2. Sự phát triển lý luận của Đảng về hội nhập và giao lưu văn hóa
Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng ta vẫn luôn coi trọng việc xây dựng nền văn hóa dân tộc theo phương châm khoa học, dân tộc, đại chúng và giao lưu văn hóa với quốc tế (Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943). Tư tưởng xây dựng nền văn hóa Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng của Đảng ta được triển khai thực hiện ngay trong những năm hòa bình, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đặc biệt, trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước ta càng coi trọng chính sách giao lưu văn hóa quốc tế. Đảng ta chủ trương tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách có chọn lọc, phê phán. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại… Đông phương hay Tây phương có gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam” (16).
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của các giá trị văn hóa bên ngoài mà vẫn giữ được chủ quyền và bản sắc văn hóa dân tộc, làm đậm đà hơn cốt cách, tâm hồn dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, Đảng ta đã nhấn mạnh cần mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài để tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại. Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt, khẳng định: “Phát triển văn hóa dân tộc đi liền với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam. Ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, bảo vệ nền văn hóa dân tộc” (17). Đồng thời, Nghị quyết còn chỉ rõ: “Mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài dưới nhiều hình thức: giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa của dân tộc ta với thế giới, đưa vào nước ta những giá trị văn hóa của nhân dân các nước; mở rộng xuất nhập khẩu văn hóa phẩm; khuyến khích việc trao đổi với nước ngoài và các đoàn văn hóa, nghệ thuật… Có quy định nghiêm ngặt bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc, chống thâm nhập vào nước ta những tác phẩm xấu, độc hại” (18). Đây là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về mở rộng giao lưu văn hóa có tính chất bước ngoặt trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước.
Tiếp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, tại Đại hội VIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải mở rộng giao lưu quốc tế, nhưng nhấn mạnh hơn việc giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng viết: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm văn hóa Việt Nam” (19).
Đường lối đổi mới, mở cửa đã tạo điều kiện để văn hóa Việt Nam tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến với tất cả sự phong phú, đa dạng và tính phức tạp của văn hóa các dân tộc, các vùng, các châu lục. Trong bối cảnh đó, bảo đảm sự thống nhất biện chứng giữa yếu tố nội sinh (bản sắc dân tộc) và yếu tố ngoại sinh trong giao lưu văn hóa là điều kiện tiên quyết để văn hóa dân tộc tồn tại và phát triển. Trong đó, yếu tố nội sinh về văn hóa phải giữ vai trò quyết định. Bởi lẽ, nội lực của dân tộc càng mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc càng được giữ vững thì chúng ta càng có nhiều cơ hội và khả năng tiếp nhận, chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại, đồng thời có đủ bản lĩnh, trình độ để “đồng hóa” các yếu tố ngoại sinh trở thành chính văn hóa dân tộc, thành chất xúc tác cho sự phát triển hiện đại hơn nền văn hóa dân tộc.
Tiếp thu tinh thần này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh giao lưu văn hóa trong nước và giao lưu văn hóa quốc tế. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong hội nhập, giao lưu văn hóa là: “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác” (20). Như vậy, cả Nghị quyết Đại hội VIII và Nghị Trung ương 5 khóa VIII đều khẳng định, bảo vệ bản sắc văn hóa phải đi đôi với mở rộng giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ rõ hơn trong quá trình giao lưu, hội nhập phải tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, tức là chỉ kế thừa cái hay, cái tốt đẹp và phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam.
Kể từ sau khi thực hiện đường lối đổi mới và đặc biệt từ sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến nay, chúng ta đã chứng kiến quá trình giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế diễn ra hết sức mạnh mẽ. Nhân dân ta có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với những giá trị và thành tựu văn hóa nhân loại, bên cạnh đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp và độc đáo của nền văn hóa phong phú, đa dạng và đa dân tộc của Việt Nam với nhân dân thế giới. Thông qua những hoạt động giao lưu, tiếp xúc văn hóa làm cho nhân dân các nước càng thêm hiểu biết lẫn nhau, là cơ sở để thúc đẩy hợp tác, phát triển vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi dân tộc trên thế giới.
Ngày nay, giao lưu văn hóa trở thành một xu thế của mọi quốc gia, dân tộc nhằm vừa bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa kế thừa, tiếp thu và phát huy tinh hoa văn hóa của các dân tộc, quốc gia khác nhằm bảo đảm cho sự thăng hoa và phát triển bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Trong bối cảnh hiện đại, cùng với giao lưu về chính trị – an ninh và giao lưu kinh tế – thương mại, giao lưu văn hóa là một trong ba trụ cột cấu thành của tổng thể chính sách đối ngoại quốc gia.
Chính vì vậy, ở Đại hội X, Đảng ta mới chỉ đặt vấn đề: “Mở rộng giao lưu văn hóa, thông tin với thế giới” (21), đến Đại hội XI, Đảng ta đã bổ sung, phát triển và đưa vấn đề hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế thành một trong bốn nhiệm vụ phát triển văn hóa. Nghị quyết Đại hội XI khẳng định: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa” (22). Đồng thời, Nghị quyết còn chỉ rõ hơn nhiệm vụ hợp tác quốc tế về văn hóa không chỉ giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới mà còn phải tiếp thu kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước và giới thiệu các giá trị, sản phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã bổ sung, phát triển lý luận về văn hóa nói chung và vấn đề hội nhập quốc tế về văn hóa nói riêng. Nếu như các văn kiện, nghị quyết trước đây, kể cả Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta mới chỉ đưa ra quan điểm mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Đảng ta khẳng định phải chủ động hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Nghị quyết chỉ rõ: “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (23). Trong giao lưu văn hóa có sự hòa nhập và lựa chọn, tiếp thu và phát triển. Vì thế, Đảng ta khẳng định, trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa phải biết nâng những cái mạnh của hai mặt tương tác, để chúng hỗ trợ, tác động lẫn nhau, không triệt tiêu nhau, không làm mất đi những vẻ đẹp riêng. Nghị quyết khẳng định: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hóa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc” (24).
Trong bối cảnh mới, đi đôi với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm mở rộng hợp tác và giao lưu văn hóa quốc tế thông qua nhiều phương thức hợp tác đa dạng, phong phú nhằm giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới và tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và các công trình, tác phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của nhân loại, góp phần hình thành những giá trị văn hóa hóa mới, để làm giàu đẹp và phong phú nền văn hóa dân tộc.
Trong thời đại ngày nay, hội nhập đang trở thành một xu thế tất yếu khách quan. Dân tộc Việt Nam, hay bất cứ một dân tộc nào khác không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Vấn đề đặt ra là chúng ta hội nhập, giao lưu như thế nào. Với tư thế chủ động, tích cực hội nhập văn hóa, chúng ta có thể nhận thức đầy đủ hơn, có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình. Đồng thời trong quá trình đó, chúng ta sẽ thấy được những hạn chế của những truyền thống có khả năng cản trở sự tiến bộ để tìm cách khắc phục. Một khi đã nhận thức được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại, trên cơ sở bảo tồn bản sắc dân tộc, giữ lấy những gì là tinh hoa, loại bỏ dần các yếu tố lỗi thời, tăng cường giao lưu, học hỏi với bên ngoài, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được những thử thách, sẽ khơi dậy được vai trò động lực của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tinh thần và bản lĩnh của người Việt Nam, chúng ta sẽ “phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước và từng bước khẳng định vị thế, bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với những thành tựu to lớn trong tiến trình đổi mới toàn diện đất nước gần 35 năm qua, lý luận về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có bước phát triển mới.
Trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến đời sống văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, sự phát triển lý luận của Đảng về văn hóa nói chung, về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa nói riêng có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Những nội dung bổ sung và phát triển lý luận về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa của Đảng ta trong quá trình đổi mới là cơ sở khoa học quan trọng góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
________________
1. Nguyễn Huy Tưởng (Chủ biên), Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr.52.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.517, 519.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.111, 111.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.214.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.226.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.57, 57.
Tác giả: Phan Trọng Hào
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng