Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp để chiến thắng đại dịch COVID-19


Như tin đã đưa, ngày 22-9, Bộ VHTTDL tổ chức Diễn đàn: “Tác động của đại dịch COVID-19 – Hành động quyết liệt của ngành VHTTDL”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn

 

Cùng dự còn có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Trịnh Thị Thủy, và Hoàng Đạo Cương.

Trong lời phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đánh giá và chỉ ra các khó khăn, vướng mắc, thách thức hiện nay đối với ngành VHTTDL trước những tác động của đại dịch COVID-19.

Từ đó, Bộ trưởng kêu gọi toàn ngành phải “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”; xác định rõ các nhiệm vụ then chốt; phát hiện tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của ngành; xây dựng chiến lược lâu dài. Phải phát triển, nâng tầm vị thế ngành VHTTDL bằng nguồn lực bên trong, lấy nguồn lực con người làm cơ bản.

Bộ trưởng nhấn mạnh mục đích của của diễn đàn này đó là bằng văn hóa, từ văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam, cùng Đảng, Nhà nước chiến thắng đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng điều hành diễn đàn

Sôi nổi  những thảo luận, đề xuất thiết thực

Tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ những giải pháp về đổi mới các hình thức truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh. Theo đó, trong gần 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, song, hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến. Cụ thể: các chiến dịch quảng bá thông qua trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội với bộ sản phẩm “Stay at home with Viet Nam”, chuyên mục “Why not Vietnam”… nhằm kết nối và lan tỏa Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, làm nổi bật thương hiệu “Vietnam – Timeless Charm”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: Tổng cục Du lịch làm gì với công cuộc chuyển đổi số trong ngành vốn được nhắc tới rất nhiều gần đây?

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Trùng Khánh báo cáo: vướng mắc lớn là kinh phí, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai một số dự án đề án chuyển đổi số du lịch, nhưng các dự án, đề án này “đều cần nguồn lực lớn về vật chất và con người”, đặc biệt là cần sự đầu tư quan tâm của Nhà nước nếu không rất khó kêu gọi xã hội hóa.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn phát biểu tại diễn đàn

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: Dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng sức sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ, với chuỗi các chương trình nghệ thuật ý nghĩa như “Những ngôi sao bất tử, “Những mùa thu lịch sử”, “Giai điệu Việt”… và chuỗi chương trình nghệ thuật online “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” được triển khai thực hiện trên các kênh sóng truyền hình và nền tảng công nghệ số, mạng xã hội. Trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tham mưu cho Bộ VHTTDL có hướng dẫn các đoàn nghệ thuật địa phương nhanh chóng có giải pháp thích ứng với tình hình mới, xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn trên các nền tảng xã hội, vừa thu hút công chúng, vừa có thể thu phí.

Với tham luận về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình dịch bệnh, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết trong gần hai năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh đã hạn chế sự tiếp cận của bảo tàng, di tích đối với khách tham quan, số lượng khách tham quan giảm sút nghiêm trọng. Nhưng đáng chú ý là giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản văn hóa được đồng loạt thực hiện tại các bảo tàng, di tích như Bảo tàng Hồ Chí Minh với các trưng bày “Người đi tìm hình của nước”; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chương trình tham quan thực tế ảo 3D…

Trả lời câu hỏi của Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết: một vấn đề mà các địa phương cần chú ý, khắc phục đối với các thiết chế bảo tàng là phải quan tâm đến xây dựng nội dung trưng bày trước khi xây dựng nhà bảo tàng. Lâu nay các địa phương thường làm quy trình ngược, tức là xây dựng công trình trước, rồi mới làm đến nội dung trưng bày. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bảo tàng vắng khách tham quan, thiếu hấp dẫn.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến phát biểu tại diễn đàn

Về Thể thao, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: Ngành Thể thao cũng đứng trước những thách thức nặng nề khi các hoạt động TDTT trong cả nước bị ngưng trệ, hàng loạt các sự kiện, giải đấu thể thao trong nước và quốc tế phải thay đổi kế hoạch, lùi thời gian tổ chức hoặc hủy hoàn toàn, hoạt động TDTT quần chúng gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch… Đứng trước tình hình đó, bên cạnh việc tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch trong lĩnh vực TDTT, Tổng cục TDTT đã  tăng cường công tác truyền thông về rèn luyện sức khỏe; xây dựng các mô hình, phương pháp tập luyện TDTT phù hợp cho nhân dân…

Vượt khó với quyết tâm cao

Phát biểu tổng kết diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành VHTTDL trong thời gian qua đã tích cực chuyển hướng hoạt động, mang đến những “liều vắc xin tinh thần”, góp phần cùng Nhà nước chống dịch COVID-19 cũng như làm tốt vai trò xây dựng chính sách về lĩnh vực quản lý.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận diễn đàn

Theo Bộ trưởng, toàn ngành đã nhận sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đồng thuận cao từ các ngành, các cấp; kế thừa được bài học kinh nghiệm quý từ Đại hội Đảng XIII. Nhờ đó đã giúp cho cán bộ VHTTDL nhận thức sâu hơn để toàn ngành có cách tiếp cận mới, nỗ lực, quyết tâm thực hiện với tinh thần chủ đạo là quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến.

Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, nhiều hoạt động “có dáng dấp của phong trào”, vẫn còn những địa phương, đơn vị thụ động, “giao thì làm, chưa giao thì đứng yên”.

Bộ trưởng trăn trở: Có những thời điểm ngành VHTTDL phải đối mặt với “4 không” đó là “Không tổ chức chương trình nghệ thuật – Không có các sự kiện thể thao lớn – Không có thị trường du lịch và khách du lịch quốc tế – Không có các hoạt động nghệ thuật ở cấp quy mô”.

Một khó khăn nữa đó là cơ sở vật chất để giúp việc chuyển hướng của ngành lại chưa đồng bộ. “Chúng ta rất muốn chuyển đổi số nhưng còn khó khăn về mặt con người, công nghệ, nguồn lực hiện nay còn phân bổ rải rác, nhỏ lẻ”- Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, trong khó khăn đó, toàn ngành đã cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực hơn. Theo đó, với quyết tâm cao, toàn ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho năm 2021 và 5 năm tới một cách chất lượng, khả thi, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, khi dịch bệnh bùng phát, ngành VHTTDL đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy, đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp con người Việt Nam. Nhìn lại những lúc khó khăn vừa qua, tinh thần lá lành đùm lá rách, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cả cộng đồng kết thành sức mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được lan tỏa mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung tham mưu xây dựng thể chế, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật Điện ảnh (sửa đổi) theo hướng Luật này vừa điều chỉnh lĩnh vực nghệ thuật nhưng vừa thể hiện rõ nét là ngành công nghiệp văn hóa; báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khi được Chính phủ phê duyệt; trình Chính phủ các Chiến lược về TDTT, Văn hóa đối ngoại…

Về Văn hóa, quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII; tập trung chuyển đổi số hóa bảo tàng, thư viện; bảo tồn các giá trị nghệ thuật độc đáo, vừa giao nhiệm vụ, vừa có cơ chế đặt hàng tháo gỡ khó khăn cho các nhà hát đồng thời xây dựng nhà hát online, nhà hát truyền hình.

Xác định văn hóa cơ sở là gốc, trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, lấy địa bàn dân cư làm nơi tác nghiệp của toàn ngành, phối hợp với các đoàn thể chính trị, người dân để xây dựng văn hóa gia đình, làng xã. Xác định doanh nghiệp là động lực để phát triển kinh tế, là trái tim của nền kinh tế, vì vậy, ngành Văn hóa cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là hướng đi đã nhận được sự đồng tình của nhiều ngành, nhiều đơn vị.

“Đây đều là những nhiệm vụ không hề đơn giản, khi làm phải có chiều sâu, phải có kế hoạch và phải nhận thức điểm mới, quan trọng” – Bộ trưởng nói.

Về Du lịch, sớm trình cấp có thẩm quyền Quy hoạch du lịch, cùng với các địa phương làm mới các sản phẩm du lịch, mỗi tỉnh, thành phải có ít nhất một sản phẩm du lịch độc đáo. Tập trung du lịch nội địa, tăng cường xúc tiến, quảng bá và chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế…

LINH GIANG – Ảnh: TUẤN MINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *