Nhân đọc bài Góp phần tìm hiểu chức năng của trống đồng của GS, TSKH Phan Đăng Nhật trên Văn hóa Nghệ thuật số 297 tháng 3-2009, chúng tôi rất hứng thú và cũng xin bàn góp đôi điều. Phần Mở đầu, tác giả bài báo viết “Tốt nhất là khảo sát thêm ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á”. Và ở phần Kết luận, tác giả lại nhắc thêm “Cần khảo sát thêm ở Hoa Nam và Đông Nam Á”. Đó là những gợi ý hết sức chí lý. Tuy nhiên, trong nội dung bài báo, tác giả hầu như chỉ quan tâm và chú trọng vào vấn đề đánh trống đồng, cụ thể là cách đánh trống đồng theo kiểu nào… Còn vấn đề chức năng, thực sự chưa được bàn bao nhiêu. Bởi vậy, ở đây, chúng tôi cũng chủ yếu đóng góp một vài thông tin về cách đánh trống đồng ở vùng Hoa Nam và Đông Nam Á, theo gợi ý của tác giả.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, thì có nhiều cách đánh/ diễn tấu trống đồng, tùy theo tập quán của từng dân tộc: Có cách đặt trống đồng ngay ngắn trên mặt đất; Có cách đặt nghiêng trống đồng trên đài, bậc, bệ…; Có cách treo trống đồng nghiêng trên giá, xà ngang; Có cách treo trống đồng ngay ngắn trên giá đỡ…
Sách Thông điển của Đỗ Hữu đời Đường ghi: “Khi đúc trống đồng, người ta để một mặt hở, lúc đánh thì lật úp xuống mà đánh”. Đó chính là nói về cách đặt trống đồng úp ngay ngắn xuống mặt đất mà đánh. Cách này thuận tiện khi diễn tấu, có thể linh hoạt vận dụng cả hai tay đánh trống, đồng thời nhảy múa ca hát xung quanh trống đồng.
Trống đồng Thạch Trại Sơn, huyện Tấn Ninh, Vân Nam, lúc đánh thì đặt trống ngay ngắn trên đất, phần mặt trống hướng lên trời; có hai cặp trai gái tay không vừa vỗ vào mặt trống vừa nhảy múa ca hát. Tại vùng Quý Châu, tộc người Miêu (Mông) cũng đánh trống đồng theo kiểu này. Tộc người Dao ở Quảng Tây còn có lối diễn tấu trống đồng đực, cái. Thường thấy đặt trống đồng đực, cái, hai mặt trống đối nhau cách xa một quãng, do hai người một nam một nữ cầm dùi cùng gõ. Có khi lại bày cả bốn trống đồng lên kệ, bàn, mà chỉ do một người cầm dùi đánh.
Người Choang ở Quảng Tây có khi dùng ba cây gậy buộc chéo thành một giá đỡ, rồi đặt trống đồng nằm ngang trên gạc chéo mà đánh.
Người Miêu ở Quý Châu, tộc người Thủy ở Vân Nam, người Dao quần trắng ở Quảng Tây và cả người Di (Lô Lô) ở Vân Nam đều đánh trống đồng theo lối treo nghiêng. Tức là dùng dây thừng luồn vào một tai hoặc cả hai tai trống đồng, rồi treo lên giá gỗ.
Ở Quý Châu, khi treo nghiêng trống đồng để đánh, thì mặt sau của trống đồng (tức mặt đáy) còn dùng một thùng gỗ để trợ âm. Thùng được ghép bằng những phiến gỗ mỏng, khi diễn tấu có một người bưng thùng gỗ đưa ra đưa vào hứng âm thanh của trống đồng để tạo sự cộng minh với tiếng trống. Nay người Dao quần trắng ở Quảng Tây, tộc người Thủy và người Miêu ở Quý Châu, rồi người Di ở Vân Nam đều dùng lối diễn tấu đó. Theo học giả Ông Nguyên Kỳ đời Thanh chú giải sách Khốn học kỷ văn của Vương Ứng Lân đời Tống, cho biết, ngoài thùng gỗ, người ta còn dùng cả chậu sành chậu sứ để làm vật tiếp âm với trống đồng. Nay ở Vân Nam, tộc người Di còn dùng chậu thau rửa mặt để tiếp âm. Tài liệu hồi cố của dân bản còn ghi: “Hai tay trống, ngồi trên mặt đất, trong đó, một người tay phải cầm dùi gỗ đánh vào giữa mặt trống đồng, còn tay trái cầm bó ống trúc nhỏ đánh vào cạnh (tang) trống đồng; còn một người khác, hai tay bưng chậu rửa mặt (chậu thau đồng) hứng ở mặt sau (đáy) trống đồng, nhịp nhàng đưa ra đưa vào để gia tăng hiệu quả cộng minh”(1).
Một phương pháp đánh trống đồng khác là vừa vận động, di chuyển vừa đánh. Một trống đồng đào được tại Thạch Trại Sơn, Vân Nam, có khắc họa cảnh hai người khiêng trống đồng tay không vỗ mặt trống, vừa đi vừa đánh. Trong sách Quế Hải ngu hành chí của Phạm Thành Đại đời Tống, cũng thấy ghi chép về cảnh hai người khiêng trống đồng vừa đi vừa đánh.
Về việc dùng dùi trống, thường có dùi đơn và dùi kép. Khi cùng phối hợp hai dùi, tức mỗi tay cầm một dùi, đồng thời đánh hoặc đánh liên hoàn từng tay kế tiếp nhau. Đánh kiểu này sẽ tạo ra tiết tấu nhanh và phức hợp, có thể luân phiên linh hoạt đánh vào giữa tâm của mặt trống đồng, hoặc đánh vào vùng ven của mặt trống. Hiện còn thấy tranh vẽ cảnh này trong Hoàng Thanh chức cống đồ. Còn loại dùng một dùi thì kích cỡ bao giờ cũng to hơn loại hai dùi, mà sức đánh cũng mạnh hơn, nhưng khó diễn tấu khi điểm trống nhanh và có tiết tấu phức tạp.
Người Dao ở Quảng Tây, khi đánh trống đồng đực trống đồng cái đối nhau, thường do trai gái mỗi người cầm một dùi mà đánh, theo lối dùi đơn. Người Di ở Vân Nam cũng có lối đánh trống đồng đực cái đối nhau. Theo họ, trống đồng đực là trống đồng có vóc dáng nhỏ mà âm lượng cao, còn trống đồng cái là trống đồng to mà âm trầm.
Ngoài lối đánh dùi đơn, còn có lối đánh trống đồng bằng dùi gậy hỗn hợp. Người diễn tấu một tay cầm dùi trống, một tay cầm gậy bằng tre hoặc gỗ; tay cầm dùi thì đánh vào mặt trống tạo âm trầm ấm, còn tay cầm gậy tre/gỗ thì đánh vào tang trống (chỗ phồng nở của ngực trống hoặc chỗ thắt eo – theo cách gọi của giới nghiên cứu Trung Quốc đối với phần tang trống đồng), tạo âm trong trẻo, ngắn, đanh tiếng. Như vậy, âm mặt trống đồng và âm tang trống đồng đối chọi nhau, mạnh mẽ, tạo thành âm lượng mạnh. Lối đánh trống đồng kiểu này khá phổ biến; nay các vùng của tộc người Miêu, Thủy, Bố Y, Dao quần trắng, Di… đều thông dụng.
Về chất liệu làm dùi trống đồng cũng rất đáng chú ý. Các dùi trống đồng đều dùng tre, gỗ, da để chế, không bảo tồn được lâu dài, do vậy rất khó phát hiện dùi trống đồng thời cổ. May thay, các tộc người thiểu số hiện nay vẫn còn chế tạo dùi trống đồng theo truyền thống từ xa xưa lưu truyền lại, nên chúng ta vẫn có thể hiểu biết được ít nhiều. Hình dáng dùi trống đồng có loại hình chữ T khá phổ biến. Phần đầu dùi bằng gỗ, dài khoảng 10 đến 15cm, đường kính khoảng 6 đến 8cm, phần giữa thân đục một lỗ hình chữ nhật, rồi lắp cán tre hoặc gỗ vào làm thành chuôi dùi. Người Dao ở Quảng Tây thì dùng một đoạn tre, bổ toang một đầu, rồi lấy vải quấn thành quả cầu đem kẹp vào chỗ đầu tre đã mở tách, làm thành dùi trống đồng. Người Thủy ở Quý Châu thì lấy bìu lợn rừng, trâu hoặc bò, bỏ hết thịt bên trong, rồi nhét các vật liệu mềm vào; đoạn lồng cây gậy gỗ vào trong, hoặc dùng một đoạn cây gỗ có mấu lồng vào, đem hong khô để dùng làm dùi đánh trống đồng. Người Ngõa ở Vân Nam lại chỉ đơn giản dùng một khúc gậy gỗ, dài khoảng một thước, đầu gậy đem bọc vải để làm thành dùi đánh trống đồng.
Theo nghiên cứu của giới khoa học Trung Quốc, do chất đồng không có sức đàn hồi như chất da, nên cần dùng sức tương đối mạnh để đánh vào mặt trống. Bởi vậy, vật liệu làm dùi trống đồng đòi hỏi phải vừa có độ cứng rắn, vừa dẻo dai. Tộc người Dao quần trắng ở Quảng Tây thường chọn vật liệu lý tưởng là cây Kê huyết đằng hoặc cây Du ma đằng, đây là hai loại cây dây leo chắc khỏe và cực kỳ bền dai.
Nhìn chung, dùi trống đồng thường gồm hai loại: loại dùi có đầu mềm, và loại dùi có đầu cứng. Người Dao ở Quảng Tây thì dùng vải quấn lên đầu dùi để tạo dùi mềm. Người Bố Y, người Miêu ở Quý Châu cũng làm tương tự, họ quấn vải thành búi lên đầu dùi để tạo loại dùi mềm. Người Dao quần trắng ở Quảng Tây không quấn vải lên đầu dùi, mà ngâm dùi gỗ vào nước cho mềm, để khi đánh tạo được âm thanh êm dịu. Còn người Thủy ở Quý Châu, người Dao Mộc Bính ở Quảng Tây và người Di ở Vân Nam lại dùng loại dùi cứng để đánh trống đồng. Qua khảo sát cụ thể cho thấy, loại dùi mềm có tính đàn hồi, nên khi đánh vào trống đồng tuy tạo nên tiếng trống êm dịu nhưng âm lượng có phần yếu. Loại dùi cứng thì cường lực cao, độ va đập mạnh, âm thanh cứng mà âm lượng lại có phần mạnh mẽ.
Đó là mấy nét tổng quan sơ lược về các kiểu đánh trống đồng của các dân tộc ở vùng Hoa Nam, Trung Quốc.
Còn tình hình đánh trống đồng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cũng theo tài liệu của các nhà nghiên cứu trống đồng Trung Quốc, có thể thấy những nét tương đồng và khác biệt qua một số tộc người như sau.
Ở tộc người Mường, huyện Mẫn Đức, tỉnh Hòa Bình, khi đánh trống đồng thì họ đặt trống ngay ngắn trên chiếu, dưới đáy trống đồng được kê mấy hòn đá, một thầy mo dùng chày/ dùi trống bằng gỗ đánh vào tâm mặt trống, trong lúc đó lại có một người khác hai tay cầm hai chiếc gậy gỗ dài đánh vào cạnh (tang) trống đồng. Với người Mường ở Thanh Hóa thì lại treo ngang trống đồng lên giá gỗ để đánh. Đây cũng là cách mà các tộc người Miêu ở Quý Châu, người Thủy và người Di ở Vân Nam, người Dao quần trắng ở Quảng Tây đã làm, tức là lấy dây thừng luồn vào các tai trống đồng mà treo lên giá theo chiều ngang.
Một số tộc người ở Thái Lan lại có cách treo trống đồng ngay ngắn trên giá đỡ, tức dùng dây thừng buộc cả 4 tai trống mà treo lên giá; hoặc có khi lại buộc thừng vào từng tai trống với 4 chiếc cọc gỗ chôn thẳng đứng. Khi ấy mặt trống đồng thì hướng lên trời, còn đáy trống thì hướng xuống đất, cách xa mặt đất khoảng một quãng. Còn người đánh trống thì cầm dùi gỗ đánh lên mặt trống đồng. Người Mường ở tỉnh Phú Thọ (Việt Nam) cũng đánh theo cách này. Tuy nhiên, ở dưới mặt đất tương ứng với đáy trống đồng còn được đào thêm một hố sâu ước một thước ta, để tiện cho việc dung nạp âm thanh của trống đồng. Người đánh trống có khi đông tới 5, 6 người, mỗi người hai tay cầm hai gậy gỗ dài khoảng 3 thước ta, họ đứng xung quanh trống đồng cùng đánh theo một người cầm trịch, khiến tiếng trống đồng có âm hưởng vang vọng xuống dưới hố. Các nhà nghiên cứu trống đồng cổ Trung Quốc cho rằng, loại trống đồng Lãnh Thủy Xung (tương đương loại hình Đông Sơn muộn) cũng đánh theo cách này, và chỉ có cách đánh này trống đồng mới phát huy tốt âm lượng/thanh.
Về lối vừa đi vừa đánh trống đồng cũng thấy xuất hiện ở Thái Lan. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, một học giả người Đức còn chụp được cảnh 4 người Thái Lan dùng hai gậy gỗ xuyên qua 4 tai trống đồng mà khiêng, một người khác cầm dùi trống đi đằng sau vừa đi vừa đánh.
Theo GS Tưởng Đình Du, Tổng thư ký Hội nghiên cứu trống đồng cổ Trung Quốc, thì trong khối ASEAN hiện nay, trừ Philippin, Brunây chưa thấy trống đồng, còn 8 nước khác gồm Việt Nam, Lào, Mianma, Thái Lan, Campuchia, Malaixia, Singapore, Inđônêxia đều có trống đồng ở các mức độ khác nhau, mà trong đó, Việt Nam được xếp đầu bảng về số lượng cũng như về lịch sử lâu đời với trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Cũng theo GS Tưởng thì các nước Lào, Mianma, Campuchia hiện nay còn sử dụng trống đồng trong một số lễ thức như một nhạc khí, song không thấy tác giả nói về cách đánh trống đồng ở các nước này.
Ở Việt Nam, hiện cũng còn một số tộc người như người Khơ mú, người Lô Lô, người Mường… vẫn sử dụng trống đồng. Trong số đó, cách đánh trống của người Mường, người Lô Lô đã được chú ý nghiên cứu. Cách đây 30 năm Viện Nghiên cứu âm nhạc đã cùng với Ty Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú phối hợp thành lập nhóm nghiên cứu trống đồng Thanh Sơn của người Mường trên đất Vĩnh Phú. Nhóm đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu toàn diện về trống đồng Thanh Sơn, trong đó có chú ý cả phương pháp đánh trống đồng. Theo kết quả nghiên cứu cho biết, thì khi đánh trống đồng người nào thành thục được chọn làm cái, số còn lại làm con. Tùy theo nhịp phách quy định sẵn mà đánh vào núm mặt trời ở giữa trống hoặc đánh vào phía rìa mặt trống, hoặc đánh trên lưng những con cóc. Có thể 4 người đánh một trống, nếu là trống nhỏ, và từ 6 đến 9 người, nếu là trống lớn. Có khi lại quy định, hễ trống đồng có bao nhiêu cóc thì có bấy nhiêu người đánh. Nhưng nhìn chung, phần lớn các bản mường ở Thanh Sơn còn lưu hành cách đánh trống đồng với quy định số chẵn, từ 4, 6, đến 8 người đánh. Cũng có cách đánh không phổ biến lắm là một người hai tay cầm hai gậy, tự quy ước một gậy thuộc phần người làm cái, và gậy kia, người làm con, rồi cứ theo đó mà đánh theo bài bản.
Về đội hình thì đánh theo nhóm 3 nam hoặc 4 nữ, vừa đánh trống đồng vừa chuyển động vòng tròn xung quanh trống như ở Mẫn Đức, Hòa Bình nhưng chưa thấy lưu truyền ở huyện Thanh Sơn.
Về dụng cụ để đánh trống đồng, người Mường ở Thanh Sơn thường dùng loại gậy được làm từ cành hoặc thân cây thuộc loại gỗ mềm, nhẹ, hoặc bằng một số thân thảo mộc, để cả củ dùng làm đầu đánh, như cây vo (còn gọi cây se, hoặc gọi theo tiếng Mường là cây nén), rồi cây sa nhân, cây sậy và cây đỗ cọc rào. Cũng có loại gậy làm bằng gỗ trẩu, tre non, gỗ dầu ngô (loại cây thuộc họ vông), cây cơi, cây rùng, thường được bọc ở đầu gậy bằng nhiều lớp vải, bông hoặc da bìu dê để đánh cho êm và khỏi hỏng mặt trống đồng. Còn thân gậy thường được cuốn thêm vải màu và buộc tua chỉ ngũ sắc cho đẹp mắt. Lúc đánh, trống đồng được treo trên giá hoặc treo trực tiếp vào xà ngôi miếu, hoặc được buộc quai trực tiếp vào 2 cọc đỡ, hoặc được đặt trên những con kê, hoặc được kê đặt trên mặt hố cộng hưởng đào dưới đất.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát cách đánh trống đồng của các xã trong huyện Thanh Sơn như Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Thu Ngạc, Tân Phú, Thạch Kiệt, Minh Đài, Thu Cúc, Lai Đồng, cho thấy dù các xã ở rất xa nhau nhưng đều có sự thống nhất về cách đánh trong toàn vùng. Điều này chứng tỏ đây là cách đánh truyền thống đã được lưu truyền từ lâu đời. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhận xét rằng cách đặt trống đồng tốt nhất là treo, có đào hố cộng hưởng ở mặt đất. Dụng cụ để đánh trống đồng hầu hết là dùng gậy dài có bọc vải hoặc bông ở đầu gậy. Không nên dùng dùi cứng như ở Phù Yên, Sơn La; cũng không nên dùng dùi có mỏ hay bó gậy như ở Mẫn Đức, Hòa Bình. Nhóm nghiên cứu cũng đã thể nghiệm đánh/dộng bằng dụng cụ không bọc mềm, thì nghe rõ cả tiếng thật và âm bồi. Nếu đánh quá nhanh, thì tiếng trống đồng chỉ toàn những âm thật, âm bồi chưa kịp vang lên, tiếng khác đã chen mất, âm thanh phát ra không đẹp không vang. Và nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng, đánh trống đồng bằng dụng cụ có bọc mềm, âm thanh phát ra nghe êm, trầm, độ ngân dài, vang và sâu lắng hơn (2)…
Ngoài người Mường, người Lô Lô cũng có truyền thống sử dụng trống đồng từ thời xa xưa. Cho đến nay, trống đồng Lô Lô vẫn được coi như vật thiêng. Người Lô Lô vùng Mèo Vạc, Hà Giang còn lưu truyền bài ca cúng trống đồng với những câu:
Hôm nay là ngày lành
Năm nay là năm tốt
Đã lâu rồi đấy ông
Đã xa lắm rồi bà
Không ai cúng đến trống
Trống trách không ai tỏ
Trống mẹ nhận lấy cơm
Trống cha nhận rượu thịt…
Người Lô Lô có cách đánh trống đồng khá đặc biệt, họ treo trống lên cho hai mặt trống đực và trống cái quay mặt vào nhau, rồi đánh vào hai mặt trống ấy. Trong lễ tang, bao giờ cũng phải đánh 2 trống đồng đực và cái. Trống được treo sát vách, trên đòn tay gần cửa chính. Người đánh trống thì ngồi quay mặt vào vách. Trống cái treo bên trái, trống đực treo bên phải. Người đánh trống tay phải cầm dùi gõ vào hai mặt trống, tay trái cầm một thanh tre gõ vào tang trống cái, làm cho tiết tấu thêm phong phú. Dùi trống được cắm vào đầu củ nâu hoặc một quả bưởi non đã héo vàng. Mở đầu nhịp trống đồng, người Lô Lô hát: “Tế phua, tế la, tế phua, Hồ la tế, ta tì phua, Hồ là tế, ta tì phua…” (Đại ý: Đồng Văn mến yêu ơi, Đồng Văn mến yêu của tôi). Về phong tục, ngày thường trống đồng giấu kỹ dưới lòng đất. Trước khi đem ra dùng phải mời thầy cúng làm lễ, thắp 3 nén hương, rót 2 chén rượu tưới lên mặt và tang trống đồng, để xin phép tổ tiên và gọi hồn trống, rồi mới được đánh. Tiếng Lô Lô gọi trống đồng đực là Dảnh tế, gọi trống đồng cái là Dảnh mó. Qua đo đạc cụ thể, thì trống cái to mập hơn trống đực (trống cái có đường kính từ 60-65cm, cao 32-35cm; trống đực có đường kính mặt trống từ 48-50cm, cao 30cm). Xưa kia, trống đồng Lô Lô được sử dụng rộng rãi trong văn hóa tâm linh như: lễ cúng thổ thần (Mễ pí), lễ sinh nhật, lễ thượng thọ, lễ cúng tổ tiên, tang lễ… Đặc biệt, khi đánh trống đồng, người Lô Lô thường ưa thích nhảy múa phụ họa theo nhịp trống, như lễ cúng thổ thần, lễ cúng tổ tiên cùng với tiếng trống đồng đã kết hợp với khoảng 30-40 điệu múa thể hiện các mặt sinh hoạt của người Lô Lô, cả trong tang lễ cũng có rất nhiều điệu múa phụ họa trống đồng. Đó là nói về thời trước. Còn hiện nay, trống đồng Lô Lô chỉ còn sử dụng trong tang lễ Ma khô (Gồ mư) mà thôi (3).
Như vậy, theo gợi ý của tác giả Phan Đăng Nhật, chúng tôi đã trình bày khái quát về các kiểu đánh trống đồng của các dân tộc vùng Hoa Nam và Đông Nam Á, trong đó bao gồm cả một số tộc người có/còn sử dụng trống đồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, do sa đà theo gợi ý cũng như băn khoăn của tác giả Phan Đăng Nhật ở phần Kết luận, có phần thiên về các kiểu “đâm/ chọc/ giã trống đồng”, mà chưa góp được bao nhiêu theo cái tiêu đề bài báo là “Góp phần tìm hiểu chức năng (chúng tôi nhấn mạnh) của trống đồng”. Do đó, chúng tôi thấy không thể không góp thêm đôi điều về cái gọi là chức năng của trống đồng, dù chỉ là chút chút hạn hẹp do khuôn khổ của bài báo. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đóng góp thêm hai chức năng còn ít được biết, đó là chức năng “cầm canh” và chức năng “lấy trống đè người”.
Chức năng cầm canh (dùng trống đồng báo canh)
Tư liệu cổ nhất nói về chức năng này là Nam Chiếu Trung hưng họa quyển (tập hội họa thời Trung hưng Nam Chiếu – năm 897). Nam Chiếu là chính quyền cát cứ ở Vân Nam thời nhà Đường. Họa quyển là tư liệu lịch sử thời cổ của Nam Chiếu. Trong đó có bức vẽ miêu tả cảnh cầm canh, một người đàn ông đầu búi tóc trên đỉnh, ngồi dưới đất, dùng dùi đánh trống đồng đặt trên mặt đất. Bên trái người đánh trống là một nhà sư râu dài, đỉnh đầu có vầng hào quang của Phật; bên cạnh nhà sư là một lão trượng cầm gậy. Bên cạnh bức tranh có đề dòng chữ “Đả canh đồng cổ” (trống đồng cầm canh). Theo giới nghiên cứu Trung Quốc thì chỗ đáng quý của bức tranh là về mặt sử liệu, đây là bức tranh trống đồng sớm nhất về hình tượng trống đồng của cả Trung Quốc.
Chức năng “lấy trống đồng đè người“/ chức năng quyền lực chữ Hán ghi tắt là Dĩ cổ áp nhân (lấy trống đè người), được giới nghiên cứu so sánh với câu “lấy thịt đè người”, để chỉ sức mạnh của trống đồng. Đây là câu tục ngữ của tộc người Ngõa ở Vân Nam. Người giàu ở tộc người Ngõa là người có nhiều trống đồng. Khi cãi nhau với người khác, kẻ giàu thường mang trống đồng ra gõ loạn xạ, vừa gõ trống vừa chửi: “Ta có trống đồng, mày còn dám láo à!”. Hoặc còn có câu chửi khác: “Mày là đứa ma đói kiết xác. Còn tao cái gì cũng có, trâu có, lương thực có, súng có, trống đồng cũng có. Cái thứ mày thì chẳng có gì cả, sao còn dám nói láo…”. Có kẻ uống rượu say cũng gõ trống ầm ĩ, rồi gào thét: “Tao cái gì cũng có, kể cả trống đồng cũng có mấy cái, đứa nào sánh được với tao”. Khi cãi lý đấu khẩu, theo tập quán của tộc người Ngõa, ai nhiều trâu, nhiều trống đồng thì kẻ đó có lý hơn, khi kiện cáo càng như vậy. Thậm chí trống đồng của người nào to hơn, âm thanh vang rền hơn, lớn hơn, thì uy tín của kẻ đó cũng cao hơn, khiến mọi người không dám động tới hắn, mà có khi còn phải nghe hắn sai bảo. Bởi những lẽ ấy, tộc người Ngõa mới có câu “lấy trống đè người”, trống là nói tắt, chỉ trống đồng. Ngay hồi mới giải phóng Trung Quốc, người Ngõa mua bán trống đồng lớn thường có giá: 1 trống đồng bằng 4 con trâu, 1 trống đồng nhỏ cũng đáng 2 trâu. Địa vị xã hội của người có trống đồng trong Ngõa tộc rất cao, được mọi người vị nể, tôn kính. Trống đồng do đó là hóa thân của quyền lực. Sử liệu về chức năng này khá nhiều. Chẳng hạn, Tùy thư ghi: Ở khu vực Lĩnh Nam, người hào phú thường đúc trống đồng to lớn, khi gõ có thể triệu tập mọi người kéo đến như mây họp. Người có trống đồng nhiều được gọi là “Đô lão”, được mọi người phục tùng, nghe theo… Liên hệ với danh hiệu “Đô quân/ Đô bảo” của anh em Phùng Hưng, Phùng Hải chép trong Việt điện u linh, hẳn cũng là người có nhiều trống đồng lớn, nên đã được dân chúng Việt – Mường đương thời suy phục làm thủ lĩnh trong cuộc khởi nghĩa đánh bại tên đô hộ nhà Đường ở phủ Tống Bình. Như vậy, trống đồng rõ ràng còn có chức năng quyền lực hết sức quan trọng ở thời cổ đại.
_______________
1. Tư liệu hội thảo trống đồng cổ đại lần thứ hai, Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc biên soạn, 1984.
2. Theo báo cáo tóm tắt của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, về “Trống đồng Thanh Sơn”, trong Trống đồng Thanh Sơn, Ty Văn hóa và Thông tin Vĩnh Phú, Viện Nghiên cứu âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú xb, 1980.
3. Nguồn: Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải, Nhạc cụ gõ cổ truyền Việt Nam, 1989; Đỗ Doãn, Trống đồng Lô Lô và bi khúc tiễn Ma khô, Thể thao & Văn hóa số 85, 24-10-2000.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009
Tác giả : Kiều Thạch
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam