cồng hay chiêng loại nào có núm?” Khi ấy, thuật ngữ cồng chiêng là tên gọi để chỉ loại nhạc khí bằng đồng ở vùng Tây Nguyên, tiếng địa phương gọi là “chinh”.
Như vậy, thuật ngữ cồng chiêng không có ở người Thượng ngay từ đầu, nhưng người ta cứ cố tình áp đặt thuật ngữ cồng chiêng của người Kinh vào cho họ. Do đó, Từ điển bách khoa Việt Nam (tập 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, 1995), giải thích chữ cồng thành ra chữ chiêng (tr.600) như sau:
Cồng (nhạc cụ chiêng) nhạc khí thuộc bộ gõ, nguồn gốc phương Đông, làm bằng đồng, kích thước lớn, hình lòng chảo, chung quanh có gờ gọi là thành. Loại cồng có núm ở giữa gọi là chiêng có núm, loại không có núm gọi là chiêng bằng. Cồng được treo trên giá gỗ hoặc xách tay nhờ sợi dây xuyên qua thành, dùng dùi bọc vải hoặc nắm tay để đánh ra tiếng. Các bộ cồng của dân tộc Tây Nguyên có từ 5-20 chiếc, khi hòa tấu tạo nên những âm điệu độc đáo, phong phú…
Chiêng Khan (nhạc tiếng Bana khan: chiêng gió) nhạc cụ của người Bana, thuộc họ nhạc cụ tự thân vang (Xuân Hạo nhạc cụ) chi va đập, gồm 8 ống tre có kích thước quy định. Mỗi ống được khoét thủng một lỗ hình chữ nhật trở thành một thứ mõ tre, có dây móc ở đầu ống, tết chụm lại thành một sợi treo cả chùm 8 ống tre lên nóc nhà rông hoặc cành cây. Khi có gió thổi, các ống trúc vừa quay tròn vừa va đập vào nhau liên tục phát ra âm thanh (tr.467).
Do đó, Từ điển bách khoa Việt Nam khi giải thích chữ cồng thành ra giải thích chữ chiêng ghi: Cồng (nhạc cụ chiêng), và ghi tiếp: Loại cồng có núm ở giữa gọi là chiêng có núm, loại không có núm gọi là chiêng bằng. Nên nhớ, chiêng là thuật ngữ của người Kinh thì chỉ có loại có núm, chứ làm gì có loại chiêng bằng. Còn ở tr.467 khi giải thích chữ chiêng lại đi vào các ống tre, người Thượng gọi là chinh gió. Chinh là gọi chệch từ chữ chiêng của người Kinh.
Ta biết rằng người Thượng chưa đúc được chiêng và lệnh, họ phải mua lại chiêng và lệnh của người Kinh (tuy nhiên cái lệnh người Kinh đúc để bán cho người Thượng thì phải dày như chiêng). Khi về đến nhà, người Thượng chỉnh lại âm thanh của cái chiêng và cái lệnh và gọi là chinh: chinh xe, chinh đu. Theo GS, TSKH Phan Đăng Nhật: chinh xe là đực, chinh đu là cái (trao đổi riêng). Vậy, nên gọi dàn nhạc khí bằng đồng của Tây Nguyên là dàn chinh Tây Nguyên thì đúng theo cách gọi của người địa phương. Còn khi người Thượng nói cồng chiêng là nói theo người Kinh, cho nên họ không phân biệt được cái cồng và cái chiêng (ảnh 1), dưới bức ảnh này ghi: Dàn cồng chiêng của người Mạ Lâm Đồng, hoặc ở chiếc chiêng đại (ảnh 2) dưới ghi: Nghệ nhân Giarai biểu diễn cồng chiêng (cả hai bức ảnh này được trích trong bài báo trên).
Khi nhà nghiên cứu dùng thuật ngữ cồng chiêng của người Kinh mà người Thượng cũng nói theo người Kinh thì phải giải thích thứ nhạc khí ấy theo nhận thức của người Kinh, sẽ không gây khó dễ cho các nhà khoa học không trực tiếp bao năm nay. Duy thuật ngữ cồng chiêng quá hay, nhưng không có trong thực tế của người Thượng và người Mường. Nhưng những người đi sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian ở các dân tộc thiểu số, cứ lấy thuật ngữ của người Kinh hoặc bịa ra thuật ngữ của dân tộc ấy, tưởng là để cho qua chuyện. Không ngờ thuật ngữ cồng chiêng lại là vấn đề lớn. Vì thế, truy tìm nguồn gốc của thuật ngữ cồng, chiêng, lệnh, phèng la của người Kinh, chẳng qua là nhằm làm sáng rõ thuật ngữ cồng chiêng của vùng Tây Nguyên. Đó là công việc của giới khoa học cần phải làm, không những cho hôm nay mà cả cho mai sau.
Trước hết, ở người Kinh, về tên chiêng thì ai cũng biết, nó là loại có núm, treo cùng với trống da ở các đình làng và nhà thờ họ (lâu nay nói trống tức là trống da, nhưng gần đây giới văn nghệ dân gian cho vẽ mặt trống đồng lên mặt trống da nhằm gây cho công chúng nhận thức trống đồng trống da đều là trống), còn cồng thì nằm trong câu ca: Lệnh ông không bằng cồng bà.
Vậy, lệnh và cồng là loại nhạc khí, nhưng hình thù và chức năng của nó như thế nào? Xin lần lượt đi vào tìm hiểu hai thứ nhạc khí này.
Lệnh là phù hiệu biểu trưng quyền lực của quan trên và được thiết chế theo hai dạng: một dạng là lệnh bài, lĩnh hội trực quan qua đường thị giác và một dạng là lệnh bằng đồng, lĩnh hội bằng âm thanh qua đường thính giác. Mỗi phù hiệu này được dùng trong từng trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất: lệnh bài còn gọi là thẻ bài – quan đeo trước ngực; còn trường hợp thứ hai lệnh bài ủy quyền. Người lính lệ được quan trao cho lệnh bài phái đi công vụ; tay anh cầm lệnh bài là được quyền hành sự theo lệnh của quan trên. Lệnh bài của người Việt – Giao Chỉ, hẳn đã xuất hiện trong các tù trưởng ở thời kỳ bộ lạc – văn hóa đồ đá mới. Ngành khảo cổ học Việt Nam đã khai quật ở các di chỉ khảo cổ, tìm thấy ở văn hóa Phùng Nguyên, GS Hà Văn Tấn gọi là nha chương (1), chúng tôi nghĩ đó là lệnh bài (hình 1).
Hình 1. Nha chương. Nguồn Hà Văn Tấn,
Theo dấu các văn hóa cổ, hình 2, tr.588.
Còn cái lệnh bằng đồng (to bằng cái mẹt) là thể hiện hiệu lệnh bằng âm thanh dùng trong việc công ở hai cấp: làng và huyện trở lên. Ở cấp huyện, khi quan huyện ra khỏi công đường đi công cán, đi trước đoàn tuy tùng, người lính lệ cầm lệnh đánh 2 tiếng hoặc 4 tiếng để dẹp đường. Còn ở làng thì tiếng lệnh dùng trong hai trường hợp. Một là tiếng lệnh tập trung dân làng trong các công việc khẩn cấp và không khẩn cấp. Trường hợp không khẩn cấp (hôm trước tiếng cồng báo họp các chức sắc trong làng và, đầu hôm qua tiếng mõ rao việc làng của anh mõ), sáng nay tiếng lệnh vang lên một hồi ba tiếng thúc dục dân làng một lần nữa; thứ hai, trường hợp khẩn cấp như hộ đê, chữa cháy, việc sưu thuế, đi phu, đi lính… lệnh đánh liên tục theo kiểu ngũ liên. Dân gian có câu: Kêu như tiếng lệnh vỡ. Còn cái lệnh được gọi là phèng la là nó không nằm trong việc công ở làng. Phèng la chỉ dùng trong đám ma với hai trường hợp: Một là thông báo trong làng có đám ma và đưa ma theo làng, còn việc đưa ma trong họ tộc thì thông báo bằng trống, không thông báo bằng phèng la.Tuy nhiên trong khi đưa ma theo cấp họ tộc thì vẫn có tiếng phèng la đi đầu dẹp đường.
Cái lệnh bằng âm thanh này còn được dùng làm hiệu lệnh cấp báo của nhà vua khi có giặc khiêu chiến ngoài biên thùy, hoặc trong hiệu lệnh của quân sự ở doanh trại, hoặc thúc quân ngoài chiến trường,… Vì thế, nó có tên là lệnh. Và cái lệnh này khi ghép lại thành dàn 9 chiếc gọi là lôi cổ (trống lôi) còn loại ghép bằng 5 chiếc gọi là ngũ liên(2) . Phải chăng các nhà nghiên cứu trống đồng nhầm thứ lôi cổ này mà nói trống đồng đánh thời nhà Trần, và thúc quân ngoại chiến trận, xin nói vào dịp khác. Phải chăng cái lệnh này đã có từ thời tiền đồ đồng, bước sang giai đoạn văn hóa Gò Mun. Ngành khảo cổ học tìm thấy nó ở văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun, GS Hà Văn Tấn gọi là cái mâm đồng (hình 2) (3).
Hình 2: Mâm đồng văn hóa Phùng Nguyên
(nguồn Hà Văn Tấn, sđd, hình 40a tr.465, hình 40b tr.466).
Cồng loại hình dáng như cái mõ tre, ruột rỗng, hai đầu thon lại, bịt kín, nhưng to như cột đình – một người ôm không xuể, cao khoảng 1,20 m, ở giữa khoét một đường rãnh nhỏ, cách mỗi đầu khoảng 25 cm. Với kiểu dáng cấu tạo của chiếc “cồng” như thế, cho nên khi đánh, tiếng cồng trầm hùng, vang to, bay xa.
Cồng ở miền Trung (Quảng Trị) làm bằng gỗ mít – gốc cây mít về già ruột bị rỗng, người ta dùng kỹ thuật gia công thêm để bảo đảm âm thanh của tiếng cồng. Cồng đặt tại nhà lý trưởng (treo đầu hè). Hiệu lệnh của tiếng cồng do thằng nhỡ (người ở trong nhà lý trưởng) đánh, để triệu tập các chức sắc trong làng ra đình làng họp, còn mõ tre là công cụ của thằng mõ vang lên trong khi đi rao, nhằm gây sự chú ý của dân làng, lắng nghe thông báo lệng của lý trưởng về việc làng. Do đó , ngạn ngữ có câu: Cồng làng mõ xóm – ý so sánh giá trị của tiếng cồng và tiếng mõ – tiếng cồng là của lý trưởng triệu tập các chức dịch trong làng, còn tiếng mõ là của thằng mõ truyền tin cho dân ba hạng. Đó là nguồn gốc của chiếc cồng trong câu ca: Lệnh ông không bằng cồng bà?
Tóm lại, loại công cụ như chiêng mà không có núm ở người Kinh có 2 tên là lệnh và phèng la. Cái lệnh đi đầu dẹp đường cho quan đi công cán, cái phèng la đi đầu dẹp đường trong đám ma. Ngày nay cái phèng la còn dùng trong đám ma, nhưng cái lệnh thì thay vào đó là xe công an có còi liên tục, người đi đường đều phải tránh, cho khách quốc tế hay lãnh đạo đi. Người Kinh phân biệt rất rõ hình dáng và công dụng của các nhạc khí: cồng, chiêng, lệnh, phèng la và người Mường cũng gọi theo người Kinh. Song cồng và lệnh là của giai cấp cường hào thời phong kiến, cho nên khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì hai thứ đó bị dẹp bỏ. Ngày nay, thuật ngữ cồng và lệnh chỉ còn đọng lại ở câu câu ca dao tục ngữ, lệnh ông không bằng cồng bà. Câu tục ngữ này người ta vận vào cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và anh trai của bà là Triệu Qốc Đạt. Họ cho rằng, Bà Triệu khởi sự ra cuộc khởi nghĩa ấy, cho nên có quyền hơn anh trai là Triệu Quốc Đạt, do đó lệnh ông không bằng cồng bà. Qua giai thoại này, nói lên thuật ngữ cồng chiêng là của người Kinh.
Cũng cần nói thêm, câu ca lệnh ông không bằng cồng bà của người Kinh không phải chỉ hàm ý theo một nghĩa: lệnh là mệnh lệnh, còn cồng cũng là mệnh lệnh, nhưng mệnh lệnh của ông cấp thấp, không bằng mệnh lệnh của bà cấp cao hơn. Hiểu câu ca trên như thế, cho nên người đời vận câu ca ấy vào cuộc khởi nghĩa của bà Triệu. Và như vậy, cái cồng này phải treo ở công đường, khi Bà ra trận thì cồng cũng đi theo. Nhưng theo chúng tôi, cái lệnh cái cồng này nó còn mang hàm nghĩa bóng gió trong dân gian, như các câu ca, Ông ăn chả bà ăn nem, Ông đưa cái dò bà thò be rượu.
Tất cả những câu ca ấy, đều phiếm chỉ về nõ nường. Do đó, cái lệnh bài của ông không giá trị bằng cái cồng của bà (cồng như cái mõ tre nhưng to như cột đình, có rãnh ở giữa). Câu ca Lệnh ông không bằng cồng bà này nó chỉ nằm trong ví von của dân gian như chả nem, cái dò, be rượu… chứ nó không nằm trong văn chương bác học. Vì thế, không ai tìm nghĩa của chữ cồng làm gì. Cứ nói lệnh ông không bằng cồng bà là được, không để ý cồng là cái gì, cũng như người ta buột miệng nói: Ông ăn chả bà nem, cái dò be rượu ấy.
Tục của người Việt xưa, làm cái gì cũng theo hình dáng và hàm nghĩa của hai vật nõ nường (âm dương). Như đôi trống, có trống đực trống cái, rắn có ông cụt ông dài, hoặc đôi phách trong nhạc ca trù: chiếc bên tay trái chẻ làm đôi, gọi là phách cái, chiếc bên tay phải gọi là phách quân. GS Trần Văn Khê cũng gọi đó là đôi phách đực cái, linga yoni (nõ nường). Ngay ta thấy trong dàn nhạc Ca Huế cũng có đôi sinh tiền, chiếc bên tay trái chẻ làm đôi (gốc dính nhau nên không gọi đó là đôi) còn chiếc bên tay phải vuốt lên, vuốt xuống ở hai mặt chiếc sinh tiền kia.
Tóm lại, chúng tôi mạo muội dẫn thuật ngữ công chiêng của người Kinh theo dân gian, nếu quý độc giả có gì, xin trao đổi để làm sáng tỏ một vấn đề nhỏ, nhưng không nhỏ, bởi chưa tìm ra sự thật.
_______________
1, 3. Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.458, 466.
2. Nguyễn Văn Tầng, Một số loại trống đồng của dân tộc Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Trống đồng với văn hóa Việt Nam, Trung tâm văn hóa Người cao tuổi, Hà Nội, 12-2008, tr.13-14.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009
Tác giả : Dương Đình Minh Sơn
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam