Nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái toàn diện vào năm 2008. Nói như giáo sư Paul Krugman, sự khủng hoảng đã tới đáy và nó sẽ ở dưới đáy rất lâu rồi mở rộng ra. Như vậy có nghĩa tất cả các ngành của một nền kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng. Đối với các nước phát triển, điện ảnh cũng là một ngành kinh tế quan trọng nên nó cũng chịu tác động xấu.
Chúng ta biết rằng điện ảnh là một ngành có tính đặc thù rất riêng vừa cần đến kỹ thuật và cũng cần đến nghệ thuật. Mỗi một cường quốc điện ảnh đều cần đến kết quả sự phát triển như vũ bão về kỹ thuật; máy quay, ống kính, chất lượng phim, kỹ thuật máy tính, kỹ xảo âm thanh… những phương tiện kỹ thuật làm bệ phóng cho các bộ phim. Nhưng sang đến phần nghệ thuật, mỗi một nước, mỗi một trường phái, mỗi một nghệ sĩ lại có những cái nhìn riêng. Nếu như điện ảnh thuộc trường phái Hollyywood của Mỹ chú trọng nhiều tới khâu bán được nhiều vé cho người xem, nghĩa là lợi nhuận đặt lên hàng đầu, nên phim của họ sẽ hướng tới người xem nhiều hơn nếu không muốn nói đó là yếu tố đầu tiên quan trọng nhất. Cho nên những phim bom tấn (thuật ngữ để chỉ những phim họ giành nhiều công sức, đầu tư kịch bản, lựa chọn đạo diễn và các diễn viên, đầu tư quảng cáo…) làm sao khiến mọi đối tượng và thành phần trong xã hội xem phải hiểu và cảm thông. Muốn có được điều đó bộ phận maketing phải đi trước một bước để lắng nghe những ước mong của người xem, để phát triển những đề tài vừa xuất hiện. Khi đã có những định hướng họ sẽ tập trung rất nhanh và tối đa về tài chính, thời gian và điều kiện kỹ thuật. Đó cũng là lý do dễ hiểu cho thành công của những bộ phim như Titanic, Người nhện, Kẻ hủy diệt, Dị nhân, Người dơi trở lại, Chúa tể những chiếc nhẫn, Chiến tranh các vì sao, Giải cứu binh nhì…
Nhưng các nhà làm phim châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Nga, Tây Ban Nha..), châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Isarel…) lại lưu tâm tới những phim có tính văn học, nghệ thuật sâu sắc của các tác giả, kịch bản, đạo diễn… nên phim của họ, dù giành những giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế như Cannes, Venise, Berlin, Tokyo, Thượng Hải, Pusan…, chưa hẳn đã đông người xem, như các bộ phim Căn phòng của người con trai (Ý), Bài ca trên đỉnh Nayarhama (Nhật), Một mình đi ngàn dặm (Trung Quốc), Bốn phút (Đức), Lớp học (Pháp), Kortbel, Trở về (Nga), Xuân hạ thu đông và lại xuân (Hàn Quốc), Điệu valce với Bashir (Isarel), Hương vị anh đào (Iran), Mê cung (Mêhicô), Nói với cô ấy (Tây Ban Nha)…
Đã có lúc hai khuynh hướng làm phim này đối nghịch nhau rất mạnh trên các tờ báo, tại các diễn đàn của các liên hoan phim, nhưng rồi họ lại dung hòa và cũng nhìn nhận ra vấn đề! Nếu điện ảnh không bán được vé đồng nghĩa với việc tự hủy diệt mình. Còn nếu làm một bộ phim chỉ chú trọng vào những kỹ xảo, máy bay rơi, hành động nổ tung, đuổi bắt bằng xe ôtô, xe máy, phi thuyền… mà cái cốt lõi, nội dung câu chuyện sơ xài không có gì để nghĩ, để bàn thì nó không có tác dụng thúc đẩy những suy tư trong nội tâm của mỗi người. Các nhà làm phim Mỹ đã đi sâu vào thế giới nội tâm con người hơn, làm giàu tính nhân văn hơn qua những bộ phim Những cây cầu ở quận Modison, Va chạm… Các nhà làm phim khác cũng đã lưu ý nhiều tới tính hấp dẫn của Hollywood. Trong quãng thời gian 20,30 năm cuối của thế kỷ trước các nhà làm phim Mỹ đã mang phim của mình đổ bộ vào các liên hoan phim danh giá của châu Âu như Cannes, Venise, Berlin.. và họ đã đạt thành công vang dội, chẳng hạn giải Cành cọ vàng cho phim Con voi (Gusvantsan), M.A.S.H (Robert Alman), Taxi driver (Martin Scorese) Paris-Texas (Win Wenders), Sex, lời nói dối và những cuốn băng video (Steven Soderbergh), Núi yên ngựa (Lý An). Ngoài ra các nhà làm phim châu Âu, châu Á, châu Mỹ la tinh cũng mang phim tới dự giải Oscar và cũng đạt những thành tựu quan trọng như phim Cúc đậu (Trương Nghệ Mưu), Căn phòng trống (Kimkiduk), Cái chết (Yorijo Takita), Những đứa trẻ thiên đường (Iran)…
Nhưng rồi cuộc suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng và có tinh toàn cầu, điện ảnh không thể đứng ngoài hiện tượng đó. Các nhà làm phim Hollywood đã không đưa những phim có kinh phí lớn vào sản xuất, và như vậy họ sẽ loại bỏ những phim có những cảnh kỹ xảo phức tạp, cảnh quay đông người và những thiết kế trường quay quá tốn kém.
Quãng thời gian này các nhà làm phim Hollywood và các nhà làm phim khác trên thế giới đã gần như đồng cảm với thời cuộc kinh tế. Họ đưa những kịch bản giản dị, ít diễn viên, ít những cảnh hoành tráng nhưng vẫn hấp dẫn người xem. Sự hấp dẫn ấy không phải những cảnh lạ, những kỹ xảo kỳ ảo mà sự hấp dẫn ấy đi sâu vào thế giới nội tâm của con người trong những tình huống ít ngờ tới. Có lẽ bản chất sâu xa của văn học cũng xuất phát từ những cảnh ngộ éo le, ít lường trước được và cũng từ đó bản lĩnh của những người diễn viên được thể hiện rõ nét hơn.
Điển hình như một số phim gần đây của các nhà điện ảnh thế giới thực hiện. Ở trong lễ trao giải Oscar đầu năm 2009 bộ phim được vinh danh là Slumdog Millionaire của đạo diễn Danny Boyle với số tiền đầu tư chỉ 15 triệu USD, so với các phim bom tấn mà Hollywood đầu tư trước kia (từ 200-300 triệu USD) thì đó là số tiền quá nhỏ, thậm chí chưa bằng tiền để trả cho một diễn viên ngôi sao trong một bộ phim. Nhưng Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire) đã đạt doanh thu gấp 10 lần so với số tiền bỏ ra (159 triệu USD) tính tới thời điểm hết tháng 3-2009. Bộ phim lấy những cảnh quay khu phố chuột ở Mumbai, dàn diễn viên trẻ con người Ấn Độ, những kỹ xảo trong phim đơn giản, nhưng câu chuyện phim hấp dẫn và thu hút tầng lớp khán giả trung bình của xã hội. Dù sao trong Triệu phú ổ chuột vẫn tồn tại những góc quay phức tạp, những cảnh quay đông người, dù đó chỉ là cảnh đám đông quần chúng ở Mambai. Đến phim Dòng sông băng giá (Frozen River) được đề cử 2 giải Oscar về kịch bản gốc và diễn viên nữ chính, trong phim xuất hiện những cảnh quay cực kỳ đơn giản và diễn viên không phải ngôi sao với câu chuyện xảy ra tại vùng hẻo lánh sát biên giới Canada. Câu chuyện diễn ra trong một gia đình có một người mẹ với 2 đứa con người chồng đã bỏ đi, bà mẹ đang trong tình trạng khó khăn về kinh tế. Chính ngôi nhà họ đang ở là ngôi nhà thuê, được dựng lên trong một toa xe kéo, họ có nguy cơ không đủ tiền để trả, có thể công ty cho họ thuê sẽ thu hồi lại, nhưng chính trong lúc khó khăn này, người mẹ khát khao được thuê căn nhà xe kéo rộng hơn có 2 phòng ngủ… Bi kịch xảy ra khi người mẹ vô tình tham gia vào việc vận chuyển người vượt biên giới trái phép từ Canada vào Mỹ… Câu chuyện buồn nhưng nhiều tính nhân văn đã làm xúc động ban giám khảo.
Trường hợp điển hình của 2 bộ phim đoạt giải trên cho thấy Hollywood đã nghiêng về những bộ phim mà chi phí bỏ ra rất khiêm tốn cho phù hợp với sự suy thoái kinh tế có tính chất toàn cầu. Các hãng phim đã tinh giản guồng máy của mình để sao cho kinh phí làm phim chỉ trong phạm vi có thể chịu được.
Nếu như Mỹ là nước luôn luôn đi đầu trong việc đầu tư hoàng tráng cho một bộ phim mà họ cho rằng sẽ thu được lợi nhuận lớn thì các nước khác, đặc biệt các nước đang phát triển, luôn hạn chế kinh phí mỗi bộ phim không bao giờ quá 2 con số triệu đô la thậm chí có phim chỉ có mấy triệu đô.
Chúng ta thử nhìn vào điện ảnh các nước mang phim tới dự Oscar cho hạng mục phim nước ngoài hay nhất. Bản tuyển chọn đã đề cử 5 phim để tranh tượng vàng oscar cho phim nước ngoài hay nhất, đó là phim The Class (Pháp), Revanche (Áo), Departures (Nhật), Waltz with Bashir (Iran), The Baader Meinhof Complex (Đức). Cuối cùng tượng vàng được trao cho phim Departures của đạo diễn Yorijo Takita Nhật Bản.
Cả 5 phim được đề cử giành giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất đều chung một điểm; tiền đầu tư cho từng bộ phim ít so với thời hoàng kim của kinh tế thế giới.
Bộ phim Departures bắt đầu từ một câu chuyện không thể giản dị hơn. Đạo diễn Yorijo Takita đưa người xem đi sâu vào thế giới nội tâm của con người, những cảm xúc dồn nén rồi vỡ bùng ở cuối phim khiến người xem lặng đi trong sâu lắng rồi lại òa lên bằng những tràng pháo tay của khán giả khi bộ phim kết thúc. Một bộ phim giản dị với những cảnh làng quê Nhật Bản, với hoa anh đào nở, tuyết rơi, những con người bình dị nhưng sâu sắc như bà chủ ngôi nhà tắm công cộng, ông chủ công ty khâm niệm sống một mình trên căn gác với những chậu hoa, chén rượu để suy ngẫm về cuộc đời, ông già phụ trách lò thiêu xác đã nhìn ra ý nghĩa của sự sống và cái chết của đời người… Bộ phim được Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ trao tượng vàng Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Một lần nữa bộ phim tốn rất ít kinh phí lại tạo ra nhiều tiếng vang trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Trở lại với một trong năm đề cử vừa rồi, đó là bộ phim Waltz with Bashir của đạo diễn Ari Folman. Bộ phim vô cùng độc đáo cả về cách nhìn, cách thể hiện và dĩ nhiên là cả về số tiền đầu tư cũng rất khiêm tốn. Trước hết sự độc đáo đầu tiên là một bộ phim hoạt hình dài 1h32′ ghi lại cảm xúc của chính tác giả (Ari Folman) về cuộc chiến tranh tấn công vào Lebanon. Cái cảm xúc day dứt ấy lại tràn nhập tính nhân văn, nó làm xúc động hàng triệu con người trên trái đất khi mà cuộc chiến tranh ở Trung Đông nói riêng và ở khắp nơi trên thế giới vẫn đang tiếp diễn hoặc sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào. Đối với chúng ta, phim hoạt hình gần như đồng nghĩa với các câu chuyện ngụ ngôn, các câu chuyện thần tiên với các hoàng tử, công chúa… làm say đắm các cháu nhỏ và những người lớn mê chuyện thần tiên. Nhưng thực ra còn có một loại hoạt hình nữa dành cho người lớn và chỉ có người lớn mới hiểu hết những thông điệp tiềm ẩn bên trong các câu chuyện, ví dụ như phim Waltz with Bashir. Độc đáo thứ 2 của bộ phim này là các nhà tuyển chọn muốn xếp nó vào thể loại nào cũng được, nó đều giành giải cao như giải Quả cầu vàng 2008, đề cử phim truyện nước ngoài hay nhất 2009, và còn nhiều liên hoan phim quốc tế khác. Tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế nó còn được chọn là phim hoạt hình hay nhất… Độc đáo thứ 3 là phim làm về đề tài chiến tranh (đồng nghĩa với sự đầu tư tốn kém) nhưng bộ phim đã không mất tiền thuê các đạo cụ như máy bay, xe tăng, tàu chiến, súng đạn, không mất tiền cho kỹ xảo, cho khói lửa bom đạn… Tất cả chỉ là những hình vẽ nhưng rất cuốn hút người xem, đi sâu vào cái suy tưởng về chiến tranh của nhân vật chính và điều kỳ lạ là đạo diễn đã làm người xem quên đi đây là bộ phim hoạt hình không hơn không kém. Tất cả đều được các họa sĩ vẽ và dưới nét vẽ hiện lên cả một trận chiến với tất cả sự khốc liệt của chiến tranh.
Một trong những cường quốc điện ảnh của thế giới là nước Pháp. Vào lúc thế giới đang suy thoái, điện ảnh Pháp cũng tung ra hàng loạt phim có kinh phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả lại rất lớn như Lớp học (The Class) của đạo diễn Laurent Cantel, Đã từ lâu em yêu chị nhiều của đạo diễn Philippe, Chiếc áo lặn và con bướm của đạo diễn Julian Schnabel.
Ngoài ra, điện ảnh Nga và Trung Quốc cũng có những tác phẩm xuất sắc trong giai đoạn khủng hoảng này như Xe hơi loại sang, Một mình đi ngàn dặm của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Người tốt ở Tam Hiệp của đạo diễn Giả Chương Kha, Kortebel của 2 đạo diễn Boris Igorevich Khlebnikov và Protye Veshchi, Trở về của đạo diễn Andrei Jviaguitsev. Đặc biệt 2 bộ phim Người tốt ở Tam Hiệp và Trở về đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim quốc tế Venise.
Bộ phim Người tốt ở Tam Hiệp đưa người xem vào những cảnh đời rất thật, một sự thật trần trụi không tô vẽ: anh công nhân Hàn Sương Minh đi tìm vợ ở vùng đất Tam Hiệp nơi người ta sẽ xây một con đập lớn nhất thế giới để làm nhà máy thủy điện và cô y tá Thẩm Hồng đến đây để tìm chồng bây giờ đã đi theo một người đàn bà khác. Cứ thế 2 câu chuyện riêng biệt phát triển song song nhưng đã gặp nhau ở một điểm. Để đi tới hạnh phúc (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng) con người phải trải qua nhiều mất mát, hy sinh, tủi nhục và đau khổ…
Còn bộ phim Trở về lại đi theo mạch kể khác mang tính triết lý và ẩn dụ. Ba bố con trên đường để trở về một thành phố không rõ tên, một thành phố hiện trong phim cứ mờ mờ ảo ảo và mọi câu chuyện xảy ra giữa ba bố con cũng để cho người xem suy nghĩ theo nhiều hướng. Các nhà phê bình phim của thế giới xếp bộ phim này chịu ảnh hưởng của những đạo diễn bậc thầy Tarkovski (Nga), Bresson (Pháp) và Antonioni (Ý)… Đó là một tác phẩm thiên tài.
Nói tóm lại những bộ phim của thế giới được làm ra có những bộ phim đúng vào tâm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng có bộ phim lại rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính cục bộ, như cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Thái Lan xảy ra trước khủng hoảng toàn cầu. Nhưng đứng về mặt nghệ thuật, điện ảnh vẫn vững vàng hướng về phía trước, đạt được những thành tựu xuất sắc. Điều đó làm những nhà điện ảnh của những nước nghèo càng thêm tin vào nghệ thuật của nước mình, của dân tộc mình, miễn sao có những kịch bản hay, đi sâu vào đời sống, mô tả đời sống một cách chân thật đúng như những gì nó có một cách nghệ thuật. Chỉ có nghệ thuật đích thực mới vượt qua được những khó khăn về tiền bạc đang đè nặng trên vai những nhà làm phim. Việt Nam cũng nằm trong cuộc suy thoái kinh tế, trong giai đoạn khủng hoảng đầy dẫy những khó khăn, nhưng vẫn có nhiều bộ phim thành công rực rỡ như Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vĩnh Sơn, Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009
Tác giả : Lưu Nghiệp Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề:
SỰ HÒA NHẬP LỐI SỐNG ĐÔ THỊ CỦA DÂN NHẬP CƯ TẠI TP.HCM
Lý giải động từ tiếc trong ca dao việt nam
Quá trình bản địa hóa jataka trong truyện kể dân gian lào