Góp phần tìm hiểu quan điểm của V.I.Lênin về văn học nghệ thuật


Là một người chiến sĩ hành động, khi nghiên
cứu lý luận cách mạng để cải tạo thế giới,
V.I.Lênin rất quan tâm đến lĩnh vực văn học nghệ
thuật, coi đây là hoạt động tinh thần, gắn chặt
với phương diện hiện thực của đời sống xã hội.
Các ý kiến chỉ đạo của ông về văn học nghệ
thuật hợp thành một hệ thống lý luận văn nghệ
cách mạng phong phú. Trong bối cảnh toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, tìm hiểu quan
điểm của V.I.Lênin về văn học nghệ thuật có ý
nghĩa hết sức to lớn, là cơ sở để tiếp tục nhận
thức đúng đắn và thực hiện thắng lợi nghị quyết
của Đảng ta về tiếp tục xây dựng và phát triển
văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Mặc dù không phải là nghệ sĩ hay người nghiên cứu về văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng V.I.Lênin luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong nghiên cứu về văn học nghệ thuật. Bởi theo ông, văn học nghệ thuật trước hết và trên hết là để hoàn thiện lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa, để phục vụ cho sự nghiệp chính trị của giai cấp vô sản. Chính vì vậy, những quan điểm của V.I.Lênin về lý luận văn nghệ không đi sâu giải quyết toàn bộ những vấn đề lý luận văn học nghệ thuật như: phương pháp sáng tác, trào lưu sáng tác, giá trị tác phẩm, kết cấu tác phẩm, nhân vật… mà đóng góp lớn nhất của ông trên lĩnh vực này là đã đặt ra và giải quyết những vấn đề có tính phương pháp luận, có tính nguyên tắc. Hệ thống những luận điểm đó, được thể hiện trên ba vấn đề cơ bản:

Một là, V.I.Lênin đã có những đóng góp quan trọng trong bổ sung, phát triển nhận thức luận mác xít và những vấn đề đặc trưng trong sáng tác văn nghệ

Đi sâu vào lý luận nhận thức, V.I.Lênin đã nêu lên một cách hoàn chỉnh, sâu sắc lý luận về phản ánh. Phán ảnh luận của V.I.Lênin đã chỉ ra cơ sở của mọi hoạt động nhận thức đều là phản ánh thế giới khách quan. Vật chất tồn tại khách quan là cái có trước không phụ thuộc vào ý thức của con người. Cái được phản ánh tồn tại không phụ thuộc vào cái phản ánh. Phản ánh luận của V.I.Lênin đã xác định cho văn nghệ trách nhiệm và phản ánh hiện thực xã hội theo quan điểm cách mạng, phê phán các khuynh hướng nghệ thuật thoát ly, tiêu cực. Những luận điểm của V.I.Lênin đã chỉ rõ quá trình nhận thức biện chứng của tư duy nghệ thuật, từ hiện thực đời sống đến phần tưởng tượng, từ trực quan sinh động đến khái quát hóa, từ nội dung tư tưởng đến hình thái biểu hiện. Vai trò năng động, chủ động của chủ thể sáng tạo trong hoạt động tinh thần phong phú này và hiện thực của đời sống, ngọn nguồn của mọi hoạt động nhận thức, đã được lý giải đúng đắn.

Hai là, V.I.Lênin đã có những đóng góp quan trọng về lý luận tính đảng trong hoàn cảnh mới của lịch sử

Với V.I. Lênin, tính đảng không phải là một nguyên lý trừu tượng mà gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đến trình độ cao. Lý luận về tính đảng được V.I.Lênin khẳng định trên cơ sở xác định rõ ý thức về giai cấp của mỗi cá nhân trong xã hội và của các tập đoàn xã hội trong quá trình phát triển lịch sử. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Không có một người nào đang sống mà lại có thể không đứng về phía giai cấp này hay giai cấp nọ (một khi họ đã hiểu được những quan hệ giữa các giai cấp đó); lại có thể không vui sướng trước thắng lợi của giai cấp ấy, đau buồn trước những sự thất bại của nó, tức giận đối với kẻ thù của nó, đối với những kẻ truyền bá những quan điểm lạc hậu để làm trở ngại sự phát triển của nó” (1). Nguyên tắc tính đảng của V.I.Lênin tuy trực tiếp quan hệ đến nhiệm vụ đấu tranh chính trị, song cũng được mở rộng ra nhiều bình diện, từ triết học đến các khoa học kinh tế và văn học nghệ thuật.

Nguyên tắc tính đảng trong sáng tác văn học nghệ thuật, trước tiên được đặt ra như trách nhiệm có tính nguyên tắc đối với nhà văn trong việc phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Rồi những vấn đề quan hệ giữa tính đảng và tính khách quan lịch sử, tính đảng và tự do sáng tác, tính đảng và phong cách sáng tạo của cá nhân đều được V.I. Lênin đề cập và giải quyết một cách thỏa đáng. Những ý kiến của V.I.Lênin về tính đảng trong văn học được triển khai trong tình hình Đảng đã có một đội ngũ những nhà văn cách mạng giác ngộ sâu sắc ý thức giai cấp và một công chúng văn học đông đảo, nhạy cảm về chính trị và có thị hiếu lành mạnh. Có thể nói, nguyên tắc tính đảng trong văn học của Lênin đã trở thành nền móng lý luận của văn học cách mạng của giai cấp vô sản và là linh hồn của tác phẩm văn học cách mạng.

Ba là, V.I.Lênin đã có những chỉ dẫn quan trọng trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới nói chung và nền văn học nghệ thuật mới nói riêng

 Chính V.I.Lênin là người đã giải đáp hàng loạt các câu hỏi mà thời đại mới đã đặt ra đối với nền văn học cách mạng, thái độ của giai cấp vô sản đối với toàn bộ di sản văn hóa trong quá khứ như thế nào, đặc biệt là đối với nền văn học cổ điển Nga. Nền văn học cách mạng trẻ tuổi được xây dựng trên những nguyên tắc lý luận và cơ sở thực tế nào.

Ông đã có những đóng góp mẫu mực trên những luận điểm có tính chất cương lĩnh về việc xây dựng nền văn học mới và việc tiếp thu di sản văn học cổ điển. Luận điểm của V.I.Lênin về hai dòng văn hóa trong một nền văn hóa dân tộc (dòng văn hóa chính thống của giai cấp thống trị và những yếu tố của nền văn hóa dân chủ và xã hội chủ nghĩa – sản phẩm của hệ tư tưởng của quần chúng lao động) là cơ sở lý luận để tiếp thu những giá trị tinh thần của văn hóa cũ. Những nhân tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa càng được nhân lên trong những thời kỳ lịch sử có phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng. Nó có khả năng tác động và chi phối đến bộ mặt văn học trong cả một thời kỳ lịch sử. Giá trị nhân đạo và sức mạnh phê phán của nền văn học cổ điển Nga cũng được xác định trong bối cảnh có phong trào đấu tranh vô cùng mạnh mẽ của nhân dân.

Với một quan điểm cách mạng và quan điểm lịch sử sâu sắc, V.I.Lênin đã đánh giá những đóng góp lớn lao của các nhà tư tưởng và các nhà văn Nga chủ yếu từ phong trào giải phóng ở thời kỳ quý tộc và thời kỳ trí thức bình dân cho đến các nhà văn hiện thực xuất sắc của nước Nga ở cuối TK XIX. Chính vì thế, V.I.Lênin đã tin tưởng giao phó trách nhiệm nặng nề và vinh quang là xây dựng nền văn học cách mạng cho đội ngũ các nhà văn cách mạng. V.I.Lênin hiểu rõ bản chất của cách mạng, những mặt mạnh và hạn chế của người nghệ sĩ. Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải gắn bó với thực tiễn vĩ đại của đất nước đang chuyển mình, với quần chúng nhân dân đang làm nên những kỳ tích trong xây dựng và cũng rất khao khát một nền văn hóa mới. Văn nghệ sĩ không được lạc hậu mà phải đi trước cuộc sống một bước.

Như vậy, V.I.Lênin đã phát triển lý luận về văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng của C.Mác và Ph.Ăngghen lên một tầm cao mới, gắn chặt với sự nghiệp cách mạng vô sản. Trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay, việc xác định rõ những đóng góp về mặt lý luận của V.I.Lênin đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật là hết sức cần thiết. Nó góp phần định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật, đồng thời cũng là cơ sở để chúng ta thấy được những vấn đề thời đại mới, điều kiện lịch sử mới đặt ra cần phải tiếp tục bổ sung, giải quyết thấu đáo lĩnh vực vốn rất tinh tế và phức tạp này.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin nói chung, về lý luận văn nghệ nói riêng cũng đang tồn tại một thực tế là có lúc sa vào tầm chương trích cú mà xao lãng việc quan trọng là học tập tinh thần, vận dụng sáng tạo nó trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, họ cho rằng, quan điểm của V.I.Lênin chỉ quan tâm đến vật chất, đến kinh tế mà không quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật hiện nay, lý luận của V.I.Lênin cũng bị công kích, đặc biệt là nguyên tắc tính đảng.

Có một số người phủ nhận nguyên tắc tính đảng của văn học nghệ thuật. Họ lên tiếng đòi đối lập văn nghệ với chính trị và lý luận rằng tính đảng trong văn nghệ tỷ lệ nghịch với giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tính đảng gò bó sáng tạo, bóp chết tài năng văn nghệ sĩ, văn nghệ sẽ mất tự do và khô cạn sức sống. Nguyên tắc tính đảng đã biến các nhà văn thành “cái đinh ốc và bánh xe nhỏ” trong bộ máy của Đảng, đã tầm thường hóa hoạt động sáng tác văn học. Tuy vậy, nếu nghiên cứu kỹ những luận điểm của V.I.Lênin về nguyên tắc tính đảng trong văn nghệ thì có thể đối thoại và phủ định một cách khoa học biện chứng quan điểm đó.

Nguyên tắc tính đảng được đề cập đến như một nguyên tắc, một trách nhiệm với những nhà văn của Đảng, như một lời kêu gọi và thức tỉnh đối với những nhà văn gần gũi với giai cấp công nhân, như một lời phê phán và cảnh báo với các nhà văn phi đảng. Nguyên tắc hàng đầu của tính đảng trong văn học được xác lập trên quan hệ giữa chính trị và văn học. Quan hệ với chính trị ở đây là quan hệ với đường lối và tổ chức chính trị của Đảng vô sản. Văn học là một bộ phận trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp vô sản chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng vô sản: “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy dân chủ – xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thông nhất, của Đảng dân chủ – xã hội” (2).

V.I.Lênin đã đề ra nguyên tắc cứng rắn, rất công khai và triệt để về mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị – “chiếc đinh ốc và bánh xe nhỏ” trong bộ máy. Văn học là bộ phận chiếm vị trí khiêm tốn trong sự nghiệp cách mạng nhưng không thể thiếu và vô cùng quan trọng. Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp văn học, nhưng V.I.Lênin không bình quân hóa đặc trưng của văn học với các hình thái ý thức xã hội khác. V.I.Lênin chỉ ra rằng: “Đương nhiên, sự nghiệp văn học ít thích hợp nhất đối với một sự cào bằng máy móc, đối với sự san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Đương nhiên, trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung” (3).

V.I.Lênin đã lưu ý đến văn học với tính cách là một hình thái ý thức đặc thù. Người nhắc nhở trong lãnh đạo văn nghệ cần tránh khuynh hướng giản đơn hóa và can thiệp vào nội dung sáng tác. Sáng tác văn học là một hoạt động mang nhiều tính sáng tạo phong phú do sự quyết định của thế giới quan, của vốn sống, của tài năng nghệ thuật. Hoạt động sáng tác lại không phải đơn thuần thuộc lĩnh vực lý trí mà là một hoạt động tình cảm do sự rung động sâu xa của tâm hồn và trái tim, nên trong công tác văn học cần phải đánh giá và trân trọng đúng mức phần sáng tạo chủ quan, không thể lấy mệnh lệnh hành chính, áp dụng máy móc rập khuôn như một số hoạt động khác.

Trở lại nguyên tắc tính đảng được đề cập trong tác phẩm Tổ chức của Đảng và văn học Đảng, chúng ta thấy V.I.Lênin đã dự đoán được đầy đủ những thuận lợi và khó khăn, những biểu hiện phong phú và phức tạp trong công tác văn học và lãnh đạo văn học. Tuy nhiên, để tránh những nhầm lẫn, những sự ngộ nhận và xuyên tạc có thể xảy ra, V.I.Lênin lại khẳng định một lần nữa những nguyên tắc cơ bản về tính đảng: “Tất cả những điều đó là hiển nhiên và chỉ chứng tỏ rằng: bộ phận văn học trong sự nghiệp đảng của giai cấp vô sản không thể cùng với những bộ phận khác trong sự nghiệp đảng của giai cấp vô sản rập khuôn như nhau. Tất cả những điều đó không mảy may bác bỏ cái nguyên lý mà giai cấp tư sản và phái dân chủ tư sản cho là lạ lùng, kỳ quái: sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của Đảng dân chủ – xã hội gắn liền chặt chẽ với các bộ phận khác” (4).

Như vậy, theo quan điểm của V.I.Lênin, tính đảng không hề mâu thuẫn với giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Trái lại, nó tạo điều kiện để người nghệ sĩ phát huy hết tiềm năng nghệ thuật của mình. Bởi vì, nguyên tắc tính đảng không phải là “vòng kim cô” trói buộc nội dung, chủ đề của các tác phẩm nghệ thuật mà tính đảng được nhấn mạnh vào mặt tổ chức và đường lối. Mục tiêu văn nghệ theo quan điểm của V.I.Lênin là giải phóng con người, giải phóng người nghệ sĩ, đảm bảo quyền tự do sáng tác, “bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung”. Tự do là nhận thức được tất yếu, nhận thức được quy luật, để có thể thực hiện được thuận lợi và những dự kiến, kế hoạch của mình. Trong đời sống xã hội, hoạt động thực tiễn của con người chỉ có tự do thực sự khi nhận thức được những quy luật phát triển của xã hội, gạt bỏ được những ngẫu nhiên, những trở ngại, làm chủ được mọi hoạt động của mình và thực hiện được những dự kiến sáng tạo. Một xã hội đảm bảo được quyền tự do là một xã hội bình đẳng, không có tình trạng người áp bức người, có đời sống văn minh và khoa học phát triển cao, con người làm chủ và chế ngự được thiên nhiên.

Có thể thấy rằng, những quan điểm của V.I.Lênin về văn học nghệ thuật cụ thể, phong phú và sâu sắc, nhất là vấn đề tính chính trị, tính đảng hàm chứa trong đó. Nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng, quan điểm của Người về văn học nghệ thuật là cơ sở khoa học khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta, coi văn học nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.

________________

1. V.I.Lênin toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.685.

2, 3, 4. V.I.Lênin toàn tập, Sđd, tập 12, tr.123, 124, 124.

Tác giả: Nguyễn Lộc Đức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *