Xây dựng văn hóa ứng xử cho cán bộ, công chức


Một chính trị gia người Pháp đã nói: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên đi tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”. Điều đó có nghĩa là văn hóa sẽ có thể thiếu ngay cả đối với những người đã được học nhiều, trình độ cao; và với những người có trình độ không cao, không bằng cấp nhưng họ vẫn có văn hóa. Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều luồng văn hóa đã du nhập vào nước ta bằng những con đường, hình thức khác nhau, đe dọa lấn át nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều đó đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cho việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức hiện nay, để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Đã từ bao đời nay, văn hóa luôn hiện hữu, có mặt trong đời sống của mỗi chúng ta, trở thành những sợi dây gắn kết giữa con người với quá khứ, hiện tại và tương lai, được trao truyền từ đời này, sang đời khác như những chỉ dẫn quý báu để con người không quên, không đánh mất nguồn cội của mình. Nhờ có văn hóa mà dân tộc ta đã đánh thắng những cường quốc lớn trên thế giới, nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Văn hóa còn thì dân tộc còn, mất văn hóa là mất tất cả. Văn hóa đã thấm sâu vào trong tiềm thức của con người, trở thành biểu tượng cao đẹp của khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông đất nước, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà ông cha đã tạo dựng, vun đắp. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (1). Văn hóa luôn có mặt mọi lúc, mọi nơi, chiếu sáng vào mỗi suy nghĩ, hành động của con người trong giai đoạn hiện nay. Nhiều nhà khoa học đang hy vọng TK XXI sẽ là thế kỷ phục hưng văn hóa mà trung tâm là phục hưng bản chất người, đưa con người trở về đúng quỹ đạo của mình. Xã hội văn minh phải là xã hội có sự hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa con người với thiên nhiên, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa bộ phận với toàn thể… trong một môi trường bình đẳng, tôn trọng, hữu nghị và hợp tác. Có thể nói, văn hóa là sự hóa thân, sự thăng hoa của đời sống, “nó thấm vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người”, “nó xuyên suốt cơ thể xã hội”. Văn hóa là biểu hiện của “trình độ người”, trình độ xã hội, trình độ văn minh, văn hiến của quốc gia, dân tộc.

Hiện nay, trước sự vận động đổi thay hằng ngày, hằng giờ của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đã có nhiều thông tin, sự kiện diễn ra theo các chiều hướng khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống của nhân dân ta, trong đó có cả đội ngũ cán bộ, công chức. Đó là sự du nhập của văn hóa nước ngoài làm thay đổi, biến dạng văn hóa truyền thống; đó là quan hệ trao đổi, mua bán bằng cấp, địa vị, thậm chí có người còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; có cán bộ, công chức dường như đánh mất địa vị, vai trò của mình trong xã hội, hành xử thiếu văn hóa… Thực tế những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ, công chức đang bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ là “công bộc” của dân mà Đảng ta đã, đang và sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng. Mở cửa, hội nhập là để chúng ta tăng thêm sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển, chứ không phải làm héo úa, tàn lụi văn hóa dân tộc, méo mó, dị dạng về nhân cách. Mahatma Gandhi – vĩ nhân của dân tộc Ấn Độ đã nói: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”. Có được bản lĩnh để không bị “ngọn gió nào cuốn đi” trong giai đoạn hiện nay là một thách thức lớn, nhưng còn có một thách thức khác nữa là sự méo mó, biến dạng của đạo đức, lối sống. Để xây dựng văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, cần làm tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử.

Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức không phải là cái gì đó quá cao siêu, xa vời mà là những suy nghĩ, hành động rất thiết thực, cụ thể gần gũi với cuộc sống đời thường hằng ngày. Đó là sống có tình thương, trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong và ngoài cơ quan, không lăng mạ, miệt thị người khác, tôn trọng và luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của những người xung quanh, không tự kiêu, tự mãn, xem thường đồng chí, đồng đội, nhất là đối với nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc rằng: mình là người làm công ăn lương, nhân dân là đối tượng phục vụ chủ yếu, là lực lượng đông đảo nhất trong việc giải quyết những chế độ, chính sách. Vì thế, trong công việc, cũng như trong cuộc sống, cán bộ, công chức luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không vì những bức xúc, khó khăn, bất đồng trong xử lý mà nảy sinh mâu thuẫn, không kiềm chế được bản thân để rồi đánh mất mình, có lời nói trái với quy tắc chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bất bình, phẫn nộ trong xã hội. Theo đó, mỗi cơ quan hành chính nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những quy tắc văn hóa ứng xử do Chính phủ ban hành tại Quyết định 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018 về việc phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; tổ chức phát động phong trào thi đua về văn hóa ứng xử trong cán bộ, công chức thông qua hòm thư góp ý của nhân dân, chất lượng công việc được giao, đánh giá của cấp trên, đồng nghiệp. Những hoạt động thi đua cần đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ, công chức cần đạt được những mục tiêu gì, nếu không đạt được thì sẽ như thế nào, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi, hào hứng trong đội ngũ cán bộ, công chức không có sự ganh đua, kèn cựa, đố kỵ lẫn nhau để đạt được mục tiêu của mình.

 

Văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức được thể hiện qua những công việc cụ thể hằng ngày – Ảnh: Lê Nguyên

 

Hai là, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức làm trái với quy tắc văn hóa ứng xử do Chính phủ ban hành.

Trong thời gian qua, chúng ta đã làm tốt việc xử lý cán bộ, công chức có biểu hiện đi ngược lại với văn hóa truyền thống dân tộc theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có những hành vi, sự việc, tình huống không chỉ bị xử lý về mặt hành chính mà còn cả về mặt hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của những hành vi đó để có những xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng người, đúng việc. Cần nghiêm khắc đối với những cán bộ, công chức, những người kiêu ngạo, coi thường pháp luật, cậy mình có chức vụ, địa vị trong xã hội, quen biết, có tiền, thích làm gì thì làm, thích nói gì cũng được. Tùy môi trường, điều kiện công tác mà cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra những hình thức kỷ luật, xử lý đúng đắn nhất, mang tính răn đe đối với những người khác, sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân. Việc xử lý đối với cán bộ, công chức làm trái với quy tắc văn hóa ứng xử cần khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, không được lồng ghép ý kiến cá nhân ở trong đó, không vì động cơ riêng, vì những mối quan hệ mà xử nhẹ, hoặc ỉm đi.

Ba là, tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm đối với việc thực hiện văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức.

Việc đánh giá, rút kinh nghiệm được tổ chức định kỳ theo quý, theo năm, diễn ra trên các mặt công tác, hoạt động của cán bộ, công chức, làm cho họ nhận thức rõ bản thân đã hình thành được văn hóa ứng xử chưa, đã thực hiện được ở những nội dung nào. Làm tốt việc này sẽ tạo tính nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc của mỗi cán bộ, công chức, xây dựng tinh thần, thái độ trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, không có biểu hiện lơ là, làm việc qua loa, đại khái, luôn ý thức được mức độ ảnh hưởng của mình đến tiến trình công việc. Nội dung đánh giá, rút kinh nghiệm cần mang tính khách quan, dân chủ, công khai, thẳng thắn chỉ ra những ưu, khuyết điểm; tuyệt nhiên, không được lợi dụng hội nghị để phê phán, chỉ trích, miệt thị. Vấn đề đặt ra là cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc duy trì, điều hành hội nghị, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, để mỗi cán bộ, công chức nhận thấy cả tập thể cơ quan, đơn vị là khối thống nhất về ý chí và hành động. Chú trọng đến việc động viên, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến đúng người, đúng việc với những cán bộ, công chức, viên chức có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công việc, tích cực, rèn luyện bản thân, được mọi người thừa nhận, đánh giá cao, có những tham mưu, đề xuất hay, sáng tạo trong việc bồi dưỡng văn hóa công sở để tự hoàn thiện mình, đáp ứng tốt với nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp, nhân dân.

Bốn là, đề cao tinh thần tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa ứng xử để từng bước hoàn thiện mình, nâng cao năng lực công tác.

Văn hóa công sở của mỗi cán bộ, công chức cần được chính họ thực hiện thông qua những công việc cụ thể hằng ngày, chứ không phải là sự gượng ép, bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Tinh thần tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa ứng xử cần được kế thừa, tiếp thu ở những môi trường, điều kiện khác nhau, không chỉ bó hẹp trong phạm vi không gian, thời gian nhất định, cần có sự mở rộng, lan tỏa văn hóa ứng xử đến các đối tượng, ngành nghề khác nhau. Mỗi cán bộ, công chức cần xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự học hỏi văn hóa ứng xử phù hợp với bản thân, với công việc đảm nhiệm, dự kiến những tình huống, sự việc xảy ra trong quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đối chiếu với nội dung, chương trình đã xác định xem mức độ thực hiện đến đâu, để từng bước bổ sung, điều chỉnh, đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình tự bồi dưỡng, tự học hỏi.

Bác Hồ đã nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Thực hiện tốt văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức hiện nay là góp phần đưa tư tưởng của Bác về xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận nhất trí về tư tưởng và hành động cách mạng giữa ý Đảng và lòng dân. Mỗi hành động, việc làm của cán bộ, công chức dù lớn hay nhỏ đều được nhân dân biết rõ thông qua những kênh khác nhau. Vì vậy, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức hiện nay là sợi dây gắn kết giữa Đảng với nhân dân ngày càng gần gũi, gắn bó máu thịt hơn.

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tậpTập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.368.

 

Tác giả: Nguyễn Danh Phương – Ngô Văn Sỹ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *