Nhà thờ công giáo ở tây nguyên


 

Trong dòng nghệ thuật kiến trúc truyền thống Tây Nguyên, kiến trúc nhà thờ như một phát hiện với những nét khu biệt và độc đáo. Dẫu chịu ảnh hưởng của kiến trúc thường thấy ở các nhà thờ châu Âu do các giáo sĩ người nước ngoài du nhập từ những năm đầu TK XX, các nhà thờ Tây Nguyên vẫn giữ được những nét độc đáo riêng của mình. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, trang trí của nhà dài với kiến trúc, trang trí nhà thờ kiểu Gô tích, giữa kết cấu gỗ với kết cấu gạch đá. Cùng với kiến trúc nhà rông, nhà mồ và nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo, kiến trúc nhà thờ Tây Nguyên đã góp phần làm phong phú nghệ thuật kiến trúc Tây Nguyên và làm giàu thêm bản sắc kiến trúc truyền thống của đất nước Việt Nam.

Ngay từ giữa TK XIX, Công giáo đã đặt những bước chân đầu tiên của mình lên đất Tây Nguyên. Đến năm 1933, ba tỉnh Kontum, Pleiku và Đắc Lắc đã có một giáo phận riêng – giáo phận Kontum. Rồi đến năm 1967, từ giáo phận Kontum, tách ra một giáo phận mới là giáo phận Buôn Ma Thuột. Trong suốt hơn trăm năm qua, trên Tây Nguyên, đã mọc lên khá nhiều nhà thờ và trong số đó, nổi lên một số nhà thờ nổi tiếng và đáng được lưu ý. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu bốn nhà thờ lớn, tiêu biểu theo trình tự thời gian hình thành của các nhà thờ đó.

1. Nhà dòng nh Vy hay nhà th Tân Hương

Nhà dòng ảnh Vẩy nằm ở thị xã Kontum được xây dựng vào năm 1911 (do cha Joseph Decroulle chủ trì), về sau trở thành nhà thờ Tân Hương, là kiến trúc nhà thờ bằng gạch hiện còn vào loại xưa nhất ở giáo phận Kontum.

Hình dáng và kết cấu của nhà thờ là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Gô tích và kiến trúc truyền thống Tây Nguyên. Toàn bộ mặt tiền và ba tháp chuông hình chóp có kết cấu thành ba tầng với các hình tháp nhọn nhỏ ở trên cùng. Cửa ra vào và cửa sổ của các tòa tháp đều có hình vòm và trên các cửa có trang trí bằng đắp vữa hình hoa, cảnh thánh Giooc giết con rồng… đó là những yếu tố mang đậm sắc thái của nhà thờ Gô tích. Phía sau phần mặt tiền, là một gian nhà dài, có ba gian dọc đúng theo kiểu của nhà thờ, nhưng cấu trúc mái là khung gỗ, lợp ngói theo kiểu nhà hai mái truyền thống của Tây Nguyên. Nền nhà nằm trên hệ thống sàn giả bằng gạch xây. Phần hậu tẩm phía sau rộng đủ để làm bàn thờ, nhưng hình dáng bên ngoài lại là kết cấu mái ngói.

Do có sự kết hợp hài hòa giữa những thành tố kiến trúc nhà thờ của phương Tây với các yếu tố kiến trúc bản xứ, nên đã tạo cho nhà thờ Tân Hương một ấn tượng ấm cúng chứ không chế ngự.

2. Nhà th Kontum

Nhà thờ Kontum được xây dựng vào năm 1913, do Cha Joseph Deroville chủ trì. Cho đến nay, nhà thờ Kontum vẫn còn tồn tại như một trong những công trình kiến trúc nhà thờ xưa nhất và có giá trị nhất của cả giáo phận Kontum. Lúc đầu, nhà thờ có tên là nhà thờ Phú Nghĩa. Đến năm 1932, nhà thờ này trở thành nhà thờ trung tâm của địa hạt và, vì thế, có tên là nhà thờ Kontum, hay còn được gọi là nhà thờ gỗ Kontum, vì được làm bằng gỗ.

Đến năm 1996, sau hơn 80 năm tồn tại, nhà thờ gỗ Kontum được trùng tu. Ở lần trùng tu này, hai dãy hành lang hai bên được mở rộng thêm, còn lại toàn bộ cấu trúc được sửa lại như cũ. Lòng nhà thờ có hình thánh giá rộng 18m và cao 21m.

Nhà thờ gỗ Kontum có một kiến trúc đẹp vừa mang hình dáng của một nhà thờ kiểu Gô tích của Pháp, vừa có màu sắc ấm cúng của kiến trúc gỗ Tây Nguyên. Toàn bộ mặt tiền, tuy được làm bằng gỗ, nhưng vẫn mang đậm nét của nhà thờ phương Tây kiểu Gô tích. Cả công trình xây trên một nền đá cao với nhiều bậc và quay mặt ra một quảng trường rộng. Mặt tiền của nhà thờ là một kiến trúc tháp chuông hình chóp nhọn, thu nhỏ dần về phía đỉnh, để rồi kết thúc bằng cây thánh giá lớn, có ba cửa chính dẫn vào ba gian dọc của phòng niệm. Ba cửa vào đều có những hình trang trí hình cửa vòm, hình hoa tròn, hình tháp nhọn, hình Đức Chúa. Do được làm hoàn toàn bằng gỗ, nên hình dáng mặt tiền của nhà thờ có nhịp điệu bay bổng, thanh thoát và nhẹ nhàng, chứ không gây ấn tượng nặng nề hay choáng ngợp.

Phần phía sau mặt tiền của nhà thờ gỗ Kontum, hoàn toàn mang dáng dấp của kiến trúc nhà gỗ truyền thống Tây Nguyên với kiểu nhà có sàn với hai mái dài và dốc. Thế nhưng, cấu trúc bên trong của phần kiến trúc này vẫn được phân thành ba gian dọc theo truyền thống kiến trúc nhà thờ. Điều đặc biệt là, phần hậu tẩm được mở ra thành hai cánh khá dài có cấu trúc và bộ mái gồm cả hai mái dốc riêng. Ngoài ra, gian dọc giữa của nhà thờ còn được đẩy cao hẳn lên bằng một lớp mái thứ hai để tạo ra được hai bức tường kính phía trên hai bộ mái dốc bên dưới che cho hai gian dọc hai bên. Quanh nhà thờ là lối hành lang rộng, thoáng.

Tất cả những chi tiết hình dáng và cấu trúc trên đã tạo cho nhà thờ gỗ Kontum một nét đẹp có một không hai trên đất Tây Nguyên.

3. Tòa Giám mc Buôn Ma Thut

Công trình tòa Giám mục là một kiến trúc bằng gỗ được khởi công xây dựng vào năm 1952-1853 và do một nữ tu người Áo vốn là kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng tên là Boonifasy thiết kế và chủ trì xây dựng. Mục đích và chức năng ban đầu của tòa nhà là làm cơ sở cho các nữ tu dòng Benedictin. Công của đóng góp cho việc xây dựng là của cả người Kinh và người Thượng trong vùng. Đến năm 1955, khi sắp hoàn thành tòa nữ tu, thì các nữ tu người nước ngoài rút về Thủ Đức và tòa nhà được bán lại cho tòa giám mục Kontum thuộc giáo phận Kontum để làm nhà chung. Và, đến năm 1968, tòa nhà chung trở thành tòa Giám mục của giáo phận Buôn Ma Thuột.

Điều đặc biệt là, tòa Giám mục mang hình dáng và cấu trúc của ngôi nhà dài của người Ê đê trên Tây Nguyên. Tòa nhà có ba khối chính. Chính tòa là một kiến trúc kiểu nhà sàn chạy dọc ở chính giữa với một mặt hướng ra phía ngoài làm mặt tiền, còn mặt sau thì uốn cong như kiểu hậu tẩm của các nhà thờ. Tòa chính tòa là kiến trúc gỗ, có sàn, dài gần 40m và rộng chừng 10m. Cánh bên trái cũng là một nhà dài, nhưng nằm nghiêng và nối một đầu vào phần phía ngoài (phía mặt tiền) của chính tòa, dùng làm nơi ở, văn phòng… của các giám mục. Cánh bên phải tạo thành khối thứ ba, đối diện với tòa nhà cánh bên trái, nhưng lại thụt sâu vào phía trong, nối với phần giữa, nơi có bàn thờ của chính tòa, cũng được dùng làm các phòng ở của các linh mục.

Toàn bộ tòa Giám mục có hình dáng và kết cấu kiểu nhà sàn và liên kết chặt chẽ với nhau thành một tòa kiến trúc có bình đồ gần như hình chữ thập với chiều dài mặt tiền là 90m và chiều dài của chiều sâu là 35m. Cả ba khối kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim với bộ mái ngói vừa xòe rộng, vừa dốc và vừa dài rất gần với bộ mái của ngôi nhà dài của người Ê đê. Toàn bộ tòa kiến trúc nằm trong một khuôn viên rộng chừng 3 ha. Ngoài tòa nhà chính ra, trong khuôn viên, còn có những công trình kiến trúc phụ khác.

4. Nhà th Chính tòa Buôn Ma Thut

Công trình kiến trúc của nhà thờ nằm tại Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắc Lắc và là nhà thờ chính tòa của giáo phận Buôn Ma Thuột. Nhà thờ có một lịch sử khá dài so với lịch sử của xứ đạo Công giáo trên Tây Nguyên.

Tòa kiến trúc đầu tiên ở vị trí nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột hiện nay là tòa nhà thờ bằng tre lá được thay bằng một kiến trúc bằng gỗ. Mười năm sau, vào năm 1958, tòa nhà thờ bằng đá được xây dựng thay hẳn cho tòa nhà thờ gỗ và có chức năng là nhà thờ xứ.

Nếu so sánh với các nhà thờ khác ở giáo phận, nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột không chỉ có một lịch sử khá dài mà còn là một công trình kiến trúc nhà thờ có sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc và chức năng của nhà thờ với kiểu nhà dân gian của Tây Nguyên. Ở nhà thờ Chính tòa, gác chuông được tách ra một bên, còn tòa nguyện là kiểu nhà hai mái dài nằm ở một đầu hồi. Nội thất của nhà thờ vẫn có ba gian dọc và phần hậu tẩm. Chính phần hậu tẩm góp phần tạo cho nhà thờ một vẻ dáng gần gũi và thanh nhã. Hậu tẩm không thắt vào mà lại nở ra hai cánh. Hai cánh của hậu tẩm lại chính là một tòa nhà hai mái vắt ngang và gắn vào phần cuối của tòa nguyện. Hơn thế, gác chuông lại không lớn và càng không cao hơn tòa nhà nguyện là mấy.

5. Mt s nhà th tnh Lâm Đồng

Nhà th Chính tòa Đà Lt (phường 3, TP Đà Lạt)

Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt còn có tên là nhà thờ thánh Nicolas, từ tên của linh mục Nicolas Couvreur, người khởi xướng dưỡng viện cho các thừa sai đau yếu tại Đà Lạt và từ đó khởi điểm của giáo xứ này, hay nhà thờ con gà, vì trên đỉnh tháp nhà thờ có gắn hình một con gà trống bằng đồng dài 0,66m và cao 0,58m, dùng chỉ hướng gió. Nhà thờ được xây theo đồ án của linh mục Cesleste Nicolas, cha sở họ đạo lúc bấy giờ. Công việc xây dựng kéo dài 11 năm kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên (ngày 19-7-1931) tới ngày khánh thành (25-1-1942). Nhà thờ được làm theo kiểu kiến trúc Roman, có chiều dài là 65m và chiều rộng là 14m. Tháp chuông nhà thờ cao 47m. Bên trong nhà thờ được trang trí bằng 70 tấm kính màu được chế tạo tại xưởng Louis Balmet, thuộc tỉnh Grenoble của Pháp.

Các nhà th vùng có đông tín hu là người các dân tc

Giáo phận Đà Lạt có một số nhà thờ được xây dựng trong vùng có đông tín hữu người thuộc các dân tộc thiểu số. Đó là nhà thờ Cam Ly (TP Đà Lạt) do linh mục Boutary, người Pháp, và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ bắt đầu tổ chức xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành vào cuối năm đó. Đó là nhà thờ Madagui (thị trấn Madagui, Đahoai, Lâm Đồng), được khởi công ngày 15-6-2000 và hoàn thành ngày 1-7-2001. Đó là nhà thờ Klong và nhà thờ Langbiang (xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng).

Tuy được xây dựng vào những thời điểm khác mhau, nhưng các nhà thờ này có một số nét chung. Trước hết, các nhà thờ đều có mái dốc gợi lại hình ảnh ngôi nhà rông truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, các công trình kiến trúc nhà thờ kiểu này đều thường dùng các cách trang trí có thể gợi lại những hình ảnh quen thuộc đối với các tín hữu thuộc các dân tộc Tây Nguyên, như hình hổ và hình phượng hoàng ở hai bên cửa ra vào của nhà thờ Cam Ly, như hình tượng đầu trâu không thể thiếu được. Ngoài ra, các vật dụng thường ngày của đồng bào các dân tộc như vò rượu, cối giã gạo… cũng được dùng làm đồ trang trí trong các nhà thờ.

Mặc dù được xây dựng vào những thời điểm rất khác nhau, thậm chí còn cách xa nhau khá lớn về thời gian, nhưng các nhà thờ Công giáo trên Tây Nguyên vẫn mang một nét đặc trưng riêng. Đó là sự kết hợp giữa kiểu kiến trúc nhà thờ của phương Tây (chủ yếu là kiểu nhà thờ Gô tích) với những nét tiêu biểu của kiến trúc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, như kiểu cấu trúc của nhà dài, kiểu mái cao của nhà rông, kiểu nền sàn, kiểu mái hiên của nhà ở truyền thống… Nhờ có sự kết hợp này, mà, có thể nói, các nhà thờ Công giáo trên Tây Nguyên hợp thành một phong cách nhà thờ khá riêng – phong cách Tây Nguyên.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Ngô Văn Doanh – Đoàn Phương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *