Như Mác đã khẳng định: “Văn hóa của mỗi cá nhân được hình thành trong “quá trình phát triển hiện thực của họ dưới những điều kiện nhất định” (1). Còn văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ là một giá trị riêng của văn hóa nghệ thuật (VHNT) quân đội và là một bộ phận quan trọng của văn hóa được kết tinh, định hình, lưu giữ trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn với lịch sử dân tộc, đất nước.
Trong những năm tháng kháng chiến đã có biết bao chiến sĩ văn công của quân đội đã tay súng, tay đàn hành quân ra mặt trận biểu diễn phục vụ bộ đội, sát cánh với bộ đội chiến đấu với quân thù. Chính từ trong khói bom lửa đạn đó, các chiến sĩ văn công đã cùng với quân và dân cả nước viết lên những bản hùng ca hùng tráng. Đó cũng chính là những giá trị văn hóa cao đẹp, mà các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên hôm nay cần phải học tập và viết tiếp những “bài ca đi cùng năm tháng”. Thực tế cho thấy, đội ngũ này những năm qua đã luôn giữ vững định hướng trong lĩnh vực VHNT, góp phần xây dựng, “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và đang tiếp tục tỏa sáng giá trị văn hóa tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hiện nay, tình hình thế giới phức tạp, các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhất là trong lĩnh vực VHNT, nhằm phổ biến, nuôi dưỡng, thúc đẩy xu hướng lệch lạc, phản động trong đời sống chính trị, văn học, nghệ thuật của đất nước và quân đội. Việc xây dựng văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ cho đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên trong quân đội là đòi hỏi tất yếu, khách quan, góp phần hình thành những phẩm chất, năng lực hành xử, giá trị, biểu trưng văn hóa theo chuẩn mực “bộ đội Cụ Hồ” gắn với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội cách mạng trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, khái niệm và cấu trúc của văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ vẫn là một khái niệm mới cần được làm rõ cả về nội hàm và ngoại diên.
1. Quan niệm về văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ
Chiến sĩ – nghệ sĩ là hai cụm từ ghép lại với ý nghĩa họ vừa là người chiến sĩ, đồng thời vừa là nghệ sĩ trong quân đội. Theo Từ điển tiếng Việt: “Chiến sĩ” là người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; người chiến đấu cho một sự nghiệp, lý tưởng (2). Họ là những người luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Còn nghệ sĩ luôn gắn liền với khái niệm nghệ thuật, do đó họ có thể hiểu là “người giỏi nghề, lành nghề về một bộ môn nghệ thuật” (3). Nói cách khác, nghệ sĩ là người có khả năng sáng tạo, biểu diễn các loại hình nghệ thuật như: sáng tác, biểu diễn âm nhạc, thanh nhạc, múa, kịch, vẽ, đồ họa, chạm khắc, điện ảnh… và luôn chủ động tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tích cực nghiên cứu và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu VHNT với nước ngoài và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo ra những giá trị thẩm mỹ có sức lan tỏa, cảm hóa mạnh mẽ đối với cộng đồng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; tích cực sáng tạo các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đóng góp vào kho tàng văn học, nghệ thuật cách mạng; xứng đáng với niềm tin yêu của bộ đội và nhân dân cả nước.
Như vậy, chiến sĩ – nghệ sĩ có thể hiểu là sự kết tinh bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực và tri thức VHNT, quân sự của người chiến sĩ, đồng thời là một nghệ sĩ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là đội ngũ những nghệ sĩ hoạt động trong quân đội được biên chế ở Trường Đại học VHNT Quân đội, nhà hát, đoàn văn công… Đội ngũ cán bộ này có nhiệm vụ tham mưu, quản lý, chỉ đạo, giảng dạy, sáng tác, biểu diễn, chỉ huy, biên đạo, biên kịch, viết văn, đạo diễn… Họ là những người hoạt động trên mặt trận tư tưởng văn hóa của quân đội, sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị tư tưởng, tính chiến đấu, tình yêu quê hương, đất nước, thấm nhuần tinh thần nhân văn, phẩm chất cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ”. Những đóng góp của họ mang đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những tình cảm, tiếng nói nhân nghĩa, động viên, cổ vũ mọi người niềm tự hào về đất nước, cùng nhau hướng tới mục đích chung, xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Điều này cho thấy, cụm từ “chiến sĩ nghệ thuật” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ở trên cũng có thể hiểu là chiến sĩ – nghệ sĩ. Hay như trong thư gửi anh chị em họa sĩ năm 1951, Bác khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (4). Câu nói này của Bác đã khẳng định vai trò của nghệ thuật, vai trò của người nghệ sĩ là vô cùng lớn lao. Bác đã chỉ rõ vai trò, nghĩa vụ của người làm nghệ thuật là phải sáng tạo ra những giá trị văn hóa mang ý nghĩa thiết thực, có tác động tới quần chúng nhân dân.
Theo đó, có thể hiểu văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ vừa là cấu trúc của phông văn hóa nói chung, vừa có tính khu biệt so với các lĩnh vực văn hóa khác như: văn hóa khoa học, văn hóa pháp luật, văn hóa đạo đức, văn hóa thẩm mỹ… Đối với một tổ chức, đơn vị hoạt động về lĩnh vực VHNT trong quân đội, văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ khi được hình thành có vai trò như một cơ chế khẳng định mục tiêu của tổ chức, hướng dẫn, uốn nắn những hành vi ứng xử giữa các thành viên trong tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa thành viên với lãnh đạo, chỉ huy và với cộng đồng, xã hội. Nói cách khác, văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ là một giá trị đặc sắc riêng có của quân đội, nhưng không tách rời với văn hóa xã hội, được kết tinh, định hình, lưu giữ trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, gắn liền với lịch sử dân tộc, đất nước.
Từ những phân tích trên có thể hiểu văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ là sự kết hợp nhuần nhuyễn những chuẩn mực văn hóa quân sự, giá trị phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” với những yêu cầu về văn hóa và phong cách người nghệ sĩ hoạt động trên lĩnh vực VHNT của Đảng trong quân đội, được hình thành, phát triển và khẳng định thông qua thực tiễn sáng tạo, tổ chức hoạt động, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân.
2. Cấu trúc của văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ
Văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ có cấu trúc theo cả chiều sâu, diện rộng và là một thực thể của đời sống xã hội.
Theo chiều sâu, văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ được phân định ở các tầng: Tâm thức văn hóa, hoạt động văn hóa, giá trị văn hóa và phong hóa văn hóa. Theo diện rộng, văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ cần được tiếp cận trong mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng giữa VHNT với văn hóa quân sự.
Dưới góc độ một thực thể của đời sống xã hội, văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ tồn tại ở nhiều dạng thức và có thể cấu trúc bằng nhiều cách như: theo hình thái tồn tại, theo lĩnh vực, chủ thể sáng tạo, theo loại hình sinh hoạt xã hội, các dạng hoạt động, lĩnh vực hoạt động, theo đặc điểm địa lý, môi trường, phương thức sống, tín ngưỡng, tôn giáo…
Vang mãi khúc quân hành – Ảnh: Hà Hữu Nết
Thực tiễn cho thấy, lịch sử phát triển của đội ngũ những chiến sĩ – nghệ sĩ trong quân đội những năm qua, cùng với sự phong phú của các hoạt động thực tiễn đã tạo ra nhiều hệ chuẩn, nhiều loại hình và nhiều cấp độ của chuẩn mực khác nhau. Do đó, có thể thấy cấu trúc của văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ bao gồm các hệ chuẩn sau:
Thứ nhất, hệ phẩm chất văn hóa góp phần điều chỉnh và phát triển toàn diện các chủ thể văn hóa trong quân đội từ lòng sâu của các quan hệ nhân bản, từ giáo dục, đào tạo, rèn luyện về chuyên môn đến giao tiếp, ý thức học tập, rèn luyện và phẩm cách cá nhân, tạo ra diện mạo ổn định và các phong cách riêng. Nói rộng hơn, hệ phẩm chất văn hóa làm cân bằng và ổn định môi trường văn hóa của quân đội, liên kết những sáng tạo VHNT, các quan hệ nhân tính để làm động lực cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần của quân đội. Vì vậy, hệ phẩm chất văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ sẽ góp phần tìm ra mạch nguồn cho sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam một cách đúng hướng, lâu dài. Đây là những giá trị, chuẩn mực, phẩm chất văn hóa, khuôn mẫu đạo đức, những quy tắc ứng xử, chấp hành pháp luật, kỷ luật của người nghệ sĩ được rèn luyện, hình thành trong môi trường quân sự và được quân đội, xã hội thừa nhận, bao gồm: Văn hóa trí tuệ, văn hóa đạo đức, VHNT, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa chính trị, quân sự, văn hóa pháp luật… Hệ phẩm chất văn hóa này được hình thành và phát triển trong quá trình giáo dục, rèn luyện và định hướng chính trị, tư tưởng của quân đội cho các chủ thể nhằm thực hiện tốt chức năng đặc thù là xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại”. Nói cách khác, hệ phẩm chất văn hóa được hình thành trong mối tương quan với chủ thể xác định (cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên trong toàn quân) và luôn có sự lan tỏa, tiềm ẩn trong các quan hệ nhân tính, góp phần điều chỉnh và chuẩn hóa hành vi, thúc đẩy sự sáng tạo của các chủ thể gắn với đất nước, quân đội và nhân dân. Do vậy, hệ phẩm chất văn hóa có một giá trị to lớn, tạo nên sự phát triển lâu bền, toàn diện trong các quan hệ văn hóa, xây dựng quân nhân và tập thể quân nhân có văn hóa.
Thứ hai, hệ năng lực hành xử văn hóa là hệ chuẩn mực đánh giá năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực chuyên môn nghề nghiệp, năng lực ứng xử, giao tiếp… của mỗi cá nhân, tập thể quân nhân trong quân đội. Hệ năng lực hành xử văn hóa luôn nằm trong mối liên hệ biện chứng với môi trường văn hóa trong quân đội. Đó là môi trường chứa đựng các yếu tố sáng tạo VHNT, có khả năng thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa và hình thành nhân cách cho cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của quân đội trong hiện tại và tương lai. Hệ năng lực hành xử văn hóa chỉ phát huy hiệu quả khi các chủ thể ý thức được sự cần thiết và khả năng đáp ứng của các giá trị đó đối với những nhu cầu của họ, tức là các giá trị này được chuyển hóa vào bên trong tâm thức trở thành phẩm chất vốn có của mỗi cá nhân. Điều đó cho thấy, hệ năng lực hành xử văn hóa không phải tự nhiên có, mà phần lớn do giáo dục, học tập, rèn luyện. Do vậy, hệ năng lực hành xử văn hóa không chỉ chi phối hành vi bên ngoài, mà còn là tiêu chuẩn, thước đo cho các hoạt động xúc cảm, tư tưởng, ý thức thẩm mỹ của việc tự ý thức về cái đúng – sai, phải – trái, biết ơn – không biết ơn, nên làm và không nên làm… các chuẩn mực này đan kết và ràng buộc mọi hoạt động của các chủ thể trong quân đội.
Thứ ba, hệ giá trị văn hóa (sự cống hiến, hiệu quả đối với cộng đồng, đánh giá của cộng đồng; những tác động tích cực đến xây dựng con người, xây dựng đơn vị). Đây là hệ thống những quan hệ khách quan, được quy định bởi hiện thực lịch sử và những cái tốt, cái đẹp, cái đúng, cái hợp lý đã được thử thách trong thực tiễn hoạt động sáng tạo và truyền bá VHNT của các chủ thể trong quân đội. Hệ giá trị văn hóa luôn gắn bó mật thiết với cách cảm, cách nghĩ, quá trình hình thành và phát triển toàn diện của các cá nhân, sự phát triển và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Trung tâm điểm của hệ văn hóa là hệ thống giá trị. Hệ thống giá trị văn hóa thể hiện trên ba lĩnh vực lớn: giá trị do các chiến sĩ – nghệ sĩ được cả quân đội, xã hội tin tưởng và quý trọng; các giá trị của trình độ các quan hệ của các chủ thể văn hóa trong quân đội thể hiện thành năng lượng sống hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa quân nhân và tập thể quân nhân và tình đồng chí, đồng đội; các giá trị nhân cách mà mỗi cá nhân tự xác định theo những hệ chuẩn của kỷ luật quân đội và quân đội đòi hỏi sự trưởng thành của nhân cách chiến sĩ – nghệ sĩ.
Điều đó cho thấy, những giá trị văn hóa luôn luôn làm tăng trưởng cái tốt, cái đẹp, các năng lượng tự do, tự chủ, tự giác của các chủ thể trong quân đội với các quan hệ mang tính nhân văn vì nhân dân phục vụ của họ. Bản thân văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ bao giờ cũng định hình hệ thống giá trị với hạt nhân là những giá trị cốt lõi, tạo nên những đặc điểm, phong cách, định vị cách tư duy, định hướng cách ứng xử của những nghệ sĩ là chiến sĩ trong quân đội. Do đó, hệ giá trị văn hóa luôn thể hiện các giá trị, chuẩn mực văn hóa được sáng tạo ra từ thực tiễn của quá trình đào tạo, phát triển tài năng VHNT cho quân đội, đất nước được quân đội và xã hội thừa nhận. Các giá trị văn hóa này được các chủ thể của quân đội sáng tạo ra, đồng thời chính những giá trị đó lại điều chỉnh hành vi của họ khi tham gia vào quá trình phát triển, xây dựng văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ, góp phần kiến tạo ra những mẫu người cần có, cũng như tạo ra đặc trưng riêng – đó là văn hóa nghệ sĩ – chiến sĩ. Như vậy, hệ giá trị văn hóa sẽ góp phần hình thành ở các chủ thể nhân cách chiến sĩ – nghệ sĩ mong muốn sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và phát triển VHNT của quân đội, tạo ra những thế hệ chiến sĩ – nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, có nhân cách, yêu nghề, sẵn sàng mang tài năng và nhiệt huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quân đội về chính trị, vững mạnh toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ tư, hệ biểu trưng văn hóa có khả năng tác động lên đời sống tinh thần và gây ra xúc cảm cho cộng đồng và xã hội. Hơn nữa, hệ biểu trưng văn hóa còn giúp chúng ta vượt qua dáng vẻ bên ngoài để đi tìm ý nghĩa thiêng liêng bên trong. Hệ biểu trưng văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ bao gồm tập hợp các hệ thống biểu tượng, biểu trưng văn hóa như: khuôn mẫu văn hóa, chuẩn mực văn hóa, biểu tượng văn hóa, quy định văn hóa ứng xử của các chủ thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên trong quân đội, làm cho họ có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt. Mỗi cộng đồng, mỗi vùng văn hóa đều tạo riêng cho mình một biểu tượng, biểu trưng tiêu biểu. Do đó, hệ biểu trưng văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ luôn chứa những ý nghĩa của sự vật, hiện tượng, trở thành biểu trưng của thước đo nhân bản đối với những chiến sĩ – nghệ sĩ của quân đội thể hiện trình độ phát triển các năng lực giáo dục, đào tạo, năng lực sáng tạo ra các sản phẩm VHNT phục vụ bộ đội và nhân dân. Việc giải mã hệ biểu trưng văn hóa để thấy được kiểu lựa chọn khác nhau về văn hóa giữa cộng đồng văn hóa này với cộng đồng văn hóa khác. Mô hình lựa chọn đó sẽ tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng – dân tộc. Như vậy, hệ biểu trưng văn hóa được hình thành và tồn tại nhờ vào trí tuệ và sự sáng tạo ra hệ biểu trưng chiến sĩ – nghệ sĩ. Bản thân một sự vật, hiện tượng cụ thể nào đó vẫn chưa là văn hóa, nếu như chưa cho nó một ý nghĩa, một giá trị nào đó. Có lẽ, đó cũng là lý do để văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ được coi như một biểu hiện của văn hóa. Nhân cách và những sản phẩm văn hóa mà các chủ thể văn hóa trong quân đội sáng tạo, cống hiến là những giá trị vật chất, tinh thần đã được biểu tượng hóa trở thành những biểu trưng và đã được quân đội, xã hội ghi nhận; đồng thời, được xem như là bảng giá trị định hướng cho sự phát triển của quân đội trong tương lai. Điều đó cho thấy, hệ biểu trưng văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ chính là hệ thống các khuôn mẫu, chuẩn mực, biểu tượng văn hóa, hệ biểu trưng này sẽ quy định mọi hành vi ứng xử của các chủ thể trong quân đội và họa kiểu cho lối sống và nhân cách chiến sĩ – nghệ sĩ trong thời đại mới. Đây chính là cơ sở xác lập chuẩn mực văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ.
Kết luận
Luận bàn, làm rõ khái niệm và cấu trúc văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ nhằm giúp đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên trong quân đội với tư cách là chủ thể của nhận thức, chủ thể của hoạt động sáng tạo VHNT hiểu rõ hơn nội hàm của khái niệm, cũng như cấu trúc của văn hóa chiến sĩ – nghệ sĩ. Từ đó thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong thực tiễn phát triển VHNT và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong môi trường quân sự, xây dựng cho mình ý thức hình thành, phát triển hệ thống những chuẩn mực cao đẹp của người chiến sĩ – nghệ sĩ trong quân đội với những chuẩn mực cốt lõi: vững về chính trị, đẹp trong lối sống, giỏi về chuyên môn, hết lòng vì bộ đội và nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1. C.Mác, Luận cương về Phoiơbăc, C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1995, tr.19.
2, 3. Hoàng Phê – chủ biên, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 1997, tr.174, 703.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.368.
Tác giả: Phạm Văn Xây
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng