Xây dựng và phát huy nhân tố con người là nội dung xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước của Đảng ta. Qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng hoàn thiện lý luận về xây dựng và phát triển nguồn lực con người, coi con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển và là yếu tố cốt lõi trong sức mạnh của quốc gia. Tại Đại hội XIII, Đảng đã tiếp tục bổ sung, phát triển, khái quát những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội đất nước.
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm chăm lo xây dựng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để con người phát triển toàn diện. Kế thừa các thành tựu lý luận và thực tiễn đạt được trong xây dựng và phát triển con người, Đại hội XIII của Đảng đã nêu tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ, phương hướng chủ yếu về xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới, nhất là phát triển nguồn lực con người trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Điều này được biểu hiện trên các nội dung cụ thể là:
Thứ nhất, coi con người là trung tâm của sự phát triển và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện. Đảng ta chủ trương: “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (1). Đồng thời khẳng định: “mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân” (2); thực hiện: “phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển” (3); khẳng định vị trí, vai trò nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mỗi người dân. Do vậy, phải: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (4).
Để thực hiện chủ trương trên, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, cần: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc” (5); thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)” (6).
Thứ hai, thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách và coi trọng giáo dục, khoa học để con người có điều kiện phát triển toàn diện. Văn kiện của Đảng nêu rõ: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế – xã hội” (7). Thực hiện: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” (8). Đồng thời, cần: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân” (9).
Đảng ta chủ trương coi trọng giáo dục, đào tạo để phát triển con người đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đất nước. Theo đó, công tác giáo dục phải: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” (10).
Bên cạnh các chính sách kinh tế – xã hội, công tác giáo dục và đào tạo, Đại hội XIII của Đảng còn khẳng định vai trò của khoa học trong phát triển nguồn lực con người. Đảng chỉ rõ: “Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc” (11); thực hiện “Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người” (12).
Thứ ba, quan tâm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra phương hướng: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” (13). Theo đó, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp “Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng” (14).
Cùng với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Đại hội XIII của Đảng còn coi trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới với chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người” (15). Đồng thời định hướng: “ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (16).
Có thể thấy rằng, quan điểm Đại hội XIII của Đảng về con người và phát triển nguồn lực con người là hệ thống toàn diện và có tính cập nhật, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh mới của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là trước tác động ngày càng sâu, rộng của cuộc CMCN 4.0.
Đảng ta khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời phải là những con người có tri thức và đạo đức. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người một cách toàn diện cả thể lực lẫn trí lực. Nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo là đưa con người đạt đến những giá trị phù hợp với đặc điểm văn hóa và những yêu cầu mới đặt ra đối với con người Việt Nam để thực hiện quá trình đổi mới của nước ta, nhất là trong bối cảnh sự tác động ngày càng sâu, rộng của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức hiện nay.
Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển con người có ý nghĩa quan trọng, là yêu cầu tất yếu và cấp thiết ở các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện, nhất là xây dựng và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
________________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, 2021, tr.215-216, 216, 99, 34, 231, 232-233, 145, 47, 47- 48, 136, 63 – 64, 267, 177, 287, 231, 54.
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.
3. Viện nghiên cứu quyền con người, Bình luận và Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
Tác giả: TS, Luyện Thị Hồng Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng